| Hotline: 0983.970.780

Giai thoại miền đất võ: Cô gái trong huyền thoại An Vinh

Thứ Ba 11/08/2015 , 07:59 (GMT+7)

Không phải ngẫu nhiên mà đất võ Bình Định lưu truyền câu ca “Trai An Thái, gái An Vinh”./ Võ tuồng đả cọp

Vế sau của câu ca, “gái An Vinh”, gắn với một thôn nữ quê ở làng An Vinh, xã Tây Vinh (Tây Sơn). Đó là bà Nguyễn Thị Cảng, dân làng thường gọi là bà Tám Cảng.

Vừa nấu ăn vừa lén học võ

Bà Tám Cảng xuất thân trong một gia đình có truyền thống võ thuật, bà là con ông Nguyễn Ngạt ở làng An Vinh, người được giới võ nghệ ở Bình Định tôn vinh là “ông tổ” của làng quyền An Vinh, một trong ba làng võ nổi danh, biểu trưng cho miền đất võ Bình Định.

Lúc nhỏ, Tám Cảng rất thích học võ. Biết tính con mình ngang ngạnh nên ông Ngạt quyết định không cho theo nghề, bởi sợ con gái mình… ế chồng! Thế nhưng với tính khí ương bướng, Tám Cảng không cam phận. Không được cha dạy thì học võ lén.

Mỗi buổi chiều, ông Ngạt dạy võ cho môn sinh ở ngoài sân, Tám Cảng lại vào bếp nấu ăn để nhìn qua phên liếp mà học lóm. Qua cái nhìn, bà ghi nhớ từng chiêu thế, để sau đó ra vườn luyện tập. Đam mê, cộng với siêng năng, càng lớn lên đường quyền của bà càng thuần thục, sắc bén.

Dù chưa một lần được cha dạy chính thức nhưng trong làng võ An Vinh thời ấy, tiếng tăm của bà vang xa chẳng kém người anh và người em là Bảy Lụt và Chín Giác…

Trong sách “Võ nhân Bình Định” của cố thi sĩ Quách Tấn có đoạn viết về bà Tám Cảng rất oai hùng: Một lần, bà Tám Cảng ra Thu Xà, khu phố cổ ven biển thuộc huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) xem hội xô cỗ do người Hoa tổ chức.

Thấy bà Tám Cảng nhan sắc mặn mà, nên mấy thanh niên địa phương buông lời chọc ghẹo. Sự sàm sỡ của mấy chàng trai kia đánh thức tính khí ương bướng trong bà, Tám Cảng liền vung quyền, vung cước khiến một thanh niên trong nhóm ngã lăn kềnh. 

Xấu hổ, cả đám thanh niên còn lại cầm cây, gậy xông vào đánh “hội đồng” bà Tám để “gỡ nhục” cho bạn. Lúc đầu, Tám Cảng chỉ dùng quyền để chống đỡ, sau đó bà cướp chiếc đòn gánh, vũ khí của đối thủ đánh trả khiến đám thanh niên ngã lăn.

Cuộc hỗn chiến vẫn tiếp diễn. Đến giờ xô cỗ, người người xông vào cướp heo khiến đám đông càng hỗn loạn. Nhân lúc đó, một võ sĩ quyền thuật ở gần An Vinh là Mười Đậu có biết Tám Cảng nên đến đưa bà tách dần ra khỏi đám hỗn chiến.

“Ngày xưa, mỗi lần có biểu diễn hát tuồng ở bãi cát ven sông Côn, trai gái hai làng bên sông là An Vinh và An Thái hay tụ tập lại để xem. Thấy bà Tám Cảng đẹp, lại có tiếng giỏi võ nghệ nên những thanh niên ở làng An Thái cũng vốn cũng rất giỏi võ thường trêu chọc. Nhiều lần bị thanh niên An Thái sàm sỡ, bà Tám Cảng tức giận đánh tan cả đám. Từ đó mới có câu “Trai An Thái, gái An Vinh”, ông Hồ Văn Tạo, người viết gia phả họ Nguyễn ở An Vinh, nói.

“Hồi trẻ, bà Tám Cảng xinh đẹp, thể hình to lớn và rất giỏi võ nghệ. Ở hội đổ giàn làng An Thái hằng năm, một mình bà Tám không ít lần “trụ” giữa đài đánh ngã lần lượt nhiều đấng mày râu trong các làng võ An Thái, An Vinh, Thuận Truyền”, nhiều lão võ sư ở Bình Định, nhớ lại.

Thắng võ, được nhận làm rể

Đến tuổi cập kê, bà Tám Cảng trở thành một nhan sắc khiến nhiều chàng trai nhòm ngó, ông Ngạc cảm thấy rất vui.

Tuy nhiên, bên cạnh đó lòng người cha vẫn nặng một mối lo, ông biết chắc với tài nghệ của Tám Cảng, khó có chàng trai nào khắc chế được bà. Do đó, để kén rể, ông Nguyễn Ngạc thách hôn bằng cách tuyên bố chàng trai nào đấu võ thắng con gái mình sẽ được ông nhận làm rể.

Có thể do nhan sắc của bà hút hồn, cũng có thể nhiều chàng trai giỏi võ không tin mình bại trận trước một cô gái nên có rất nhiều người đến ứng thí. Cuộc đấu võ kén chồng ấy nhanh chóng khép lại, bởi hàng loạt thanh niên đến tỉ thí đều bị bà Tám Cảng đánh bại thê thảm.

Năm Tám Cảng ngoài 20 tuổi, có ông Dư Hữu, một cao thủ ở làng Tiên Thuận (Tây Sơn) đến tỉ thí nhưng chỉ cầm cự được vài chiêu đã bị bà Tám tung cước đá văng xuống ao cá trong sân. Không cam chịu, ông Dư Hữu về nhà tiếp tục tầm sư học đạo, năm sau lại đến thách đấu, quyết tâm hạ cho được Tám Cảng, đồng nghĩa là được làm chồng bà.

Trong lần ấy, bà Tám Cảng tung chiêu cước cũ nhằm kết thúc nhanh trận đấu, nhưng ông Dư Hữu đã bắt bài, vừa né, ông vừa bắt chân bà Tám quẳng bà nằm dài trên sân. Thế là ông Dư Hữu và bà Tám Cảng nên duyên vợ chồng.

Những ngày cuối đời, mỗi khi có khách đến đàm đạo chuyện võ nghệ, cố lão sư Phan Thọ ở làng Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi (Tây Sơn), thường kể lại chuyện này: Nên vợ nên chồng không bắt đầu từ tình yêu, chỉ là kết quả của một cuộc tỉ thí võ nghệ, sau nhiều năm sống với nhau mà không có con khiến không khí gia đình nhà ông Dư Hữu và bà Tám Cảng trở nên nhạt nhẽo. Từ nhạt nhẽo nảy sinh mâu thuẫn.

Trong một lần mâu thuẫn căng thẳng xảy ra trong bữa cơm, không dằn được cơn nóng giận, ông Dư Hữu ném cái chén sành vào mặt vợ, bà Tám Cảng nhanh tay bắt lấy và “vút”, cái chén bay ngược về phía mặt ông Dư Hữu, ông né kịp.

Sẵn cái dao chuốt mây ở gần đó, ông Dư Hữu vớ lấy phóng về phía vợ, bà Tám Cảng né người tránh được, rồi lia mắt về phía chồng trêu tức. Nộ khí xung thiên, ông Dư Hữu định lao vào ăn thua đủ với vợ bằng võ nghệ.

“Cũng may lúc ấy Dư Hữu nghĩ lại, vuốt mặt phải nể mũi, nên ông sang nhà ba vợ kể lể sự tình. Sau đó xin dứt nghĩa vợ chồng vì cả hai đều giỏi võ, tính tình không hợp nhau nên sợ có ngày xảy ra sự cố đáng tiếc. Ông Nguyễn Ngạc gọi con gái về hỏi ý, sau đó đồng thuận cho đôi vợ chồng này dứt nghĩa. Sau đó bà Tám đi vào Nam sinh sống không một lần về quê”, theo cố lão võ sư Phan Thọ.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.