| Hotline: 0983.970.780

Giao DN nợ "khủng" thu mua cà phê!

Thứ Hai 19/07/2010 , 10:11 (GMT+7)

Chính phủ chỉ định DN và hỗ trợ lãi suất ngân hàng mua tạm trữ cà phê là một chính sách tốt. Tuy nhiên, các DN được như Vinacafe hay DN Thái Hòa lại không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng.

Chính phủ chỉ định DN và hỗ trợ lãi suất ngân hàng mua tạm trữ cà phê cho nông dân Tây Nguyên là một chính sách tốt. Tuy nhiên, khi chính sách ra đời thì người dân đã bán vãn cà phê. Mặt khác các DN được chỉ định thu mua tạm trữ cà phê như Vinacafe hay DN Thái Hòa lại không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Vĩnh Án, GĐ Sở NN-PTNT Lâm Đồng. 

Thưa ông, ông có cho rằng chính sách hỗ trợ lãi suất thu mua tạm trữ cà phê ra đời quá chậm?

Phải nói là chậm. Khi chính sách ra đời thì cơ bản cà phê của dân đã bán hết rồi. Mặt khác, xây dựng cơ chế chính sách ra để nhà nước hỗ trợ lãi suất cho DN thu mua cà phê chỉ quan tâm đến việc thu mua thôi còn mọi hoạt động SXKD của DN đó như thế nào, đang lỗ hay lãi, đang nợ hay không nợ không ai chịu trách nhiệm. 

Tức là chính sách không những ra đời chậm mà lại chọn DN đang nợ đầm đìa để...gửi vàng?

Theo chính sách này, DN muốn được vay vốn có hỗ trợ lãi suất thì phải có điều kiện. Nhưng thực tế ở Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên khác, DN Thái Hòa và Vinacafe không có điều kiện vay vốn ngân hàng vì hiện họ có số dư nợ ngân hàng quá lớn, nên ngân hàng không cho vay tiếp nữa.  

Tóm lại đây là một lỗi lớn của những nhà làm chính sách?

Đây là vấn đề phải rút kinh nghiệm trong những năm tới. Theo tôi thì chúng ta cần phải có giải pháp căn cơ chứ không thể chỉ giải quyết vấn đề tình thế như thế.  

Sau khi xảy ra chuyện đó, Sở làm gì?

Sở đã đề xuất với tỉnh Lâm Đồng trình với Bộ NN-PTNT một số DN có khả năng, đủ điều kiện đứng ra thu mua tạm trữ cà phê cho dân, nhưng đến giờ địa phương không nhận được hồi âm. Và đến nay thì cũng đã hết thời hạn hỗ trợ lãi suất thu mua cà phê rồi. 

Như vậy là Lâm Đồng không được hưởng lợi gì từ chính sách này?

Sau khi chính sách đó ra đời ít nhiều cũng có tác động tới việc thu mua và giá cà phê cũng đã tăng lên. Cho đến nay giá đã đạt 28-29 ngàn đồng/kg. Nhưng thực hiện chính sách đó, Lâm Đồng không được gì. Chúng tôi có 140 ngàn ha cà phê, sản lượng khoảng 300 ngàn tấn nhưng khi thực hiện chính sách thu mua thì chỉ còn khoảng 10% cà phê thôi.  2 DN được chỉ định thu mua tạm trữ là DN Thái Hòa và Vinacafe đã không mua được do đang nợ quá lớn. 

Trao đổi với NNVN, PCT UBND huyện Di Linh khẳng định là không ít người dân đã ký gửi cà phê rồi đến nay chưa lấy được tiền và đang ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ?

Tôi cho rằng chính sách thu mua cà phê cho đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên cần phải đảm bảo ổn định giá và có lãi như thu mua lúa gạo ở ĐBSCL. Chính phủ đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho DN thu mua cà phê được đồng bào hoan nghênh và rất phấn khởi, nhưng bà con chưa vui vì khi có chủ trương thì đa số nông dân đã bán hết cà phê trước đó rồi. Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng bình ổn giá cà phê, có cơ chế hỗ trợ tiếp cho người trồng cà phê – (ĐBQH Ya- Duck  - Lâm Đồng)  

Chính phủ đã hỗ trợ các DN thu mua tạm trữ cà phê nhưng không khả thi. Nhiều DN thiếu vốn để mua cà phê do đã vay vốn ngân hàng và đã quá hạn nên không thể vay mới. Chính phủ hỗ trợ DN thông qua đơn giá mua hàng của DN. DN không trực tiếp mua cà phê của nông dân mà thông qua thương lái. Dẫn đến thương lái ép giá của nông dân để mua sau đó bán lại cho DN lấy lợi nhuận cao. - (ĐBQH Hà Sơn Nhin  - Gia Lai)

Không, đấy là số lượng người dân ký gửi đại lý. Số lượng này thì có. Theo đánh giá của chúng tôi thì chính sách này ảnh hưởng tích cực đối với người dân Lâm Đồng chưa nhiều. Nếu không giao cho mấy DN nợ nần chồng chất và chính sách ra đời sớm hơn thì người dân lợi nhiều lắm. Vì bây giờ, giá cà phê lên cao rồi mà trong dân lại không còn cà phê để bán nữa. Ký gửi đại lý hết rồi.  

Tại sao chúng ta lại chọn mấy DN đang có dư nợ ngân hàng lớn trong khi đó có rất nhiều DN mạnh có khả năng mua được?

Cái đó tôi chưa hiểu lắm. Phải hỏi Bộ NN-PTNT thôi. Địa phương hoàn toàn không tham gia gì vào việc chỉ định mấy DN này. Sau khi thấy không ổn tỉnh có đề xuất thêm một số DN có khả năng nhưng hết thời hạn mua tạm trữ rồi. Tóm lại là cần phải có một chính sách căn cơ như hạt gạo. Từ quy hoạch đến nâng cao chất lượng cà phê, rồi tổ chức tốt việc thu mua.   

Được biết, một số DN cà phê ở Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ rất cao, trong đó có các DN lớn của cả nhà nước và tư nhân, mà những DN này trong nhiều năm qua được coi là “độc quyền”, nhận ưu ái khá lớn từ Chính phủ?

Chúng tôi rất lo lắng. Và tôi cho rằng, ngay Bộ NN-PTNT cũng đang lo. Chứ không lỡ nó vỡ tung ra. Nhà nước phải can thiệp mạnh tay hơn. Tôi không hiểu vì sao nhà nước lại chỉ định 2 “ông” có dư nợ lớn thu mua tạm trữ cà phê cho dân trong lúc nước sôi lửa bỏng. Họ khỏe thì mới thực hiện chứ yếu thì làm gì?  

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.