| Hotline: 0983.970.780

Giầu mà lại... rầu

Thứ Sáu 01/07/2011 , 09:21 (GMT+7)

Ở nhiều vùng quê hiện nay, có những người nông dân đột nhiên giầu. Nhưng bỗng dưng có nhiều tiền quá cũng lắm chuyện xảy ra. Câu chuyện sau đây là một ví dụ.

Nhiều người dân gặp khó khăn khi mất đất SX

Ở nhiều vùng quê hiện nay, có những người nông dân đột nhiên giầu. Nhưng bỗng dưng có nhiều tiền quá cũng lắm chuyện xảy ra. Câu chuyện sau đây là một ví dụ.

Tự dưng có cả đống tiền

Từ ngày địa giới hành chính TP Vinh (Nghệ An) được mở rộng khiến các xã Nghi Kim, Nghi Liên, Nghi Ân, Nghi Đức (huyện Nghi Lộc); Hưng Chính, một phần xã Hưng Thịnh (huyện Hưng Nguyên) được sát nhập vào TP Vinh, trở thành các xã ngoại thành của một đô thị loại I.

Trực thuộc TP Vinh đến nay đã được 3 năm nên cơ sở hạ tầng của các xã này được đầu tư khá nhiều, nhất là các công trình phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, cái mà người dân ở các địa phương "gặt hái" được nhiều nhất chính là giá đất tăng lên chóng mặt. Trong đó, một điều mà người dân tại các xã này nằm mơ cũng không dám nghĩ tới là đất nông nghiệp của họ được giao theo Nghị định 64/NĐ-CP cũng có “giá khủng".

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Kim nói với chúng tôi: Từ đầu năm 2010 đến nay các nhà đầu tư bất động sản đổ xô về các xã mới sáp nhập vào thành phố để lập dự án các khu đô thị mới trên đất nông nghiệp. Nhờ có Nghị định 69/NĐ-CP của Chính phủ nên bắt buộc các nhà đầu tư phải thoả thuận trực tiếp với dân nên giá đền bù cao ngất ngưởng. Hàng trăm hộ dân làm nông nghiệp vốn nghèo túng quanh năm, nay có đất bị thu hồi đã phất lên nhanh chóng.

Xã Nghi Kim, hiện mới có 3 dự án đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Trong đó dự án đầu tiên của Cty CP Xây dựng Trường Sơn đền bù cho dân 230 triệu đồng/sào (500 m2) vào đầu năm 2010, cuối năm 2010, Cty Tecco bàn lên bàn xuống đến 31/1/2011 mới thoả thuận xong với giá 500 triệu đồng/sào. Hiện một dự án thứ 3 đang thỏa thuận để thu hồi tiếp đất ao của xóm 2 ở phía mặt đường khác cũng phải họp đi, họp lại nghe nói đã thoả thuận được với mức giá 550 triệu đồng/sào. Ở xã Nghi Kim, do đất đã giao cho dân theo Nghị định 64/NĐ-CP nên các nhà đầu tư bất động sản đều phải thoả thuận và đền trực tiếp với dân, chính quyền không can dự vào mức giá đền bù.

Chúng tôi vào nhà ông Võ Sỹ Kiên tại xóm 2, xã Nghi Kim khi cả 2 vợ chồng ông và cô con gái đều đang ở nhà. Thấy có khách lạ, ông Kiên bỏ bát cơm chiều đang ăn dở lên nhà trên tiếp khách. Ông Kiên cho biết: Gia đình ông có gần 6 sào (2.933 m2) đất nông nghiệp 2 lúa tại xứ đồng Nam Trường vừa bị Cty Tecco thu hồi. Gia đình ông đã nhận tiền đền bù gần 3 tỷ đồng. Nhà ông Kiên có 5 nhân khẩu, với gần 6 sào ruộng thì nay không còn một tấc đất ruộng; trong tay cầm số tiền khủng như vậy mà chẳng thấy vui.

Bà Nguyễn Thị Huệ (vợ ông Kiên) nói chen vào: Xóm 2 có 135 hộ dân với 350 nhân khẩu, đợt thu hồi gần 10 ha đất nông nghiệp tại xứ đồng Nam Trường có 82 hộ được đền bù tổng cộng trên 90 tỷ đồng. Hộ được đền bù nhiều nhất là gia đình ông Võ Sỹ Hùng (9 sào) được 4,5 tỷ đồng; hộ bà Bùi Thị Liễu được (8 sào) 4 tỷ đồng, hộ ít nhất cũng được 1 - 2 sào (0,5 - 1 tỷ đồng)…

 Trước đây, chuyện gạo ăn hàng ngày cho bà con trong cả xóm 2 chỉ trông cậy vào gần 10 ha đất 2 lúa ở cánh đồng này. Muốn có tiền tiêu vặt và mua sắm phải nhờ vào nuôi con gà, con lợn và nuôi bò kèm theo đó là thâm canh vài sào đất vườn làm ngô nếp để bẻ ngô non, gần cuối vụ đưa ra QL1A bán kiếm thêm ít đồng nên nhà nào cũng đều phải chấp nhận vất vả, khổ cực mới đủ cái ăn, cái mặc. Bởi thế, khi được chủ đầu tư mời lên lĩnh tiền với số lượng lớn như thế thì ai nấy đều không tin ở mắt mình. Có hộ nhận xong tiền ở ngân hàng áp tải về đến nhà cứ ngắm đi ngắm lại mãi đống tiền to tướng mà cứ tưởng là đang nằm mơ.

Lắm tiền lắm nỗi lo

Từ ngày nhận tiền (giáp Tết Nguyên đán) đến nay, trong xóm mỗi người sử dụng đồng tiền đền bù một cách khác nhau. Có người mua ô tô du lịch 4 chỗ để làm phương tiện cho thuê đưa đón cô dâu, có người mua xe chở khách tới 1,2 tỷ đồng để vận tải hành khách kiếm thêm thu nhập, lại có người bỏ tiền ra mua đất ở xóm khác để dự phòng. Còn đại bộ phận đều dùng khoản tiền ấy để sửa sang, xây dựng mới nhà cửa, tậu xe máy đắt tiền cho con cái và chi tiêu hàng ngày…

Chúng tôi ghé vào nhà ông Võ Sỹ Hùng, người được nhận số tiền đền bù nhiều nhất xóm khi ông đang sắp xếp lại mấy thứ vật liệu xây dựng 2 căn nhà liền kề nhau cho hai người con trai. Ông Hùng cho biết: Khi nhận được số tiền trên, vợ chồng ông chia cho 5 người con mỗi người 300 triệu đồng. Riêng anh Võ Sỹ Quang (con trai cả) do con trai nó bị bệnh tim bẩm sinh phải chữa đi chữa lại, hiện đang đeo máy trợ tim trong lồng ngực được bố mẹ ưu tiên cho 1,2 tỷ đồng để mua 1 chiếc xe ô tô chở khách để kiếm kế sinh nhai. Anh con rể ngoài Bắc vào làm tài xế cho anh vợ, còn cậu em út làm lơ xe. Nhưng do xe mới mua lại không có bến cố định nên chạy lòng vòng đón khách, mỗi chuyến đi về may mắn thì kiếm được khoảng 700.000 đồng/chuyến. Những lúc vắng khách có khi chẳng được đồng nào lại còn bị lỗ chổng vó vì tiền xăng dầu.

Anh Nguyễn Hồng Hải, Bí thư chi bộ xóm 2 buồn rầu cho biết: Cách đây vài năm, tôi mua 1 máy cày đa chức năng và 1 máy tuốt lúa tính chuyện dùng nó để làm thuê cho bà con làm nông nghiệp trong xã nhưng mới làm được vài vụ thì đất ruộng trong xóm bị thu hồi nên máy móc đành xếp xó. Cách đây mấy hôm, có người em họ  đến chơi, tôi đành bảo chú ấy mang chiếc máy cày về dùng, muốn trả cho tôi bao nhiêu thì tuỳ. Nói thật với anh, tôi mua chiếc máy cày này hết 22 triệu, giờ ít ra cũng lỗ mất khoảng 15 triệu. Còn chiếc máy tuốt lúa thì kêu mãi chẳng ai thèm mua đành tấp bạt để ngoài sân…

Bà Nguyễn Thị Huệ thật thà nói với chúng tôi: Nói thật với anh, nhà tôi được đền bù gần 3 tỷ đồng vợ chồng mừng lắm. Nhưng một người suốt đời chân lấm tay bùn cơ cực là thế, giờ có tiền cũng chẳng biết đầu tư vào việc gì cho có lợi. Hai vợ chồng mất ăn, mất ngủ mấy đêm vẫn không tính ra đành gửi vào ngân hàng lấy lãi. Với mức lãi suất 14%/năm, tính ra mỗi tháng nhà tôi đã có thêm trên 30 triệu đồng tiền lãi. Mỗi tháng lên nhận lãi một lần thì thấy sướng vô kể. Trước đây làm ruộng cả một năm trời làm chi có được chừng ấy. Trước mắt là thế song về lâu dài không biết có trụ nổi với cảnh không một tấc đất sản xuất hay không. Anh tính, miệng ăn núi lở, được khoảng 3 tỷ đồng nhưng do không có khoản thu nhập thường xuyên nào thì cũng chẳng mấy chốc mà hết.

Chúng tôi về đến xã Nghi Phú, một xã ngoại thành của TP Vinh, ghé vào nhà anh Hồ Xuân Định uống nước. Nghe kể chuyện đền bù đất nông nghiệp tại Nghi Kim, anh Định nhận xét: Dân Nghi Kim làm được như anh kể là phúc rồi đấy. Ở Nghi Phú mức đền bù đất nông nghiệp cao hơn Nghi Kim nhiều. Đất các xóm 4 - 6, giá doanh nghiệp thoả thuận giá 750 triệu đồng/sào (500 m2), đất ngoài đường Lê Nin giá 1,2 tỷ đồng/sào mà dân vẫn không chịu. Có hộ đòi tới 2 tỷ đồng/sào cơ.

Tuy nhiên, như các cụ thường nói "của thiên lại trả địa", ở xã Nghi Phú hàng trăm hộ dân được đền bù ở mức từ 1 đến 3 tỷ đồng nhưng số tiền ấy đã bị chồng, con nướng vào cờ bạc chỉ trong một thời gian ngắn. Anh cứ đi kiểm tra mà xem, 90% trong số họ đã về "số mo" và trắng tay trở lại khi không còn một tấc đất sản xuất.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất