| Hotline: 0983.970.780

Giàu lên nhờ nuôi rắn

Thứ Sáu 18/01/2013 , 10:21 (GMT+7)

Phong trào nuôi rắn ri voi và rắn hổ hèo đang giúp nhiều người dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Phong trào nuôi rắn ri voi và rắn hổ hèo, tập trung nhiều nhất ở ấp Thới Xuyên, Thới Hưng và Thới Hòa, xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) đang phát triển rất mạnh. Mô hình này giúp nhiều người dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Anh Phan Thanh Tuyền, Phó chủ tịch xã Thới Đông là người trực tiếp áp dụng mô hình nuôi rắn ri voi trong lu, hũ ở sau nhà,  cho biết: “Tôi đã thực hiện mô hình nuôi này cách đây gần 3 năm. Qua nhiều năm nuôi, kinh nghiệm giúp tôi tuyển chọn được toàn rắn bố mẹ tốt để cho sinh sản và nhờ đó bán rắn con tạo được nguồn kinh tế phụ đáng kể cho gia đình mà không cần phải nuôi rắn thương phẩm".

Hiện đàn rắn giống của anh có 70% rắn cái và 30% rắn đực, cho sinh sản hàng năm để cung cấp con giống cho thị trường. Trung bình, mỗi con rắn giống của anh Tuyền nặng từ 1,8 - 3 kg. Những năm qua, đàn rắn của anh đẻ hơn 300 rắn con, anh bán với giá 50.000 - 60.000 đồng/con, thì cũng thu được gần 20 triệu đồng/năm; trừ chi phí còn lãi 16 triệu.

Với đà thuận lợi ấy, trong năm 2012, anh tăng số lượng đàn rắn lên; đồng thời, mở rộng diện tích nuôi rắn trong lu. Tổng thu nhập từ bán rắn thịt và rắn con giống trong năm được gần 50 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 35 triệu.


Anh Phan Chiến Hải chăm sóc rắn

Theo anh Tuyền: “Nuôi rắn ri voi trong lu, hũ rất nhàn, không làm ảnh hưởng công việc của ủy ban xã mà tôi đang đảm nhận. Trái lại, có thêm thu nhập phụ từ chăn nuôi gia đình khiến tôi cũng yên tâm công tác hơn”. Được biết, thời gian rảnh rỗi anh dành chăm sóc đàn rắn trong nhà. Công việc không cực công, trái lại mang đến niềm vui vì sự đam mê và nhất là hiệu quả lao động của việc đem lại thu nhập thêm cho gia đình.

Rắn ri voi rất dễ nuôi, dễ chăm sóc. Kỹ thuật nuôi đơn giản; chỉ cần giữ nước xăm xắp trong lu, hũ; rồi thả vài cục đá nhô lên khỏi mặt nước để rắn có thể bò lên đó phơi mình. Có điều chú ý là cần thường xuyên thay nước để môi trường không bị ô nhiễm; hạn chế được dịch bệnh. Thức ăn của rắn chi phí không cao lại dễ tìm, chủ yếu là ếch nhái, cá trê, lươn…

Rắn là món ăn đặc sản được nhiều người ưa thích.  Dù giá bán cao, nhưng đầu ra vẫn ổn định. Giá rắn thịt hiện nay dao động từ 600.000 - 700.000 đồng/kg. Tuy giá cao và số lượng rắn giống của anh Tuyền cũng khá nhiều, nhưng vẫn không đủ bán. Hiện có nhiều người đến tham quan, anh vui vẻ chỉ dẫn để họ có thể làm theo mô hình này.

Ngoài mô hình nuôi rắn ri voi trong lu, hũ, mô hình nuôi rắn hổ hèo trong chuồng xi măng ở xã Thới Đông cũng mang hiệu quả đáng nói. Điển hình là gia đình anh Phan Chiến Hải, ấp Thới Xuyên đang sở hữu hơn 300 con rắn lớn nhỏ. Anh cho biết: “Đàn rắn của tôi đang phát triển rất mạnh. Trong đó có hơn 80 con rắn bố mẹ chiếm tỷ lệ 60% cái và 40% đực. Thời gian bình quân nuôi rắn từ nhỏ đến 12 tháng, ta có thể cho rắn bắt cặp, phối giống. Sau 35 ngày rắn có thể đẻ. Lứa đầu, rắn đẻ khoảng 10 - 12 trứng/đợt. Càng nuôi chúng càng lớn, có sức nên đẻ sai hơn; lượng trứng có thể lên 18 -20 trứng/lần”.

Đặc biệt chú ý lúc rắn còn nhỏ mới nở, phải cho ăn mồi sống là nhái. Khi rắn lớn khoảng 1 tháng tuổi cho ăn mồi chết (chưa sình) để rắn không giành ăn với nhau và tránh gây thương tích lẫn nhau. Rắn hổ hèo nuôi bình quân khoảng 12 - 15 tháng mới có thể xuất bán. Lúc đó, đạt trọng lượng từ 1 - 1,2 kg/con. Nếu tính tiền thức ăn từ nhỏ đến lúc xuất bán, chi phí khoảng 200.000 đồng/con.

Mô hình nuôi rắn ri voi và cả nuôi rắn hổ hèo phù hợp cho hộ gia đình không có đất canh tác ở nông thôn, vì không tốn nhiều diện tích. Mặt khác, nguồn thức ăn có thể kiếm được dễ dàng trong thiên nhiên.

Kinh nghiệm nuôi rắn nhiều năm, anh Hải cho biết: “Tỷ lệ hao hụt trong nuôi rắn hổ hèo rất thấp, chỉ có 2%. Để tránh hao hụt, quan trọng nhất là vấn đề vệ sinh chuồng trại; tạo thông thoáng vừa giúp rắn mau lớn, vừa giúp rắn ít bệnh”.

Hiện nay rắn con 1 tuần tuổi có giá 350.000 đồng/con; còn rắn 1 tháng tuổi 400.000 đồng/con. Rắn thịt giá 700.000 đồng/kg. Vào thời điểm tháng 2 - 3, giá có thể tăng lên 1 - 1,2 triệu đồng/kg mà vẫn không có hàng cung cấp cho thị trường.

Anh Hải cho biết thêm, dự kiến sang năm 2013 anh tăng đàn rắn bố mẹ lên 100 con. Nếu cho sinh sản thành công lứa đầu trong năm khoảng 2.000 trứng; với giá bán rắn con và rắn thịt, chúng có thể đem doanh thu cho anh hàng trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Chưởng, Chủ tịch xã Thới Đông đánh giá cao về mô hình này: “Xã có nhiều mô hình nuôi rắn đã và đang phát triển mạnh. Đây là mô hình đáng khích lệ, vì nó tạo cho những hộ nuôi rắn trong xã có thể tự vươn lên làm giàu. Việc nuôi cũng không làm ô nhiễm môi trường. Còn giá thành đầu tư cho mô hình không quá lớn so với nuôi heo. Hơn nữa, việc nuôi giúp mau thu hồi vốn. Nuôi trong vòng 10 - 15 tháng có thể bán; đặc biệt giá cả của 2 loại rắn nói trên đều giữ mức ổn định cao”.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất