| Hotline: 0983.970.780

Giáo sư Toán mất 1 tiếng để giải bài toán lớp 6

Thứ Hai 28/04/2014 , 09:00 (GMT+7)

Giáo sư Đỗ Đức Thái, Trưởng khoa Toán trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã chia sẻ như vậy về chương trình dạy học phổ thông hiện nay.

Tại hội thảo “Đổi mới chương trình đào tạo giáo viên” do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vừa tổ chức cuối tuần qua, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (SP HN) đã đề xuất đổi mới chương trình đào tạo bởi thực trạng chương trình đào tạo của Trường ĐH SP HN hiện nay, theo ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường, chương trình đào tạo vẫn mang nặng tính kinh nghiệm; Chưa xác định được chương trình cốt lõi để đào tạo giáo viên dẫn đến sự nặng nề trong kiến thức hàn lâm; Chưa có cấu trúc hợp lý giữa chương trình cơ bản và chương trình nghiệp vụ; Chương trình nghiệp vụ sư phạm vẫn còn mang tính hàn lâm, giáo điều; chưa đề cập đến năng lực dạy học tích hợp và phân hóa…

Lãnh đạo Trường ĐH SP HN cho biết, giáo dục phổ thông nước nhà đã trải qua 3 cuộc cải cách giáo dục (vào các năm 1950, 1956 và 1979) nhưng chưa có cuộc đổi mới cơ bản nào trong đào tạo ở các trường đại học.

Do vậy, Trường ĐH SP HN xây dựng chương trình đào tạo giáo viên sẽ được chia làm ba bộ phận: Môn chung, chuyên môn và nghiệp vụ. Môn chung sẽ bao gồm những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối cách mạng Đảng Cộng sản Việt Nam, Ngoại ngữ. Đối với Ngoại ngữ sẽ bố trí học theo trình độ thay vì xếp lớp học theo khoa như hiện nay.

Các môn chuyên môn sẽ theo các ngành học, không chỉ đơn ngành mà có thể các môn học đáp ứng cho tích hợp các ngành: Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội, Tin và Công nghệ; chương trình nghiệp vụ sư phạm bao gồm cả kiểm tra, đánh giá và quản lý.

Quá trình đào tạo giáo viên (về chuyên ngành Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội, Tin học, Công nghệ), sinh viên (SV) có thể thực tập ở trường THCS nhằm thực hiện việc giáo dục và thực hành giảng dạy tích hợp. Trong giai đoạn này SV cần 90 tín chỉ, có thể được cấp bằng cao đẳng khi kết thúc phần này.

Sau đó, SV sẽ được tiếp tục đào tạo để dạy phân hóa (Chuyên ngành và giáo dục) với mục tiêu hướng đến có thể đứng lớp ở bậc THPT. SV sẽ được đào tạo để dạy phân hóa theo chuyên môn của từng môn học ở THPT. Yêu cầu, SV phải đạt được mỗi chuyên ngành mà mình chọn lựa phải phù hợp và được trang bị kiến thức về ngành học, có các năng lực chuyên biệt để vận dụng trong giảng dạy.

Để tốt nghiệp, SV dù bằng hình thức thi hay luận văn phải có thi giảng trực tiếp, hoàn thành phần này SV cần 60 tín chỉ. SV đạt chuẩn sẽ được cấp bằng đại học. Như vậy, tổng số tín chỉ đào tạo giáo viên là 150.

Với các ngành đào tạo chuyên biệt: Sư phạm Toán, Sư phạm Ngữ văn, Tâm lý giáo dục, Giáo dục quốc phòng - An ninh, Sư phạm tiếng Anh, Sư phạm tiếng Pháp, Sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học, Giáo dục đặc biệt, Quản lý giáo dục, Sư phạm Triết học, Giáo dục công dân. Chương trình đào tạo này sẽ được sắp xếp lại và theo đó tiến trình cũng thay đổi để đáp ứng chuẩn đầu ra của đối tượng giáo viên là THCS. Tổng số tín chỉ nhóm này được đề xuất tối thiểu là 135 tín chỉ.

“Con gà có trước hay quả trứng có trước”

Nhiều ý kiến tại hội thảo không đồng tình với vấn đề cấp bằng cao đẳng cho những SV học đủ tín chỉ ra dạy THCS. Ông Lê Tự Hải - Trưởng khoa Hóa ĐH SP Đà Nẵng cho rằng: “Đào tạo giáo viên THCS phải có chương trình riêng, đi từ đầu đến cuối. Không thể đang đi một chương trình, đến nửa đường dừng lại được. Bên cạnh đó, trao quyền lựa chọn cho người học cũng gây hiệu ứng tâm lý không tốt đối với sinh viên. Nhiều em nghĩ rằng, học không được thì dừng lại, xuống dạy THCS”.

Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Quang Sơn - Trường ĐH SP Đà Nẵng, cũng không đồng ý trên con đường đào tạo giáo viên THPT lại cắt khúc để cho ra giáo viên THCS bởi đây là hai việc khác nhau, không thể chung được.

“Muốn đào tạo giáo viên một số môn mới tích hợp ở THCS thì cần phải xây dựng chương trình đào tạo mới. Trong điều kiện kinh tế khó khăn thì thời gian đào tạo sư phạm 4 năm là phù hợp. Tuy nhiên, đào tạo giáo viên phải có 3 khúc, khúc 1 là đào tạo trường học, khúc 2 là nhập nghề (dạy thực tập ở các trường) và khúc 3 bồi dưỡng chuyên môn” - ông Sơn cho hay.

Ví dụ về chương trình dạy học hiện nay, GS Đỗ Đức Thái - Trưởng khoa Toán trường ĐH SP HN cho rằng: “Quyển sách giáo khoa toán ở phổ thông hiện nay quá mỏng là một “thảm họa”. Việc quá mỏng ấy, trong giới chuyên môn với nhau nói rằng đó là đánh lừa thiên hạ. Ở trong đấy không có cơ hội tạo ra môi trường trải nghiệm hình thành và kiến tạo kiến thức. Con tôi đang học lớp 6, tôi biết rất rõ, trong vòng 1 tiết lên lớp (45 phút), cô giáo phải dạy cái gì?

Cụ thể, dạy mặt phẳng tọa độ, cách xác định 1 điểm trên mặt phẳng tọa độ, cho 1 điểm đi 2 tọa độ, cho 2 tọa độ tìm ra điểm, đồ thị hàm số… những khái niệm khó như thế, tôi dạy con tôi toát mồ hôi, mất 1 tiếng đồng hồ mà chỉ có 1 thầy, 1 trò. Tôi là giáo sư nhưng cũng là một thợ đứng lớp nổi tiếng về luyện thi mà tôi còn phải mất 1 tiếng đồng hồ để giải bài toán lớp 6. Thế nên, chúng ta đừng nghĩ là chúng ta có ít giờ là tốt, ít đến mức vừa phải thôi. Nếu chúng ta cắt tín chỉ đi nhiều quá, chúng ta không làm việc được".

Chủ nhiệm khoa Ngữ văn, ĐH SP - ĐH Huế chia sẻ: “Mục đích của các trường đại học sư phạm là đào tạo giáo viên cho các trường phổ thông, vì vậy khi xây dựng chương trình phải có hình bóng, cấu trúc của chương trình phổ thông. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải có chương trình sách giáo khoa, cấu trúc năng lực và chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông thì mới có thể tạo ra một mô hình đào tạo sư phạm. Vấn đề cần đặt ra hiện nay đúng là "Con gà có trước hay quả trứng có trước". Do vậy, đề án đổi mới đào tạo trong các trường sư phạm cần phải dài hơi hơn, phải có điểm nhìn vượt thời gian, phát hiện được xu hướng phát triển theo hướng phân hóa, tích hợp, đặt người học làm trung tâm”.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, xây dựng chương trình đào tạo là quyền của các trường sư phạm, Bộ chỉ làm chức năng định hướng trong công tác này.

Ông Hiển yêu cầu đặt ra cho xây dựng chương trình đào tạo trong các trường sư phạm là phải đáp ứng tính linh hoạt và mang hướng mở; trong đó lại phải vừa mang tính tích hợp cao, vừa phân hóa; Đồng thời chương trình cũng phải đáp ứng liên thông cả CĐ và ĐH.

“Sản phẩm của chương trình là người giáo viên phải đạt chuẩn nghề nghiệp. Giáo viên đào tạo theo chương trình đã được đổi mới không phải chỉ dạy 1 chương trình mà phải có năng lực dạy học tích hợp, phân hóa, dạy được nhiều chương trình theo yêu cầu của thực tiễn giáo dục trong suốt sự nghiệp của mình” - Thứ trưởng Hiển chia sẻ.

Dân trí

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.