| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 14/07/2015 , 06:15 (GMT+7)

06:15 - 14/07/2015

Giật mình những câu trả lời

Chuyện lớp trẻ “rỗng” về kiến thức lịch sử, chuyện học sinh thờ ơ với môn lịch sử trong nhà trường, vứt tài liệu lịch sử vào sọt rác… đã râm ran trong xã hội từ nhiều năm nay.

Tuy nhiên, đó chỉ là những câu chuyện, những thống kê được thể hiện trên giấy.

Chỉ đến trưa ngày 11/7, khi VTV phát chuyên mục Tiêu điểm của chương trình Chuyển động 24h với phóng sự “Báo động tình trạng thiếu hiểu biết kiến thức lịch sử của học sinh hiện nay”, thì xã hội mới thật sự giật mình vì được “mắt thấy, tai nghe” những chuyện sờ sờ ra đó.

Chỉ với một câu hỏi đơn giản về vua Quang Trung (tên là Nguyễn Huệ) được các phóng viên của VTV thực hiện ngay trên hai tuyến phố Tây Sơn và Đặng Tiến Đông (Hà Nội), ngay trước mặt khu di tích gò Đống Đa, với 7 học sinh thuộc các lứa tuổi khác nhau.

Có 6 em hoặc trả lời không biết, hoặc trả lời rằng Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai… bố con, hoặc Quang Trung và Nguyễn Huệ là bạn chiến đấu.

Có em còn trả lời “Quang Trung là nhà vua, còn là nhà thơ nữa. Con đang học trường của ông ấy. Con học trường Nguyễn Du. Mà Nguyễn Du chính là ông Quang Trung”. Chỉ duy nhất có một học sinh trả lời đúng, rằng vua Quang Trung chính là Nguyễn Huệ.

Kết quả khảo sát bằng hình ảnh, lời nói trên, cộng với lời kể của một số nhà giáo, rằng đa số học sinh trường Hùng Vương không biết vua Hùng là ai, đa số học sinh trường Trần Quốc Toản không biết Trần Quốc Toản là ai, có em còn khẳng định Trần Quốc Toản là… 1 trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, đã thể hiện trọn vẹn một bức tranh đau lòng: Môn sử và kiến thức lịch sử đang hoàn toàn xa lạ với lớp trẻ.

Vì sao như vậy?

Ngoài lý do những giáo trình lịch sử đang dạy ở các cấp học hiện nay thường chỉ là lịch sử chiến tranh, thường chỉ liệt kê các trận đánh theo thời gian. Còn lịch sử văn minh, lịch sử về những tiến bộ xã hội thường chỉ được lướt qua bằng những đoạn ngắn.

Cách giảng dạy thì khô khan, lạnh lùng, theo lối miêu thuật, giáo viên lên lớp chỉ truyền đạt nguyên văn những gì ghi trong sách giáo khoa, sau đó bắt học sinh học thuộc lòng, biến học sinh thành những con vẹt, mà không hề chú ý khơi dậy trong học sinh tư duy phản biện, tư duy của khoa học lịch sử, khiến học trò chán học.

Còn có một nguyên nhân nữa, là hầu hết những sinh viên Khoa Lịch sử của các trường sư phạm, khi ra trường, để có một chân biên chế, đa số phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng.

Và sau khi đã bỏ ra một số tiền lớn thế rồi, thì môn sử không có điều kiện dạy thêm để kiếm thêm thu nhập, chỉ hưởng lương ba cọc ba đồng, nên thày cô sinh chểnh mảng, dạy qua quýt cho xong tiết, cốt học trò đủ điểm lên lớp là được. Mà điểm để lên lớp ở nhà trường thì… muôn hình muôn vẻ.

 Còn những sinh viên học chuyên sâu về lịch sử ở khoa sử các trường đại học khác, sau khi cầm được tấm bằng, rồi biết xin việc ở đâu? Khi một môn học bị cả trò lẫn thày đều chán, thì hậu quả đã nhỡn tiền.

“Dân ta phải biết sử ta”, chưa bao giờ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có ý nghĩa như lúc này.