| Hotline: 0983.970.780

Giồng Riềng dẫn đầu số xã đạt chuẩn nông thôn mới

Thứ Sáu 13/12/2019 , 09:16 (GMT+7)

Huyện Giồng Riềng hiện có 15/18 xã được công nhận đạt chuẩn, dẫn đầu tỉnh Kiên Giang về số xã nông thôn mới (NTM).

3 xã còn lại đã thẩm định đạt 19/19 tiêu chí, đang đề nghị tỉnh ký quyết định công nhận. Và Giồng Riềng phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2020.
 

Làm tốt tuyên truyền, vận động

Giồng Riềng là huyện thuần nông của tỉnh Kiên Giang, có 18 xã, 1 thị trấn, với 128 ấp, khu phố, hộ sản xuất nông nghiệp chiếm 80% tổng số hộ toàn huyện. Trước khi bắt tay xây dựng NTM, điểm xuất phát của huyện còn thấp, hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu.

14-44-57_1giong_rieng_l_huyen_t_hun_nong_cu_tinh_kien_gi_ng_voi_80_tong_so_ho_s_n_xut_nong_nghiep_1
Giồng Riềng là huyện thuần nông của tỉnh Kiên Giang, với 80% tổng số hộ sản xuất nông nghiệp.

Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng Phan Đình Nghĩa cho biết, từ thực tế trên, huyện xác định công tác tuyên truyền, vận động nhân dân luôn được xem là giải pháp hàng đầu để nhân dân nhận thức rõ vai trò của mình trong xây dựng NTM.

Phải tuyên truyền và quán triệt sâu rộng trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở nắm vững nội dung, mục đích, ý nghĩa và giải pháp thực hiện. Đồng thời phân định rõ vai trò, trách nhiệm cụ thể của từng cấp, từng ngành, từng đoàn thể, để chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện và phối hợp thực hiện đồng bộ.

Huyện đã tổ chức triển khai tốt các chủ trương của Đảng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với nội dung tiêu chí xây dựng NTM. Lồng ghép nhiều chương trình liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn để huy động vốn xây dựng kết cấu hạ tầng. Theo đó, nhiều văn bản, Nghị quyết, kế hoạch đã được ban hành và cụ thể hóa thực hiện 19 tiêu chí xây dựng NTM.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nhận thức được vai trò, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và cá nhân mình trong xây dựng NTM nên đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Chương trình MTQG xây dựng NTM đã trở thành phong trào trong nhân dân với khẩu hiệu “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Thông qua phát động thi đua xây dựng NTM, đã xuất hiện nhiều mô hình, phong trào rất có ý nghĩa. Trong đó nổi bật là “Chương trình thấp sáng đường quê” do Phòng Văn hoá - Thông tin huyện tham mưu tổ chức. Chương trình “5 không 3 sạch” do Hội liên hiệp Phụ nữ tham mưu tổ chức triển khai thực hiện.

Phòng NN-PTNT và Phòng TN-MT phối hợp với Đảng ủy, UBND các xã chỉ đạo vận động nhân dân xây dựng lò đốt rác gia đình. Phòng NN-PTNT phối hợp với UBND các xã triển khai mô hình cánh đồng sản xuất quy mô lớn giảm chi phí, tăng lợi nhuận, liên kết tiêu thụ sản phẩm…

Song song đó là thực hiện sơ kết, tổng kết theo định kỳ, kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên những cá nhân, tổ chức, hộ gia đình có nhiều đóng góp xây dựng NTM. Qua đó, khơi dậy ý chí, niềm tự hào và trách nhiệm của toàn xã hội trong phong trào xây dựng NTM.
 

Chỉ đạo điểm và xây dựng mô hình

Theo ông Nghĩa, bên cạnh đẩy mạnh truyên truyền, huyện luôn coi trọng việc chỉ đạo điểm và xây dựng các mô hình hiệu quả. Lựa chọn những xã điểm có ưu thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội để xây dựng mô hình chỉ đạo điểm. Tổ chức hội nghị đánh giá mặt được và chưa được trong công tác chỉ đạo điều hành. Thông qua cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, tổ chức cho cán bộ và nhân dân nơi khác tham quan, học tập rút kinh nghiệm.

14-44-57_2xy_dung_ntm_o_huyen_giong_r_ieng_ngy_cng_khoi_sc_voi_nhie_u_phong_tro_nhu_xy_dung_don_duong_dep_thp_sng_duong_que
Xây dựng NTM ở huyện Giồng Riềng ngày càng khởi sắc, với nhiều phong trào như xây dựng đoạn đường đẹp, thắp sáng đường quê.

Năm 2010, UBND huyện đã chủ động chỉ đạo rà soát thực trạng kinh tế - xã hội theo 19 tiêu chí NTM. Đồng thời xây dựng kế hoạch chỉ đạo thực hiện 19 tiêu chí trong toàn huyện. Trong đó, chọn 4 xã làm điểm chỉ đạo, gồm Hòa Hưng, Hòa Lợi, Thạnh Hưng, Ngọc Chúc.

UBND huyện, Ban chỉ đạo huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các xã thực hiện kế hoạch xã đạt chuẩn NTM. Thời gian kiểm tra mỗi quý một kỳ và ít nhất 2 lần thẩm định hồ sơ xét công nhận xã đạt chuẩn NTM. Nội dung kiểm tra theo từng phần việc cụ thể 19 tiêu chí. Trong đó tập trung vào những tiêu chí chưa đạt, tìm ra nguyên nhân hạn chế, khó khăn để chỉ đạo khắc phục.

Kế thừa những kết quả đã đạt được từ những năm trước, giai đoạn 2016-2020, công tác xây dựng NTM có sự tập trung, thường xuyên hơn. Ban chỉ đạo huyện thông báo phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ban, ngành cấp huyện phụ trách những tiêu chí đúng theo lĩnh vực chuyên môn, giúp các xã cụ thể hóa việc làm từng tiêu chí.

Huyện ủy, UBND huyện căn cứ kế hoạch, lộ trình xã đạt chuẩn NTM, thường xuyên định kỳ kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở các ngành, Đảng ủy, UBND các xã quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch đề ra. Những vấn đề khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời.

Các tổ chức kinh tế tập thể vận động góp vốn xây dựng trạm bơm, tổ chức sản xuất lúa theo hướng mô hình cánh đồng mẫu lớn làm tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Công tác dạy nghề, xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp được tăng cường góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được thực hiện thường xuyên góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM.

Qua đó, đã thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, quốc phòng, an ninh trật tự được giữ vững. Việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật nông thôn được đẩy mạnh, như xây dựng giao thông nông thôn đường trục chính, ngõ xóm đều hoàn thành đạt kế hoạch. Xuất hiện nhiều gương điển hình tham gia góp vốn, hiến đất.
 

Những con số ấn tượng

Ông Trần Ngọc Khải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Giồng Riềng cho biết, sau 10 năm phát động phong trào và triển khai thực hiện xây dựng NTM, huyện đã đạt được kết quả rất ấn tượng. Tính đến nay, toàn huyện đã có 15/18 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã còn lại đã được thẩm định đạt 19/19 tiêu chí, đang chờ công nhận. Giồng Riềng phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2020.

Thông qua công tác kiểm tra và chỉ đạo thực hiện, các ngành cấp huyện đã phối hợp tốt với xã, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, hoàn thành kế hoạch, lộ trình xây dựng NTM. Đặc biệt là trong giai đoạn năm 2016-2018, có 14/18 xã đạt chuẩn NTM.

14-44-57_3giong_rieng_ngy_c_ng_xut_hien_nhieu_mo_hinh_sn_xut_co_thu_nhp_co_trong_do_mo_h_inh_trong_ho_tieu_m_o_hinh_mu_chuyen_cnh_thu_nhp_tu_200-245_t_rieu_dong_moi_h_2
Giồng Riềng ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có thu nhập cao, trong đó mô hình trồng hồ tiêu, rau màu, thu nhập từ 200-245 triệu đồng/ha.

Kế hoạch năm 2019 công nhận thêm 3 xã (trong đó có 1 xã mới thoát nghèo), nâng lên 18/18 xã đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người từ 21,7 triệu đồng năm 2010, tăng lên hơn 47 triệu đồng/người năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 9,95% xuống 3,49%. Đến nay, huyện có 15/18 xã đạt chuẩn NTM về thu nhập.

Kết quả huy động nguồn lực xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 đạt 1.487 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 191 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách, tín dụng, lồng ghép và doanh nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt, trong suốt quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM, Giồng Riềng không để xảy ra nợ tồn đọng trong xây dựng cơ bản.

Các trục đường chính toàn huyện được đầu tư xây dựng với tổng chiều dài hơn 258 km, đường ngõ xóm trên 683 km. Toàn huyện có 18/18 xã đã đạt tiêu chí giao thông. Huyện cũng tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi gắn với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

 Đến nay, toàn huyện có 158 cống đập, 166 trạm bơm điện, phục vụ bơm tát sản xuất gần 19.500 ha. Tổng số hộ tham gia hợp tác là 35.688 hộ, diện tích trong bờ bao bơm tát tập thể là 42.851 ha, chiếm 92% diện tích sản xuất lúa.

Trung bình mỗi xã có ít nhất 2-3 HTX hoạt động đúng Luật Hợp tác xã năm 2012 và sản xuất có hiệu quả, có liên kết đầu vào vật tư nông nghiệp, đầu ra nông sản. Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có thu nhập từ 100-200 triệu đồng/ha, cao nhất là mô hình trồng hồ tiêu, mô hình màu chuyên canh, thu nhập từ 200-245 triệu đồng/ha.

Xây dựng xã NTM nâng cao và huyện NTM

Về kế hoạch xây dựng Giồng Riềng đạt chuẩn huyện NTM năm 2020, hiện đã đạt 6/9 tiêu chí, còn 3 tiêu chí cần phấn đấu hoàn thành, gồm tiêu chí số 1 về Quy hoạch, tiêu chí số 5 về Văn hóa -Y tế - Giáo dục, tiêu chí số 7 về Môi trường.

Huyện chọn 2 xã Thạnh Hưng và Long Thạnh đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2020. Giai đoạn 2021-2025, tiếp tục phấn đấu 18/18 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và huyện đạt chuẩn huyện NTM, có ít nhất 1-2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, vườn mẫu.

Toàn huyện tỷ lệ đạt tiêu chí NTM nâng cao 13/13 tiêu chí đạt 100%, đạt tiêu chí NTM kiễu mẫu 10/13 tiêu chí đạt 76%. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn từ 60-70 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%.

Giai đoạn 2025-2030, phấn đấu 18/18 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và vườn mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn khoảng 75 - 85 triệu đồng/người/năm, không có hộ nghèo, trừ các trường hợp đặc biệt.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.