| Hotline: 0983.970.780

Gian nan chống dịch tả lợn Châu Phi ở vùng cao

Thứ Năm 11/07/2019 , 07:01 (GMT+7)

Tỉnh Yên Bái vừa tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) sau 60 ngày Yên Bái bị bão dịch tràn qua.

Trận dịch đã khiến ngành chăn nuôi của Yên Bái thiệt hại vô cùng nặng nề. Cuộc chiến chống dịch ở vùng cao Yên Bái chưa biết bao giờ mới kết thúc...

11-01-35_k2
Bản Hát Lừu, xã Hát Lừu nơi có DTLCP.

Theo báo cáo nhanh của Chi cục Chăn nuôi Thú y, tính đến ngày 10/7/2019 sau 60 ngày tỉnh Yên Bái bùng phát DTLCP, đã có 932 hộ ở 138 thôn, bản, tổ dân phố của 66 xã, phường, thị trấn trên 9/9 huyện, thị xã, thành phố có lợn nhiễm dịch buộc phải hủy 5.557 con, trọng lượng 256,921 tấn.

Thiệt hại năng nề nhất là huyện Trấn Yên có 1.838 con nhiễm dịch và tiêu hủy, trọng lượng 88,411 tấn, tiếp đến là huyện Trạm Tấu tổng số lợn nhiễm dịch, chết và tiêu hủy 1.698 con, trọng lượng 57,461 tấn.

Tổng đàn lợn của Trạm Tấu chỉ có 15.253 con, thấp nhất tỉnh Yên Bái nhưng lại có số lợn chết nhiều như vậy? Để trả lời câu hỏi này PV báo Nông nghiệp Việt Nam đã lên tận những nơi phát sinh DTLCP tìm hiểu và nhận thấy tập quán chăn thả rông của bà con vẫn là chủ yếu. Số gia đình nuôi tập trung 20 - 30 con không nhiều, với phương thức chăn nuôi tự sản tự tiêu là chính, mỗi gia đình nuôi 2 - 3 con, nhà nhiều 8 - 10 con, phần lớn là lợn đen địa phương.

11-01-35_k4
Rất ít hộ nuôi lợn có chuồng trại như thế này.

Họ nuôi để mổ trong các dịp lễ tết, cúng ma, dựng nhà mới, cưới xin. Thịt ăn hàng ngày chủ yếu mua ở chợ, hay những xe thịt bán rong dọc đường. Khi phát dịch, do chưa rõ nguyên nhân khi thấy lợn bị ốm, nên nhiều hộ gia đình đã mổ chia cho anh em và các hộ xung quanh cùng ăn, nên mức độ lây lan càng khủng khiếp.

Ổ dịch đầu tiên bùng phát ở xã Túc Đán từ ngày 7/5/2019, đây là xã giáp với TX Nghĩa Lộ, nơi có DTLCP bùng phát trước đó, người dân đã mua thịt từ dưới chợ Mường Lò về ăn đã lây sang đàn lợn của bản.

Do tập quán chăn nuôi thả rông nên mức độ lây lan dịch rất nhanh. Chỉ 3 ngày từ 9 - 12/5/2019 dịch đã lan ra 35 hộ, không khác gì cơn bão với tốc độ lây lan rất nhanh, khiến 86 lợn ốm, đã chết 80 con. Đến ngày 1/7/2019 tổng số lợn của xã Túc Đán bị nhiễm dịch buộc phải tiêu hủy 575 con, trọng lượng 20,645 tấn.

11-01-35_k5
Trâu và lợn nhốt chung chuồng.

Tiếp đến xã Trạm Tấu có 306 con lợn nhiễm dịch bị tiêu hủy, trọng lượng 10,325 tấn. Xã Pá Hu có 254 con lợn nhiễm dịch buộc tiêu hủy, trọng lượng 9,137 tấn, xã Tà Xi Láng nằm trên tận đỉnh núi mà cũng có 31 hộ có 63 con lợn bị nhiễm dịch buộc phải tiêu hủy, trọng lượng 1,345 tấn... Như vậy, tính đến nay huyện Trạm Tấu đã có 9/12 xã có DTLCP.

Những chuyện cười ra nước mắt khiến “cuộc chiến” phòng chống DTLCP ở Trạm Tấu gặp vô vàn khó khăn. Ông Nguyễn Thành Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT cho biết: Một thầy cúng ở xã Xà Hồ được mời đi cúng ở xã Trạm Tấu, sau khi cúng xong, theo “cái lý” của người Mông, gia chủ biếu thầy cúng một đùi lợn mang về. Ông thầy cúng này đặt đùi lợn trong gùi theo đường núi trở về nhà mà không hay đùi lợn ông gùi trên lưng nhiễm DTLCP. Sau khi mang về làm thức ăn, chỉ vài ngày sau đàn lợn nhà ông và hàng xóm nhiễm dịch. Khi dịch xảy ra người ta mới biết DTLCP theo chân thầy cúng về bản.

11-01-35_k1
Một bản người Mông xã Xà Hồ.

Lại chuyện ở Xà Hồ, anh Hờ A Dê ở thôn Háng Xê lấy vợ ở thôn Tấu Trên, xã Trạm Tấu, mấy ngày trước hai vợ chồng khục khoặc, vợ bỏ về nhà bố đẻ. Khoảng một tuần lễ hai vợ chồng nguôi giận, Hờ A Dê sang bản Tấu Trên đón vợ. Bố vợ là ông Mùa A Lầu mừng lắm, nên mổ lợn thết đãi, sau đó chia cho vợ chồng con rể một đùi lợn mang về. Ai ngờ con lợn đó nhiễm DTLCP, khiến đàn lợn gia đình Hờ A Dê và gia đình Hờ A Páo, Thào Thị Dê phát dịch, 15 con lợn buộc phải tiêu hủy.

Như vậy, có thể thấy có muôn nẻo đường để DTLCP tràn lên các xã, huyện vùng cao Yên Bái.

Huyện Trạm Tấu đã lập 12 chốt kiểm dịch, Trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trạm tấu đã phun 1,156 tấn hóa chất, 16,605 tấn vôi bột vào chuồng trại của 652 hộ chăn nuôi. Nhưng chả thấm vào đâu, bởi người dân sống rải rác trên các sườn núi, lợn thả rông chạy khắp núi mênh mông. Vì thế, dịch còn tiếp tục lây lan khó kiểm soát được.

11-01-35_k3
Lợn thả rông dưới gầm sàn.

Ngày 10/7 tỉnh Yên Bái thêm 2 xã mới phát dịch là xã Báo Đáp huyện Trấn Yên, xã Nghĩa Phúc TX Nghĩa Lộ, số lợn nhiễm dịch 53 con buộc tiêu hủy 182 con, trọng lượng 10,434 tấn.

Ông Đàm Duy Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y thành thật: Mỗi ngày tỉnh Yên Bái có vài chục, thậm chí cả trăm con lợn bị nhiễm dịch buộc tiêu hủy. Mặc dù các địa phương đã áp dụng mọi biện pháp để ngăn chặn DTLCP, nhưng việc kiểm soát và kiễm chế dịch là vô cùng khó khăn...

11-01-35_k6
Chốt kiểm dịch động vật trên đường lên Trạm Tấu.

Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm