| Hotline: 0983.970.780

Giải quyết thách thức tại 'sân chơi' toàn cầu

Chủ Nhật 02/01/2022 , 14:30 (GMT+7)

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong nông nghiệp. Có nhiều yếu tố tạo nên uy tín của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và thành công của nông sản nói riêng.

Trách nhiệm SPS

Gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các thành viên cam kết tuân thủ Hiệp định về Vệ sinh An toàn thực phẩm và Kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS). Điều 2 Hiệp định liên quan các quyền và nghĩa vụ cơ bản đã nêu rõ các thành viên có quyền sử dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động - thực vật cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ của con người, động vật và thực vật.

Tuy nhiên Điều 2 cũng quy định rõ việc các thành viên phải đảm bảo các biện pháp đó chỉ được áp dụng ở mức độ cần thiết, dựa trên các nguyên tắc khoa học, không phân biệt đối xử và không tạo nên sự hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế.

Thương mại càng phát triển thì sự quan tâm đến các biện pháp SPS các thành viên khác sử dụng khi nhập khẩu nông sản càng lớn. Mối quan tâm này thường được nêu tại các buổi chất vấn trong các phiên họp thường kỳ Ủy ban SPS WTO (thường họp 3 lần trong năm) với tên gọi "các quan ngại thương mại cụ thể" (STC - Specific Trade Concerns).

Điểm cầu tại Báo Nông nghiệp Việt Nam thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kết nối nông sản 970 trong phiên phổ biến các cam kết về SPS trong Hiệp định EVFTA. Ảnh: Tùng Đinh.

Điểm cầu tại Báo Nông nghiệp Việt Nam thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kết nối nông sản 970 trong phiên phổ biến các cam kết về SPS trong Hiệp định EVFTA. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo báo cáo Đánh giá hàng năm việc thực hiện các quy định về minh bạch hóa và các quan ngại thương mại cụ thể về SPS ngày 19/3/2021 của WTO, tính từ năm 1995 đã có 505 STC được nêu.

Trong năm 2020, các thành viên đã thảo luận 53 STC, trong đó có 36 quan ngại mới. Số lượng STC các thành viên nêu trong năm 2020 là cao nhất tính từ năm 2003 và là năm có số lượng STC được nêu lớn thứ hai tính từ năm 1995 mặc dù trong năm 2020 chỉ có 2 phiên họp được tổ chức. Còn tại 3 phiên họp thường kỳ lần thứ 79, 80 và 81 của Ủy ban SPS trong năm 2021 đã có tổng cộng khoảng 150 STC được nêu, gồm nhiều STC đã được đề cập trước đây và 27 STC mới được nêu lần đầu.

Liên quan đến Việt Nam, ta đã cử đoàn tham dự và chuẩn bị đầy đủ thông tin, dữ liệu cần thiết để trả lời chất vấn cũng như chất vấn trong một số nội dung liên quan. Bên lề các phiên họp toàn thể, đoàn ta cũng đã tiếp xúc song phương với các đoàn đối tác. Chỉ riêng trong năm 2019, đoàn Việt Nam đã gặp gỡ, tiếp xúc song phương với 11 đoàn các nước như Mỹ, Canada, Australia, EU, Ảrập Xêút, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Trong năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ta không cử đoàn sang dự họp Ủy ban SPS trực tiếp. Tuy vậy Phái đoàn Việt Nam tại Geneve đã phối hợp tốt với cơ quan chức năng trong nước tổ chức một số cuộc họp song phương trực tuyến với Mexico, Trung Quốc, Ảrập Xêút, cung cấp thông tin theo yêu cầu nhập khẩu của Honduras, duy trì kênh liên hệ quan hệ thương mại với Philippines, Đài Loan, giải quyết khó khăn trong xuất nhập khẩu nông sản với Brazil.

Các cuộc gặp song phương là điều kiện tốt để ta nêu quan ngại, trả lời các thắc mắc, xây dựng lòng tin với đối tác cũng như tăng cường hợp tác song phương, mở cửa thị trường đối với các sản phẩm nông sản mà ta có nhu cầu.

Bên cạnh đó, việc đáp ứng với các thách thức toàn cầu mới trong lĩnh vực SPS cũng được nhiều thành viên quan tâm. Theo đề nghị của Brazil và Mỹ, Việt Nam là một trong các thành viên sớm ủng hộ dự thảo Tuyên bố SPS trình Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 (MC12), trong đó nhấn mạnh các thách thức hiện nay và trong tương lai về môi trường, khí hậu và đạo đức trong thương mại lương thực thực phẩm, như bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái của trái đất, việc chuyển đổi toàn cầu sang hệ thống lương thực bền vững, phúc lợi động vật và giới thiệu các kinh nghiệm tốt nhất trong quản lý rủi ro, tôn trọng kỳ vọng chính đáng của người tiêu dùng cũng như tránh các hình thức bảo hộ. Việc tham gia đồng bảo trợ dự thảo Tuyên bố của Việt Nam được các đối tác đánh giá cao.

Nhu cầu nông sản thế giới - cơ hội đối với ngành nông nghiệp

Theo báo cáo của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ngày 7/9/2021, trong vòng 12 tháng qua, đại dịch Covid-19 đã đẩy 124 triệu người trên thế giới tới cảnh nghèo đói cùng cực. Đây là lần đầu tiên tỷ lệ nghèo đói toàn cầu tăng trong vòng hai thập kỷ qua.

Chỉ số Giá lương thực thực phẩm của FAO (FFPI) cho biết thêm, giá lương thực thực phầm mặc dù có giảm chút ít trong tháng 6/2021 song vẫn cao hơn 30% so với năm trước. Giá lương thực thực phẩm quốc tế cao cùng với giá vận chuyển tăng sẽ khiến chi phí nhập khẩu lương thực thực phẩm toàn cầu tăng, đặc biệt tại các nước đang phát triển.

Báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) về đại dịch Covid-19 và nông nghiệp ngày 11/6/2021 cho thấy thương mại nông sản thế giới sẽ tăng trong năm 2021. Trị giá nhập khẩu nông sản của khu vực các Thành viên phát triển dự kiến tăng 58 tỷ USD so với năm 2020 chủ yếu do giá nông sản và cả chi phí vận chuyển tăng.

Ngược lại, mặc dù giá thế giới cao song trong năm 2021 dự kiến các nước đang phát triển sẽ mua thực phẩm nhiều hơn. Giá trị nhập khẩu các loại nông sản của các nước này dự kiến sẽ tăng 127 tỷ USD trong năm 2021 so với năm 2020, trong đó riêng số tiền phải bỏ ra thêm để mua ngũ cốc, dầu thực vật, hạt có dầu và rau quả sẽ chiếm gần 60%. Đối với nhóm các nước dễ bị tổn thương nhất, nhìn chung phải bỏ ra số tiền lớn hơn để mua thực phẩm song lượng thực phẩm có được không lớn hơn trước đây do chi phí tăng cao hơn so với năm trước.

Đại dịch Covid-19 sẽ tạo ra xu hướng chuyển từ nhu cầu sử dụng thực phẩm giá trị cao sang giá trị thấp như việc các nước chậm phát triển (LDC), các quốc gia thiếu lương thực và thu nhập thấp (LIFDC) và các nước châu Phi thuộc tiểu vùng Sahara (SSA) sẽ tăng cường mua ngũ cốc thay cho việc nhập khẩu các loại thực phẩm đa dạng và giàu dinh dưỡng.

Theo dự báo nêu trên, do đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhu cầu mua lương thực trong tiêu dùng và đặc biệt để đảm bảo an ninh lương thực trên phạm vi toàn cầu vẫn lớn trong năm 2022. Với lợi thế và tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp, Việt Nam có thể tận dụng điều kiện này để tăng cường xuất khẩu nông sản.

Thách thức thời gian tới

Bên cạnh cơ hội phát triển, dự báo ngành nông nghiệp nước ta sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức để có thể duy trì khả năng cạnh tranh hiệu quả và đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn mới của thế giới.

Theo báo cáo ngày 14/9/2021 của FAO, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tựa đề "Cơ hội nhiều tỷ USD: Xác định lại mục tiêu đối với việc hỗ trợ nông nghiệp để chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm", hỗ trợ dành cho nông nghiệp trên phạm vi toàn cầu đạt khoảng 540 tỷ USD mỗi năm, tương đương 15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Hơn 2/3 nguồn lực hỗ trợ đó được xem là có tính chất bóp méo giá thành và nhìn chung có tác động xấu đối với môi trường.

Báo cáo kiến nghị các nước xác định lại mục tiêu đối với việc hỗ trợ này. Chính vì vậy Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về Hệ thống Lương thực thực phẩm ngày 23/9/2021 tại New York (Mỹ) đã kêu gọi triển khai các hành động quốc gia và khu vực để có thể đạt 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc tới năm 2030, trong đó có các mục tiêu không còn đói nghèo, bình đẳng giới và hành động về khí hậu.

Nếu các nước, đặc biệt các quốc gia có nguồn lực trợ cấp lớn, không sẵn sàng cắt giảm các khoản hỗ trợ nông nghiệp có tính bóp méo sản xuất và thương mại nhằm chuyển đổi hệ thống lương thực của mình thì nguồn lực có thể đạt tới 1,8 nghìn tỷ USD vào năm 2030, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành nông nghiệp các thành viên khác, trong đó có Việt Nam.

Liên quan đến nông nghiệp, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) ngày 5/11/2021, các nước đã thống nhất cần chuyển đổi sang hệ thống lương thực bền vững để đảm bảo an ninh lương thực, chấm dứt nạn đói trên phạm vi toàn cầu và đạt mục tiêu về khí hậu như giảm phát thải.

Tại hội nghị, Việt Nam là một trong 26 nước cam kết điều chỉnh chính sách để ngành nông nghiệp bền vững và ít gây ô nhiễm hơn, thể hiện trách nhiệm cao của chúng ta đối với cộng đồng quốc tế, đúng như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu "Việt Nam đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế".

(Phái đoàn Việt Nam tại Geneve)

Xem thêm
Vĩnh Phúc giảm 10 tổ chức Đảng, 1 Ban Đảng và 8 Sở...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết sẽ sớm ban hành chính sách với những trường hợp 'hy sinh' vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Xóm chài Xuân Lam tìm đường đến khu tái định cư

Sống giữa vùng đất thấp trũng, quanh năm vật lộn với thiên tai là nỗi lo chung của người dân Xuân Lam, riêng 8 hộ xóm chài cơ cực hơn cả.