| Hotline: 0983.970.780

Giống lúa chịu hạn, mặn ở ĐBSCL

Thứ Tư 09/06/2010 , 10:49 (GMT+7)

Theo các nhà khoa học nghiên cứu chọn tạo giống lúa ở ĐBSCL, thì việc tìm giống lúa chịu hạn, mặn thích nghi với biến đổi khí hậu đã được họ chuẩn bị từ lâu.

Phục trang giống lúa Một bụi đỏ Hồng Dân cho vùng lúa, tôm

Theo các nhà khoa học nghiên cứu chọn tạo giống lúa ở ĐBSCL, thì việc tìm giống lúa chịu hạn, mặn thích nghi với biến đổi khí hậu đã được họ chuẩn bị từ lâu.

TS Võ Công Thành, Trưởng Bộ môn Di truyền giống nông nghiệp – Khoa Nông nghiệp & Sinh học ứng dụng, trường ĐH Cần Thơ cho biết: Từ năm 2000 một số nhà khoa học trường ĐH Cần Thơ đã có những công trình sưu tập và giữ lại những giống lúa cổ truyền. Chúng tôi ngạc nhiên với giống lúa mùa địa phương như: Nàng Qướt, Tiêu Chùm, Sỏi Đá có khả năng chịu mặn tới 20%o, dù năng suất rất thấp, chỉ chừng 2-3 tấn/ha. Trong đó giống lúa Nàng Qướt của Tiền Giang xưa kia nổi trội thích nghi trên đất sát mé biển, vùng ngập mặn thường xuyên. Hay giống lúa Sỏi Đá nổi tiếng cứng cây, năng suất khá...

TS Phạm Trung Nghĩa, Trưởng Bộ môn Công nghệ sinh học - Viện Lúa ĐBSCL cho rằng: Cả 2 vùng lúa phía Bắc và Nam đã bắt đầu thực hiện đề tài chọn tạo giống lúa chịu mặn của Bộ NN-PTNT. Ở phía Nam, Viện Lúa ĐBSCL thực hiện chọn tạo bộ giống chịu mặn với kinh phí 3 tỷ trong 5 năm (2009-2013). Thời gian từ lai tạo - tuyển chọn, cho đến khi có được một số dòng lúa mới thuần chủng cần ít nhất là 6-7 vụ lúa, sau đó cần khoảng 2-4 vụ cho việc đánh giá năng suất, khảo nghiệm đặc tính của giống. Do đó thời gian chọn tạo giống là tương đối dài, cho nên mỗi chương trình, đề tài chọn giống đều có phần kế thừa nguồn dòng/giống lúa từ đề tài chọn tạo giống lúa khác thực hiện trước đó.

Từ năm 2009 đến nay, Viện Lúa ĐBSCL đã bước đầu tìm 30 dòng lúa có triển vọng chịu mặn là những dòng lúa kế thừa, được phát hiện chịu mặn qua nhiều lần thanh lọc trong phòng thí nghiệm và nhà lưới. Đánh giá những dòng lúa triển vọng này có khả năng chịu mặn tốt trong sản xuất lúa vùng ĐBSCL hay không còn đang được phối hợp khảo nghiệm ở một số trung tâm giống của các tỉnh như SócTrăng, Kiên Giang, Bến Tre, Bạc Liêu...

TS Nghĩa cho biết thêm, trong nghiên cứu ngoài việc chọn tạo giống lúa chịu mặn, chúng tôi cũng đang rất quan tâm đến các biện pháp kỹ thuật liên quan đến canh tác lúa như sử dụng phân bón giàu khoáng vi lượng-vitamin, chế phẩm sinh học, hóa chất cải tạo đất, kỹ thuật tưới tiêu, cải tạo đất... sao cho giúp cây lúa chịu đựng tốt hơn trong điều kiện bị nhiễm mặn. Kết hợp được giống lúa chịu mặn với biện pháp kỹ thuật sẽ giúp tăng tính chịu mặn của cây lúa lên cao hơn, sản xuất lúa trong mùa vụ nhiễm mặn sẽ an toàn, hiệu quả. Ngoài tính chịu mặn ra, giống lúa mới cần phải có năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, kháng sâu bệnh, thích nghi với điều kiện tự nhiên thì mới được bà con nông dân ưa thích, gieo trồng trong sản xuất.

Hiện nay, một số giống lúa mới của Viện Lúa ĐBSCL xác định có khả năng kháng mặn khá cao như OM6976, OM6677, OM5464, OM5629, OM5166... đã và đang được khảo nghiệm ở một số tỉnh: Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Bến Tre. Kết quả khảo nghiệm ban đầu ghi nhận khá khả quan, trong đó giống lúa OM5464 đang được đề nghị nhân rộng và trình Bộ NN-PTNT công nhận là giống lúa sản xuất thử trong năm 2010. Hai giống OM6976 và OM5166 đang được tiếp tục khảo nghiệm, xác định biện pháp kỹ thuật thích hợp để tăng tính chịu mặn và năng suất của giống. Hai giống lúa mới này đang dự kiến xin công nhận trong năm 2011.

TS Võ Công Thành xác nhận: Trong 2 năm 2008-2009, giống lúa BN được chọn tạo từ giống lúa IR 50404 đột biến cho thấy khả năng thích nghi trên vùng đất phèn, chịu hạn ở Đồng Tháp, Trà Vinh và ở Hậu Giang đã có gần 400-500ha. Giống BN chất lượng gạo mềm cơm, hàm lượng amylose trên 22%, bạc bụng 5% (ngưỡng cho phép 15%); kháng rầy, kháng đạo ôn, khô đầu lá, bệnh von… Riêng giống Một bụi đỏ Hồng Dân, từ tháng 2/2009 bắt đầu thực hiện đến nay có được kết quả bước đầu với 100kg giống chuyển giao về huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) nhằm đáp ứng cho mô hình lúa-tôm, không sử dụng thuốc trừ sâu để sản xuất gạo sạch. Bên cạnh đó, hiện nay Bộ môn Di truyền chọn giống nông nghiệp – Khoa nông nghiệp & Sinh học ứng dụng, trường ĐH Cần Thơ đã có kết quả trong việc chọn tạo giống đậu bắp mới với ưu thế lai, có khả năng kháng sâu đục trái, sâu đục thân, chịu hạn, phèn; có khả năng trồng trên vùng đất mặn và năng suất cao. Đây là giống hướng tới sản xuất sạch, không dùng thuốc sâu để phát triển vùng rau màu ở vành đai các đô thị.

Trở lại với đề tài nghiên cứu chọn tạo giống lúa chịu mặn, TS Nghĩa nhận xét: Thực tế trong sản xuất hiện nay ở một số vùng lúa nhiễm mặn, ruộng lúa thường bị ngập tạm thời trong thời gian từ 7-18 ngày sau khi xuống giống đầu vụ. Hướng nghiên cứu thích nghi này đã được Viện Lúa Quốc tế thực hiện, còn Viện Di truyền NN và Viện Lúa ĐBSCL cũng đang bắt đầu thực hiện. Giống lúa bố mẹ mang tính chịu mặn và chịu ngập đã được xác định và không bị rào cản về bản quyền nguồn giống. Do BĐKH, kết hợp với việc xuất hiện đê ngăn nước thượng nguồn sông Mê Kông, nước trong sông, kênh rạch vùng ĐBSCL có thể bị thiếu tạm thời. Do đó chọn giống lúa chịu hạn trong thời gian ngắn (khoảng 5-14 ngày), đất không quá khô hạn (chủ yếu là ráo nước đến hơi khô) mà vẫn cho năng suất khá cao (từ 4-7 tấn/ha) là thích ứng nhất với điều kiện ĐBSCL. Chọn giống lúa theo hướng này sẽ đáp ứng tốt với kỹ thuật quản lý nước tưới tiêu tiết kiệm của Viện Lúa Quốc tế (tưới - khô ráo xen kẽ), hợp với điều kiện nguồn nước của ĐBSCL hiện nay”.

Đối với chọn giống lúa chịu nhiệt độ cao, TS Nghĩa cho rằng: Nhiệt độ cao trong giai đoạn trổ bông sẽ ảnh hưởng đến năng suất lúa. Ở nhiệt độ cao hơn 35oC trong vài giờ sẽ làm bông lúa đang trổ bị lép rất nhiều sau này. Nhiệt độ cao cũng sẽ làm giảm kích thước hạt lúa và giảm tỷ lệ xay chà gạo. Một vài đặc tính liên quan đến cấu trúc bông lúa cũng như đặc tính trổ sớm vào buổi sáng của một số lúa hoang có thể giúp lúa ít bị thiệt hại do nhiệt độ cao. Do đó, việc đầu tiên của hướng chọn giống này là phải đánh giá lại các ngân hàng gen giống lúa cho đặc tính chịu nhiệt độ cao, hoặc tìm nguồn giống lúa chịu nhiệt độ cao sử dụng trong các chương trình lai tạo.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.