| Hotline: 0983.970.780

Giàu lên nhờ rọ tôm

Thứ Năm 26/03/2015 , 20:01 (GMT+7)

Gợi nhắc về miền quê Song Khê (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), hình ảnh người lao động tay mành, tay nan... đan từng chiếc rọ tôm thật điêu luyện. 

Mặc dù đây là nghề phụ nhưng mang lại thu nhập chính cho bà con. Nhờ đó hương nghề nơi đây có điều kiện được lan tỏa khắp nơi.

Khởi thủy làng nghề

Dưới nắng xuân vàng rượm, mặt hồ Song Khê phả đầy nhựa sống. Soi tỏ mỗi nếp nhà là hoạt động đan lát đầy tất bật của bà con. Đồng đất quê hương quả thực khéo kiến tạo nên những sản vật như thế.

Tuy nằm giáp ranh với đường quốc lộ nhưng làng nghề Song Khê vẫn thu hút chúng tôi bởi vẻ trầm mặc, tư lự đến lạ thường. "Chất" nghề nơi đây nhuốm màu bình dị của cuộc sống làng quê, xen lẫn trong đó là thứ nhạc luật mang nặng hơi thở của cuộc sống.

Làng nghề nơi đây lưu giữ những giá trị tinh túy. Vào những năm 1975- 1976 cụ Lý Đình Nam là người trực tiếp mang nghề về địa phương. Mới hay, ngày ấy cụ Nam đi bộ bội, đóng quân ở Thái Nguyên nên cụ đã học hỏi được kinh nghiệm làm nghề từ các cụ thân sinh để lại.

Ngày qua tháng lại, chăm chút với từng sợi nan, sợi mành trên tay khiến cụ thêm phần gắn bó và say mê hơn với nghề. Bởi vậy, cho dù tới lúc nhắm mắt xuôi tay nhưng cụ vẫn không quên dặn dò các con, các cháu của mình dù có khó khăn thế nào cũng phải bám nghề, giữ nghề.

Câu chuyện về cụ Nam có sức lay động mạnh mẽ tới đời sống của bà con nơi đây. Chẳng những vậy mà sau mấy tháng cụ Nam qua đời, nghề đan rọ tôm nơi đây tiếp tục phát triển và nhanh chóng được nhân rộng khắp trong thôn ngoài xã.

Để tiếng thơm của nghề mãi được lưu truyền, phải kể đến vai trò của gia đình ông Nguyễn Khắc Tiệp (57 tuổi), ở thôn Song Khê, xã Song Khê (TP Bắc Giang) với thâm niên về nghề đan rọ tôm. Qua quá trình truyền nghề và giữ nghề, hiện tại, cả thôn chiếm 80% lao động tham gia sản xuất mặt hàng này. Hơn nữa đây là nghề mà mọi người đều có thể tham gia, dễ làm cho thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Trước đây, rọ tôm được làm bằng thân cây tế và do làm bằng tay, không có khuôn nên cái thì to, cái thì nhỏ, hình dáng méo mó, khi vận chuyển lại dễ bị hỏng. Đặc biệt, khi sử dụng độ bền không cao, đánh được ít tôm, khi ngâm lâu trong nước rong rêu đến sinh sống bịt kín thân rọ, tôm ở trong đó lâu sẽ bị chết. Sau đó, ông Tiệp mới dần chuyển sang làm rọ tôm từ cây tre, cây dùng, cây nứa để khắc phục những hạn chế đó.

Thu nhập chính từ nghề phụ

Được biết, nghề làm rọ tôm nơi đây có thể làm quanh năm nhưng rầm rộ nhất là vào mùa nước. Mỗi khi nước từ các con sông dâng lên, các hồ, đập, ruộng lênh láng cá, tôm thì các sản phẩm rọ tôm lại "đắt như tôm tươi".

Với đặc thù lao động tại nhà và có thể tận dụng được thời gian mỗi khi nông nhàn nên đây được xem là "chiếc cần câu cơm" hữu hiệu với mỗi gia đình. Đặc biệt đối với gia đình ông Tiệp thì việc sản phẩm làm tới đâu tiêu thụ hết tới đó là chuyện thường tình.

Theo chân ông, chúng tôi trực tiếp "thực mục sở thị" về nguyên liệu cũng như các công đoạn cần thiết để có thể hoàn thành một chiếc rọ tôm. Ông cho hay, trước đây khi cây tre chưa được du nhập thì cây dùng được xem là nguyên liệu làm rọ tôm chính. Ngày ấy, mỗi khi lên rừng kiếm cây dùng là mỗi lần tính mạng ông bị đe dọa do việc băng rừng, vượt núi hiểm trở, thứ nữa là sự nguy hiểm mỗi khi bị rắn, rết cắn.

Chia sẻ với chúng tôi, ông nhấn mạnh: ống dùng dùng để chẻ vanh hom, ống tre dùng để đan quấn rọ. Sau khi cắt khúc thành từng đoạn dài từ 40- 50 cm , ông tiếp tục phân ra thành 5 loại nan chính: nan xiên, nan công, nan cốt, nan bầu và nan miệng. Sau đó ngâm với nước một thời gian để tránh mối mọt rồi qua bàn tay khéo léo của bà con tạo thành những sản phẩm vừa bền, vừa đẹp.

Kỹ thuật làm từ khoanh nan xiên tròn tới đan cốt, đan thành bầu lên thân sau đó cho hom vào giữa. Cuối cùng đan tiếp cho hom lên miệng. Trong đó, công đoạn đan hom là quan trọng nhất bởi nếu hom có chắc chắn thì mới bắt được nhiều tôm, cua.

"Thông thường, gia đình tôi thường sản xuất theo đơn đặt hàng với kỹ thuật đan hai loại hom chính là: hom cứng và hom mềm. Bình quân một lao động chính như tôi, 10 ngày có thể sản xuất ra hơn 300 chiếc rọ tôm, giá bán trung bình từ 6000- 7000 đồng/ chiếc", thu nhập đem lại mỗi tháng từ 3- 4 triệu đồng", ông Tiệp cho biết.

Kiên trì bám giữ nghề như ông Tiệp còn có ông Nguyễn Khắc Đặng (45 tuổi), ở thôn Song Khê, xã Song Khê, TP Bắc Giang với quy mô sản xuất rọ tôm chiếm tỉ lệ cao trong thôn. Ông Đặng chia sẻ: " Gắn bó với nghề hơn 20 năm nhưng chưa khi nào tôi cảm thấy nản lòng với nghề. Bởi ngoài việc giải quyết việc làm cho cả gia đình với mức thu nhập từ 3- 4 triệu đồng/ tháng thì còn đỡ bớt gánh nặng chạy chợ mỗi ngày cho vợ tôi".

"Nghề đan rọ tôm của Song Khê đang trên đà phát triển nhưng cũng có thời điểm có dấu hiệu mai một bởi sự xuất hiện của các khu công nghiệp đã trực tiếp làm giảm đáng kể số lượng lao động làm nghề tại địa phương. Tuy nhiên, bà con nơi đây vẫn một lòng một dạ thủy chung với nghề. Hiện nay, TP Bắc Giang, UBND xã Song Khê đang tiếp tục hỗ trợ về cơ chế, chính sách để hỗ trợ làng nghề", Ông Đào Văn Dư, Chủ tịch UBND Xã Song Khê cho hay.

Dẫu còn đó những khó khăn nhưng bà con nơi đây luôn tâm huyết, nỗ lực với nghề. Hi vọng rằng, điều đó có thể giúp hương nghề nơi đây bay xa hơn, khẳng định tiếng thơm muôn đời.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Xử phạt 8 tàu thuyền vi phạm lĩnh vực thủy sản hơn 340 triệu đồng

Thừa Thiên - Huế Lực lượng chức năng tổ chức bắt giữ, xử lý 6 vụ với 8 phương tiện tàu thuyền, đồng thời ra quyết định xử lý vi phạm hành chính số tiền hơn 340 triệu đồng.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất