Nhạc sĩ Hoàng Việt sinh năm1928 tại Chợ Lớn - Sài Gòn. Nếu còn sống, bây giờ ông tròn 90 tuổi. Thế nhưng, dù nhạc sĩ Hoàng Việt hy sinh ngày 31/12/1967 trong một trận oanh tạc của bom Mỹ tại chiến trường Cái Bè - Tiền Giang thì những ca khúc ông để lại vẫn là di sản văn hoá cho người Việt hôm nay. Vẻ đẹp tài năng và sự cống hiến trong sáng của nhạc sĩ Hoàng Việt còn ngân vang trong lời ca “Giữ lấy đức tin bền vững em ơi. Giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời. Làm một bài tình ca của đôi lứa ta dâng cả bao người”.
Nhạc sĩ Hoàng Việt qua nét vẽ Lương Xuân Đoàn |
Đam mê âm nhạc từ nhỏ, chàng trai Lê Chí Trực có những sáng tác đầu tay mang đậm xu hướng lãng mạn rất gần gũi với phong cách Thơ Mới. Năm 16 tuổi, ca khúc “Tiếng còi trong sương đêm” với bút danh Lê Trực đã tạo nên một dấu son trong đời sống âm nhạc đô thị: “Bến nước gió rét đò thưa khách sang. Lau xanh ven sông mờ run bóng trăng. Đêm nay không gian chìm trong giá bang. Con đò sang ngang... Kể lúc vắng bóng người chinh chiến xưa. Đã cắm giữa gió mùa thu thổi đưa…”.
Cách mạng tháng Tám sôi sục khắp nơi, chàng trai Lê Chí Trực viết ca khúc “Biệt đô thành” như một thái độ từ bỏ chốn phồn hoa để đi theo kháng chiến. Ở vùng bưng biền Đông Nam bộ, người thanh niên giác ngộ cộng sản đã lấy bút danh Hoàng Việt và tung ra một loạt ca khúc cổ vũ phong trào vũ trang chống Pháp cho quân dân đang ngày đêm tranh đấu, mà tiêu biểu là bộ ba “Lá xanh”, “Lên ngàn”, “Nhạc rừng”. Khi những giai điệu lạc quan và nồng cháy “em đi cắt lúa trên ngàn, còn anh chiến đấu sa tràng” của Hoàng Việt vang lên, không ai dám tin tác giả “miền Đông gian lao mà anh dũng” chỉ là mới độ tuổi hai mươi. Hoàng Việt cùng với Lưu Hữu Phước trở thành hai tên tuổi nổi bật của nền âm nhạc cách mạng miền Nam.
Năm 1954, nhạc sĩ Hoàng Việt chia tay người vợ đang mang thai đứa con thứ ba để tập kết ra Bắc. Tại Hà Nội, nhạc sĩ Hoàng Việt theo học khoá đầu tiên của Trường âm nhạc Việt Nam vừa thành lập. Năm 1957, tác phẩm tốt nghiệp khoá đạo tạo ngắn hạn của nhạc sĩ Hoàng Việt chính là ca khúc bất hủ “Tình ca”. Nỗi nhớ thương chốn chôn nhau cắt rốn cộng với tinh thần chiến sĩ kiên cường, đã giúp nhạc sĩ Hoàng Việt có được những lời ca rung động bao nhiêu trái tim người Việt Nam: “Khi hát lên tiếng ca gởi về người yêu quê ta. Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba. Em ơi! nghe chăng lời trái tim vọng ra. Rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang. Qua núi biếc chập chùng xa xa. Qua bóng mây che mờ quê ta. Tiếng ca đời đời chung thuỷ thiết tha…”. Bản “Tình ca” dạt dào tin yêu và hy vọng của nhạc sĩ Hoàng Việt suốt 60 năm qua vẫn xao xuyến trên môi công chúng nhiều lứa tuổi khác nhau.
Năm 1958, Hoàng Vệt được cử đi học tiếp tại Nhạc viện Quốc gia Sofia - Bulgaria. Như mạch nguồn được khơi mở, nhạc sĩ Hoàng Việt viết bản giao hưởng đầu tiên của âm nhạc Việt Nam có tên gọi “Quê hương”. Nhạc sĩ Hoàng Việt mặc định đây là “Giao hưởng số 1” với lời đề tặng “Kính dâng Nam Bộ trong cuộc chiến đấu anh dũng chống ngoại xâm”.
Bản giao hưởng “Quê hương” gồm 4 chương của nhạc sĩ Hoàng Việt khi mang về Việt Nam công diễn năm 1965 đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của đồng nghiệp và khán giả. Giáo sư - Nhạc sĩ Ca Lê Thuần: “Trong bản giao hưởng “Quê hương” của mình, anh Hoàng Việt đã vận dụng khéo léo những âm điệu quen thuộc trên cơ sở chọn lọc những tinh hoa có sức sống nhất trong kho tàng những ca khúc cách mạng của chúng ta.
Bằng cách đó, chủ đề tư tưởng của tác phẩm được đặt ra một cách sâu sắc và lớn lao, đồng thời tác giả đã tận dụng các phương tiện kỹ thuật sáng tác để biểu hiện nó trong sự phát triển rộng rãi, căng thẳng, đôi khi tạo nên những xung đột, mâu thuẫn chứa đựng nhiều kịch tính. Những hình tượng, những âm điệu hào hùng và trữ tình, những nhịp điệu sôi nổi và duyên dáng của những bài hát quen thuộc, những nét dân ca phổ biến đã đưa người nghe trở lại quá khứ với những kỷ niệm, những tình cảm không bao giờ quên được của một thời kỳ lịch sử oanh liệt đáng tự hào của dân tộc!”.
Đầu năm 1966, nhạc sĩ Hoàng Việt vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. Trong lá thư viết ngày 9/3 năm đó gửi về cho Hội Nhạc sĩ VN, Hoàng Việt thổ lộ: “Những đêm đi rừng từ 2 giờ khuya leo dốc băng rừng, đi suốt đêm 7 giờ tối hôm sau mới đến chỗ nghỉ, chân đau khập khiễng bước một mình theo sau đoàn, xa cả một, hai cây số. Những giờ phút ấy thấm thía căm thù giặc Mỹ. Bởi máy bay nó hoạt động dữ cho nên mình mới lấy đêm làm ngày đi như thế này.
Leo một bậc đá, chân đau buốt óc, nhói tim. Dốc cao, đường dài dằng dặc... Những đồi thông, sườn núi, bờ suối mát, những khoảng rừng trống, tầm mắt được thấy chân trời mây trắng, hay núi giáp núi trập trùng xanh ở xa... Tất cả những cái đẹp ấy, giặc Mỹ đều ngăn cản mình dừng chân để ngắm thiên nhiên. Máy bay rất hay bay lượn những nơi ấy để tìm bóng dáng con người . Không còn đâu cái thú căng võng thổi cơm trên đồi thông, hay cạnh bờ suối tuôn trắng xoá...”.
Tuy vậy, trên đường băng rừng trèo núi, nhạc sĩ Hoàng Việt vẫn tranh thủ phác thảo vở nhạc kịch “Bông Sen” và chuyển sang dùng bút danh Lê Quỳnh.
Vào đến Căn cứ trung ương Cục miền Nam, nhạc sĩ Hoàng Việt nhập cuộc ngay với không khí tuổi trẻ chung vai gánh vác sứ mệnh giải phóng dân tộc, và viết ca khúc “Bài ca thanh niên miền Nam thành đồng” rạo rực: “Tự hào thay ta hiên ngang đứng đầu ngọn sóng. Tự hào thay mang sức sống anh dũng trong trái tim hồng”. Được phân công về miền Tây Nam bộ, nhạc sĩ Hoàng Việt vác ba lô ra tiền tuyến như một người lính thực sự.
Trong một lá thư gửi cho nhà thơ Bảo Định Giang, nhạc sĩ Hoàng Việt hoan hỉ thông báo: “Tôi viết cho anh xong là trưa nay đi Mỹ Tho, Cao Lãnh, dài theo đường số 4 và bờ sông Cửu Long... Tính sổ năm 1967, thì tôi viết đều tay chứ không tắt: Vở nhạc kịch “Bông Sen” 120 trang piano và 12 bài hát...".
Chẳng thể ngờ, khi lá thư ấy vừa đến tay người nhận thì nhạc sĩ Hoàng Việt đã hy sinh ở ấp Mỹ Long, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang trong một trận càn khốc liệt của quân địch. Hai dự định của nhạc sĩ Hoàng Việt trở thành dang dở, thứ nhất là viết xong bản giao hưởng thứ hai của đời ông có tên là “Cửu Long”, thứ hai là trở về nhà mẹ ruột để nhìn mặt đứa con út sắp chào đời.
Vợ chồng nhạc sĩ Hoàng Việt năm 1950 |
Nhạc sĩ Vũ Thành - Nguyên Trưởng đoàn Văn công Quân khu 7, nhớ lại: “Trong chuyến đi này, khi chia tay Lê Dũng - người con mà khi ông tập kết ra Bắc thì vợ đang mang thai, bên bờ sông Vàm Cỏ, anh ôm con và nói: “Không biết sau này ba đón con, hay con lại đón ba trở về”. Câu nói ấy tình cờ dự báo điềm chẳng lành. Sau trận đánh ác liệt hôm đó, thi hài nhạc sĩ Hoàng Việt cùng nhiều đồng đội khác đến nay vẫn chưa tìm thấy. Có nhân chứng kể lại, chỉ tìm thấy một chùm tóc bạc được cho là của nhạc sĩ Hoàng Việt sau trận oanh tạc dữ dội của máy bay Mỹ”.
Nếu được hoàn thành, thì bản giao hưởng “Cửu Long” của nhạc sĩ Hoàng Việt sẽ như thế nào? Trong lá thư gửi nhạc sĩ Đỗ Nhuận và các đồng nghiệp tại Hà Nội, nhạc sĩ Hoàng Việt chia sẻ: “Dự định tôi đi Mỹ Tho là để tìm khía cạnh đặc biệt của con sông Cửu Long và sẽ viết trong dự án dài... Cái số 2 sau cái số 1 vừa rồi, năm 1965.
Cái số 2 này có 3 phần: Chiến thắng, Hạnh phúc và Xây dựng. Nhưng dài theo đường đi kỳ này, nhất định tôi sẽ có một tập bài hát kịp thời theo thể ký sự âm nhạc ghi chép thực tế sẽ gặp. Tập này ít nhất cũng mười bài hát ngắn nêu lên đủ góc cạnh của chiến dịch Đông Xuân 1968 này. Về cái sức viết, anh tin rằng tôi còn rào rạt chưa tắt, mà đang sôi nổi giữ trong óc ngày đêm... Chỉ có khâu dựng, giới thiệu kịp thời sáng tác mới ở Đài làm chậm quá, thành ra hào hứng đôi khi nguội lạnh, khi nghĩ đến những cái viết rồi, không thấy tiếng vang?”.
Nhạc sĩ Hoàng Việt đã rởi khỏi nhân gian hơn nửa thế kỷ. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996 và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2011. Ít ai biết rằng, bà Lâm Thị Ngọc Hạnh - người vợ lặng lẽ đã sinh bốn đứa con cho nhạc sĩ Hoàng Việt, vẫn giữ một bài hát có tên “Vẳng từ quê nhà” mà ông viết riêng tặng bà. Nhạc sĩ Hoàng Việt gọi “Vẳng từ quê nhà” là “Tình ca số 2” với niềm riêng: “Đây còn đây sông núi xưa vẫn đẹp. Như tình em chung thủy đợi tháng năm chưa hề nhạt phai. Quê hương dù bóng đêm còn che mờ nửa trời. Nhưng trái tim yêu đời/ Sáng như ánh dương ngời ngời. Cho dù sao dời vật đổi. Cho dù núi lấp sông ngăn. Nối liền tình ta trên Tổ quốc mênh mang…”.