| Hotline: 0983.970.780

Giữ hương chè Xuân Lương

Thứ Bảy 23/02/2019 , 09:01 (GMT+7)

Xuân Lương là vùng trồng chè lâu đời song chỉ khoảng 5 năm nay vùng đất này mới thực sự khởi sắc từ cây chè.

Xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang chủ yếu là đồng bào dân tộc Cao Lan sinh sống. Nơi đây giáp ranh với huyện Đồng Hỷ và huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên- vựa chè của miền Bắc.

Thương hiệu chè bản Ven đã được nhiều người biết đến. Trong việc này ông Thân Nhân Khuyến, Chủ tịch UBND xã  là người góp công rất lớn.
 

Đánh thức một vùng chè

Trên đường đưa chúng tôi đến thăm các đồi chè ở bản Ven, Chủ tịch xã Khuyến vui miệng nói: “Tiền đâu phải là lá nhưng với người Cao Lan ở Xuân Lương nay lá lại là tiền, lá chè tươi già giờ vẫn có thể bán được 30 nghìn đồng/kg, trong khi búp chè tươi có lúc lên đến 60 nghìn đồng mỗi kg, vậy cái thứ lá chúng ta chỉ việc hái để lấy tiền mà dân mình còn nghèo nữa là lỗi của chính chúng ta”.

22-12-28_1
Chủ tịch UBND xã Xuân Lương- Thân Nhân Khuyến dẫn khách tham quan đồi chè

Nói về chè, vị Chủ tịch xã có lẽ “chém gió” cả ngày không biết chán và mỗi khi nhắc đến cây chè, tôi nhận thấy ông luôn hào hứng và trong đôi mắt ánh lên đầy hy vọng. Ông cho biết, do khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng phù hợp đã cho cây chè ở Xuân Lương có những hương vị đặc biệt. Chè ở đây khi hãm, nước có màu xanh vàng như màu mật ong, vị đậm, thoảng hương cốm nhẹ. Trước đây mỗi gia đình trong xã chỉ trồng chè trên diện tích vài thửa đất, cây chè cằn cỗi già nua, từ chăm sóc, thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ đều theo tập tục cũ nên chất lượng sản phẩm, giá thành rất thấp. Thông thường bà con trồng chè để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến chè ở tỉnh Thái Nguyên. 

“Sao dân Cao Lan mình trồng được chè ngon mà ít người biết đến, thậm chí lại phải mang danh chè Thái Nguyên, phải làm một thương hiệu gì đó cho riêng mình chứ? Câu hỏi đó của anh Thân Nhân Khuyến khi còn là cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Yên Thế (năm 2011) trong một chuyến công tác lên Xuân Lương khiến ông Ninh Quản Nghiệp (dân tộc Cao Lan), Chủ tịch xã Xuân Lương lúc ấy, nay là Bí thư Đảng ủy xã hết sức trăn trở.

Ông Nghiệp trả lời: “Đồng bào chúng tôi có đất, có nhân lực, kinh nghiệm làm chè nhưng ngặt một nỗi chưa có công nghệ chế biến, bảo quản và chưa xây dựng được thương hiệu, thị trường”. Sau cuộc trò chuyện ấy, hai người đã “tâm đầu ý hợp” cùng chí hướng và bắt tay hợp tác vận động bà con nông dân chuyên canh làm chè.

Như một cơ duyên, không bao lâu sau một người trẻ, năng động như anh Khuyến được luân chuyển lên làm Chủ tịch UBND ở xã vùng cao này. Sau khi cân nhắc, bàn bạc rất kỹ với nhân dân, anh Khuyến đã đóng vai trò chính trong việc vận động thành lập Hợp tác xã Thân Trường mà chính anh là người góp đầu tư vốn, tìm hiểu khoa học, kỹ thuật, đầu tư công sức tạo dựng thương hiệu chè bản Ven và kết nối tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Kể từ đó, tiềm năng cây chè của Xuân Lương dần được đánh thức.  
 

Thoát nghèo ở vùng đất khó

Từ đây, HTX Thân Trường trở thành nơi trung gian chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm chè, liên kết với các doanh nghiệp, nhà khoa học.

22-12-28_2
Mô hình liên kết trồng chè của HTX Thân Trường

Tuy nhiên, phải từ năm 2015, sau khi áp dụng quy trình, kỹ thuật sản xuất mới và cách làm chuyên nghiệp sản lượng, chất lượng chè Xuân Lương mới thực sự được nâng lên và thương hiệu chè bản Ven của HTX Thân Trường là sản phẩm đại diện cho sự thành công đó. Từ vài chục ha (năm 2012) đến nay diện tích chè trong xã đã phát triển tới gần 300 ha, năng suất có thời điểm cáo nhất đạt tới 15 tấn/ha (cao hơn nhiều lần so với bình quân chung toàn huyện Yên Thế).

Chè Xuân Lương được trồng theo quy trình VietGAP, kết hợp với những công nghệ, kỹ thuật mới. Nông dân được HTX tập huấn ứng dụng những công nghệ, phương pháp hái, sao, bảo quản chè mới, giữ cho hương vị chè được đậm đà lâu hơn. Họ đã chuyên nghiệp hơn, thuê nhân công hái chè hoặc đổi công nên chè được hái đúng vụ, cộng thêm đầu tư máy sao, được đến đâu sao đến đây nên chè không bị ôi. Bà con cũng đã chuyển từ giống chè hạt sang chè cành, sản lượng và chất lượng đều tăng. Cộng thêm việc chăm sóc đúng quy trình đã tạo được uy tín, đa phần các hộ đã sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu sinh học, đầu tư máy làm cỏ thay cho việc dùng thuốc trừ cỏ như trước.

Muốn có chè ngon, nguyên liệu phải được hái đúng tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá non, không bị dập nát sau đó làm héo sơ bộ bằng cách rải lên nong để ở nơi thoáng mát khoảng 4 giờ. Để búp chè mềm mại, xoăn chặt, chín đều không bị gãy, HTX sau khi thu mua chè tươi của người dân sẽ sử dụng máy sao liên tục với công suất 40kg chè nguyên liệu/giờ. Sau đó cho vào máy vò khoảng 10 - 15 phút để cánh chè cứng chắc, cho vào máy sao thêm chừng 20 - 25 phút, sàng qua để loại bỏ chè vụn rồi sao 25 - 30 phút cho khô hẳn.

22-12-28_5
Thu hái chè tại bản Ven

Bản Ven, nơi có diện tích chè lớn nhất xã (hơn 23 ha). Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Ven- ông Trần Văn Kính khoe: Nếu 2 năm trước bản có hơn 60 hộ nghèo nay giảm xuống còn 35 hộ. Bản có sự bứt phá mạnh mẽ nhờ mạnh dạn đầu tư theo hướng thâm canh cây chè đã cho thu nhập 150 đến 200 triệu/ha sau khi trừ chi phí. Nhờ đó đa số đều thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả, xây nhà cao cửa rộng. Nhẩm tính của ông Kính, bản Ven có tới 5 hộ có xe hơi nhờ nguồn thu nhập chính từ trồng chè.

Thương hiệu đã tạo nên giá trị của chè Xuân Lương - một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương. Từ khi chưa có thương hiệu, giá chè tươi 12 nghìn đồng mỗi kg, sau khi xây dựng thương hiệu (2015) giá tăng lên 60 nghìn đồng và đến nay chè bản Ven ổn định cả về chất lượng, sản lượng và giá cả.

Tuy vậy theo anh Khuyến, địa phương vẫn chưa hài lòng với những gì đã có bởi giá chè cao nhất ở Xuân Lương mới đạt 40 USD/kg trong khi ở nhiều quốc gia khác đã họ bán vài trăm đến vài nghìn USD. Điều này là mơ ước của bao người dân Xuân Lương và biết đâu sẽ thành hiện thực.

 

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm