| Hotline: 0983.970.780

Giống lạc L27

Thứ Hai 05/02/2018 , 14:50 (GMT+7)

Nguồn gốc do Trung tâm Nghiên cứu & phát triển đậu đỗ, Viện CLT-CTP chọn tạo, được Bộ NN-PTNT công nhận, cho phép sản xuất thử tại các tỉnh phía Bắc từ tháng 2/2014.

imge001143155209

Đặc điểm: Thời gian sinh trưởng 125 - 130 ngày (vụ xuân), 92 - 95 ngày (vụ thu đông). Dạng cây thân đứng, tán gọn, lá xanh đậm, sinh trưởng khỏe, chống đổ tốt, khả năng thích ứng rộng, nhiễm trung bình với bệnh gỉ sắt, đốm đen, đốm nâu, kháng bệnh héo xanh vi khuẩn khá hơn giống lạc L14. Ra hoa kết quả tập trung, số quả chắc/cây cao (13 - 16 quả), eo quả trung bình, gân quả khá rõ. Khối lượng 100 quả (145 - 152g), tỷ lệ nhân đạt 70 - 73%. Khối lượng 100 hạt (50 - 60g). Vỏ lụa hạt màu cánh sen, hàm lượng dầu cao (53,0%). Năng suất trung bình 33 - 45 tạ/ha (tùy thời vụ). Lạc L27 có năng suất, chất lượng cao nhất trong số các giống lạc đang trồng ở nước ta hiệu nay, được nông dân nhiều địa phương ưa chuộng.

Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật:

Vụ xuân gieo hạt từ 15/1 - 25/2. Vụ thu đông gieo 25/8 - 15/9.

Lượng giống gieo (cho 1ha): 220kg lạc nhân trong vụ xuân và 200 - 210kg vụ thu đông. Yêu cầu hạt giống phải đảm bảo tỷ lệ nảy mầm từ 85% trở lên.

Chọn chân ruộng đất cát pha/thịt nhẹ, cày bừa/phay tơi nhỏ, thu gom tiêu huỷ sạch cỏ dại, lên luống rộng 1m, cao 20 - 25cm, rãnh luống rộng 30cm.

Gieo 4 hàng hạt dọc mặt luống, mỗi hốc gieo 2 hạt, khoảng cách hốc 18 - 20cm.

Phân bón/ha: Vôi bột 500 - 550kg. Đạm urê 90kg. Lân supe 600 - 650kg. Kaliclorua 175 - 180kg. Phân hữu cơ 15 - 20 tấn hoặc Phân vi sinh Sông Gianh 2 tấn.

Cách bón: Vôi bột bón 50% trước khi rạch hàng, còn lại 50% bón khi vun gốc. Toàn bộ phân hóa học được trộn đều bón lót vào hàng rạch (gieo hạt) sâu 10 - 15cm), Sau đó rải phân hữu cơ/vi sinh, cuối cùng lấp kín phân bằng lớp đất dày 2 - 3cm để hạt giống không tiếp xúc trực tiếp với phân bón.

Nên áp dụng kỹ thuật trồng lạc che phủ nilon, để đạt hiệu quả sản xuất cao. Nên dùng loại nilon có đường kính ống rộng 60cm (cả rãnh), độ dày của nilon 0,007 - 0,01mm (1kg nilon có thể che phủ 100m2 đất).

Chăm sóc với lạc không che phủ nilon:

Làm cỏ lần 1 kết hợp xới phá váng khi cây có 2 - 3 lá thật (sau mọc 7 - 10 ngày). Làm cỏ lần 2 kết hợp xới xáo sâu 5 - 6cm sát gốc khi cây có 6 - 7 lá thật (trước cây ra hoa). Xới cỏ lần 3 kết hợp vun gốc và bón nốt 50% lượng vôi còn lại sau khi cây hoa rộ 10 - 15 ngày. Nếu thời tiết khô hạn phải tưới nước vào 2 thời kỳ xung yếu của cây là, trước khi cây ra hoa (cây có 6 - 7 lá) và thời kỳ ra quả vào hạt (tưới ngập 2/3 rãnh luống, để nước ngấm đều rồi tháo cạn).

Phòng trừ sâu bệnh:

Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng thuốc trừ nấm Rovral 50WP 0,3g/kg hạt. Dùng Daconil hoặc Anvil, Bayleton 0,1 - 0,3%, Boocdo phun 2 lần (sau mọc 25 - 30 ngày và sau mọc 45 - 50 ngày) để ngăn ngừa bệnh hại làm rụng lá sớm. Định kỳ kiểm tra tiêu diệt các ổ trứng và sâu non. Có thể trừ sâu khoang, sâu xanh bằng thuốc hóa học Sumicidin, Alphan 5EC.

Thu hoạch và bảo quản: Giống lạc L27 có vỏ quả mỏng và không có tính ngủ tươi. Do vậy cần thường xuyên kiểm tra độ chín của lạc để tránh củ bị nảy mầm ngay trên ruộng. Nên thu hoạch vào ngày nắng ráo. Thu lạc thương phẩm khi có 80 - 85% số quả/cây đã chín già. Lạc dùng làm giống thì thu hoạch sớm hơn 5 - 7 ngày. Sau thu hoạch phơi lạc dưới nắng nhẹ khi độ ẩm củ lạc còn 10 - 12% (vỏ lụa nhân hạt tróc ra) là đạt yêu cầu.

Phơi lạc giống nhất thiết phải phơi trên dụng cụ bằng tre nứa (không phơi trực tiếp trên sân gạch, xi măng). Khi phơi khô phải để mát sau đó mới cho vào bao nilon hoặc chum vại đậy kín. Bảo quản giống nơi khô mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng bên ngoài.

Địa phương đã áp dụng thành công giống lạc L27 là huyện Yên Mô, Ninh Bình; huyện Diễn Châu, Nghệ An...

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.