| Hotline: 0983.970.780

Giải tỏa xong, nông dân tự bơi

Thứ Năm 07/06/2012 , 11:10 (GMT+7)

Sau giải tỏa, nông dân không đất, không nhà, không nghề, không biết tổ chức cuộc sống mới thế nào. Chính sách “hậu giải tỏa” hầu như bị bỏ lơi hoặc làm theo kiểu lấy có.

Sau giải tỏa, nông dân không đất, không nhà, không nghề, không biết tổ chức cuộc sống mới thế nào. Chính sách “hậu giải tỏa” hầu như bị bỏ lơi hoặc làm theo kiểu lấy có.

Bài 3: Tập tành ăn chơi
Bài 2: Phiêu dạt
Bài 1: Lất lây trên đất của mình

>> Những nghịch lý đất đai

“Có lẽ tôi chưa bao giờ nghĩ rằng đời mình có lúc lại phải sống trong căn nhà tạm một thời gian dài như thế này” - bà Lâm Thị Hóa (Đông Phú, Châu Thành, Hậu Giang) quẹt ngang dòng nước mắt, nói. Chỉ vào khung cửa sổ làm bằng tấm thạch cao của căn nhà tạm, bà cho hay: “Cơn giông đầu mùa vừa mới giật rách đó. Hôm đó gió mạnh, tui với thằng con trai không dám ở trong nhà luôn, ai mà biết nó sẽ thế nào nếu gặp cơn lốc xoáy”.

Gió lùa trên những khu nhà tạm

Căn nhà tạm của bà Hóa thuông luông như một căn phòng. Bà Hóa lấy màn ngăn ra thành từng ô, một chỗ cho bà ngủ, một chỗ cho cậu con trai. Tường đã bắt đầu thủng, những bản lề cửa cũng bung ra nhiều chỗ. Bà Hóa bức xúc: “Vì là cán bộ địa phương (bà Hóa là cán bộ Hội Phụ nữ xã - PV), theo chủ trương Nhà nước, nghĩ giao đất sớm thì sẽ được bố trí tái định cư sớm. Giờ căn nhà tái định cư thì chưa thể xây được. Trong khi tiền đóng cơ sở vật chất vào đó cao quá (từ khoảng 400.000 đồng đến hơn 1,6 triệu đồng/m2), không biết làm sao có đủ tiền để đóng nổi nữa, đành phải sống tạm thế này”.

Nhìn về phía KCN Hậu Giang mênh mông phía trước, bà Hóa hồi tưởng về căn nhà ấm cúng ngày nào của mình. Nhà bà nằm giữa một vườn cam trĩu quả và những gốc xoài cát Hòa Lộc lớn. Vào mùa trái tới, quả về, khu vườn rộn ràng tiếng người mua, kẻ bán. Chồng bà đã lớn lên và gặp bà ở đó. Vợ chồng bà đã trải qua những tháng ngày ngọt bùi lẫn cơ cực trong căn nhà giữa mảnh vườn đó. Nơi ấy, người con trai duy nhất của bà chào đời rồi có cả một tuổi thơ xanh ngát.


Khu tái định cư cho người dân trong dự án KCN An Nhựt Tân (Tân Trụ, Long An) là thế này đây!

“Tiền nào có thể bù đắp được mấy chuyện này? Giờ nằm cọt kẹt giữa nhà tạm mưa dột, nắng xiên thế này nghĩ mà đau. Lẽ ra những giá trị tinh thần này Nhà nước phải tính toán, bù đắp tương xứng”. Nói rồi bà Hóa thẫn thờ nhìn lên bàn thờ. “Ông xã tui mất những ngày vừa có quyết định quy hoạch. Khi biết căn nhà và khu vườn cha ông để lại bị phá đi, ông xót lắm. Tui thì càng xót hơn khi ổng nhắm mắt mà chưa có ngôi nhà mới để đặt di ảnh thờ cho đàng hoàng”.

Bà Hóa là một trong số không ít những hộ nông dân nằm trong diện giải tỏa của KCN Sông Hậu (Châu Thành, Hậu Giang) rơi vào hoàn cảnh như thế.

Giải tỏa nhưng không lo tái định cư

Chúng tôi đến khu tái định cư KCN An Nhựt Tân, xã An Nhựt Tân (Tân Trụ, Long An) để thấm thía hơn tình cảnh của bà con bị giải tỏa. Kể từ ngày dự án được triển khai, hơn 360 hộ dân xã này đang chìm nổi trong nỗi lo không ruộng, không nhà. Sau gần năm năm triển khai, khu tái định cư vẫn chỉ là khu đất trống. Các hộ dân sau khi bị thu hồi đất sẽ được chủ đầu tư cấp cho một nền tái định cư 80-100 m2 nhưng có thu tiền hạ tầng khoảng 57 triệu đồng. Người dân nói ngay cả “giá” ưu đãi này cũng đã cao gấp nhiều lần so với tiền bồi thường tương ứng mà họ nhận được.

Bà Nguyễn Thị Kim cho hay nhà bà có năm người con nhưng chỉ bán một nền thì những người khác ở đâu. Nhiều hộ khác cũng giao đất vào thời điểm 2007 nhưng mấy năm trời ròng rã khu tái định cư vẫn hoang tàn, dân chưa nhận được đất. “Người dân chúng tôi đã bị thiệt thòi khi thu hồi đất, đến phần tái định cư chủ đầu tư lẫn chính quyền vẫn không quan tâm, không làm đàng hoàng” - bà Kim nói.


Một góc khu nhà tạm dành cho người dân bị thu hồi đất trong dự án KCN Sông Hậu, Hậu Giang.

Tại khu tái định cư, ngoài cỏ và ngổn ngang đất đá, tất cả chẳng có gì. Nhiều người khi nhận tiền bồi thường đã mua sắt thép về để chuẩn bị qua khu tái định cư cất nhà. Năm năm qua, đống sắt thép đã hoen rỉ. Nhiều căn nhà trong vùng dự án đã sắp sập nhưng địa phương không cho sửa chữa. Khu tái định cư thì chưa ra hình hài gì, điện nước, hạ tầng không có nên dân không thể nhận nền để xây nhà.

Tâm lý chung của người dân là phải an cư mới lạc nghiệp. Thế nhưng với số tiền bồi thường hiện nay người dân rất khó để xây lại căn nhà mới đàng hoàng trong khu tái định cư.

Chính sách nghề phọt phẹt

Với đa số nông dân mất đất, bao kỳ vọng về công ăn việc làm khi KCN thành hình dường như đều rơi vào vô vọng. Chính sách đào tạo nghề cho con em các gia đình có đất bị thu hồi hiện nay còn quá nhiều bất cập. Thanh niên trình độ thấp thì chỉ có nước làm công nhân. Thanh niên học nghề về thì nhà máy chưa hoàn thành hoặc chưa biết khi nào hoàn thành nên họ đành đi làm hồ, chạy xe ôm hoặc học lại nghề khác để xin việc.

Anh Linh (xã Đông Phú, Châu Thành, Hậu Giang) là một trong hàng chục học viên thất nghiệp sau khi đi học nghề tận Hải Phòng để làm việc cho nhà máy Vinashine ở KCN Sông Hậu. Nhưng sau khi học nghề xong anh vô cùng thất vọng. “Gia đình tôi tốn hàng chục triệu đồng để lo chi phí cho đợt học đó. Tôi nuôi bao hy vọng, học xong sẽ kiếm đồng lương trả nợ và nuôi sống gia đình. Vậy mà ngày trở về, nhà máy nằm trơ như đống sắt”. Anh Linh giờ chạy đi làm hồ khắp nơi với người cha già để kiếm đồng ra đồng vào nuôi sống gia đình. “Không biết khi nào dự án này mới được hoàn thành. Tới khi đó, không biết mình có còn được nhận vào làm không nữa” - anh Linh buồn bã nói.


Trong khi chờ nhận nền tái định cư ở KCN An Nhựt Tân, bà Lê Kim Phụng phải sống trong căn nhà cũ rách nát.

Đó là chưa nói, với những nông dân lớn tuổi thì không dễ gì họ được nhận vào làm việc khi KCN hoàn thành, ngay cả chân làm bảo vệ. Anh Trọng (Đông Phú, Châu Thành, Hậu Giang, người có đất bị thu hồi ở KCN Sông Hậu) kể: “Khi thu hồi, nghe hứa rằng sẽ tạo công ăn việc làm cho những người còn trong độ tuổi lao động như tui. Nhưng với trình độ như nông dân tụi tui thì biết xin làm nghề gì bây giờ. Tui đã nộp hồ sơ xin vào làm bảo vệ trong KCN Sông Hậu nhưng không được chấp nhận. Giờ về chỉ còn biết chạy xe ôm kiếm sống”.

* * *

Thực tế cho cho thấy người nông dân có đất bị thu hồi trong các dự án, ngoài nhận một cục tiền ra, họ hầu như không còn nhận được sự hỗ trợ nào khác để tổ chức lại đời sống gia đình. Từ chính sách tái định cư đến việc hỗ trợ khó khăn khi phải thay đổi không gian sống, nghề nghiệp… đều ít được thực hiện đến nơi đến chốn.

Tổ chức lại đời sống sản xuất là điều hết sức quan trọng sau quy hoạch nhưng gần như điều này đã không được chính quyền địa phương và chủ đầu tư lưu tâm đúng mức. Người nông dân chưa thể thích ứng ngay với đời sống công nghiệp. Điều đó xuất phát từ nguyên nhân khách quan về tập quán sản xuất lẫn trình độ của họ.

Không đất, không nghề, bà con chỉ còn biết ăn vào tiền bồi thường. Không đất, không nghề, dân phải tha phương đi làm thuê kiếm sống. Không đất, không nghề, người dân không biết tương lai của gia đình mình sẽ đi về đâu...

Theo Phapluattp

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất