| Hotline: 0983.970.780

Giống nguyên chủng vẫn nảy mầm kém!

Thứ Hai 20/01/2014 , 10:59 (GMT+7)

Vì lo chậm thời vụ, nông dân Nam Cát phải đi mua giống khác, nhiều hộ thậm chí lấy thóc thịt NA2 của mình ra để ngâm ủ để kịp gieo cấy...

Vụ xuân 2014, HTX CP Nông nghiệp Nam Giang (Nam Đàn, Nghệ An) mua của Cty CP Vật tư nông nghiệp Nam Đàn 500 kg giống lúa thuần Vật tư NA2 nguyên chủng để sản xuất. Thế nhưng, đã có 100 kg tỉ lệ nảy mầm đều dưới 55%. Còn tại xã Nam Cát, tỷ lệ nảy mầm còn tệ hơn: Cả 500kg giống nguyên chủng mua về đều bị trả lại vì tỉ lệ nảy mầm chỉ đạt dưới 35%...

ĐỔ THÓC THỊT RA GIEO

Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch Hội nông dân (HND) xã Nam Cát (Nam Đàn) cho biết: Vụ xuân 2014, TCty CP VTNN Nghệ An liên kết với HND tỉnh để cung ứng vật tư phân bón cho vay trả chậm, để bán giống lúa thuần Vật tư NA2 (NA2) cho nông dân. Sau khi đăng ký với HND huyện không đủ, HND xã Nam Cát phải xuống đại lý Trung Vân tại thị trấn Hưng Nguyên để mua thêm 500 kg giống NA2 nguyên chủng do TCty CP VTNN Nghệ An sản xuất với giá 25.000 đ/kg.

Ngày 26/12/2013, HND xã Nam Cát phát giống và hướng dẫn bà con ngâm ủ theo đúng hướng dẫn in trên bao bì. Từ ngày 5 đến 10/1/2014, bà con nông dân phản ánh giống có tỉ lệ nảy mầm quá thấp, yêu cầu HND xã xuống xử lý. Qua kiểm tra, chúng tôi xác định, tỉ lệ nảy mầm thấp là đúng thực tế: Tại Chi hội Thọ Mới tỉ lệ nảy mầm chỉ đạt 30 - 35%; Chi hội Phú Nhuận đạt 25 - 30%; Chi hội Mỹ Thiện tỉ lệ nảy mầm chỉ đạt 30 - 32%...


Nông dân Nam Cát đem toàn bộ số giống yêu cầu đơn vị cung ứng đền bù

Bà Nguyễn Thị Sâm, trú tại xóm Thọ Mới bức xúc: “Nhà tui có 6 sào ruộng. Năm nay giống lúa lai đắt, thấy giống NA2 nguyên chủng giá chấp nhận được nên mới quyết định làm 100% giống này. Ai ngờ, mua về 18 kg ngâm ủ, đúng như quy trình kỹ thuật được in trên bao bì thì lại ra nông nỗi này. Bốc một nắm trên tay, tìm mãi mới được đôi hạt nảy mầm. Hoảng quá, hỏi bà con trong xóm mới biết nhà nào cũng bị như vậy nên không ai bảo ai đều mang cả lên trả cho HND xã. Mấy hôm nay, nhà nào cũng phải chạy đôn chạy đáo tìm giống về thay thế nhưng đều không có nên phải đổ thóc thịt ra ngâm ủ để kịp thời vụ".

Sau sự việc này, HND xã đã tổ chức thu gom toàn bộ số giống trên đồng thời cho cán bộ kỹ thuật trực tiếp ngâm ủ, theo đúng quy trình in trên bao bì nhưng kết quả giống NA2 “nguyên chủng” này cũng chỉ đạt 35%. "Vì lo chậm thời vụ, nông dân Nam Cát phải đi mua giống khác, nhiều hộ thậm chí lấy thóc thịt NA2 của mình ra để ngâm ủ để kịp gieo cấy - ông Nguyễn Văn Phúc cho biết.

Chúng tôi có mặt tại xã Nam Giang, ông Phan Sỹ Quân, Chủ nhiệm HTX CP NN Nam Giang cho biết: Thời gian ngâm ủ giống NA2 ở Nam Giang làm sau xã Nam Cát. Vì vậy, khi nghe người dân Nam Cát phản ánh giống NA2 tỷ lệ nảy mầm thấp, chúng tôi đã lập tức đem mẫu ngâm thử thì thấy lên đều. Thế nhưng, khi phát cho dân làm thì vẫn có một số hộ có tỉ lệ nảy mầm thấp. Qua kiểm tra, mới biết chúng tôi lấy về 2 lô giống SX khác nhau, lô nảy mầm kém có 2 bao trọng lượng 100 kg, hiện nay đã được thu gom về chờ xử lý.

Được biết, giống lúa thuần chất lượng cao Vật tư NA2 năm nay nhiều địa phương thuộc tỉnh Hà Tĩnh ký hợp đồng về để SX vụ xuân (khoảng 300 tấn, trong đó có khoảng 280 tấn giống “nguyên chủng”). Tuy nhiên, hàng nghìn hộ dân đã gặp trường hợp tương tự. Bởi thế, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh đang hối thúc các địa phương thu hồi các lô giống NA2 nguyên chủng có tỷ lệ nảy mầm thấp về để xử lý (80 tấn). Hiện nông dân Hà Tĩnh cũng đang chạy đôn, chạy đáo tìm giống khác thay thế cho kịp thời vụ.

NHỮNG BỨC XÚC TỪ CƠ SỞ?

Điều khiến Chủ tịch HND xã Nam Cát phải đau đầu hiện nay là tổ chức này đang bị người dân quy kết cho tội lừa dân. Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch HND xã Nam Cát băn khoăn: “Phẩm cấp giống là “nguyên chủng” hẳn hoi chứ có phải giống xác nhận 1 hay xác nhận 2 gì cho cam. Mở bao giống ra thì tỉ lệ hạt lép trong bao rất ít, ngâm ủ đúng quy trình hướng dẫn, điều kiện thời tiết tương tự năm 2013 mà tỉ lệ nảy mầm lại thấp như vậy là rất khó hiểu.


Tỉ lệ nảy mầm chỉ đạt dưới 35%

Mấy ngày nay, bà con đến trả lại lúa giống với thái độ rất bức xúc. HND xã đã nhiều lần liên hệ với đại lý Trung Vân (đơn vị cung ứng) nhưng họ chỉ hứa hẹn và chưa thấy động tĩnh gì.

Qua điện thoại, ông Nguyễn Thành Trung, người trực tiếp cung ứng giống NA2 cho đại lý Trung Vân cho biết: Lô hàng 8,6 tấn giống NA2 nguyên chủng này được xuất từ kho của TCty CP VTNN Nghệ An vào tháng 12/2013 và ông đã đem cung ứng cho các địa phương. Ông Trung cả quyết là “đến nay ông chưa nghe đơn vị nào phàn nàn về chất lượng giống cả”.

Thế nhưng, khi phóng viên thông báo về tình trạng giống NA2 nảy mầm kém ở 2 xã Nam Cát và Nam Giang thì ông Trung mới thú nhận: “Đã đến hỏi ông Hiền (Tổng Giám đốc TCty CP VTNN Nghệ An - PV) về tình trạng NA2 nảy mầm kém nhưng hiện chưa gặp được” (?!).

Ông Từ Trọng Kim, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT Nghệ An xác nhận: TCty CP VTNN Nghệ An là đơn vị sản xuất, cung ứng giống NA2 cho các địa phương trong và ngoài tỉnh nhưng không hiểu lỗi kỹ thuật xảy ra ở khâu nào, tỉ lệ nảy mầm năm nay chỉ đạt từ 25 - 30%. Qua kiểm tra, chúng tôi đang yêu cầu các địa phương hủy bỏ lượng giống nảy mầm kém này và kịp thời bổ sung giống ngắn ngày để nông dân gieo trồng kịp thời vụ.

PV đã có buổi làm việc với TCty CP VTNN Nghệ An. Ông Lê Văn Minh, Phó TGĐ cho biết: Trước sự cố đáng tiếc này, TCty đã cử cán bộ kỹ thuật xuống từng địa phương để tìm biện pháp khắc phục. Trước mắt, TCty cho thu hồi toàn bộ các lô giống nảy mầm kém (các mã số 005.1; 001.1; 001.2...), đồng thời đưa ra 2 phương án để các địa phương trong và ngoài tỉnh khắc phục hậu quả: Một là đổi lại giống khác (thay thế bằng giống gạo đỏ Nam Đàn hoặc DT68), hai là trả lại tiền cùng lãi suất và các chi phí vận chuyển để bà con mua các giống khác.

Ông Trương Văn Hiền, TGĐ cho biết: Cty không chối bỏ trách nhiệm với dân. Nhưng các đại lý thu lấy giống NA2 qua TCty thì đại lý phải có trách nhiệm trực tiếp thu gom sau đó họ sẽ làm việc cụ thể với TCty.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Nghề mới lên đời

BÌNH ĐỊNH Chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, phong trào nuôi thú cưng ở phố thị theo đó cũng nở rộ, kéo theo nghề điều trị, làm đẹp cho thú cưng phát triển.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.