| Hotline: 0983.970.780

Giống táo Bom TN05

Thứ Hai 24/12/2018 , 14:50 (GMT+7)

Mặc dù trồng sau cây nho nhưng cây táo tại Ninh Thuận đã phát triển nhanh chóng bởi hiệu quả kinh tế cao, trong khi đó chi phí đầu tư và dịch bệnh cũng ít hơn cây nho.

09-51-42_img_0005
Giống táo Bom TN05 trồng thử nghiệm cho năng suất, chất lượng cao

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Ninh Thuận có hàng ngàn ha táo, với năng suất cao, vị thơm ngon, giòn… rất khác biệt mà chỉ vùng đất nắng khắc nghiệt mới có được. Do vậy táo Ninh Thuận nhanh chóng được nhiều người tiêu dùng trong nước lựa chọn. Theo tính toán của người trồng táo, thu nhập hàng năm từ cây trồng này không dưới 200 - 300 triệu đồng/ ha, chỉ sau cây nho nhưng chi phí đầu tư thấp hơn, mặc khác phụ phẩm của táo như cành, quả hư hỏng…khi cắt tỉa dùng làm thức ăn cho dê, cừu.

Tuy nhiên, các giống táo đang dần bị thoái hóa, giảm năng suất, nhiều sâu bệnh. Để bổ sung giống mới có năng suất, chất lượng cao vào SX, Viện Nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã tuyển chọn được giống táo Bom TN05.

TS Mai Văn Hào, Viện trưởng Viện Nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố cho biết: Sau khi tuyển chọn thành công giống táo Bom TN05, từ năm 2017 Viện đã tiến hành triển khai trồng thử nghiệm trên địa bàn huyện Ninh Sơn, TP Phan Rang – Tháp Chàm và huyện Ninh Phước của tỉnh Ninh Thuận.

Kết quả trên đồng ruộng cho thấy, giống táo Bom TN05 có một số đặc điểm nổi bật như: Có khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu thời tiết Ninh Thuận, sinh trưởng và phát triển khoẻ, ra hoa đậu quả tốt trong điều kiện khô hạn. Thời gian từ khi trồng (cây ghép) đến khi cho thu hoạch lứa đầu tiên khoảng 10 tháng. Quả chín co vị ngọt thanh, độ brix có thể đạt đến 14% trong khi các loại táo khác độ brix chỉ đạt 10 – 13%. Quả ăn rất giòn, ít nhớt. Khi chín có màu xanh nhạt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, khối lượng quả lớn, có thể đạt từ 150 - 180 gram/quả (6-7 quả/kg), trong khi các giống táo hiện nay quả rất bé, 25 – 30 quả/kg. Tiềm năng năng suất năm thứ 2 trên 40 tấn/ha, cao hơn hẳn các giống táo thông thường.

Theo ông Hào, các mô hình trồng táo Bom TN05 đều SX theo hướng an toàn, biện pháp kỹ thuật bao lưới quanh ruộng với chiều cao 4m, nhằm ngăn ruồi đục quả. Bên cạnh đó còn sử dụng các biện pháp bẫy dính để tiêu diệt ruồi đục quả và các loại côn trùng chích hút. Ngoài ra sử dụng bẫy chua ngọt để tiêu diệt trưởng thành sâu đục quả. Sử dụng phân hữu cơ để bón cho táo. Chính vì vậy đã giảm được 50-80% lượng thuốc BVTV so với canh tác thông thường. Tỉ lệ quả bị ruồi và sâu đục quả chỉ bị dưới 6% (tại ruộng bình thường lên đến trên 45%).

09-51-42_img_0006
Ảnh: M.P

Điều đặc biệt là quả rất to, màu sắc đẹp, chất lượng thơm ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện giá bán tại vườn từ 15.000 – 20.000 đồng/kg, trong khi đó táo người dân trồng đại trà chỉ từ 6.000 – 8.000 đồng/kg.

TS Mai Văn Hào khuyến cáo: Nên áp dụng phương pháp bao quanh bằng lưới cho giàn táo kết hợp với sử dụng bẫy ruồi, chất dẫn dụ để phòng ngừa các đối tượng dịch hại nguy hiểm, giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Chi phí lắp đặt lưới trùm chỉ khoảng 12 - 20 triệu đồng/sào, thời gian sử dụng lưới có thể kéo dài từ 3 - 5 năm tùy theo chất lượng lưới, nhiệt độ của môi trường và chi phí thiết kế thi công.

Để biết thêm thông tin về giống táo Bom TN05 và được hướng dẫn kỹ thuật SX an toàn, bạn đọc có thể liên hệ ông Phạm Trung Hiếu, Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế, Viện Nghiên cứu Bông và PTNN Nha Hố. ĐT: 0259.3853353 hoặc 0947421466.

 

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm