| Hotline: 0983.970.780

Giò chả xếp hàng

Chủ Nhật 15/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

Số 9 Hàng Bông (Hà Nội) vốn là địa chỉ quen thuộc của người sành ăn đất Hà thành. Với khách hàng, họ đến mua khẩu vị và mua cả không khí Tết. Với chủ hàng, họ bán miếng ngon và cả những câu chuyện xúc động đằng sau những cây giò, khoanh chả.

Công thức bí truyền 200 năm

Vào những ngày giáp Tết, từng dãy người xếp hàng đợi mua là cảnh tượng quen thuộc tại cửa hàng giò chả Quốc Hương. Chính vì vậy, cửa hàng này còn nổi tiếng với tên gọi “giò chả xếp hàng”. Dù có tiếng cả trong và ngoài nước nhưng tên hiệu của cửa hàng lại nằm khiêm tốn tại một góc phố khuất.

Lý giải về sự kì lạ đó, bà Nguyễn Thị Chấn, chủ cửa hàng cho biết, Quốc Hương vốn là tên từ thời khai hiệu của gia đình. Đến thời bà Chấn, thương hiệu giò chả Quốc Hương đã sang đời thứ 4, xấp xỉ gần 200 năm tuổi. Vì thế, thương hiệu này nằm trong tiềm thức của những người con Hà Nội nên không cần bất cứ sự trưng trổ nào.

Quê quán bà Chấn vốn gốc gác ở thôn Ước Lễ (Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội), làng nghề SX giò chả nổi tiếng có lịch sử gần 500 năm. Là cô gái Hà thành xinh đẹp, được học hành bài bản nhưng bà nối nghiệp gia đình nhẹ nhàng như bao cô gái đất Kẻ Chợ khác.

Mặc dù năm nay đã quá tuổi 80 nhưng cứ 4 giờ sáng bà lại cùng người nhà bắt tay vào việc chế biến. Bà vẫn tự tay nêm nếm gia vị theo công thức truyền thống của gia đình bằng cách nhìn vào sự đổi màu của thịt. Công thức này được bà giữ kín và sẽ truyền lại cho người con nối nghiệp gia đình sau này.

Bà Chấn cho biết, để có được miếng giò thơm ngon, phải đến lò mổ từ 3-4 giờ sáng để chọn mua thịt từ những con lợn to khỏe, rắn chắc. Phần thịt được chọn mua phải là thịt mông nguyên tảng. Phần thịt này không được dội nước sôi và cạo lông, khi chuẩn bị cho vào giã mới lọc bỏ da và mỡ để đảm bảo thịt tươi ngon.

“Bí quyết tạo nên vị ngọt đặc biệt cho giò chả của chúng tôi chính là ở khâu chế biến rất cẩn trọng. Khi miếng thịt vừa được tách khỏi da, còn nóng hổi thì phải bỏ vào cối giã hoặc xay ngay lập tức.

Đây là quá trình khó nhất, bởi chỉ cần để bất kì một giọt nước hoặc vật lạ rơi vào thì giò khi luộc xong sẽ nhão ngay. Giò càng giã nhanh càng dính, nhuyễn và dẻo quánh như hồ, nhưng khi luộc lên sẽ chắc, dai mà không cần dùng đến hàn the”.

Nhưng mùi hương đặc trưng của giò chả Quốc Hương mà không một thương hiệu nào có được còn nằm ở những giọt nước mắm nhĩ đậm đà. Đây là loại nước mắm mà bà đặt riêng từ Phan Thiết chỉ để làm giò.

Trước đây, gia đình bà thường cho mật mía vào giã thịt để tạo cho miếng giò vị ngọt tự nhiên, thanh mát. Nhưng để phù hợp với khẩu vị của người hiện đại, bà thay bằng một chút bột ngọt.

Chỉ một chi tiết nhỏ này thôi, cũng khiến bà nuối tiếc và day dứt mãi. Bà bảo, đơn giản hóa các khâu chế biến và nguyên liệu là việc bắt buộc phải thay đổi để thích hợp với khối lượng sản phẩm khổng lồ ngày Tết. Nhưng miếng giò được giã tay vẫn ám ảnh bà đến bây giờ.

13-57-26_u1e3nh-8
Bà Nguyễn Thị Chấn bên bức ảnh về những thế hệ trước của thương hiệu Quốc Hương

“Tôi vẫn mong khách hàng được ăn những miếng giò được giã bằng tay trong cối gỗ mít, thấm vị mồ hôi và cả những tâm tình của người đầu bếp trong đó. Ăn một miếng giò như thế có thể thấy Tết đang gõ cửa ngoài kia rồi”, bà tâm sự.

Gia đình bà là một trong những địa chỉ hiếm hoi gói giò bằng lá chuối. Bây giờ lá giò đã được thay bằng ni - lông hoặc giấy bạc cho tiện. Còn tại đây, giò giã xong được gói bằng lá chuối tây đã phơi nắng.

Dự kiến, dịp Tết Nguyên đán năm nay, thương hiệu Quốc Hương cho ra lò khoảng gần 1.000 cân giò chả và gần 2.000 chiếc bánh chưng. Trong đó, khoảng một nửa sẽ được gửi sang Nga, Đức, Mỹ, Trung Quốc... để phục vụ kiều bào ăn Tết.
Số lượng giò chả và bánh chưng xuất ngoại sẽ được xử lý bằng máy hút chân không. Sau đó giò và chả sẽ được bảo quản bằng cách đông lạnh, còn bánh chưng sẽ được bọc ni lông bên ngoài lớp lá để kéo dài thời gian sử dụng.

Bà bảo, giò tươi phải luộc cùng lá chuối mới dậy mùi thơm đặc trưng của giò. Giò gói xong phải cho vào nồi luộc ngay, sau đó vớt ra ngâm nước lạnh để giò thêm chắc và không bị nứt vỡ. Kinh nghiệm của riêng bà thì lúc cho giò vào nồi, châm một nén nhang, tàn nhang là giò vừa chín tới.

Cây giò kể chuyện

Trong kí ức nhiều người, thương hiệu Quốc Hương còn được nhắc đến với nhiều câu chuyện thú vị.

Với riêng bà Chấn, cũng nhờ cây giò truyền thống mà bà tìm được người chồng tâm đầu ý hợp. Dù ông đã về với đất mẹ tròn 10 năm, nhưng mỗi lần nhắc đến, bà lại bùi ngùi nhớ đến người bạn đời và cũng là đồng nghiệp thân thiết.

Ngày đó, bà là hoa khôi của phố Hàng Buồm. Cô tiểu thư họ Nguyễn vốn nức tiếng xinh đẹp, đảm đang lại thạo nghề nên những lời dạm hỏi từ các công tử bay đến tới tấp. Nhưng mẹ bà lại đưa ra một câu thách cưới lạ đời, ai làm được cây giò vừa ý nhất sẽ xứng đáng làm rể.

Ông vốn cùng quê với bà, nhưng trớ trêu thay, là trai Ước Lễ nhưng chưa bao giờ cầm đến tấm lá chuối. Yêu bà, ông quyết tâm phải làm được cây giò ngon nhất. Ngày đi học, đêm ông lại xuống bếp học gói giò. Không ai tin được rằng anh học trò Hàng Bông ngày đó lại có thể gói được giò.

Tết Nguyên đán năm đó, ông đến chạm ngõ nhà bà với lễ vật là… một mâm giò lụa trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Nhìn những cây giò đều tăm tắp, ngửi mùi hương lan tỏa khắp nhà, mẹ bà liền mỉm cười thay cho lời đồng ý.

“Ông nhà tôi thường bảo, nhờ cây giò mà tìm được vợ, gây được nghiệp nên dù sống chết thế nào, cũng phải giữ cho truyền thống gia đình được tiếp nối”, bà bùi ngùi tâm sự.

Sau này, bước vào thời kì bao cấp, giò chả được xem là mặt hàng cấm buôn bán tràn lan bởi bị liệt vào hàng “xa xỉ phẩm”. Tưởng như ông bà đã từ bỏ nghiệp gia truyền vì việc buôn bán bị ngưng lại từ những năm 1986 đến năm 1992.

13-57-26_u1e3nh-2
Chế biến giò chả tại cơ sở Quốc Hương

Thế nhưng nhu cầu thưởng thức ẩm thực chính đáng của người thân, bạn bè, hàng xóm đã khiến ông bà nghĩ cách tạo nên những cây giò “chui”.

“Hồi đó nghèo thật, nhưng Tết đến ngước lên mâm cỗ cúng không có đĩa giò như ngước lên bàn thờ không có cây nhang, thấy tủi thân đến ứa nước mắt. Tôi quyết tâm sang năm, sống chết gì cũng phải cho các con và những người thân thiết nếm đĩa giò Tết. Tưởng làm ăn chơi, hóa ra lại tạo nên cái Tết cho bao người”, bà Chấn nhớ lại.

Bà kể, làm giò chả nhất thiết phải là thịt lợn ngon, nhưng thời bao cấp, thịt còn quý hơn vàng. Thế là vợ chồng bà lân la, làm quen được với một nhóm lái buôn chuyên mổ lợn chui.

Nửa đêm, ông đã phải dậy đạp xe hơn 2 cây số theo họ, về những vùng lân cận để mua lợn làm thịt. Nể tình, họ luôn để ông chọn những phần thịt ngon nhất.

Từ những khúc giò thấm đẫm mồ hôi và nước mắt đó của ông bà, tiếng lành đồn xa. Và sau hơn 5 năm gián đoạn, thương hiệu giò chả Quốc Hương đã mở cửa trở lại trong sự vui mừng của những người khách thân thiết.

“Từ bao giờ chúng tôi đã mặc nhiên xem cây giò là một phần của gia đình này rồi. Mỗi thăng trầm, buồn vui của cuộc đời tôi đều liên quan đến cây giò. Nên từ nó, những câu chuyện về cuộc đời tôi có thể được kể lại đầy đủ nhất”, bà Chấn tâm sự.

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm