| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 22/07/2019 , 08:32 (GMT+7)

08:32 - 22/07/2019

Giảm ùn tắc hay thu tiền cho thành phố?

Sở GT-VT  TP.HCM vừa đề xuất bỏ ra 250 tỷ để xây dựng 34 trạm thu phí đối với ô tô vào các quận trung tâm của thành phố.

Đề xuất này được đưa ra nhằm giảm bớt lượng xe cá nhân vào trung tâm, từ đó giảm ùn tắc cho các quận đó, đang càng ngày càng trở nên trầm trọng. Còn ở Hà Nội, vấn đề thu phí ô tô vào các quận trung tâm cũng bắt đầu được “xới” lên, sau vài năm tưởng chìm vào quên lãng.

Tình trạng kẹt xe tại trung tâm TP HCM ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: Quỳnh Trần/VnExpress.

Theo đánh giá của sở GT-VT thành phố Hồ Chí Minh, với mức phí từ 40 đến 50 ngàn đồng/lượt cho xe con và xe khách, lượng xe ô tô vào các quận trung tâm sẽ giảm được tới 49%, đồng thời lượng khách chuyển sang các phương tiện giao thông công cộng sẽ tăng từ 9% lên 15%.

Giảm lượng xe cá nhân tới 49%? Không biết con số trên được đưa ra từ căn cứ nào? Nhưng theo các chuyên gia, thì rất khó trở thành hiện thực.

Bởi lẽ: Với những người đã có tiền tậu ô tô riêng, nhất là những loại xe đắt tiền, thì con số 40 ngàn đồng/lượt phí chẳng là gì cả. Họ sắm xe con là để phục vụ việc làm ăn chứ chẳng ai sắm xe chỉ để vào các quận trung tâm dạo chơi, nên họ sẵn sàng trả phí.

Chẳng ai dại gì gửi xe ở ngoài trạm thu phí để đi xe buýt hay taxi vào nội thành, thì một là tiền gửi xe còn tốn gấp nhiều lần mức phí, hai là phải mất thêm tiền đi taxi, còn đi xe buýt thì bất tiện, trộm cắp như rươi. Vì vậy, việc thu phí với mục đích giảm bớt lượng xe vào trung tâm hoàn toàn không khả thi.

Vận tải là một thị trường, vận tải bằng phương tiện cá nhân và vận tải bằng phương tiện công cộng là hai loại hình vận tải cùng tồn tại song song với nhau. Bên nọ muốn dành ưu thế, muốn dành được khách của bên kia thì phải cạnh tranh một cách sòng phẳng, lành mạnh theo luật cạnh tranh.

Nếu các phương tiện vận tải công cộng phục vụ tốt hơn, tiện lợi hơn, thì người ta sẽ tự bỏ phương tiện cá nhân để sử dụng phương tiện công cộng, chẳng chờ ai ép. Bất cứ một biện pháp hành chính nào nhằm mục đích ép buộc một bên để dành lợi thế cho bên kia đều là vi phạm pháp luật, và chưa chắc đã thành công, mà trường hợp xe buýt nhanh (BRT) ở Hà Nội là một ví dụ.

Để tạo điều kiện cho BRT, thành phố đã cấm một phần lòng đường ở những nơi có BRT đi qua để dành hẳn phần đường đó cho mấy cái buýt nhanh, những loại xe còn lại bị ép vào phần đường còn lại, gây ùn tắc cục bộ. Nhưng kết quả cũng chẳng giải quyết được gì. BRT chẳng hề nhanh hơn xe buýt thường, những chiếc BRT chỉ thưa thớt, lèo tèo vài ba chục hành khách. BRT có thể coi là một thất bại điển hình của việc dùng mệnh lệnh hành chính can thiệp vào thị trường.

Ngoài việc thu được một khoản phí cho thành phố, thì việc lắp đặt 34 trạm thu phí vào các quận trung tâm rất khó giảm được lượng phương tiện cá nhân vào đó, hoặc có giảm, cũng không đáng kể.

Bình luận mới nhất