| Hotline: 0983.970.780

Giao dịch qua Sàn - lối thoát hiểm cho các HTX nông nghiệp?

Thứ Hai 11/11/2013 , 09:12 (GMT+7)

Do hình thành trên nền tảng của kinh tế tập thể, sau đó là kinh tế hộ gia đình nên nền nông nghiệp Việt Nam chưa thoát khỏi hệ lụy nhỏ lẻ, manh mún, sức cạnh tranh yếu.

Do hình thành trên nền tảng của kinh tế tập thể, sau đó là kinh tế hộ gia đình nên nền nông nghiệp Việt Nam chưa thoát khỏi hệ lụy nhỏ lẻ, manh mún, sức cạnh tranh yếu.

Nếu không sớm phát triển được mạng lưới các HTX/Tổ hợp tác SX hoạt động hiệu quả và bền vững, thì ngành nông nghiệp nước ta sẽ phải đối mặt với những rủi ro rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

LỐI THOÁT!

Hiện tại, các HTXNN của ta đang gặp rất nhiều khó khăn và đối mặt với nguy cơ “phá sản hàng loạt”, đặc biệt từ khi Luật HTX ra đời. Mặc dù định hướng phát triển chung của các HTX là liên kết thành viên và tổ chức cung cấp dịch vụ cho xã viên nhận được sự nhất trí cao, nhưng khi triển khai trên thực tế đều bị vướng.

Do hạn chế về năng lực, nguồn lực, nhân lực và phương thức hoạt động nên việc cung cấp dịch vụ cho xã viên của các HTX nói chung còn yếu kém, không cạnh tranh được với tư thương. Điều này, vừa khiến hoạt động của HTX bị tê liệt vừa đặt xã viên trước nhiều thiệt thòi và rủi ro như mua vật tư đầu vào giá cao, bán sản phẩm đầu ra giá thấp, chưa kể mua phải vật tư rởm, kém chất lượng trôi nổi trên thị trường.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, điều phối viên Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) cho rằng, trong bối cảnh khó khăn đó, mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực, xây dựng thương hiệu và đưa Tổ hợp tác/HTX tham gia giao dịch trên Sàn Giao dịch Vật tư đầu vào và Sàn giao dịch Sản phẩm đầu ra do Công ty CP Sàn Giao dịch Rau quả & Thực phẩm An toàn Hà Nội (SGDRQ&TPATHN) triển khai tại Tuyên Quang theo thỏa thuận với Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp, Nông dân và Nông thông tỉnh Tuyên Quang (TNSP) do IFAD tài trợ đang gợi mở một hướng phát triển hiệu quả và bền vững cho các HTX/Tổ hợp tác.


Lãnh đạo TP. Hà Nội tham quan gian trưng bày của Cty SGDRQ&TPATHN tại hội chợ

Cty SGDRQ&TPATHN là đơn vị đầu tư xây dựng SGDRQ&TPATHN từ giữa năm 2011, với sự hỗ trợ của Sở NN-PTNT Hà Nội theo mô hình hợp tác công tư. Qua quá trình hoạt động, sàn đã hỗ trợ hiệu quả cho nhiều HTX, trang trại, DN sản xuất rau quả, thực phẩm an toàn của Hà Nội và các tỉnh có thỏa thuận liên kết với Sở NN-PTNT Hà Nội kết nối vào các chuỗi giá trị phù hợp trên thị trường để tiêu thụ sản phẩm.

Từ tháng 6/2013, trước nhu cầu của các HTX và người sản xuất muốn mua được vật tư nông nghiệp tốt trực tiếp từ các nhà cung cấp vật tư uy tín, Cty đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành Sàn Giao dịch Vật tư Nông nghiệp miền Bắc. Sự phối hợp hoạt động của hai sàn giao dịch vật tư đầu vào và sản phẩm đầu ra của Công ty trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt kết dính các mắt xích tạo ra các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm đa dạng và hiệu quả, trong đó các mắt xích giao dịch với nhau hoàn toàn trên cơ sở thị trường.

Tại địa bàn của dự án, trước tiên các tổ hợp tác/HTX được tăng cường năng lực về lập kế hoạch, quản lý, điều hành sản xuất định hướng thị trường, xây dựng và quản lý thương hiệu tập thể. Sau đó được hướng dẫn và hỗ trợ tham gia giao dịch trên cả Sàn giao dịch vật tư nông nghiệp miền Bắc (đầu vào) và SGDRQ&TPATHN (đầu ra).

Ông Hà Văn Hòa, Giám đốc TNSP tỉnh Tuyên Quang cho biết, việc hỗ trợ các hộ sản xuất nhỏ lẻ liên kết thành các Tổ hợp tác/HTX, sau đó tăng cường năng lực và hỗ trợ họ tham gia giao dịch trên các sàn giao dịch vật tư đầu vào và sản phẩm đầu ra để kết nối vào các chuỗi giá trị phù hợp sẽ giúp khắc phục được tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nhiều rủi ro hiện nay và sẽ tạo tiền để để Tổ hợp tác/HTX phát triển bền vững.

KINH DOANH KHÔNG CẦN VỐN

Ông Nguyễn Thành Lưu - TGĐ Cty SGDRQ&TPATHN chia sẻ: Tham gia Sàn giao dịch vật tư miền Bắc, các Tổ hợp tác/HTX trở thành các thành viên mua vật tư nông nghiệp trên sàn. Do sàn chỉ gồm các nhà cung cấp vật tư nông nghiệp uy tín tham gia giao dịch và cạnh tranh bình đẳng nên không chỉ mua được vật tư nông nghiệp tốt mà giá bán cũng rất cạnh tranh và là giá gốc của các nhà cung cấp.

Trước đây, để mở cửa hàng vật tư nông nghiệp các Tổ hợp tác/HTX phải cần vốn, mặt bằng, nhân lực thì nay các tổ hợp tác/HTX chỉ cần một máy tính kết nối mạng internet hoặc 1 điện thoại đã có thể giao dịch qua sàn. Đơn đặt hàng sẽ được nhà cung cấp vận chuyển thẳng đến Tổ hợp tác/HTX để giao cho các xã viên. HTX/tổ hợp tác sẽ được hưởng chiết khấu đại lý còn xã viên sẽ mua được vật tư tốt, giá rẻ nhờ cắt giảm gần như toàn bộ các khâu trung gian không cần thiết.

Sau khi mua vật tư và sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn được ngành nông nghiệp địa phương xác nhận, các HTX/Tổ hợp tác sẽ tham gia SGDRQ&TPATHN để kết nối tiêu thụ sản phẩm đến hàng ngàn đầu mối tiêu thụ trên thị trường. Các Tổ hợp tác/HTX không cần tốn nhiều thời gian và chi phí để tìm kiếm các chuỗi giá trị, các đầu mối mua hàng như trước, mà thông qua giao dịch trên sàn kết nối với hàng ngàn đối tác sẽ giúp tăng vị thế của Tổ hợp tác/HTX, bán được giá hơn nhờ cắt giảm các khâu trung gian không cần thiết.

Tất nhiên, khi tham gia giao dịch trên sàn, các nhà sản xuất phải cạnh tranh với nhau thông qua chất lượng, giá cả và dịch vụ. Tuy nhiên, điều đó cũng giúp tăng sức cạnh tranh của các Tổ hợp tác/HTX, phân bổ lại cơ cấu sản xuất cho phù hợp với thị trường.

Cách thức giao dịch liên hoàn qua các Sàn giao dich vật tư đầu vào và sản phẩm đầu ra như trên không những mang lại lợi ích lớn cho xã viên, mà bản thân các HTX/Tổ hợp tác cũng có nguồn thu từ chiết khấu đại lý giao dịch đầu vào và đầu ra, phí quản lý thương hiệu tập thể mà không cần nhiều nguồn lực đầu tư do đó rất phù hợp với điều kiện của các Tổ hợp tác/HTX hiện nay.

Ông Nguyễn Thành Lưu chia sẻ, thời gian tới khi Sàn giao dịch TP. HCM cho khu vực phía Nam do Công ty đầu tư đi vào hoạt động và kết nối liên thông với Sàn giao dịch Hà Nội cho khu vực phía Bắc sẽ mang lại nhiều giá trị hơn nữa cho các HTX NN, các nhà cung ứng vật tư nông nghiệp tốt và người tiêu dùng trên cả nước.

“Thông qua sàn giao dịch, các nhà cung cấp vật tư nông nghiệp uy tín cũng hưởng lợi từ hệ thống giao dịch này. Không những được kết nối thẳng tới hàng chục ngàn HTX/Tổ sản xuất với chi phí không đáng kể mà uy tín thương hiệu cũng được bảo đảm.

Đặc biệt, tình trạng phân bón rởm, thức ăn chăn nuôi kém chất lượng sẽ khó xảy ra khi giao dịch qua sàn vì bị truy xuất nguồn gốc xuất xứ rất rõ ràng”. Ông Nguyễn Thành Lưu - TGĐ Công ty SGDRQ&TPATHN.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Agribank bổ sung 35.000 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ nền kinh tế

Ngay đầu quý II/2024, Agribank bổ sung thêm 35.000 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp.