Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM phát hiện gần 3.000 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trong năm 2018 (Ảnh minh họa). |
Tuy số vụ vi phạm có giảm xuống, nhưng các công trình không phép và các công trình trái phép vẫn diễn ra khá nhức nhối. Như một cách tham gia tích cực, Sở Khoa học- Công nghệ TPHCM hiến kế làm đề án ứng dụng công nghệ để kiểm soát, trong đó có công cụ giống như flycam, quét từ trên không và cập nhật thường xuyên các thay đổi tức thì của môi trường ô nhiễm cũng như hiện trạng nhà cửa…
Đúng là kỷ nguyên số khuyến khích áp dụng công nghệ vào công tác quản lý. Thế nhưng, giám sát bằng flycam chỉ là một phương tiện hỗ trợ, còn yếu tố cốt lõi vẫn nằm ở nhân lực. Công trình sai phạm không phải nằm ở chỗ kín đáo hay nơi bí mật, mà luôn phơi bày giữa thanh niên bạch nhật.
Cán bộ địa chính hay chuyên viên thanh tra có biết không? Có, chắc chắn có! Họ rất dễ dàng nhìn thấy, nhưng họ đã phản ứng như thế nào? Đừng nói một biệt thự hàng nghìn mét vuông huy động cả đội ngũ thợ thuyền ồn ào, mà căn nhà bé xíu chỉ cần chằng chống thêm một tấm tôn, cũng không thể qua mắt chính quyền địa phương. Quan trọng là họ xuống hiện trường, rồi họ hành động vì lợi ích cá nhân hay lợi ích cộng đồng.
Ví dụ, 7 công trình hoành tráng của ông Lê Hữu Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân quận Thủ Đức ngang nhiên tồn tại suốt bao nhiêu năm, mãi đến khi đích thân Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân xuống chỉ đạo, thì mới tiến hành xử lý hành chính.
Còn khu vực Thảo Điền ở quận 2 có bao nhiêu công trình kiên cố lấn chiếm bờ sông và lối đi công cộng, nhưng nếu dư luận không lên tiếng phản đối gay gắt thì mọi thứ cứ như chẳng có chuyện gì…
Từ đầu năm đến nay, TPHCM đã phát hiện 2.354 trường hợp sai phạm trong xây dựng, mà mật độ dày nhất ở các quận đang đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa như quận Thủ Đức có 311 vụ, quận 12 có 215 vụ, quận 9 có 257 vụ, quận 2 có 228 vụ…
Cần gì dùng đến công cụ flycam bay lượn trên bầu trời để thu thập hình ảnh, chỉ cần quyết liệt tháo dỡ những công trình trái phép thì trật tự sẽ được vãn hồi. Hãy nhìn vào chính thực tế, sai phạm nhỏ của người nghèo thì xử lý rất nhanh, nhưng sai phạm to của đại gia hoặc quan chức thì thờ ơ lảng tránh.
Vướng mắc ấy phải hiểu ra sao? Cán bộ địa chính có trong sáng không? Chuyên viên thanh tra có nghiêm túc không? Ngoài ra, có bàn tay can thiệp khéo léo nào không?
Muốn lập lại trật tự xây dựng, không thể không kiện toàn hai khâu quan trọng: Thứ nhất là minh bạch về quy hoạch và thủ tục. Thứ hai là trách nhiệm của những người thi hành công vụ. Đừng lãng phí vội vàng mua sắm công cụ flycam, rồi lại hồn nhiên đổ lỗi cho công nghệ hạn chế.