| Hotline: 0983.970.780

Giảm thiểu dân di cư tự do?

Thứ Ba 10/12/2013 , 10:26 (GMT+7)

Đó là câu hỏi được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết Chỉ thị 39 của Thủ tướng Chính phủ...

Đó là câu hỏi được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết Chỉ thị 39 của Thủ tướng Chính phủ về “Một số chủ trương, giải pháp tiếp tục giải quyết tình trạng dân di cư tự do” do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chủ trì chiều ngày 9/12.

Phức tạp và khó kiểm soát

Thực trạng dân di cư tự do (DCTD) được Ủy ban Dân tộc tổng hợp bằng nhận định: ngoài mục đích kinh tế thì môi trường, phong tục tập quán, tôn giáo là những nguyên nhân dẫn đến DCTD, đặc biệt là nhóm đồng bào dân tộc thiểu số.

Tổng số dân di cư từ năm 2005-2012 gần 36.000 hộ với xấp xỉ 277.000 nhân khẩu. Trong đó các tỉnh miền núi phía Bắc có dân di cư tự do nhiều nhất gồm Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu. Ngược lại, các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước lại đón nhiều nhóm dân này, chủ yếu là các dân tộc H’Mông, Tày, Nùng, Thái, Mường…

Số hộ đói nghèo của dân DCTD là đồng bào thiểu số, lên tới 85% (cao nhất là người H'Mông chiếm 97,8%). Thiếu vốn sản xuất, nhóm DCTD này sản xuất theo quy mô gia đình đơn lẻ, tự cung tự cấp nên cuộc sống bấp bênh, hơn 45% người di cư mới hiện đang sống trong những căn nhà tạm, 70% số hộ chưa có nước sinh hoạt và 84% hộ chưa có điện sinh hoạt.


Bộ trưởng Cao Đức Phát tại Hội nghị trực tuyến chiều ngày 9/12

Ngoài ra, một bộ phận lớn đồng bào có tập quán luôn luôn di chuyển địa bàn sinh sống và thường chuyển theo dòng họ, sống co cụm theo nhóm nhỏ ở sâu trong rừng, phá rừng làm nương rẫy. Vì vậy, dù vào địa bàn mới được nhiều năm nhưng nhóm dân di cư này vẫn nghèo đói, cuộc sống tạm bợ. Theo khảo sát, có đến 70% con em đồng bào dân tộc thiểu số DCTD không được đến trường đúng độ tuổi và không có điều kiện đi học.

Là địa phương có dân di cư đến nhiều nhất cả nước, đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước bổ sung: tỷ lệ dân DCTD đã giảm dần từ năm 2004, nhưng tính chất lại phức tạp hơn. Họ đến từng người một, rồi được dân di cư cũ bảo lãnh để được hợp pháp hóa và bắt đầu phá rừng để có được nơi ở cố định. Một thời gian sau, người mới này đã đưa cả gia đình đến an cư.

Mặc dù Bình Phước ban hành nhiều văn bản giải quyết số dân di cư tự do này, cương quyết thu hồi đất nông nghiệp trước năm 2004. Hiện còn 12 dự án đang thi công nhưng chưa có vốn để sắp xếp cho hơn 1.200 khẩu là dân DCTD, tập trung dọc tuyến đường Việt Nam - Campuchia. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng, trường học, bệnh viện đang trở thành áp lực rất lớn đối với địa phương bởi nguồn vốn chưa thể có đủ để giải quyết ngay cho nhóm dân này.

Bỏ quê vì nghèo

Cũng theo Ủy ban Dân tộc, tiến hành khảo sát để làm rõ nguyên nhân của tình trạng DCTD thì thấy, có đến 70% dân DCTD vì lý do kinh tế (để tìm việc làm và cải thiện cuộc sống). Tại nơi họ sinh ra, điều kiện địa hình phức tạp, canh tác trên đất dốc, dễ rửa trôi, bạc màu nên năng suất lao động thấp. Ngoài ra, trong công tác quản lý xã hội, quản lý dân cư, tài nguyên còn nhiều lỏng lẻo và yếu kém.

Rất nhiều địa phương chưa có cơ quan, đơn vị được giao quản lý về DCTD. Tiếp đó là việc tuyên truyền, vận động, giáo dục nhân dân về chủ trương, chính sách pháp luật chưa sâu, rộng nên đồng bào dễ bị lợi dụng, lôi kéo di cư tự do. Trình độ nhận thức của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa hạn chế, kết hợp phong tục tập quán lạc hậu, canh tác chủ yếu trên nương rẫy, đến khi đất bạc màu là bỏ đi để tìm đến vùng đất màu mỡ khác.

Để làm rõ lý do khiến cho những người dân “bỏ quê”, đại diện tỉnh Hà Giang thừa nhận, nguyên nhân cũng do công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu của chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, kết hợp địa bàn rộng và hiểm trở khiến cho việc quản lý càng gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt là chính sách hỗ trợ ngăn chặn dân DCTD còn hạn chế về nguồn lực, chính quyền lúng túng trong khâu xử lý đối với dân DCTD mới đến vì chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện. Tại nơi dân DCTD sinh sống thường xảy ra nhiều tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút, buôn bán người, tranh chấp đất đai…

Phải giúp dân ổn định cuộc sống

Dành hơn 3 giờ để nghe ý kiến các địa phương về thực trạng DCTD, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, hơn 15 năm theo dõi DCTD, cho đến hội nghị này, ông có chung nhận định với nhiều địa phương: dân DCTD bỏ đi chủ yếu vì hai chữ đói nghèo.

 Thêm vào đó, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đã di chuyển bởi tôn giáo hay bị kẻ xấu kích động, lợi dụng nhằm chống phá nhà nước. Và, điểm mới duy nhất mà ông thấy xuất hiện khi di cư nội vùng Tây Bắc (chủ yếu ở tỉnh Điện Biên).

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, để hạn chế những bất cập trên, các bộ, ngành, địa phương chỉ cần thực hiện đúng nội dung hai văn bản mà Thủ tướng đã ban hành. Đó là Chỉ thị 39 về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục giải quyết tình trạng dân DCTD và Quyết định 1776 phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020.

Với những địa phương có đông DCTD ra đi, Bộ trưởng yêu cầu chính quyền phải quyết liệt hơn trong việc quản lý chặt nhân khẩu, tìm hiểu nguyên nhân và “giữ chân” họ bằng việc huy động các nguồn lực để phát triển sản xuất, tạo việc làm ổn định cho họ.

Còn riêng địa phương có DCTD chuyển đến, sẽ không thể đuổi họ về quê cũ được bởi nhà cửa, anh em họ hàng đâu còn ai. Vì vậy, Bộ sẽ kết hợp những địa phương này để kiến nghị Chính phủ tăng thêm kinh phí hỗ trợ và ban hành nhiều chính sách mới giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Bổ sung cho những chính sách mới, đại diện Bộ KH-ĐT cho hay, các địa phương có dân di cư đi nhiều ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số không di cư tự do và an tâm sinh sống lâu dài trên quê hương thì phải tiến hành giao đất, giao rừng cho các hộ quản lý và có hướng dẫn phát triển nghề rừng để các hộ có thu nhập chủ yếu từ nghề rừng.

Ngoài ra cũng thúc đẩy xây dựng các nhà máy chế biến nông lâm thủy sản, phát triển du lịch, tạo việc làm, thu nhập cho người dân có cuộc sống ổn định. Địa phương cần bố trí ngân sách địa phương lồng ghép vốn các chương trình để đầu tư cho các dự án nhằm thu hút dân di cư tự do tham gia, trong đó có Chương trình xây dựng NTM.

+ Huyện Tuy Đức (Đắk Nông) hiện có gần 11.000 nhân khẩu thuộc 2.500 hộ là dân DCTD, chủ yếu người Mông, Dao, Tày. Đây là nguồn lao động dồi dào, góp phần phát triển nền kinh tế của địa phương; dân di cư có tinh thần tự lực cánh sinh cao, cần cù trong làm ăn, có nhiều kinh nghiệm cho dân sở tại học tập..

+ Theo Bộ Quốc phòng, đến năm 2020 quân đội sẽ triển khai xây dựng 32 Khu Kinh tế quốc phòng, gồm có 3 khu trên biển, đảo xa bờ, 2 khu trên đảo gần bờ và 27 khu trên tuyến biên giới đất liền từ các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn…, trong đó chú trọng việc quy hoạch, bố trí, sắp xếp ổn định cuộc sống cho nhiều đồng bào dân tộc thiểu số là dân di cư tự do…

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất