| Hotline: 0983.970.780

Giải quyết bài toán rải vụ cho cây ăn quả phía Bắc

Thứ Sáu 21/12/2018 , 13:50 (GMT+7)

Bùng nổ về diện tích, song thời vụ thu hoạch lại quá tập trung trong thời gian ngắn khiến sức ép tiêu thụ căng thẳng.

Thực trạng này không chỉ là mối lo đối với cây có múi (cam, quýt, bưởi), mà còn là vấn đề đau đầu đối với nhiều loại cây ăn quả chủ lực ở phía Bắc như nhãn, vải.

Để giải quyết cho bài toán này, bên cạnh các giải pháp thương mại về mở rộng và khơi thông thị trường, đầu tư cho chế biến sâu, bảo quản sau thu hoạch, việc nghiên cứu các giải pháp để rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch cho các loại cây ăn quả chủ lực ở phía Bắc đang là yêu cầu cấp bách. Xung quanh vấn đề này, NNVN đã trao đổi với GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, GĐ Viện Khoa học Nông nghiệp (KHNN) Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn (Ảnh: Lê Bền)

Theo ông Sơn, việc rải vụ ở phía Bắc cho cây ăn quả có đặc điểm khác hoàn toàn so với ở phía Nam. Phía Nam là nhiệt đới điển hình, việc tác động đến chế độ ra hoa đậu quả chỉ phụ thuộc cơ bản vào mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa chỉ cần kiểm soát tác động của mưa tới cây trồng (ví dụ lên luống ráo nước, phủ nilon ở gốc) thì vẫn đảm bảo cho cây ra hoa đậu quả bình thường quanh năm. Tuy nhiên ở phía Bắc, việc ra hoa đậu quả của cây ăn quả lại phụ thuộc vào mùa đông và chế độ phân hóa mầm hoa. Điển hình như cây nhãn, xử lí cho ra hoa sớm (từ tháng 9-10 hàng năm) và đậu được quả, nhưng trong thời gian quả lớn, gặp mùa đông, quả cũng không thể phát triển. Vì vậy, để đặt vấn đề rải vụ cho cây ăn quả ở phía Bắc, cần phải có hướng đi khác.

Ông cho rằng việc nghiên cứu rải vụ cho cây ăn quả phía Bắc khó, nhưng không phải là không làm được. Vậy đâu là những giải pháp khả thi cho vấn đề này, nhằm giải tỏa bớt áp lực mùa vụ thu hoạch và sức ép tiêu thụ?

Trong 3 cây ăn quả chủ lực ở phía Bắc gồm vải, nhãn và cây có múi, thì nhãn là cây có nhiều phương án và triển vọng rải vụ hơn cả. Việc xử lí để cho nhãn thu hoạch trái vụ hoàn toàn (ví dụ vào tháng 1, tháng 2 hàng năm chẳng hạn) sẽ không thể được do vướng thời gian ngủ đông. Tuy nhiên, phương án kéo dài thời gian thu hoạch cho cây nhãn sẽ rất khả thi. Giải pháp để kéo dài vụ thu hoạch cho nhãn có thể có mấy cách.

Một là phải lựa chọn bộ giống. Thực tế, thời gian ra hoa của các giống nhãn khác nhau ở phía Bắc là tương đối giống nhau, tuy nhiên thời gian lớn của quả và thời gian đeo quả trên cây của các giống nhãn lại khác nhau. Ví dụ cùng là giống nhãn muộn, tuy nhiên giống nhãn Hưng Yên khi chín là phải thu hoạch ngay do chất lượng quả sẽ suy giảm nghiêm trọng nếu tiếp tục để neo quả trên cây.

Tuy nhiên, thí nghiệm của chúng tôi cho thấy giống nhãn chín muộn HT1 thì lại có khả năng để neo quả trên cây sau khi quả chín kéo dài thêm được tới 3 tuần mà chất lượng, mẫu mã quả vẫn đảm bảo. Vì vậy, việc nghiên cứu, chọn tạo và mở rộng diện tích đối với các giống nhãn có năng suất chất lượng tốt, đồng thời lại có thời gian sinh trưởng quả dài, có khả năng cho neo quả trên cây là một trong những hướng đi cần phải tiếp tục trong thời gian tới để rải vụ.

17-28-34_17-39-57_1
Cần cơ chế đặc biệt, dài hơi cho việc nghiên cứu chủ động bộ giống cây ăn quả ở phía Bắc (Ảnh: Lê Bền)

Hiện nay, nhiều giống cây ăn quả, điển hình như bưởi có thời gian ra hoa rất dài, nhưng nông dân trồng cây ăn quả của chúng ta vẫn theo kiểu để cây ra hoa bao nhiêu, đậu quả bao nhiêu thì để nuôi quả bấy nhiêu. Điều này không chỉ khiến mẫu mã, kích cỡ quả không đồng đều, mà còn tạo ra sức ép thời vụ thu hoạch. Vì vậy, cần phải tiếp tục nghiên cứu, tuyên truyền phổ biến các biện pháp chủ động ngắt bỏ các lứa hoa không mong muốn để tạo ra các trà thu hoạch khác nhau nhằm rải vụ. Bên cạnh đó, phải đi đôi cả về gói kỹ thuật tổng thể như cắt cành tạo tán; khoanh thân; điều chỉnh chế độ dinh dưỡng...

(GS.TS Nguyễn Hồng Sơn)

Giải pháp thứ hai, đó là tác động kỹ thuật để lệch vụ cho cây nhãn. Những năm gần đây, Viện KHNN phối hợp với Cục Trồng trọt và các địa phương tại Hưng Yên đã tiến hành nghiên cứu và đưa ra quy trình áp dụng thành công đối với biện pháp kỹ thuật cho nhãn ra hoa lệch vụ chủ động. Hiện quy trình này đã được UBND tỉnh Hưng Yên công bố và áp dụng thành công rộng rãi cho nhiều vùng nhãn trong tỉnh.

Theo đó, đối với lứa ra hoa tự nhiên (thường vào tháng 3 hàng năm), chúng ta có thể xử lí cắt bỏ lứa hoa này, sau đó vào thời điểm thích hợp, sẽ sử dụng các chất kích thích (ví dụ KClO3) để nhãn ra hoa chủ động theo ý muốn, muộn hơn so với thời vụ ra hoa tự nhiên nhằm tạo ra các trà nhãn muộn... Nhờ các giải pháp trên, vụ thu hoạch nhãn hiện nay không chỉ còn tập trung vào tháng 7-8 như trước đây, mà đã kéo dài từ cuối tháng 6 tới cuối tháng 9, thậm chí tới cuối năm vẫn còn nhãn cho thu hoạch.

Trên đây là một số hướng rải vụ rất tốt cho cây nhãn. Tuy nhiên về lâu dài và căn cơ, để đáp ứng cho việc rải vụ cây nhãn nói riêng, ăn quả nói chung ở phía Bắc, phương án chủ chốt nhất vẫn phải là khâu giống.

Ông có thể nói rõ hơn về việc chọn tạo giống chủ động? Đâu là những hạn chế khiến chúng ta chưa có được những giống cây ăn quả đáp ứng được cho rải vụ bằng con đường chọn tạo giống chủ động?

Những năm qua, chúng ta đã có những thành công nhất định trong việc chọn tạo giống cây ăn quả đa dạng, giúp kéo dài thêm thời vụ thu hoạch. Song, việc chọn tạo giống cho rải vụ chủ yếu mới chỉ là chọn lọc tự nhiên thông qua bình tuyển, đánh giá dựa trên thực tiễn SX có sẵn, chứ chưa có yếu tố về KH-CN để chọn tạo giống chủ động theo ý muốn. Đa phần các giống cây có múi xuất sắc hiện nay cũng đều là chọn tạo thông qua hướng chọn tạo này.

17-28-34_17-39-57_3
(Ảnh: Lê Bền)

Để tạo ra được những giống chủ động có biên độ, thời điểm ra hoa rộng hơn, biên độ thu hoạch dài hơn, đòi hỏi phải có những đầu tư dài hơi về nghiên cứu cơ bản. Bởi một giống cây ăn quả thân gỗ, kể cả quá trình lai tạo, chọn lọc thì để ra được một giống mới, phải mất trung bình khoảng 18 năm! Đài Loan là điển hình cho công tác nghiên cứu giống mới kiểu này, và để có được những giống cây ăn quả xuất sắc như ngày nay, ngay từ năm 1976, họ đã đầu tư hẳn một chương trình nghiên cứu, chọn tạo về giống mới cây ăn quả.

Hiện nay, phương pháp tạo giống mới cho cây ăn quả thân gỗ không quá phức tạp, đa số vẫn chỉ là chọn lọc, lai hữu tính, tuy nhiên số lượng phải vô cùng lớn. Vì vậy, để có giống mới thì phải trải qua một lộ trình rất dài, được đầu tư công phu. Với đặc thù đề tài nghiên cứu của Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 2-5 năm, sẽ không thể giải quyết được vấn đề gì, mà phải có những cơ chế phù hợp để nối pha, có đủ kinh phí để duy trì liên tục. Ngay từ năm 2000, chúng ta cũng đã có những đề tài nghiên cứu về giống cho cây ăn quả, nhưng do nhiều nguyên nhân mà bị gián đoạn, kết quả cuối cùng cũng không đâu vào đâu do chưa được đầu tư nghiên cứu liên tục, đủ đến ngưỡng.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, bên cạnh việc siết chặt quản lí chất lượng giống cây ăn quả chặt chẽ hơn nữa nhằm có bộ giống chuẩn, đảm bảo chất lượng khi đưa ra SX..., thời gian tới, Bộ NN-PTNT và các địa phương đã thống nhất phương án sẽ tập trung nghiên cứu kỹ thuật để làm sao thời gian rải vụ kéo dài ra nhiều tháng hơn nữa đối với các cây ăn quả chủ lực . Theo đó, sẽ rà soát, nghiên cứu bộ giống nhãn, vải, cây có múi và có quy hoạch cho từng vùng đối với các nhóm giống khác nhau, với quy mô diện tích cụ thể...

 

Xem thêm
Biến phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn thức ăn chăn nuôi chính

Thay đổi thói quen canh tác, nhiều nông dân ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã biến những phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao.

Tiêm vacxin bao vây ngăn bệnh viêm da nổi cục lây lan

Quảng Bình Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường tiêm vacxin, ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò lây lan.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm