| Hotline: 0983.970.780

Gieo chữ giữa đại ngàn

Thứ Sáu 19/11/2010 , 10:50 (GMT+7)

Quảng Trị có hơn một ngàn giáo viên là người miền xuôi lên dạy học ở các huyện miền núi, vùng cao,...

Quảng Trị có hơn một ngàn giáo viên là người miền xuôi lên dạy học ở các huyện miền núi, vùng cao, trong đó không ít cô giáo đã kết tóc se duyên với những chàng trai Vân Kiều, Pa Cô và trở thành nàng dâu hiếu thảo của bản làng. 

Nhiều người nói rằng mỗi lần đến xã Ba Nang, huyện Đakrông đều có cảm giác mây trắng như đang ở rất gần trên đầu. Ba Nang có độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, suốt năm mây, núi bao quanh. Những người Kinh duy nhất sinh sống ở đây là các thầy cô giáo miền xuôi, hy sinh tuổi thanh xuân lên rẻo cao dạy chữ Bác Hồ cho con em dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. 

Ở nơi mây trắng sát đầu

Trước lúc vào trường Ba Nang, chúng tôi đến bờ sông A La thắp một nén nhang tưởng nhớ những thầy cô giáo đã vĩnh viễn ra đi vì lũ cuốn trôi trong lúc đi làm nhiệm vụ dạy học. Mọi người đều đỏ hoe mắt khi nghĩ đến cảnh các cô giáo miền xuôi ngày đêm ở giữa núi rừng để dạy chữ cho các học sinh thân yêu.

Ba Nang là xã giữa rẻo cao, đường vào trường trung tâm rất khó khăn, phải lội qua nhiều con suối, chưa kể các giáo viên dạy học ở bản lẻ thì nỗi khổ không thể nào kể hết. Đã mười năm trôi qua, song người dân xã Ba Nang vẫn không thể nào quên cái chết đầy tiếc thương của hai cô giáo N.T.H và Đ.T.M bị lũ rừng cuốn trôi.

Hôm đó, nghe tin một học sinh bị ốm nên không đi học được, giáo viên chủ nhiệm lớp chèo thuyền đến thăm, không may giữa đường gặp nước lũ bất ngờ làm lật thuyền, kể từ giờ phút đó cô giáo không bao giờ trở về với các em học sinh của mình nữa. Biết tin cô giáo chủ nhiệm qua đời, quá buồn và đau đớn, không học sinh nào của bản muốn tiếp tục đến lớp nữa.

Hai năm sau, thêm một cô giáo khác đến công tác tại trường Ba Nang cũng bị chết oan uổng do lũ rừng. Kể từ đó, huyện Đakrông không dám bố trí các cô giáo miền xuôi lên Ba Nang làm “sơn nữ” dạy chữ cho các em. Ba Nang được biết đến là mảnh đất ở nơi biên cương Tổ quốc, heo hút, thâm sâu cùng cốc. Quanh năm chẳng mấy khi thấy bóng dáng người Kinh đi qua vùng này. 

Bây giờ, mỗi lần ngang đoạn suối A La, bà con dân bản và đồng nghiệp đều dừng lại thắp hương cho những thầy cô giáo xấu số mãi mãi không trở về khi đi làm nhiệm vụ cao cả - trồng người.
Kể từ đó, chỉ có những giáo viên nam đến dạy học ở xã Ba Nang. Song lũ rừng tàn ác không tha một ai. Người dân ở bản A La, xã Pa Nang không sao quên được buổi tối kinh hoàng cuối năm 2007. Đêm đó lũ rừng về, nước dâng ngập cầu A La. Thầy Nguyễn Tân Quang cùng thầy Trần Văn Quảng, giáo viên trường THCS Pa Nang, sau khi dạy cho các em ở bản A La, các thầy phải lên bản Tà Rẹc trong đêm tối để kịp buổi dạy sáng hôm sau.

Mỗi người ôm một cái phao làm bằng săm ô tô, vượt suối, lội rừng dưới sự dẫn đường của một thanh niên dân tộc Vân Kiều. Tối hôm đó, cả bản A La đang chìm trong giấc ngủ bỗng nghe tiếng kêu cứu vang lên vọng giữa bóng tối núi rừng. Dân bản tập trung xuống suối để tìm các thầy thì thấy nước lũ từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn, bóng đêm đen đặc chỉ còn nghe tiếng nước chảy ầm ầm.

Sau khi cứu được thầy Quảng, dân làng men theo bờ suối về xuôi tìm thầy Quang. Đến gần sáng, khi về gần cầu Đá Đỏ, cách A La 5km thì gặp thi thể thầy Quang mắc kẹt lại giữa tảng đá và cây gỗ rừng. Thi thể của thầy bầm tím vì bị nước lũ xiết làm va chạm vào những vật thể cứng trên dòng chảy. Dân bản nghẹn ngào, không ai nói với ai được lời nào.  

Trở thành con dâu của bản làng

Huyện miền núi Đakrông có gần 800 giáo viên đang dạy học các cấp, trong đó đa số là nữ người Kinh từ đồng bằng lên. Giữa núi rừng biên giới, ngoài thời gian dạy học ở trên lớp, các cô giáo còn tình nguyện tham gia vào nhiều hoạt động của địa phương. Cô Nguyễn Thị Nga kể rằng, đúng là không có nơi nào buồn hơn khi phải sống và dạy học giữa rừng. Vì yêu thương các học sinh dân bản nên mới cố gắng làm việc tốt.

Ngoài giờ dạy học, về phòng trọ ở bản chẳng biết làm gì, không biết tìm ai để trò chuyện. Có hôm mấy phu đãi vàng thấy Nga khá xinh đẹp nên lọ mọ từ dưới suối A Vao lên chơi. Mặc dù tuổi đời đáng bằng em song các phu vàng vẫn to mồm xưng anh ngọt ngào với Nga. Nhưng không vì thế mà Nga không chuyện trò, làm bạn với họ để khoả lấp nỗi cô đơn giữa đại ngàn. Còn chuyện kết duyên se tóc thì Nga nói chưa tính đến. 

Không ít người có trái tim “sắt đá” như Nga. Cô giáo Nguyễn Thị Khiến, ở xã Hướng Hiệp, nhớ lại: Năm 1984 khi mới lên công tác ở huyện Đakrông, tìm khắp cả huyện có không hơn mười giáo viên người Kinh. Ngày đó buồn thê thảm lắm chứ không phải có cái điện thoại di động như bây giờ đâu. Dạy học được ba năm, mối tình đầu cô đem lòng yêu một thanh niên người dân tộc Vân Kiều tên là Mai Xuân Hoàng. Vượt qua bao khó khăn về sự khác biệt phong tục, tập quán và lối sống, với tình yêu mãnh liệt của mình, cô Khiến và anh Hoàng đã thành vợ chồng.

Ngày về nhà chồng làm dâu, cô Khiến vô cùng bỡ ngỡ. Song với sự yêu thương của chồng và gia đình bên chồng, cô đã trở thành người con dâu thảo hiền của dân bản. Ba người con của vợ chồng cô đều được học hành đàng hoàng, người con trai đầu nay công tác trong ngành công an. Cả gia đình cô luôn hạnh phúc, tràn ngập yêu thương. Khó khăn, vất vả rồi cũng qua đi, điều đọng lại trong tâm hồn của cô Khiến đó là tình yêu thương học sinh con em dân bản.

 Hằng ngày, ngoài giờ lên lớp dạy học, đêm về cô còn đến từng nhà động viên các cháu đi học. Với các học sinh ở rẻo cao này, nếu giáo viên không đến từng nhà động viên, các em sẽ nghỉ học, ở nhà đi làm rẫy. Không chỉ nuôi con đẻ, cô Khiến còn nhận nuôi ba chị em mồ cô bố mẹ, cho các cháu ăn học đàng hoàng. Cô Khiến tâm sự: “Đời mình khổ nhiều rồi. Bây giờ khổ thêm một tí nữa cũng chẳng sao. Không giúp các cháu trong lòng tôi cảm thấy như người có tội”. 

Không riêng cô Khiến, giáo viên nữ người Kinh lên vùng cao dạy học rồi se duyên cùng các chàng trai người dân tộc ở đây không phải là ít. Gặp tôi, cô Phan Thị Pháp, giáo viên dạy tại bản Khe Ngài, xã Đakrông nói trời đất sắp đặt cho họ được lấy nhau. Khi cô Pháp yêu anh Hồ Ngọc Vui, người dân tộc Vân Kiều, gia đình hai bên đều không đồng ý. Nhưng với cô Pháp thì chỉ có tình yêu của cô dành cho người thanh niên dân tộc hiền lành, có thân hình vạm vỡ ấy mới quyết định tất cả.

Là con gái người Kinh, quê ở ngoài Quảng Bình, tốt nghiệp trường Sư phạm, cô tình nguyện lên dạy học ở vùng cao huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Giữa rừng hoang âm u, cuộc sống của các giáo viên ngày ấy đều được dân bản đùm bọc, che chở. Suốt tháng, suốt năm luôn vắng bóng cán bộ người Kinh lên miền núi công tác nên có muốn tìm hiểu bạn trai người đồng bằng cũng không có điều kiện. Thế là như mưa dầm thấm đất, cô Pháp gặp anh Vui và yêu nhau từ khi nào chẳng biết. Tình yêu của hai người chỉ có núi rừng chứng giám và những đêm sim đắm say giữa đại ngàn.

 

Chia tay các cô giáo, lòng tôi cảm thấy thêm tự hào và không ít day dứt khi nghe ông Mai Duy Phương - Trưởng phòng Giáo dục huyện Đakrông nói ở huyện này có rất nhiều trường hợp như những cô giáo trong câu chuyện cảm động vừa được kể này.
Nhớ lại ngày đó, cô Pháp nói quyết định cưới anh Vui làm chồng cho đến nay cô chưa bao giờ “xét lại”. Hai người con của cô Pháp và anh Vui nay đang học Đại học Sư phạm. Cô Pháp muốn những đứa con của mình sau này như mẹ nó, tiếp tục sự nghiệp dạy chữ Bác Hồ cho bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Cô.

 Hai mươi tám năm sống và dạy học giữa đại ngàn Trường Sơn và trở thành nàng dâu của dân bản, cô Pháp càng gần gũi với bà con hơn. Cô Pháp cũng như cô Khiến và nhiều cô giáo người Kinh khác đang làm dâu với dân bản họ như đã hoá thân thành người miền núi, là con em của bản. Cuộc sống cũng có nhiều niềm vui song không ít nỗi buồn, nhưng không ai tỏ ra tiếc nuối với những quyết định gắn bó lâu dài với núi rừng của mình.

Tài sản quý giá nhất của các cô là những đứa con mang hai dòng máu Kinh - Vân Kiều thông minh, tuấn tú, khỏe mạnh và hàng vạn học sinh thân yêu là con em dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ngày đêm được học cái chữ Bác Hồ để mai này các em trở thành người hữu ích, giúp bản làng đẩy lùi được những khó khăn, lạc hậu. Nhiệm vụ các cô làm được trong suốt mấy chục năm qua đã hoàn thành tốt hơn công việc Nhà nước giao phó khi ngày đầu các cô lên vùng cao dạy học.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.