| Hotline: 0983.970.780

Giám đốc "chỉ đạo" lâm tặc

Thứ Hai 04/02/2013 , 10:09 (GMT+7)

Chúng tôi thật sự bất ngờ khi biết ông giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Tam Giang I chính là người đứng ra chỉ đạo cho lâm tặc phá rừng.

Khi tiếp cận với một số gia đình là “tay chân” đắc lực của ông Huỳnh Đắc Nhẫn, giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Tam Giang I (BQLRPH, trước là Lâm trường Tam Giang I), thuộc xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn (Cà Mau), chúng tôi thật sự bất ngờ khi biết ông giám đốc này chính là người đứng ra chỉ đạo cho lâm tặc phá rừng.

>> Ông Tư ''bầy hầy''

Có lẽ chỉ có chúng tôi là ngạc nhiên, còn đối với người dân địa phương thì từ lâu họ đã xem đây là việc xảy ra thường ngày. Họ thừa biết những gia đình cam chịu làm “tay chân” cho ông Nhẫn đều nghèo nên khi đốn cây rừng theo sự chỉ đạo của ông, sẽ được hưởng chút ít lợi ích từ rừng.

Muốn đốn cây phải có “bùa”

Trong vai người đi tìm mua cây, chúng tôi đến nhà ông Hai Q thuộc Tiểu khu Gạch Già (BQLRPH). Theo lời Hai Q, muốn đốn cây trong rừng phải được ông Nguyễn Đắc Nhẫn cho “bùa” để làm vé thông hành qua các chốt có lực lượng bảo vệ rừng.

“Ông đốn cây cho ông Nhẫn lần nào cũng phải có bùa?”, tôi hỏi. Hai Q khẳng định: “Chỉ cần ông Nhẫn ghi mấy chữ, đốn bao nhiêu cây, ở tiểu khu nào là được”. Tuy không dám “liều” vào rừng đốn cây hàng loạt về bán như vợ chồng Tư “bầy hầy” (nhân vật chúng tôi đề cập trong bài viết trước), nhưng mỗi lần vào rừng chặt theo lệnh ông Huỳnh Đắc Nhẫn, mấy cha con Hai Q cũng lén trộm được bộ cột bằng cây già về cất nhà ở.

“Mấy tháng trước tôi có giúp ông Nhẫn đốn hai bộ cột bằng cây già (hàng chục cây – PV) có độ tuổi trên 30 năm trở lên. Khi đốn xong tôi điện thoại thông báo, ông Nhẫn bảo đem đào hố ngâm cho ổng. Không phải chỉ có lần này mà mấy lần trước cũng vậy. Hễ khi nào cần là ông Nhẫn điện, tôi đi đốn về ngâm. Còn chuyện vào chở cây khi nào là chuyện của ông Nhẫn, tôi không quan tâm”. Hai Q nói chắc nịch.


Rừng phòng hộ bị đốn tỉa

Còn anh N (con rể Hai Q) thì khẳng định: “Mỗi lần chú Năm (Huỳnh Đắc Nhẫn) kêu đốn cây là cha con tôi răm rắp nghe theo vì còn nợ chú ấy tình nghĩa (ông Hai Q được ông Nhẫn đồng ý cho đóng hai miệng đáy bắt tôm cá ở Tiểu khu Gạch Già, được cho ngọn và gốc đem về hầm than). Khi nào đi đốn cây thì chú Năm cho ghe vào chở”.

Dẫn chúng tôi ra xem nơi cất giấu hai bộ cột cho ông Huỳnh Đắc Nhẫn, Hai Q cho biết: “Mấy bộ cột này được ngâm mấy tháng nay rồi. Loại cây này mà muốn xài tốt phải ngâm dưới nước ít nhất 8 tháng trở lên”.

Rừng chỉ còn “cái vỏ”

Theo chân một người địa phương tên H vào sâu phía bên trong khu rừng phòng hộ ở Tiểu khu 134 thuộc BQLRPH Tam Giang I, chúng tôi ghi nhận có rất nhiều cây đước già nhiều năm tuổi bị lâm tặc đốn hạ.

Theo H và một số người dân địa phương, lâm tặc được sự bảo kê của cán bộ BQLRPH Tam Giang I nên chúng hoạt động rầm rộ. Sáng sớm họ vào rừng đốn cây, đến chiều khi nước lên thì bỏ cây lên xuồng chở ra. Có khi chở cây ngang trụ sở Tiểu khu 134 thuộc BQLRPH Tam Giang I.


Biển cấm chỉ để cho có

Xoay quanh vấn đề này, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, đã yêu cầu BQLRPH Tam Giang I và kiểm lâm cơ sở báo cáo ngay. Đồng thời Sở cũng chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thành lập đoàn xuống địa bàn kiểm tra để có biện pháp xử lý kịp thời.

Điều khiến người dân địa phương bức xúc là việc rừng ở đây bị tàn phá nhiều năm nay trước mặt các cán bộ thuộc BQLRPH, nhưng ngành chức năng tỉnh Cà Mau không hề hay biết. Sở dĩ họ không biết là vì lâm tặc được sự tiếp tay và làm theo sự chỉ đạo của ông Huỳnh Đắc Nhẫn, giám đốc BQLRPH Tam Giang I. Người ta còn đặt câu hỏi xoay quanh khối tài sản “kếch xù” mà ông giám đốc này đang có như xe hơi mấy chiếc, vuông tại lâm trường 5, 6 miếng rộng hàng trăm công là từ đâu mà có?

“Rừng được Nhà nước bảo vệ thì bị đốn hàng ngày như thế còn người dân như chúng tôi muốn đốn một cây đước mà mình quản lý để sử dụng phải có đơn xin phép ông Nhẫn. Mới hôm trước rừng trên đất nhà tôi bị lâm tặc vào chặt phá, vậy mà ông Nhẫn còn ra quyết định xử phạt gia đình tôi 50 triệu đồng”. Ông Hai A nói trong bức xúc.

Trao đổi qua điện thoại với NNVN, ông Huỳnh Đắc Nhẫn, giám đốc BQLRPH Tam Giang I thừa nhận việc mình có 2 bộ cột đang gửi ngâm tại nhà dân. Tuy nhiên ông này cho rằng không phải mình chỉ đạo, mà là do ông sắp về hưu nên tập thể, đơn vị giải quyết để về cất nhà.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.