| Hotline: 0983.970.780

Giải quyết khiếu nại đất đai quá chậm!

Thứ Tư 19/09/2012 , 10:51 (GMT+7)

Vụ Tiên Lãng điều tra quá lâu, vụ Văn Giang cũng vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, việc tìm ra kẻ giết người, hiếp dâm thì lại làm rất nhanh.

Vụ Tiên Lãng điều tra quá lâu, vụ Văn Giang cũng vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, việc tìm ra kẻ giết người, hiếp dâm thì lại làm rất nhanh. Đây chính là điểm khác biệt về giải quyết chính sách khiếu kiện về đất đai được các đại biểu thảo luận tại phiên họp của UBTV Quốc hội hôm qua (18/9).

Khiếu nại về đất đai đang “rất nghiêm trọng”

Theo Báo cáo kết quả giám sát do Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày, từ năm 2003 đến năm 2010, trung bình hàng năm số đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) về đất đai hàng năm chiếm gần 70% trong tổng số các đơn thư khiếu nại tất cả các lĩnh vực. Trong thời gian này, các Bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm 1.052 vụ việc tồn đọng, bức xúc kéo dài, đạt 66,7%.

Báo cáo của đoàn giám sát cũng cho thấy, nguyên nhân làm phát sinh KNTC về đất đai có nhiều, nhưng chủ yếu là do sự bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai; những tồn tại, hạn chế trong việc ban hành các quyết định hành chính; sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai; sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức.

Tại phiên họp, các thành viên UBTV Quốc hội đánh giá, tình hình KNTC về đất đai “đang diễn ra rất nghiêm trọng”, liên quan trực tiếp đến nhiều lĩnh vực trong đời sống nhân dân. Kết quả này cũng đã phản ánh nhiều sai sót trong lĩnh vực quản lý hành chính về đất đai cần được nhanh chóng chấn chỉnh, hoàn thiện.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, việc thiếu vai trò của các bộ, ngành chức năng trong việc quản lý, giám sát các văn bản quản lý hành chính về đất đai ở địa phương dẫn đến hiệu quả quá trình kiểm tra giải quyết KNTC của nhân dân ở cấp tỉnh, TP còn yếu kém, lơi lỏng. Đây cũng là nguyên nhân phát sinh KNTC trong lĩnh vực này.

Ông Hiện đề nghị Báo cáo cần làm rõ một trong những nguyên nhân của tình trạng này là nạn tham nhũng về đất đai. Vấn đề định giá đất và bồi thường đất đai khi thu hồi chưa thỏa đáng là nguyên nhân chính dẫn tới KNTC.

Một trong những nguyên nhân của KNTC về đất đai kéo dài, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm VP Quốc hội, là do giải quyết quá chậm. “Vụ Tiên Lãng chúng ta điều tra quá lâu, vẫn chưa đâu vào đâu. Vụ Văn Giang cũng thế. Ngược lại, một số vụ giết người, hiếp dâm, cướp của… thì chỉ trong ngày một ngày hai đã tìm ra thủ phạm. Theo tôi, đây chính là bất cập”, ông Phúc nói.

Ông Phúc cho rằng, hiện nay người dân rất ít đến Tòa hành chính để khởi kiện quyết định hành chính của cơ quan nhà nước bởi năng lực của các thẩm phán về vấn đề này chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều vụ đã xét xử nhưng không thi hành án được. Ông Phúc đề nghị, UBTV Quốc hội nên có chương trình giám sát, kiểm tra thực tế đời sống người dân sau thu hồi đất để hoàn thiện chính sách về lĩnh vực này.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Góp ý cho báo cáo giám sát, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý đặt câu hỏi: “Trong báo cáo nêu việc xử lý giải quyết KNTC cố gắng, tiến bộ mà sao mấy năm nay tỷ lệ trên dưới 70% không giảm? Theo tôi phần nguyên nhân và yêu cầu khắc phục và khuyết điểm phải đánh giá rất nặng. Đây là lĩnh vực rất bức xúc hiện nay, bức xúc vậy mà báo cáo bình bình như thế này?”.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, ngay cả ở các vụ việc công dân KNTC có đúng có sai, thì tức là nhà nước vẫn sai. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu báo cáo giám sát phải đánh giá là tình hình KNTC của công dân với các quyết định hành chính về đất đai đến nay là rất nghiêm trọng. Về số lượng thì chiếm đến 69%, còn các quyết định hành chính tỷ lệ sai đến một nửa.

Điều quan trọng, theo Chủ tịch là sau giám sát cần yêu cầu các cơ quan liên quan rà lại tất cả các quyết định sai để xử lý, với dân thì phải đền bù, với cán bộ thì phải tìm ra địa chỉ sai ở đâu, đã giải quyết thế nào…

Chủ nhiệm UB Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, tình hình diễn biến về các quyết định hành chính trong các lĩnh vực đất đai ngày càng phức tạp, ngày càng gia tăng, trong đó khiếu kiện đông người nhiều, tỷ lệ KNTC đúng và có đúng có sai gần 48%, có địa phương tới 70%, sai hơn 50%. “Sai ở đây mà nghĩ nhân dân sai là không phải, nếu “ông tỉnh, huyện” giải quyết cho là mình thực hiện theo quy định của Chính phủ là đúng nhưng cũng có khi quy định của Chính phủ là chưa đúng, chưa phù hợp thực tế”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu đề nghị cần chọn ra được những giải pháp giải quyết những bức xúc tồn đọng đất đai hiện nay. “Ví dụ như vụ Văn Giang thì giải quyết thế nào nếu mình khẳng định là đúng? Không để tình trạng người ta KNTC suốt ngày suốt đêm và cho là chúng ta chưa giải quyết thỏa đáng. Làm được như vậy thì giá trị của giám sát mới hiệu quả và đúng như mong đợi của người dân”.

Đồng tình với ý kiến nhiều thành viên khác, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương nhấn mạnh, kết luận trong báo cáo giám sát rất chung chung, chưa có giải pháp giải quyết những khó khăn hiện nay. Theo bà Nương, vai trò của người đứng đầu đã được quy định nhưng chưa mang được tính quyết liệt và chưa ràng buộc trách nhiệm đối với các cơ quan giải quyết KNTC.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất