| Hotline: 0983.970.780

GIỐNG LÚA THUẦN MỚI CÓ HÀM LƯỢNG PROTEIN CAO

Thứ Ba 05/07/2011 , 12:29 (GMT+7)

1. Giống lúa PĐ211

Giống lúa PĐ211 được chọn tạo ra bằng phương pháp nuôi cấy bao phấn F1 từ tổ hợp lai Sahel 108/P6 (Sahel 108 là giống lúa chịu hạn và P6 là giống lúa thâm canh có hàm lượng protein cao).

Giống lúa PĐ211 thấp cây (95-100cm), có TGST trung bình từ 115-118 ngày trong vụ mùa, 140-145 ngày trong vụ xuân, có dạng hình gọn, khả năng sinh trưởng phát triển tốt, khả năng đẻ nhánh khá (6-7 dảnh/khóm). Trong điều kiện đồng ruộng, giống có khả năng kháng khá bệnh đạo ôn và khô vằn; nhiễm nhẹ bạc lá, rầy nâu; khả năng chịu rét và chống đổ khá, độ thuần ổn định.

Giống PĐ211 có dạng bông to, dài, xếp hạt thưa, số hạt/bông cao (140-150 hạt/bông), tỷ lệ hạt chắc/bông cao (90%), độ tàn lá muộn. Giống PĐ211 cho năng suất trung bình đạt 55-60 tạ/ha trong vụ mùa và 60-65 tạ/ha vụ xuân, nếu thâm canh tốt có thể đạt trên 70 tạ/ha. Đây là giống chịu thâm canh khá, chịu hạn và chịu mặn trung bình, khả năng thích ứng rộng có thể canh tác trên những chân ruộng vàn cao, nhưng do hạn chế về thời gian sinh trưởng (dài hơn Q5 từ 5-7 ngày) nên giống đặc biệt thích hợp với các chân ruộng vàn (trong cơ cấu luân canh 2 vụ lúa + 1 vụ màu đông chính vụ/năm) và vàn hơi thấp (trong cơ cấu chuyên 2 vụ lúa/năm), gieo cấy trong trà xuân chính vụ và mùa trung tại các tỉnh phía Bắc. Những vùng có nhu cầu luân canh cây mầu vụ đông có thể đẩy sớm thời vụ gieo trồng giống lúa PĐ211 sang trà mùa sớm để chủ động diện tích. Giống PĐ211 thích hợp khi cấy ở mật độ 45 khóm/m2, ở nền phân bón 120N + 120 P2O5 + 90 K20 trong vụ xuân và 50 khóm/m2, ở nền phân bón 110N + 110 P2O5 + 80 K20 trong vụ mùa. Các biện pháp chăm sóc khác tương tự như giống P6 và BC15.

Giống PĐ211 là giống có chất lượng gạo cao: hàm lượng amylose thấp (18-20%), hàm lượng protein cao 10,2% tương đương với giống P6, dạng hạt gạo nhỏ dài (6,5mm), trong, cơm mềm, đậm, trắng bóng và ngon.

Những đặc tính tốt trên đã có tính thuyết phục người sản xuất ở các địa phương. Do vậy diện tích sản xuất thử nghiệm ở các địa phương đã tăng liên tục tăng từ 130 ha (năm 2008) lên đến 160 ha (năm 2009) và 200 ha (năm 2010). Đặc biệt trong năm 2010, tại Hải Phòng, diện tích canh tác giống lúa PĐ211 đã lên đến trên 100 ha/năm, tại Hà Tĩnh trên 50 ha/năm. Không có địa phương nào sau khi sử dụng giống PĐ211 có phản hồi giống bị nhiễm dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, đạo ôn, và các một số loại sâu bệnh hại khác.

Giống lúa PĐ211 cũng đã được Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón Quốc gia đánh giá là giống khảo nghiệm có nhiều triển vọng qua các vụ khảo nghiệm và đề nghị công nhận sản xuất thử theo qui định.

2. Giống lúa P9

Giống lúa P9 được lai tạo và chọn lọc bằng phương pháp gia hệ từ tổ hợp lai BT7/lúa địa phương Điện Biên. P9 đã được gửi khảo nghiệm quốc gia từ vụ mùa 2009, xuân 2010 và xuân 2011.

P9 là giống được kế thừa có chọn lọc nhiều đặc tính tốt từ giống lúa bố mẹ. Đây là giống lúa cảm ôn, thời gian sinh trưởng ngắn (105-110 trong vụ mùa, 134-137 ngày trong vụ xuân), số ngày trỗ ngắn và tập trung, khả năng đẻ nhánh khá, cho năng suất cao (55-65 tạ/ha, tùy từng mùa vụ). Mặt khác, P9 có một vài đặc tính khác biệt so với giống lúa bố mẹ như màu sắc vỏ trấu vàng nâu, hạt gạo trong, hàm lượng protein cao, kháng bệnh bạc lá, nhiễm nhẹ đạo ôn, chịu rét và chống đổ tốt.

P9 có số hạt chắc/bông cao (140), khối lượng 1.000 hạt 21-22 gram, lớn hơn so BT7. Điều đó đã đem lại năng suất của P9 vượt hơn BT7 từ 4,4 tạ/ha ở vụ mùa và 5,4 tạ/ha ở vụ xuân, tương ứng tăng 8,1 và 9,4%.

Giống lúa P9 cũng đã được gửi khảo nghiệm sinh thái, xây dựng mô hình canh tác tại các địa phương như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hòa Bình… với diện tích tăng dần qua các vụ. Tính đến năm 2010, diện tích canh tác giống P9 đạt trên 300 ha. Năng suất đạt 56,7- 65,3 tạ/ha ở vụ xuân và 54,3- 59,7 tạ/ha ở vụ mùa, chống chịu sâu bệnh và chịu rét tốt, gạo dài trung bình và trong, cơm ngon mềm và đậm (hàm lượng amylose 17-18%). Đặc biệt, giống P9 là giống có hàm lượng dinh dưỡng tốt (hàm lượng protein 10%).

P9 có khả năng thích ứng rộng, sinh trưởng và phát triển tốt ở nhiều chân đất khác nhau, đồng thời có thể tham gia vào cơ cấu giống của các vùng bị chua mặn nhẹ và bấp bênh nước. Hiện nay, giống lúa P9 vẫn đang tiếp tục được gửi khảo nghiệm quốc gia và mở rộng diện tích mô hình khảo nghiệm sản xuất tại các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ để tiến tới công nhận giống.

3. Giống lúa P13

Giống lúa P13 được lai tạo bằng phương pháp lai lại và chọn lọc gia hệ từ tổ hợp lai Xi23/P6//P6 (Xi23 là giống lúa thâm canh, dài ngày, chất lượng khá, chống chịu sâu bệnh tốt; và P6 là giống lúa thâm canh, trung ngày, có hàm lượng protein cao, chất lượng gạo tốt).

Giống lúa P13 là giống lúa được chọn lọc theo định hướng có hàm lượng protein cao, chất lượng tốt, chịu thâm canh và có thời gian sinh trưởng ngắn. Kết quả đánh giá, chọn lọc cho thấy giống lúa P13 có chiều cao cây 105-110cm, TGST ngắn hơn cả hai giống bố và mẹ, khoảng 115 ngày trong vụ mùa, 140-145 ngày trong vụ xuân. Giống có dạng hình gọn, bộ lá xanh, đứng cứng, khả năng sinh trưởng phát triển tốt, khả năng đẻ nhánh khá (5-6 dảnh/khóm). Trong điều kiện đồng ruộng, giống kế thừa nhiều ưu điểm tốt của Xi23 như khả năng kháng rầy và bạc lá khá, ít nhiễm đạo ôn, khô vằn; độ tàn lá muộn; khả năng chịu rét khá, cứng cây, chống đổ tốt, độ thuần ổn định. Giống P13 cũng được kế thừa những đặc tính tốt về chất lượng gạo của giống P6, đặc biệt về chất lượng dinh dưỡng (hàm lượng protein cao 10,5%, tương đương P6), hàm lượng amylose trung bình (18-20%), dạng hạt gạo thon dài, trong, cơm mềm, đậm, trắng và ngon hơn hẳn KD18.

Giống lúa P13 đã được khu vực hoá tại nhiều địa phương, tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng giống P13 thích hợp với các chân đất chủ động nước, thâm canh khá cao. Năng suất trong vụ xuân đạt 60-65 tạ/ha, vụ mùa đạt 55-58 tạ/ha. Hiện nay, giống đang tiếp tục được gửi khảo nghiệm sản xuất tại các tỉnh phía Bắc để đánh giá tính thích ứng và khả năng mở rộng diện tích, tiến tới công nhận giống.

4. Giống lúa P16

Giống lúa P16 được lai tạo và chọn lọc bằng phương pháp gia hệ từ tổ hợp lai Kloong luổng/ KD18 (Kloong luổng là giống có nguồn gốc của Thái Lan, giống có hàm lượng protein cao, chất lượng gạo tốt nhưng năng suất thấp; và KD18 là giống lúa thâm canh ngắn ngày).

Giống lúa P16 có chiều cao cây 100-105cm, TGST trung bình từ 110-115 ngày trong vụ mùa, 135-140 ngày trong vụ xuân, có dạng hình gọn, khả năng sinh trưởng phát triển tốt, khả năng đẻ nhánh khá (5-6 dảnh/ khóm). Trong điều kiện đồng ruộng, giống có khả năng kháng vừa bệnh đạo ôn và khô vằn; nhiễm nhẹ bạc lá, rầy nâu; khả năng chịu rét và chống đổ khá, độ thuần ổn định.

Giống P16 có dạng bông to, dài, xếp hạt trung bình, khoe bông, số hạt/bông cao (150-160 hạt/bông). Giống P16 cho năng suất trung bình đạt 55-60 tạ/ha trong vụ mùa và 60-65 tạ/ha vụ xuân, tương đương với giống lúa Q5, nếu thâm canh tốt có thể đạt trên 70 tạ/ha.

Đây là giống thâm canh, ngắn ngày, có chất lượng gạo cao: hàm lượng amylose trung bình (20-22%), hàm lượng protein cao 9,5%, dạng hạt gạo nhỏ dài, trong, cơm mềm, đậm, trắng và ngon hơn hẳn Q5 và KD18. 

Kết luận

Các giống lúa P thế hệ mới nói trên do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm tạo ra đều có kiểu hình thâm canh khá, có hàm lượng protein cao, chất lượng thương phẩm tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với cơ cấu luân canh lúa - màu tại các tỉnh ĐBSH và với hè thu tại các tỉnh Bắc Trung bộ, có thể tham gia tốt chương trình sản xuất lúa chất lượng cao cho các tỉnh phía Bắc. Những giống lúa trên cũng đã kết hợp được một số đặc tính chống chịu tốt như khả năng kháng rầy và bạc lá của giống P13, chịu hạn và chịu phèn mặn trung bình của giống PĐ211 và P9. Việc phát triển và mở rộng diện tích canh tác các giống lúa này đã mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao, đóng góp vào việc làm tăng nguồn dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày của người tiêu dùng và người nông dân trồng lúa.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất