| Hotline: 0983.970.780

Chuyển thành công gen chịu hạn vào cây ngô:

Giới khoa học bất ngờ và đánh giá cao

Thứ Tư 16/04/2014 , 16:26 (GMT+7)

Các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lí đầu ngành thuộc Bộ KH-CN và Bộ NN-PTNT đã bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao kết quả thành công về công trình nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Ngô.

Hôm qua (15/4), Viện Nghiên cứu Ngô cùng đại diện Bộ KH-CN, Bộ NN-PTNT và đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia... đã có cuộc họp đánh giá kết quả về công trình nghiên cứu chuyển gen chịu hạn vào cây ngô do Viện Nghiên cứu Ngô thực hiện.

Các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lí đầu ngành thuộc Bộ KH-CN và Bộ NN-PTNT đã bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao kết quả thành công về công trình nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Ngô.

GS.TS Ngô Hữu Tình – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô:

Chuyển gen là một công nghệ đột phá của nhân loại trong SX nông nghiệp, vì vậy không có lí do gì để nông dân VN không được hưởng lợi từ tiến bộ đó. Tôi cho rằng chúng ta không cần phải lo ngại về những nguy cơ mà ngô chuyển gen nói riêng và cây trồng chuyển gen nói chung mang lại, điều đáng sợ nhất hiện nay đó là làm sao chúng ta có thể tự chủ được công nghệ SX cây trồng chuyển gen để tránh phụ thuộc vào các Cty đa quốc gia đang nhăm nhe thị trường VN.

Thành công của Viện Nghiên cứu Ngô vừa qua đã bước đầu mở ra hi vọng khắc phục mối lo ấy.

Lịch sử phát triển cây ngô ở VN gắn liền với nỗ lực nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Ngô đã trải qua 2 giai đoạn ghi dấu ấn, một là giai đoạn chọn tạo thành công nhiều giống ngô thuần thụ phấn tự do, nâng năng suất từ 1 tấn/ha lên gấp đôi.

Hai là giai đoạn chúng ta nghiên cứu, lai tạo thành công các giống ngô lai, nâng năng suất ngô từ 2 tấn/ha lên 4-5 tấn/ha như hiện nay. Kết quả chuyển gen chịu hạn thành công của Viện Nghiên cứu Ngô có thể khẳng định đang mở ra một thời kỳ đột phá thứ 3 cho cây ngô ở nước ta.

Đột phá hơn nữa bởi các giống ngô chuyển gen của các tập đoàn nước ngoài hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc chuyển gen kháng thuốc trừ cỏ và kháng sâu. Trong khi đó, kỹ thuật chuyển gen chịu hạn là một kỹ thuật cực kỳ khó, và Viện Nghiên cứu Ngô đã lựa chọn hướng nghiên cứu hoàn toàn khác biệt so với những nghiên cứu trước đó.

Hướng nghiên cứu chuyển gen chịu hạn cũng là rất cấp thiết và phù hợp với thực tiễn SX ngô đa phần ở các vùng cao, thiếu nước của nước ta.

Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tạo mọi điều kiện tốt nhất để sớm bảo hộ bản quyền ngay đối với kết quả nghiên cứu này để sớm đưa ra SX thương mại. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu sâu theo hướng chuyển gen trực tiếp vào các giống đã SX thương mại mới để tăng sức cạnh tranh với các giống ngô chuyển gen của các Cty nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Liễu – Vụ trưởng Vụ KH-CN và Các ngành Kinh tế - Kỹ thuật (Bộ KH-CN):

Tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Viện Nghiên cứu Ngô trong việc nghiên cứu công nghệ chuyển gen vừa qua. Đến năm 2013, thế giới đã có tới 175 triệu ha cây trồng chuyển gen, tăng 100 lần so với năm 1996 khi lần đầu tiên được đưa vào SX trên thế giới. Thế nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa có lấy một ha cây trồng chuyển gen nào.

Thành công của Viện Nghiên cứu Ngô chuyển gen chịu hạn vào cây ngô mặc dù tới thời điểm này chưa hoàn thiện, nhưng tôi đánh giá rất triển vọng. Triển vọng bởi ngô chuyển gen của các Cty nước ngoài hiện nay mới chỉ chuyển được gen kháng thuốc trừ cỏ và kháng sâu. Đây đều là những đơn gen.

Tuy nhiên khả năng chịu hạn phải chuyển đa gen nên công nghệ rất phức tạp. Có thể nói công nghệ chuyển gen chúng ta đi sau rất lâu so với nước ngoài. Viện Nghiên cứu Ngô đi sau, nhưng đã làm được điều khó hơn họ. Kết quả này sẽ mở ra triển vọng cạnh tranh rất tốt với các Cty nước ngoài tại nước ta trong tương lai. Đồng thời, cũng mở ra triển vọng nâng cao năng suất ngô tại các vùng miền núi khó khăn về nước, nâng cao sản lượng ngô theo chủ trương của Bộ NN-PTNT.

Về phía Bộ KH-CN, chúng tôi sẽ đồng hành và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho Viện Nghiên cứu Ngô sớm hoàn chỉnh và công bố sự kiện chuyển gen (Event) nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ cho công trình nghiên cứu này.

GS.TS Nguyễn Văn Tuất – Phó GĐ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS):

Trước tiên, tôi chúc mừng chủ nhiệm và nhóm tác giả của Viện Nghiên cứu Ngô đã thu được kết quả rất khả quan khi chuyển thành công gen chịu hạn vào ngô. Mặc dù không phải là đơn vị đầu ngành về công nghệ sinh học của Bộ NN-PTNT nhưng Viện đã sớm thu được kết quả đáng ngợi khen.

Bởi một số đơn vị chuyên ngành về gen và công nghệ sinh học hiện nay mặc dù được giao nhiều đề tài, thiết bị và kinh phí nhưng vẫn chưa cho ra được kết quả có tính thực tiễn. Thành tích này theo tôi xứng đáng được Bộ NN-PTNT sớm có bằng khen để động viên tinh thần anh em cán bộ nghiên cứu của Viện.

Hiện tại, các khung pháp lý và an toàn sinh học cũng như các thủ tục để công nhận cây trồng chuyển gen đã được Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT hoàn thiện rất đầy đủ. Vì vậy, tôi tin trong thời gian sớm nhất sẽ có ngô chuyển gen “madein Việt Nam” có mặt trên thị trường để đưa vào SX.

Thời gian sắp tới, tôi đề nghị Viện Nghiên cứu Ngô tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn về nguồn vật liệu gen và nguồn vật liệu nhận gen. Đồng thời, cần thử nghiệm chuyển đồng thời nhiều gen chịu hạn cùng một lúc. Quan trọng nữa, cần nâng cao hơn nữa hiệu suất thành công của quá trình biến nạp gen, đặc biệt là ở thế hệ T0 để tiến tới tạo điều kiện thuận lợi cho SX giống thương mại số lượng lớn về sau.

TS Hà Quang Dũng - GĐ Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia:

Với một lĩnh vực rất khó như chuyển gen, lại là gen chịu hạn, kết quả của Viện Nghiên cứu Ngô là rất đáng khen ngợi. Bởi kể cả các Cty nước ngoài hiện nay muốn chuyển được gen phải mất nguồn kinh phí và thời gian rất lớn. Tuy nhiên với nguồn kinh phí ít ỏi, Viện đã làm được điều không hề dễ dàng, đặc biệt tôi đánh giá rất cao độ ổn định của gen sau khi chuyển vào ngô ở thế hệ T2, T3 đã đạt tới 95 – 98%.

Hiện tại tôi đánh giá việc nghiên cứu đã đi được ¾ quãng đường và tôi tin sẽ thành công. Trước mắt, tôi thấy cần đánh giá kỹ hơn nữa khả năng chịu hạn của ngô có gen chuyển thông qua môi trường hạn nhân tạo. Về phía Trung tâm, chúng tôi rất mong muốn và sẵn sàng hợp tác với Viện trong giai đoạn khảo nghiệm đồng ruộng sắp tới.

PGS.TS Nguyễn Tấn Hinh – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN và MT (Bộ NN-PTNT):

Bộ KH-CN cũng như Bộ NN-PTNT cần thay đổi tư duy trong việc giao nhiệm vụ khoa học phù hợp hơn với các đơn vị có năng lực, tâm huyết thực sự, nhất là những đơn vị có truyền thống gắn nghiên cứu với thương mại sau nghiên cứu như Viện Nghiên cứu Ngô.

Nhiều đơn vị nghiên cứu của Bộ NN-PTNT hiện nay có năng lực nghiên cứu rất mạnh, nhưng khi xin đề tài nghiên cứu thường rất khó. Ngay như đề tài nghiên cứu chuyển gen chịu hạn của Viện Nghiên cứu Ngô trước đây, tôi biết cũng có nhiều ý kiến không đồng tình và không tin tưởng khả năng thành công của Viện.

Cũng cần phải thừa nhận, sự thành công đó có sự góp sức rất lớn từ nhiều đơn vị nghiên cứu gen, di truyền... khác của Bộ KH-CN, Bộ NN-PTNT đã góp sức với Viện Nghiên cứu Ngô trong quá trình nghiên cứu, chia sẻ hợp tác thiết bị thí nghiệm... Bởi một mình Viện Nghiên cứu Ngô không thể có đủ các thiết bị cần thiết cho công trình phức tạp này. Từ câu chuyện này, nhà nước cần đầu tư hơn nữa cơ sở hạ tầng, thiết bị cho Viện Nghiên cứu Ngô trong thời gian tới.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất