| Hotline: 0983.970.780

Giây phút cuối cùng trước cồng ngôi nhà số 30 đường Hoàng Diệu

Chủ Nhật 13/10/2013 , 19:45 (GMT+7)

Biển người một tay gạt nước mắt, một tay cầm hoa vẫy chào tiễn biệt: “Đại tướng ơi. Muôn năm. Muôn năm”.

Từ ngày 6/10 tôi đã có mặt ở ngôi nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp  số 30 đường Hoàng Diệu, nhưng buổi sáng ngày 13/10 vẫn cảm thấy choáng ngợp, xúc động tột bậc trước biển người trước cổng ngôi nhà này. Cũng phải thôi, sáng hôm nay là buổi sáng cuối cùng của Đại tướng ở Thủ đô.

5 giờ sáng, bên trong khuôn viên ngôi nhà vẫn còn u tịch, tĩnh lặng. Nhưng trước cổng, đông đảo người dân Thủ đô đã có mặt, xếp thành những hàng dài từ đầu đến cuối con đường. Những lời cầu nguyện, những tiếng khóc rấm rứt, những hoa, những cờ, những ảnh… Họ đã đến đây từ lúc mờ sáng. Trong số họ, có người chạy xe ôm, người bán trà đá, người buôn bán ở chợ Đồng Xuân… Tôi không hỏi kỹ nghề nghiệp của từng người, bởi tôi biết là không cần thiết. Tất cả họ, dù làm bất cứ nghề gì thì hôm nay đến đây cũng chỉ mang theo có tấm lòng của người dân Hà Nội với Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà thôi. Chỉ một tiếng đồng hồ sau, hai bên đường Hoàng Diệu phủ kín một biển người.


Người dân Thủ đô khóc tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước cổng nhà riêng số 30 đường Hoàng Diệu.

Bà Đặng Thị Tâm (80 tuổi) ở quận Hoàng Mai dẫn theo cháu nội đến đây từ rất sớm. Từ hôm Đại tướng mất đến nay, thỉnh thoảng bà lại đưa cháu mình đến cổng ngôi nhà này. Thay vì chọn các địa điểm như Nhà Tang lễ Quốc gia hay tuyến đường Hàng Khay ở ven hồ, bà Tâm đưa cháu đến số nhà 30 đường Hoàng Diệu. “Đây là nơi Đại tướng và gia đình sống từ năm 1954. Đến đây để được chứng kiến giây phút cuối cùng Đại tướng quay lại căn nhà này sau thời gian chữa bệnh, cũng là giây phút vĩnh biệt Đại tướng rời Thủ đô về với đất mẹ Quảng Bình”.

8 giờ 10 phút, khi đoàn xe tang vừa xuất hiện ở đường Điện Biên Phủ thì biển người ở đường Hoàng Diệu đã vỡ òa với những tiếng hô vang: Đại tướng Võ Nguyên Giáp muôn năm. Đại tướng Võ Nguyên Giáp muôn năm. Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau mỗi tiếng hô, từ già đến trẻ khóc như mưa, đau thương khôn xiết. Có bà cụ tay cầm chuỗi tràng hạt, mặc áo phật tử khóc: “Cụ Giáp ơi, 103 tuổi cụ ở trên trần. Cụ đã hoàn thành nhiệm vụ Bác Hồ, toàn dân Việt Nam giao phó. Cụ là tướng tài, khắp năm châu không ai sánh được”.

Một cụ già khác vừa chắp tay vừa khóc thảm thiết: “Con cám ơn cụ Hồ, cám ơn cụ Giáp. Nhờ Người mà chúng con có ngày hôm nay. Từ đây âm dương đôi ngả, sẽ không bao giờ chúng con còn gặp lại Người. Người ra đi chúng con mang một niềm đau, niềm đau của một người con mất cha, mất tình yêu thương. Cụ Hồ ơi, cụ Giáp ơi”.

Lớp thanh niên tình nguyện đứng làm “hàng rào xanh” cũng quỳ sụp xuống. Tay nắm chặt đặt lên trái tim khóc nức nở. Phía sau họ, biển người một tay gạt nước mắt, một tay cầm hoa vẫy chào tiễn biệt: “Đại tướng ơi. Muôn năm. Muôn năm”.

Linh xa dừng trước cổng tư gia Đại tướng tầm 10 phút để gia quyến và Ban tổ chức lễ tang rước di ảnh Đại tướng vào thắp hương. Quá ngắn ngủi cho một cuộc chia tay lớn, còn quá nhiều tiếc thương, lưu luyến. Phía bên trong ngôi nhà, quang cảnh cũng trầm mặc hơn.

Khi linh xa lăn bánh, biển người vừa chạy theo vừa khóc. Tôi đã nghe thấy nhiều người hét to trong nước mắt: Cha ơi. Cha ơi.

Từ năm 2009, Đại tướng đã chuyển hẳn vào ở trong Bệnh viện Quân y 108 để chữa bệnh. Từ thời khắc này (khoảng 8 giờ 30 phút), ngôi nhà số 30 đường Hoàng Diệu gặp lại Đại tướng lần cuối cùng và vĩnh viễn tiễn đưa chủ nhân về quê mẹ Quảng Bình. Nhưng có lẽ tấm lòng của hàng triệu người dân Thủ đô dành cho Đại tướng sẽ là ngôi nhà vĩnh cửu. Một ngôi nhà dành cho người Anh hùng dân tộc bất tử.

Sau buổi tiễn đưa, nhiều người dân Hà Nội đã nán lại ngôi nhà này rất lâu. Thậm chí sang buổi chiều, buổi tối, vẫn có người đến viếng. Họ đứng bên ngoài hàng rào, lặng lẽ đặt một bó hoa, vái lạy vào bên trong dẫu biết rằng, giờ ấy, thi hài Đại tướng đã an giấc ngàn thu ở quê mẹ Quảng Bình.

Tôi nhìn vào trong. Ngôi nhà số 30 đường Hoàng Diệu nằm giữa khu phố kiến trúc Pháp điển hình của Hà Nội. Nhà hai tầng lợp ngói nằm nép mình dưới những tán lá rậm. Khu vườn lớn phía trước rất rộng, tạo nên một vùng tiểu khí hậu thoáng mát. Sân sau có một vườn nhỏ. Một giàn phong lan thanh tao. Chính nơi đây, Đại tướng đã gặp gỡ trao nhiệm vụ cho các tư lệnh, chính ủy cũng như nhiều cán bộ  Bộ Quốc phòng. Nơi đây lưu giữ rất nhiều hiện vật vô cùng quý giá nói lên tình cảm của quân và dân ta cũng như nguyên thủ và nhân dân nhiều nước trên thế giới đối với Đại tướng.

Một ngày sau khi Đại tướng mất, tôi đã được vào ngôi nhà này. Ở trong phòng khách bày biện đơn sơ nhưng trang trọng có một bức ảnh khổ 60cm x 90cm chụp cảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp chúc rượu Bác Hồ nhân dịp kỷ niệm 14 năm thành lập QĐND Việt Nam ngày 22/12/1958. Cả Bác Hồ và Đại tướng đều cười vui. Bên cạnh đó là tượng Bác Hồ về nước sau ba mươi năm bôn ba khắp năm châu bốn bể, tượng Bác Hồ đi chiến dịch Biên giới, bao gạo đeo vai, tay chống gậy…

Hôm đầu tiên ngôi nhà này mở cửa đón người dân vào thăm (chiều mồng 6 tháng 10) tôi đã được nghe một người dân Thủ đô khóc lớn: Bác Hồ ơi. Bác Giáp ơi. Và sáng nay, 8 giờ 10 phút sáng 13 tháng 10, thời khắc linh xa chở thi hài Đại tướng đi qua Quảng trường Ba Đình, đi qua Lăng Bác, thời khắc người học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến chào tiễn biệt Người để về với đất mẹ, tôi lại được nghe đồng loạt người dân Thủ đô đồng loạt hô vang: Bác Hồ muôn năm. Bác Giáp muôn năm.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.