| Hotline: 0983.970.780

Giữ bình yên cho rừng

Thứ Năm 14/11/2013 , 10:24 (GMT+7)

Từ cửa rừng gần Trạm Kiểm lâm Tam Đảo Núi, chúng tôi phải đi bộ hơn 10 km xuyên rừng mới đến được đỉnh Ma Ao Dứa ở độ cao 1.200 m.

Một thời rừng Ma Ao Dứa (VQG Tam Đảo) rúng động đêm ngày như một công trường khai thác của bọn quặng tặc. Những hang sâu hun hút, thông với nhau dưới lòng đất đã giết chết không biết bao nhiêu cây cổ thụ phía trên. Một cuộc chiến đào, lấp diễn ra dai dẳng trong nhiều năm liền mới dứt. Không ít cán bộ kiểm lâm (KL) đã đổ máu để rừng hồi sinh.

Chốt là căn lều bạt

Từ cửa rừng gần Trạm Kiểm lâm Tam Đảo Núi, chúng tôi phải đi bộ hơn 10 km xuyên rừng mới đến được đỉnh Ma Ao Dứa ở độ cao 1.200 m. Giữa đại ngàn thâm u có một căn lều bạt tạm bợ dựng bên cạnh những thân cây cổ thụ mốc xanh mốc đỏ. Các cán bộ kiểm lâm vẫn sinh hoạt hằng ngày trong đó để bảo vệ bãi quặng rộng 3.000 m2.

Khi chúng tôi đến bãi quặng, 3 cán bộ KL là Nguyễn Văn Thường (35 tuổi, Trạm trưởng Trạm KL Tam Đảo Núi); Lê Ngọc Lý (28 tuổi, Trạm trưởng Trạm KL Yên Mỹ) và Triệu Huy Hoàng (23 tuổi, nhân viên Trạm KL Quân Chu) đang gác ở đây.

Nói về cái khổ trong sinh hoạt ở rừng Ma Ao Dứa, anh Lê Ngọc Lý tâm sự: Từ tháng 5 đến tháng 8, mưa nối mưa liên tục ngày này qua ngày khác. Trong lều chẳng sướng hơn ngoài trời là mấy. Chăn màn ẩm ướt hết. Quần áo giặt từ đầu tháng đến cuối tháng vẫn chưa mặc được.


Một chuyến tuần rừng của KL VQG Tam Đảo

Gió luồn giữa hai khe núi ập thẳng vào bạt bay phần phật, rít lên từng hồi. Sợ nhất là sét đánh, mua bao nhiêu bóng điện cũng nổ đòm đọp, đành phải dùng đèn pin. Xung quanh lều toàn là cây to mọc trên núi đá nên rất dễ đổ. Anh em nằm ở trong mà cứ nơm nớp lo sợ.

Mùa đông khổ vì giá rét. Cái rét trên đỉnh Ma Ao Dứa không tuân theo quy luật của tự nhiên. Mới 6 giờ tối, gió lạnh đã tràn vào trong lều khiến tất cả đều phải khoác thêm áo dày sù sụ, môi khô tai tái, thở ra hơi nước.

Phó Hạt trưởng Hạt KL VQG Tam Đảo Phạm Xuân Trường tình nguyện nấu cơm bếp củi để sưởi. Dù không có tủ lạnh, nhưng đồ ăn, thức uống của anh em KL chuẩn bị ca trực được mang từ chân núi vào đây vẫn bảo quản được 4 - 5 ngày không ôi, thiu nhờ ngâm trong dòng nước lạnh buốt chảy ra từ núi đá.

Ông Trường bảo: Độ nửa tháng nữa thôi, nhiệt độ xuống chỉ còn 3 - 4 độ C. Nhiều hôm đúng ngọ sương vẫn trắng xoá, ngồi trong lều mà mở cửa thì chỉ nhìn thấy mờ mờ trong khoảng cách 5 m.

Giữ thành quả chiến thắng

3 năm trước, NNVN đã đăng tải loạt bài “Sóng ngầm trên núi Tam Đảo”, phản ánh về thực trạng khai thác quặng rầm rộ tại khu vực rừng Ma Ao Dứa và cuộc chiến khốc liệt giữa lực lượng KL VQG Tam Đảo với các đối tượng quặng tặc trong suốt 3 năm (từ 2008 - 2010) mới chấm dứt.

Trong cuộc chiến ấy, 3 đồng chí KL đã phải đổ máu. Trong đó có ông Phạm Xuân Trường (thương binh 4/4), người đang cùng chúng tôi tham gia tuần tra bảo vệ rừng. Trong một lần truy bắt quặng tặc vào tháng 12/2009, ông đã bị các đối tượng khai thác quặng trái pháp luật hung hãn chống trả, dùng gậy đập một nhát sau lưng khiến phổi bị tổn thương.

Tiếp đến, hàng chục quặng tặc khác đứng ở trên ném đá khiến đèn pin đeo trước trán của ông vỡ tan, một hòn đá khác rơi giữa đỉnh đầu. Trong tình thế nguy nan, ông kiên quyết không lùi bước trước sự đe doạ của bọn “ăn tươi nuốt sống rừng” với lời đanh thép: “Thằng nào bước một bước tao bắn”, mặc dù khẩu súng trong tay đã bắn chỉ thiên hết đạn.

Ở tuổi 55, mặc dù bị vỡ mắt cá chân, chấn thương vùng đầu và ngực, tổn thương 31% sức khoẻ, nhưng sức hút của rừng xanh đã khiến ông đứng dậy, tiếp tục cuộc chiến bảo vệ rừng.

Năm 2010, lãnh đạo VQG Tam Đảo đã thành lập 1 tổ thường trực dựng lán trại gần bãi quặng, trực 24/24 để ngăn chặn các đối tượng tái diễn khai thác. Bọn quặng tặc đã dùng những thủ đoạn ma quái để “chặn đường sống” của cán bộ KL VQG như cắt đứt dây diện dẫn từ máy thuỷ điện vào chốt trực; băm nát đường dẫn nước từ suối xuống; thậm chí bỏ tiền thuê người nghiện dọa nạt gia quyến của KL. Nhưng, những hành động trả thù đó không làm khuất phục ý chí của những chiến sỹ KL mang trong mình sứ mệnh bảo vệ rừng.

Sự có mặt của lực lượng KL nơi đây đã làm cho những cánh rừng ngày càng được hồi sinh, những chồi non mới sẽ vươn dậy. Mong muốn lớn nhất của các cán bộ KL là được sửa sang lại con đường tuần tra từ Tam Đảo I sang Tam Đảo II để có thể đi lại bằng xe máy nhằm tăng cường lực lượng khi cần thiết, phòng khi ốm đau giữa rừng và có một căn nhà tại chốt canh để các anh yên lòng, đủ sức chống chịu với những ngày mưa, đêm lạnh.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất