| Hotline: 0983.970.780

Giọt nước mắt sung sướng

Thứ Ba 26/03/2013 , 09:36 (GMT+7)

Con đường đất đỏ vào ấp Giồng Cà, xã Bình Minh, thị xã Tây Ninh bụi mịt mù. Một chiếc xe ben chạy qua, người đi đường buộc phải dừng xe, nín thở, đợi lớp bụi tan. Điều đó không làm người dân ấp này mất vui khi mảnh ruộng - cần câu cơm của họ không còn bị “treo” nữa.

Con đường đất đỏ vào ấp Giồng Cà, xã Bình Minh, thị xã Tây Ninh bụi mịt mù. Một chiếc xe ben chạy qua, người đi đường buộc phải dừng xe, nín thở, đợi lớp bụi tan. Điều đó không làm người dân ấp này mất vui khi mảnh ruộng - cần câu cơm của họ không còn bị “treo” nữa.

>> Mùa vàng ở dự án ''treo''

THẤP THỎM LÀM LIỀU

Trời nắng gắt, đường đất đỏ càng thêm mờ mịt bụi. Chúng tôi tìm đến nhà anh Đặng Xuân Hoàng, Trưởng ấp Giồng Cà (thị xã Tây Ninh) giữa lúc anh và mấy người đàn ông trong xóm đang ngồi quanh bàn trà trước sân. Họ cùng tươi cười chào tôi, bảo: “Tụi tui vừa được lên truyền hình VTV đấy, giờ lại được lên báo nữa. Nhưng cũng mong báo chí nói nhiều để bà con nơi khác được xóa “treo” giống ở đây cho bớt khổ”. Chỉ vào người đàn ông đang nằm trên võng ở khu vườn nhà bên cạnh, anh Hoàng nói: “Ổng là Phan Văn Trọng, có 24 mẫu, nhiều đất nhất, cũng là người “liều” nhất ấp Giồng Cà này đấy”. Tôi hỏi: “Sao lại liều?”. Hoàng đáp: "Thì đất đã công bố qui hoạch rồi, ổng vẫn cứ trồng cao su xuống, xã xuống nói ổng cũng mặc. Giờ ngon rồi”.

Vẫn nằm trên võng, ông Trọng kể: “Ban đầu trồng khoai mì cũng khá, nhưng mấy năm sau thì toàn lỗ, hòa vốn là may. Thời điểm ấy, trồng cây cao su chẳng khác gì trồng cây vàng. Trồng cây này đầu tư không ít, phải nhiều năm sau mới thu hoạch được. Nếu chưa kịp thu hoạch cây mà đã bị thu mất đất thì sao? Nhưng, trồng khoai mì lời lãi không mấy, bỏ đất hoang cầm lòng sao đặng? Nghĩ thế nên tôi quyết định làm liều: Đầu tư trồng cao su! Trong suốt mấy năm trồng, chăm sóc vườn cây, cả gia đình như ngồi trên đống lửa. Nếu nhà nước đến thu hồi chắc cả nhà đi ăn mày quá. Đã thế, chính quyền xã liên tục xuống nhắc chúng tôi mạo hiểm. Nếu nhà nước thu hồi, tôi chỉ được bồi thường đất chứ vườn cao su là mất trắng! Nghĩ lúc đó coi như mình đã leo lên lưng cọp rồi, đành liều vậy”.


Bà con nông dân ấp Giồng Cà (xã Bình Minh, TX Tây Ninh) vui mừng khi đất 
được xóa “treo”

Cây cao su của gia đình ông Trọng ngày một lớn, nhưng chưa thấy chính quyền rục rịch gì chuyện làm cụm công nghiệp, vậy là nhiều hộ dân khác cũng bắt chước ông, mua cây trồng. Một lão nông phân trần: “Làm vậy thôi chớ bà con ai cũng thấp thỏm, sợ đổ tiền của xuống chăm sóc rồi nhà nước lấy đất phải chặt bỏ. Nhưng nghề nông, thấy đất trước mắt không làm ai chịu được”.

Chúng tôi ghé nhà bà Trần Thị Hồng Nương lúc bà vừa đi cạo mủ cao su về. Bà Nương hồ hởi: “Sướng lắm chú ơi, cả nhà tôi như trút bỏ gánh nặng trên vai từ hồi tháng 7/2011, lúc tỉnh công bố xóa bỏ qui hoạch đến giờ. Từ nay, 6 người trong nhà tôi hết lo đói rồi”. Chúng tôi tìm hiểu được biết, bà Nương là một trong những hộ “đi trước” qui hoạch: gia đình bà có 1 ha đất, năm 2002 trở về trước, bà chỉ trồng cây ngắn ngày như mía, khoai mì, nhưng thấy nhiều người trồng cao su thu nhập cao nên vợ chồng bà làm theo. “Đến năm 2004, cao su còn nhỏ, đang còn phải đầu tư vào đó cả đống tiền mà chưa thu được gì thì nhà nước thông báo qui hoạch, vợ chồng tôi chết điếng. Nhưng lỡ trồng rồi, cứ phải chăm chứ sao mà bỏ được. Cả gia đình 6 người, chỉ biết trông vào mẫu đất, con cái đang tuổi ăn học, quy hoạch rồi lấy gì mà ăn”, bà Nương nhớ lại. Cũng từ năm 2004, tỉnh Tây Ninh qui hoạch cụm công nghiệp (CCN) Giồng Cà, diện tích 106ha. Kể từ đó, hàng trăm hộ dân ở đây cứ thấp thỏm như ngồi trên đống lửa. Mọi người chẳng dám làm gì, chỉ dám trồng cây ngắn ngày là khoai mì.

Tìm hiểu ở ấp Giồng Cà, chúng tôi mới biết, mặc dù tỉnh đã công bố qui hoạch, nhưng theo chân gia đình ông Trọng, có đến hơn 2/3 số hộ vẫn chấp nhận rủi ro, sẵn sàng mất trắng nếu bị thu hồi để đầu tư trồng cây cao su trên đất của mình. Chính vì thế, nhiều năm qua, họ đã phải sống trong tâm trạng lo nơm nớp: Không biết ngày nào thì cây nhà mình bị chặt bỏ! Thật may, nỗi lo ấy của họ, đến nay đã biến mất. Còn những người không dám “liều”, lại tiếc. Dẫn chúng tôi ra mảnh vườn cao su vừa trồng được mấy tháng nay, ông Trần Văn Tâm, 76 tuổi, nói: “Tôi có hơn 2 mẫu đất nhưng vì không có vốn, không có sức khỏe nên không dám liều. Nếu không bây giờ tôi đỡ khổ hơn rồi”.

XÓA “TREO”, MUA THÊM RUỘNG

Đến xã Long Chữ, huyện Bến Cầu, nơi vừa thoát “treo” dự án KCN Long Chữ, diện tích 300 ha, chúng tôi gặp không khí, tâm trạng vui tươi của người nông dân nơi đây. Hỏi tâm trạng thế nào, chị Trần Thị Trang, có hơn 1 ha đất trong dự án, cười tươi rói: “Mừng lắm, lòng nhẹ nhõm hẳn”. Hơn 1 ha đất của gia đình chị Trang trước kia được trồng lúa, mì. Sau đó thấy nhiều nhà trồng cao su, gia đình chị cũng làm theo. “Thấy người ta ai cũng trồng, mình nóng ruột quá nên bắt chước. Trồng xuống rồi lại thấp thỏm lo, sợ đầu tư nhiều sẽ mất nhiều. Chính vì thế phân gio bón cũng ít, chăm sóc không tốt nên cao su không đẹp bằng người ta. Đến khi nghe nhà nước bỏ quy hoạch, vợ chồng mừng quá, gom góp tiền vừa đầu tư cho vườn cao su cũ, vừa mua thêm một ha đất nữa”. Đến nay, vườn cao su cũ đã tươi hơn, bắt đầu cạo mủ được, còn mảnh đất mới vừa được chị cày xới, chuẩn bị xuống cây cao su. “Nếu người nông dân chúng tôi có đất và không phải thấp thỏm lo qui hoạch, toàn tâm toàn ý chăm lo đầu tư cho mảnh đất của mình thì chẳng bao giờ đói”, chị Trang nói.


Hình như lúa cũng vui, phấn chấn như người nên tươi tốt hơn được khi đất được xóa “treo” (trong ảnh: Ruộng lúa của ông Nguyễn Văn Thắng, xã Long Chữ, huyện Bến Cầu)

“Nhiều năm nay, bà con, cử tri đã ý kiến nhiều về cụm công nghiệp Giồng Cà rồi. Nay tỉnh xóa “treo”, bà con mừng lắm. Đây đúng là một việc làm hợp lòng dân. Chúng tôi là những người ở gần dân nhất. Dân kêu chúng tôi khổ, dân khổ chúng tôi chẳng thể vui. Cho nên, dù chẳng có ruộng trong đó, nhưng khi tỉnh xóa “treo”, chúng tôi cũng nhẹ lòng”, ông Phan Văn Phát, Chủ tịch UBND xã Bình Minh.

Cũng như xã Bình Minh, xã Long Chữ có rất nhiều người đã làm liều trồng cao su mặc dù đất qui hoạch. “Nghe tỉnh thông báo xóa “treo”, vợ chồng tôi mừng quá cầm tiền mua thêm ngay một ha đất để canh tác. Nhà nước chịu bỏ mấy cái dự án xây khu công nghiệp thiệt đỡ khổ cho nông dân tụi tui. Mấy năm nay tôi cứ lo thấp thỏm, có đất mà không dám làm, có tiền trong tay mà không dám mua đất vì chỗ nào cũng qui hoạch, chỗ nào cũng “treo”. Nông dân chúng tôi chỉ cần đất để canh tác, chứ dù có nhận một đống tiền đền bù xong mà không có đất sản xuất, không có việc gì làm một núi tiền rồi cũng hết thôi”, chị Huỳnh Thị Liên, 40 tuổi, nói.

Nghe tin xóa “treo”, ông Nguyễn Văn Thắng, có 2 ha đất lúa nằm trong KCN “treo” Long Chữ, nói: “Vài năm trước đất đang làm hai vụ lúa, một vụ màu, bất ngờ nghe quy hoạch tôi buồn nẫu ruột. Mình là nông dân mà không có đất thì có còn là nông dân nữa không? Giờ xóa “treo”, ai cũng hăm hở, say mê làm. Năm nay, 2 ha lúa nhà tui ít nhất cũng phải thu 16 – 17 tấn. Đúng là với nông dân, không có gì quí bằng đất cả. Ở đây có người nghe tin xóa “treo”, họ chạy ra ruộng bốc đất lên hít hà nữa đấy”.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất