| Hotline: 0983.970.780

Giống mới lên non

Thứ Ba 21/01/2014 , 09:57 (GMT+7)

5 giống lúa mới: Thiên nguyên ưu 9, Thiên nguyên ưu 16, Kinh Sở ưu 1588, SL9 và Quốc hào 6 năng suất hơn hẳn giống cũ, chịu hạn tốt, vừa ít sâu bệnh lại ngắn ngày nữa.

Huyện vùng cao Quỳ Hợp (Nghệ An) có 2.500 ha đất trồng lúa nước, năng suất trước đây chưa vượt qua con số 56 tạ/ha. Thế mà hai năm nay, sản lượng lương thực quy thóc của Quỳ Hợp đã liên tục tăng, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ. Năng suất lúa bình quân toàn huyện đạt 65 tạ/ha, một con số chưa từng xuất hiện ở Quỳ Hợp, đặc biệt xã Châu Đình năng suất lên đến 75 tạ/ha.

Bỏ tập quán cũ

Đã hơn mười năm nay, bà con nông dân ở Quỳ Hợp vẫn cứ “thủy chung” với giống lúa cũ - Nhị ưu 838. Vì thế mà năng suất bình quân chỉ đạt 54 - 56 tạ/ha.

Ông Lưu Xuân Điểm, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quỳ Hợp cho biết: “Ở Quỳ Hợp trước đây có nhiều đơn vị cung ứng giống, nhưng để có giống đạt chất lượng thì rất hiếm. Cộng với đó là tập quán canh tác theo lối cũ của bà con, nhất là đối với bà con người dân tộc thiểu số rất ngại gieo trồng giống lúa mới, nên năng suất không thể nâng lên được”.

Ông Điểm cho biết thêm: Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ có chỉ tiêu phấn đấu đạt 33.000 tấn lương thực, cùng với đó là sự chỉ đạo quyết liệt của tân Chủ tịch huyện nên anh em chúng tôi quyết tâm làm cuộc “cách mạng” về giống lúa. Huyện chủ động liên kết với một số đơn vị cung ứng giống trồng khảo nghiệm giống mới trên từng chân đất khác nhau để lựa chọn giống lúa phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của Quỳ Hợp.


Các đại biểu tham gia Hội thảo đầu bờ về giống lúa Thiên nguyên ưu 9 tại Quỳ Hợp

Nói như đồng chí Chủ tịch huyện là, đã khảo nghiệm thì chắc chắn sẽ có thành công và thất bại. Thành công để chúng ta nhân rộng, thất bại để ta biết mà tránh cho dân đỡ thiệt hại. Khổ là, không phải ai và ở đâu người ta cũng đón nhận tinh thần này, nhiều người, trong đó có cả cán bộ cũng không muốn thay đổi, vẫn cứ chây ì với cách làm cũ, giống lúa cũ. Đến đại biểu HĐND huyện mà cũng còn đề nghị giữ lại giống lúa cũ cho dân.

Sau nhiều năm liên kết, cuối cùng thì chúng tôi cũng chọn được nhà cung ứng giống phù hợp cho Quỳ Hợp. Đó là Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An. Và, năm 2013, cả vụ hè thu và vụ xuân, huyện đã chỉ đạo một số xã như Châu Đình, Châu Thái, Đồng Hợp, Châu Lý, Châu Quang... trồng thử nghiệm 5 giống lúa mới: Thiên nguyên ưu 9, Thiên nguyên ưu 16, Kinh Sở ưu 1588, SL9 và Quốc hào 6 do Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An cung ứng.

Không chỉ Trung tâm cam kết mà Chủ tịch huyện, cán bộ Phòng NN- PTNT, Chủ tịch xã cũng phải cam kết, sẽ bồi thường nếu năng suất lúa thấp thì bà con mới hào hứng làm. Ông Nguyễn Văn Sửu – Chủ tịch UBND xã Châu Đình cho biết: “Vận động không bà con không nghe đâu, họ phải được thấy tận mắt, Chủ tịch phải trực tiếp đứng ra cam kết nữa họ mới chịu làm. Bây giờ thì ổn rồi, cả xã không một ai không cấy giống lúa mới”.

Dân tặng gạo cho Chủ tịch xã

Ông Sửu kể, sau vụ mùa 2013, ông được một số bà con tặng gạo, người đưa đến tận nhà, người lại gửi qua người bà con cho ông. Gạo không nhiều, chỉ dăm ba cân thôi nhưng đó là tình cảm, niềm tin của người dân.

“Họ là những người mà tôi đến vận động trồng thử nghiệm giống lúa mới, thu hoạch thấy cơm ngon thì mang gạo biếu Chủ tịch. Như bác Thắng ở bản Hầm còn bày cho tôi, nấu cơm bằng gạo này nhớ đổ ít nước mới ngon” - ông Sửu vui lắm.

Đoạn ông chỉ tay về phía hội trường xã, nơi đang phát thóc giống cho dân mà rằng: Mùa này không một hộ dân nào trồng giống lúa cũ nữa cả. Nguyên nhân là do hai mùa vừa rồi, bà con đã được chứng kiến tận mắt năng suất và chất lượng của giống lúa mới – Thiên nguyên ưu 9, SL9 và Kinh sở ưu 1588; vụ hè thu còn có giống Quốc hào 6, Thiên nguyên ưu 16 nổi tiếng ngon cơm mà thời gian sinh trưởng lại ngắn, chỉ có 97 ngày là thu hoạch.

Đang khó nhọc bắc những bao lúa giống lên xe nhưng ông Hoàng Văn Sơn vẫn cười rõ tươi: "Nhà tôi có 4 sào ruộng, năm ngoái đều làm giống mới cả. Năng suất hơn hẳn giống cũ, những 3,5 tạ/sào. Mà cái anh giống mới này nó vừa chịu hạn tốt, vừa ít sâu bệnh lại ngắn ngày nữa, ngắn hơn lúa cũ nửa tháng đấy.

Bác thích nhất là nó tốn ít giống lắm, vì cây lúa sinh trưởng khỏe nên chỉ cần cấy 1 dảnh thôi, không phải cấy cả khóm như giống cũ. Vụ này bà con cả xóm đều đăng ký cấy giống Thiên nguyên ưu 9 nên bác phải lấy đến 9 tạ thóc giống cho bà con, vị chi là có đến 35 ha của xóm Mới được trồng giống mới, còn lại một ít để bà con trồng giống lúa địa phương và lúa nếp".

Tại bản Hưng Châu, Trưởng bản Trương Xuân Thành phấn khởi khoe: "Năm ngoái cả bản trồng thử nghiệm 6 ha giống lúa mới, mình cho trồng xen kẽ với giống cũ, xen kẽ giữa hộ làm theo hướng dẫn của kỹ thuật viên với hộ làm theo truyền thống. Đến kỳ thu hoạch thì những hộ làm giống cũ chỉ đứng nhìn mà thèm. Cứ để cho dân thấy, dân tin thì tự khắc họ sẽ làm thôi.

Mình tin Chủ tịch Sửu, mình cũng tin cán bộ Trung (cán bộ Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An) lắm, các anh bám bản, bám ruộng suốt. Mùa này mình cho bà con tự đăng ký giống, không một ai đăng ký giống cũ nữa cả. Cái anh giống mới này gạo rất ngon, thế là bản mình vừa được ăn no lại được ăn ngon. Bà con phấn khởi, ưng bụng lắm".

Ông Nguyễn Đình Tùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp:

"Sau một thời gian liên kết, khảo nghiệm, chúng tôi đã chọn được đơn vị cung ứng giống là Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An. Vì thế mà công tác chuyển đổi cơ cấu giống lúa ở Quỳ Hợp đạt kết quả rất khả quan.

Nếu năm 2010, trong sản xuất đại trà của huyện có đến 12 loại giống lúa lai và 4 loại giống lúa thuần thì năm 2013 chỉ còn lại 5 giống lúa lai và 3 giống lúa thuần, năm 2014, con số này được giảm xuống còn 3 giống lúa lai và 3 giống lúa thuần.

Từ cơ cấu giống lúa nêu trên, năng suất lúa Quỳ Hợp tăng nhanh, năm 2010 trở về trước, năng suất bình quân đạt 49,3 tạ/ha, đến nay năng suất bình quân đã lên đến 65 tạ/ha. Sản lượng lương thực toàn huyện đạt 35.000 tấn, vượt chỉ tiêu Đại hội huyện Đảng bộ trước 2 năm".

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm