| Hotline: 0983.970.780

Giống cải mào gà

Thứ Hai 16/01/2012 , 11:15 (GMT+7)

Đây là giống cải có thể dễ dàng áp dụng trong SX rau an toàn trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh thành khác...

Trong cuốn “Những câu chuyện kể về Bác Hồ” của Hồ Vũ có mẩu chuyện kể Bác tăng gia SX rau cải mào gà tại chiến khu Việt Bắc. Từ thập niên 1990 trở về trước, giống cải này được trồng phổ biến ở các tỉnh phía Bắc.

Trong một đợt điều tra nghiên cứu vào năm 2007, cán bộ khoa học của Trung tâm Tài nguyên thực vật (Viện Khoa học Nông  nghiệp Việt Nam) phát hiện giống cải mào gà vẫn được một số người dân lưu giữ hạt giống và trồng ổn định ở huyện Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội. Do thời gian dài không được quan tâm chọn lọc, làm thuần nên nguồn giống này bị thoái hoá và lẫn tạp.

Căn cứ một số thông tin cơ bản về nguồn gen các loại rau cải mà Trung tâm TNTV đang lưu giữ và thông tin điều tra thu thập được, Phòng Khoa học & HTQT đã xây dựng đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gen cải mèo (Hòa Bình), cải ngồng (Lạng Sơn) và cải mào gà (Hoài Đức)".

Đề tài đã được Bộ KH-CN cho thực hiện trong 3 năm, từ 2010 -2012. Hiện nay Trung tâm TNTV đang tiến hành phục tráng và sản xuất hạt giống gốc phục vụ mục tiêu mở rộng SX quy mô thương mại. Dự kiến tới đây Trung tâm TNTV phối hợp Sở NN-PTNT Hà Nội đưa giống cải này trồng tại một số điểm SX rau an toàn.

Đặc điểm

Cải mào gà khác với các giống cải xanh đang trồng phổ biến (cải mơ, cải ngọt, cải bẹ mào gà, cải mèo…) như giai đoạn đầu lá cây cải mào gà phát triển rất giống lá cải mơ, nhưng từ lá thứ 7- 8 trở đi mép lá cải mào gà xoăn lại, phần thịt lá phồng lên trên mặt lá.

Các lá càng phát triển về sau thì mức độ xoăn càng rõ rệt, giống như mào gà (có thể vì thế gọi là cải mào gà). Lá cải mào gà có thể dài đến 60cm, rộng 35cm. Lá dày và có góc độ lá nhỏ hơn các loại cải xanh khác nên có thể cho năng suất cao hơn các giống khác.

Cải mào gà ra hoa muộn hơn so với các giống cải mơ từ 25-30 ngày, vì thế người trồng có thể thu hoạch rau ăn tới 70-75 ngày sau khi gieo. Cải mào gà sinh trưởng mạnh và ít sâu bệnh hơn các giống cải xanh đang được trồng phổ biến tại vùng ngoại thành Hà Nội.

Đây là giống cải có thể dễ dàng áp dụng trong SX rau an toàn trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh thành khác nếu SX và cung ứng hạt giống được quy chuẩn hoá. Một điểm khác biệt nữa rất dễ nhận biết cải mào gà so với các giống cải xanh khác, là màu lá cải mào gà thường xanh non rất hấp dẫn người tiêu dùng ở giai đoạn lá non. Nhưng sang giai đoạn phát triển ngồng hoa thì các lá mới hình thành chuyển sang màu xanh phấn.

Rau cải mào gà giòn, ít xơ thích hợp cả nấu canh và muối dưa. Ngồng cải mào gà to và cao hơn các giống cải khác trong cùng điều kiện chăm sóc, có cây cao tới 180cm, năng suất hạt từ 1.500-1.800 kg/ha. Năng suất cải mào gà thuộc loại cao, trung bình đạt 35-40 tấn/ha, có thể đạt 50 tấn/ha/vụ.

Trồng cải mào gà

Gieo giống sau lũ

Ở các xã vùng sông Đáy, Hà Nội, người dân có kinh nghiệm sau lũ lụt vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 dương lịch, khi nước rút chờ vài hôm cho lớp váng bùn phù sa trên mặt se lại, dùng hạt cải mào gà gieo lên gọi là gieo “phải thoại”. Lứa rau được gieo theo kiểu này người dân hầu như không phải đầu tư bón phân do đất phù sa rất tốt mà năng suất và chất lượng rất cao, đặc biệt không phải dùng đến thuốc trừ sâu. Trong thời gian nửa tháng người dân đã có rau ăn, sau đó lại có rau làm muối dưa cho nửa năm.

Cách làm hay này có thể áp dụng cho vùng lũ lụt miền Trung nhằm giúp người dân trong một thời gian ngắn 20-30 ngày đã có rau để dùng.

Làm dưa muối

Khi cải mào gà bắt đầu ra ngồng hoa bằng mặt lá hoặc dài hơn một chút có thể cắt về làm dưa. Khi thu hoạch chọn ngày nắng ráo thì cắt cả cây đem về, loại bỏ lá già rồi rửa sạch đất cát, phơi lên dây phơi khoảng một nắng cho héo sau đó đem thái nhỏ hoặc để cả cây muối dưa.

Khi muối dưa người ta thường cho nguyên liệu (rau cải phơi héo đã rửa sạch) vào vại có miệng rộng. Thường trải một lượt dưa rồi cho một lượt muối mỏng lên trên, cứ thế lần lượt cho đến hết. Khi lớp dưa cuối cùng được rải muối xong người ta đặt một miếng phên tre lên trên sau đó đặt một cái khung gỗ hình chữ thập và trên cùng đặt một viên đá “muối dưa” nặng chừng 15- 20 kg. Sau 15-20 ngày khi dưa hết cay là có thể ăn được.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất