| Hotline: 0983.970.780

Giật mình 'nạn' suy thoái đất

Thứ Ba 19/06/2018 , 09:30 (GMT+7)

Một số liệu giật mình, đó là tại Việt Nam, năm 2016, diện tích đất bị suy thoái là 1,3 triệu ha, chiếm 4% diện tích lãnh thổ. Tuy nhiên, tổng diện tích đất "có vấn đề", cần được quan tâm lên tới hơn 10 triệu ha, chiếm 31% diện tích đất cả nước.

Cái chính là đất suy thoái chủ yếu rơi vào đất nông nghiệp, với trên 846 nghìn ha.

Năm 2018, Tổng cục Lâm nghiệp được Bộ NN-PTNT giao nhiệm vụ là đầu mối quốc gia thực hiện Công ước về chống sa mạc hoá với chủ đề “Lựa chọn giá trị đích thực cho đất”. Ngày 18/6, tại TP Lào Cai, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức hội thảo "Vai trò của cộng đồng dân cư trong việc quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp bền vững" .

Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, hiện nay, suy thoái đất nông nghiệp đang diễn ra hết sức phức tạp và suy thoái đất lâm nghiệp cũng không nằm ngoài diễn biến đó. Việc suy thoái đất lâm nghiệp sẽ gây ảnh hưởng tới 24 triệu người dân sống dựa vào rừng. Do đó, cần phải tìm ra giải pháp tạo ra nguồn sống bền vững cho người làm rừng.

13-24-37_1
Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp phát biểu tại hội thảo

Quản lý đất lâm nghiệp bền vững không chỉ tạo nên sinh kế bền vững cho người dân mà còn đảm bảo an ninh quốc phòng, phục vụ phát triển KT-XH các địa phương. Hiện nước ta có 1,1 triệu chủ rừng đang quản lý 7,1 triệu ha rừng và đất rừng. Ông Điển ch o rằng, cần phải tìm ra giải pháp để đẩy mạnh xã hội hóa ngành lâm nghiệp, nâng cao vai trò cộng đồng giúp họ trở thành chủ nhân đích thực để họ tự quản lý, sử dụng đất hiệu quả, bền vững nhất.

Trong khi đó, ông Tô Mạnh Tiến, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai cho biết, giá trị sản xuất rừng tại tỉnh này vẫn chưa cao, nguy cơ sa mạc hóa lớn, tỉnh cũng chưa tìm được tập đoàn cây trồng phù hợp mang về giá trị cao cho người dân.

Cả tỉnh có khoảng 353.000ha rừng, mỗi năm toàn tỉnh trồng mới từ 6.000 - 8.000ha rừng. Trong đó, tỉnh đã khoán bảo vệ cho toàn bộ rừng tự nhiên cho cộng đồng thôn bản sống cạnh rừng. Hiện đã giao được khoảng 270.000ha rừng cho dân. Thời gian tới, thí điểm giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho các doanh nghiệp.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng vụ Kế hoạch - Hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp) đưa những số liệu hết sức giật mình. Cụ thể, khô hạn và sa mạc hóa đang de dọa sinh kế của khoảng 1,2 triệu người đang sinh sống tại 100 nước. Riêng Việt Nam, năm 2016 đất bị suy thoái trên phạm vi toàn quốc là 1,3 triệu ha chiếm 4% diện tích lãnh thổ.

Tuy nhiên, tổng diện tích có vấn đề cần được quan tâm của Việt Nam vào khoảng hơn 10 triệu ha, chiếm đến 31% diện tích lãnh thổ. Trong đó, chủ yếu là đất nông nghiệp với 846,2 nghìn ha, đất do ngập nước gây nên là 135 nghìn ha, diện tích rừng bị suy thoái là 125,8 nghìn ha.

Nói về điều này, TS Phạm Thu Thủy, Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp Quốc tế cho rằng, mất rừng và suy thoái rừng đã và đang đẩy nhanh tốc độ sa mạc hóa tại Việt Nam. Nguyên nhân, do giá trị chi trả dịch vụ môi trường rừng quá thấp, chưa tạo được động lực cho người dân tham gia bảo vệ rừng, số liệu và quyền sử dụng rừng còn chưa rõ ràng.

“Cần phát triển các kỹ thuật lâm sinh phục vụ đa mục đích như cải thiện sinh kế, thương mại, bảo tồn. Xây dựng và phát triển thị trường liên quan đến các sản phẩm lâm sản và lâm sản ngoài gỗ từ rừng tại vùng khô hạn. Mặt khác, cần hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách liên quan đến sử dụng, quản lý đất tổng hợp bền vững”, bà Thủy đề xuất.

13-24-37_3
Trồng cây xanh hưởng ứng “Ngày thế giới phòng chống sa mạc hóa”

Còn theo TS Trần Lâm Đồng, Viện trưởng Viện Lâm sinh (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), cần quan tâm đến vấn đề lập địa trồng rừng nhằm quản lý rừng bền vững. Theo đó, việc xử lý thực bì, vật liệu hữu cơ sau khai thác, làm đất, sử dụng phân bón, quản lý cỏ dại, khai thác gỗ... chưa đúng kỹ thuật đã ảnh hưởng không nhỏ đến lập địa trồng rừng, gây nguy cơ xói mòn cao, đặc biệt là trên đất dốc.

TS Đồng đề xuất, cần thúc đẩy thực hiện quản lý bảo vệ và chứng chỉ rừng. Đồng thời đưa nội dung quản lý lập địa bền vững vào nguyên tắc của quản lý bảo vệ rừng. Cần có sự chuẩn bị và hỗ trợ mạnh mẽ của nhà nước trong nâng cao năng lực, nhận thức về điều này. Thúc đẩy trồng rừng gỗ lớn, thương mại các sản phẩm gỗ có chứng chỉ, tạo kênh thông tin về thị trường gỗ có chứng chỉ, thực hiện sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi...

“Mặt khác, cần có chính sách hỗ trợ về tài chính cho chủ rừng. Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu về chọn giống, kỹ thuật lâm sinh nhằm nâng cao chất lượng gỗ, quản lý lập địa bền vững, nâng cao giá trị rừng trồng”, TS Trần Lâm Đồng góp ý tại hội thảo.

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.