| Hotline: 0983.970.780

Giống lúa kháng bệnh đạo ôn MTL547

Thứ Hai 08/02/2010 , 10:43 (GMT+7)

Từ tổ hợp hai giống lúa MTL156 và Khaohom, Bộ môn Tài nguyên Cây trồng - Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL đã lai tạo thành công giống lúa MTL547...

Trong chiến lược chọn lọc và phát triển các giống lúa ngắn ngày có chất lượng cao, đặc tính chống chịu sâu bệnh của giống là một trong những quan tâm hàng đầu của nhà khoa học.

Bệnh đạo ôn (cháy lá) trên lúa với mức độ tiến hóa rất nhanh của các nòi nấm Pyricularia oryzae đã gây ra hiện tượng phá vỡ tính kháng bệnh của giống trong sản xuất nông nghiệp, phần lớn các giống lúa được phóng thích ở ĐBSCL nhìn chung đều bị nhiễm trở lại với bệnh cháy lá trong một thời gian ngắn. Đặc biệt với áp lực thâm canh càng cao, giống lúa càng bị nhiễm bệnh nhanh hơn.

Nông dân hiện nay dựa chủ yếu vào thuốc đặc hiệu để khống chế bệnh này, và đương nhiên cũng chịu tổn thất ngược lại về sức khỏe và môi trường. Do đó, để quản lý bệnh hại một cách tốt nhất nên duy trì một nền sản xuất bền vững, đa dạng về chủng loại giống, trong đó cần thiết sử dụng những giống năng suất cao, phẩm chất tốt, có đặc tính chống chịu tốt và ổn định đối với sâu bệnh.

Từ tổ hợp hai giống lúa MTL156 và Khaohom, Bộ môn Tài nguyên Cây trồng - Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL đã lai tạo thành công giống lúa MTL547 với tên gốc là L318-1-2-2-6-3-1-1-3. Được lai tạo từ năm 2000, tổ hợp lai L318 thể hiện ưu thế lai qua các thế hệ phân ly được chọn lọc tại Đại học Cần Thơ, sau đó gửi đi trắc nghiệm năng suất ở tất cả các tỉnh ĐBSCL từ năm 2005 đến năm 2007. Hiện nay, giống MTL547 được sản xuất ở các tỉnh như An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, và đặc biệt đây là một trong những giống lúa chủ lực của vùng trồng lúa đặc sản Sóc Trăng.

Với thời gian sinh trưởng trung bình 93 ngày, giống lúa MTL547 luôn cho năng suất cao và thích nghi trên nhiều vùng sinh thái khác nhau. Chiều cao cây trung bình, mức độ nhảy chồi mạnh, MTL547 luôn cho số bông trên đơn vị diện tích rất cao. Màu lá của giống lúa này xanh nhạt, thân cứng chắc và khỏe giúp cây lúa không đổ ngã, bảo toàn năng suất cuối cùng và giảm thất thoát khi thu hoạch. Đây là loại hình giống mới đáp ứng tốt cho việc cơ giới hóa thu hoạch ở một số vùng chuyên sản xuất lúa như hiện nay.  

Thừa hưởng đặc tính ngon cơm từ giống lúa Thái Lan Khaohom, phẩm chất gạo của giống MTL547 đạt tiêu chuẩn xuất khẩu với hạt gạo thon dài, gạo trong, độ bóng tốt. Khi nấu, cơm mềm, hàm lượng amylose được xác định từ 22-23%, rất phù hợp thị hiếu người tiêu dùng (Bảng 1). Đặc biệt, vỏ trấu của giống lúa này mỏng, xay xát đạt tỷ lệ gạo nguyên cao và rất được thương lái ưa chuộng.

Bảng 1: Đặc tính giống lúa MTL547 so với cha mẹ

Đặc tính giống

MTL547

MTL156 (mẹ)

Khaohom (cha)

Nguồn gốc

Viện PTĐB-ĐHCT

Viện PTĐB-ĐHCT

Thái Lan

Thời gian sinh trưởng

92-95 ngày

95 ngày

95-100 ngày

Mùa vụ thích hợp

Đông Xuân, Hè Thu

Đông Xuân

Đông Xuân

Chiều cao cây

88-90 cm

86-88 cm

95 cm

Số bông/m2

341 bông

332 bông

345 bông

Năng suất

6-7 tấn/ha

7 tấn/ha

6-7 tấn/ha

Phẩm chất

Gạo dài 7,2 mm, gạo trong, mềm cơm

Gạo dài 6,8mm, ít bạc bụng, cứng cơm

Gạo dài 7,1 mm, cơm mềm dẻo

Tính đổ ngã

Kháng đổ ngã

Hơi đổ ngã

Hơi kháng đổ ngã

Tính kháng sâu bệnh

Kháng cháy lá, kháng rầy nâu

Hơi kháng cháy lá, kháng rầy nâu

Hơi nhiễm rầy nâu, cháy lá

Thích nghi đất

Thích nghi phù sa, phèn mặn

Thích nghi phù sa, phèn mặn

Thích nghi phù sa

Với chiến lược chọn lọc và phát triển giống lúa chống chịu ổn định với sâu bệnh, nghiên cứu về tình hình bệnh đạo ôn và trắc nghiệm giống kháng được thực hiện trên các giống triển vọng tại nhiều địa điểm thí nghiệm khác nhau ở ĐBSCL cho thấy MTL547 là một giống chống chịu bệnh rất ổn định qua các mùa vụ tại các địa điểm thí nghiệm là Cần Thơ, Sóc Trăng, Tiền Giang và An Giang (Bảng 2). Trước tình hình các giống lúa phổ biến hiện nay đều nhiễm bệnh đạo ôn hoặc có tính chống chịu bệnh không ổn định thì giống lúa MTL547 là một lựa chọn hiệu quả nhất để thay thế cho những giống lúa cũ đã nhiễm bệnh.

Bảng 2: Cấp bệnh cháy lá thử trên nương mạ của một số giống lúa phổ biến tại ĐBSCL

STT

Tên giống

Cấp bệnh ở các địa điểm khác nhau

Cần Thơ

An Giang

Tiền Giang

Sóc Trăng

Bến Tre

1

MTL547

2

5

2

4

2

2

Jasmine

6

9

1

3

4

3

VND95-20

8

9

7

5

4

4

MTL392

6

9

3

8

7

5

MTL145

8

9

8

6

3

6

OM1490

9

9

5

9

9

7

IR50404

7

9

6

8

7

Ghi chú: Cấp bệnh càng lớn, giống nhiễm bệnh càng nặng 

Với đặc tính rất sạch bệnh ngoài đồng, bộ lá và hạt kuôn sáng màu, giống lúa MTL547 khi trồng trình diễn trong bộ Khảo nghiệm Quốc gia luôn được nông dân các tỉnh ĐBSCL ưa chuộng. Qua các Hội thảo đánh giá giống lúa được tổ chức hàng mùa vụ, MTL547 được Hội thảo các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng bầu chọn là giống triển vọng, đề nghị nhân nhanh để phục vụ cho sản xuất tại địa phương.

Trước tình hình các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn đang từng bước thâm nhập vào cộng đồng nông dân thì việc sử dụng những giống lúa chống chịu tốt với sâu bệnh ngoài đồng là một giải pháp hữu hiệu nhất để người nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người tiêu dùng.

Xem thêm
Mang Yang là nơi rất tốt để phát triển đàn bò sữa

Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, nguồn nước sạch…, là những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển bò sữa ở Mang Yang, Gia Lai.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.