| Hotline: 0983.970.780

Giúp bò mẹ "vượt cạn"

Thứ Ba 23/11/2010 , 10:43 (GMT+7)

Bê con ra đời là một niềm vui lớn cho người nông dân, đặc biệt khi đó là bê sữa (bê cái). Bò mẹ có khả năng cho sản lượng sữa cao thì bê con cũng thừa hưởng “gien” di truyền đó...

Lót rơm khô nhằm tạo một tấm nệm dã chiến, vừa khô vừa sạch lại ấm áp để đón bê con chào đời

Bê con ra đời là một niềm vui lớn cho người nông dân, đặc biệt khi đó là bê sữa (bê cái). Bò mẹ có khả năng cho sản lượng sữa cao thì bê con cũng thừa hưởng “gien” di truyền đó và thậm chí con hơn “mẹ” là điều thường xảy ra. Tuy nhiên, để có được một cô bê con khỏe mạnh mau ăn chóng lớn thì việc chăm sóc bê khi còn trong bụng mẹ, khi bò mẹ lâm bồn và sau khi bê con chào đời phải thật đúng cách.

Những điều cần lưu ý trước khi bò lâm bồn

Hai tháng trước khi bê ra đời, người chăn nuôi chú ý ngưng vắt sữa bò mẹ nếu bò mẹ còn đang khai thác sữa. Trong giai đoạn thường được gọi là “cạn sữa” này nhu cầu dinh dưỡng cho sự phát triển của bào thai là rất lớn, nếu chúng ta cố tình nấn ná vắt sữa bò mẹ chính là một hành động “hại mình, hại bạn”. Không cạn sữa kịp thời và đủ thời gian cho cơ thể bò mẹ hồi phục sau một giai đoạn khai thác sữa dài, bê sinh ra sẽ còi cọc, bò mẹ giảm sản lượng sữa, dễ mắc bệnh và cuối cùng là giảm thọ.

Nói cách khác, chúng ta phải lấy SỨC KHỎE CỦA BÒ MẸ làm “gốc”. Có như vậy, bê sinh ra mới bụ bẫm, bò mẹ sống khỏe, đẻ nhiều con, cho nhiều sữa. Ở khía cạnh xã hội, bò mẹ là “ân nhân” của con người vì đã hy sinh những dòng sữa quý giá của mình để góp phần nuôi dưỡng con người. Để đáp lại ân tình đó, chúng ta cần quan tâm chăm sóc sức khỏe cho bò mẹ vì lợi ích không chỉ cho bò mẹ mà cho cả người chăn nuôi.

Sau hơn chín tháng “mang nặng”, bò sẽ tìm nơi yên tĩnh để thực hiện cuộc “đẻ đau”. 24 giờ trước khi sinh, bò mẹ sẽ có các triệu chứng như: bước đi nặng nhọc, kêu rống, bầu vú căng to, âm hộ xung huyết, khấu đuôi của bò sẽ cụp xuống và có thể xuất hiện những dòng sữa đầu tiên (sữa non) khi chúng ta thử dùng tay vắt sữa. Tất cả những dấu hiệu trên cho thấy bò đã bắt đầu giai đoạn đầu tiên của tiến trình đẻ. Do đó phải có sự trợ giúp của các “bà mụ vườn” là các nhân viên thú y dầy dạn kinh nghiệm.

Chỗ đẻ của bò phải được vệ sinh sạch sẽ. Dùng thật nhiều rơm mới, sạch để rải trên nền chuồng, nhằm tạo một tấm nệm dã chiến, vừa khô vừa sạch vừa ấm áp, để đón bê con chào đời. Nhất cử… tam - tứ tiện, bê chào đời trên tấm “nệm” này sẽ tránh những xây xát không đáng có do nền chuồng xi măng cứng và lạnh và tránh bị nhiễm bẩn do tiếp xúc trực tiếp với nền chuồng. Hơn nữa, khi bê ra đời các chất nhớt trên cơ thể bê có thể được làm sạch bằng cách vùi trong lớp rơm rạ này. Ngoài ra, bằng cách chà xát lớp rơm rạ trên cơ thể bê sẽ có tác dụng massage, kích thích hệ tuần hoàn và hô hấp của bê con.

Kỹ thuật giúp bò vượt cạn

Khâu đỡ đẻ cho bò là một tiến trình đòi hỏi các “bà mụ” phải nắm vững cả lý thuyết lẫn thực hành đặc biệt trong trường hợp bò đẻ khó. Nhân viên thú y phải nhận biết chính xác các dấu hiệu khi bò chuẩn bị đẻ, không để “rơi rớt” dấu hiệu nào. Và phải có đôi bàn tay khéo léo áp dụng trong kỹ thuật thăm khám thai để có thể can thiệp kịp thời trong các trường hợp bò đẻ khó.

Bò sữa thường được nuôi nhốt. Do thường xuyên không được “tập thể dục” như bò chăn thả tự nhiên nên khả năng bò đẻ khó cũng cao hơn. Nói chung, trong trường hợp bò đẻ tự nhiên không cần có sự can thiệp của con người, các tiến trình sinh đẻ sẽ diễn ra như sau:

- Cổ tử cung sẽ dãn ra kéo dài trong khoảng 30 phút đến 3 giờ.

- Bọc nước ối nhẹ nhàng bị đẩy ra khỏi cổ tử cung rồi xuất hiện ở âm hộ.

- Bào thai dịch chuyển tới lui vào trong hố chậu.

- Bò bắt đầu rặn đẻ, áp lực trong khoang bụng tăng lên, bò đau và kêu rống.

- Túi nước ối bị bể, xuất hiện móng chân và mũi của bê con.

- Âm đạo và âm hộ giãn nở tối đa, bào thai được đẩy ra ngoài.

- Cuối cùng dây rốn sẽ đứt và bê con bắt đầu thở.

Để đơn giản, dễ nhớ, chúng ta có thể nôm na các khâu trên bằng một bài thơ như sau:

Cổ tử cung nở giãn ra/Theo sau bọc ối trôi ra từ từ/Bào thai chẳng phải làm nư/Nằm trong hố chậu bao chừ mới ra?/Bò mẹ rặn đẻ kêu la:"Con ơi con ráng chui ra cho rồi"/Gia chủ lúc đứng lúc ngồi/Xem xem nước ối có phòi ra chưa/Bê con tỉnh giấc say sưa/Chân trước ra trước, mũi vừa kề theo/Bò mẹ trong lúc gieo neo/Quyết tâm mẹ ráng một keo cuối cùng/Âm đạo, âm hộ cương trùng/Bê con như thể “vén mùng” chui ra/Niềm vui lớn chợt vỡ òa/Một cô bê cái cả nhà đều vui.

Nhau thai sẽ được tống ra ngoài trong khoảng thời gian 6 giờ sau khi sinh và tử cung cũng sẽ hồi phục dần dần trong vòng 3 – 4 tuần sau đó. Lúc này chu kỳ động dục mới lại bắt đầu. Nhìn chung tiến triển các triệu chứng trong tiến trình đẻ của bò tơ sẽ chậm và ít rõ ràng hơn so với bò rạ.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất