Họ nhẹ nhàng tự hỗ trợ hình thành kỹ năng, nề nếp học cho con tự tin trong những ngày đầu đến trường.
Tập ngồi và cách sử dụng đồ dùng học tập cho con
Năm học tới, bé Hoàng Quân, con trai chị Nguyễn Thị Oanh (ngụ quận Gò Vấp) mới chính thức vào lớp 1 nhưng hiện tại bé đã biết đọc, viết thành thạo các từ đơn cũng như làm được các phép tính đơn giản.
“Thú thực, bây giờ trẻ nào cũng được học chữ trước khi vào lớp 1, con mình không được học sẽ thiệt thòi. Vào lớp, bạn nào cũng biết mà con mình “ngồi im” thì dễ không theo kịp, ảnh hưởng đến tâm lý học tập”, chị Oanh chia sẻ.
Với suy nghĩ này, gia đình chị Oanh đã thuê gia sư về dạy đọc, tập viết và làm toán cho con khi vừa 5 tuổi. Hiện tại, chị Oanh cho con nghỉ hè thoải mái, chỉ chờ khai giảng là đi học vì con trai đã vững kiến thức lớp 1.
Trái ngược với chị Oanh, những ngày gần đây, cứ sau bữa ăn tối nửa tiếng đồng hồ, chị Đặng Trần Hồng Nhung (ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) lại ngồi vào bàn học cùng con gái. Không phải để dạy con tập đọc, làm Toán mà chỉ là tập cho con cách ngồi bàn học đúng tư thế, cách cầm bút, sử dụng đồ dùng học tập.
Đồng thời, chị còn nói chuyện về chủ đề trường, lớp mới mà con sắp làm quen. Ở đó, có nhiều bạn bè, cô giáo mới, có bàn học, bảng viết… Ngay chiếc bàn mới mua mà con gái đang ngồi, chị cũng giải thích vào lớp 1 con cũng sẽ được ngồi bàn tương tự, chú ý ngồi ngay ngắn, thẳng lưng và không nói chuyện riêng trong giờ học, nghe cô giáo giảng bài.
“Trang bị các kỹ năng trước khi vào lớp 1 cho trẻ là hết sức cần thiết và quan trọng để trẻ hiểu và chủ động tiếp nhận, hình thành các kỹ năng mới để từ đó tự tin hòa nhập lớp học.
Bởi lẽ, từ mẫu giáo chuyển sang tiểu học không chỉ thay đổi môi trường học mà con thay đổi tâm lý của trẻ. Ở mẫu giáo, trẻ được giáo viên chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ, được chạy nhảy, vui chơi là chính, thì khi vào lớp 1, trẻ phải tham gia học tập, tự phục vụ bản thân dựa trên nội quy lớp học.
Trong quá trình trang bị kỹ năng cho con, cha mẹ nên hướng dẫn nhẹ nhàng, từ từ để con cảm thấy thoải mái. Phải kiên nhẫn vì không phải trẻ nào cũng dễ dàng nghe theo hướng dẫn và chịu thay đổi”, chị Nhung cho biết.
Cứ như vậy, đều đặn mỗi tuần 3 buổi, mỗi buổi 10 phút, chị Nhung ngồi cùng con. Sau đó, tăng dần thời gian lên 15 phút-20 phút/buổi. Lúc đầu, con gái chưa quen ngồi yên một chỗ, nhưng sau thời gian ngắn con gái chị Nhung đã hiểu và biết nghe lời.
Không nhất thiết phải cho con học chữ trước chương trình
Với mục đích tạo tự tin cho trẻ vào lớp 1, trong tuần đầu tiên đến lớp, hầu hết giáo viên các trường tiểu học đều dành thời gian giúp trẻ làm quen trường mới thông qua việc tham quan khuôn viên, các phòng chức năng, hướng dẫn sử dụng nhà vệ sinh, các kỹ năng trong lớp học, và cách xếp hàng, cách ngồi, sử dụng đồ dùng học tập. Đây chính là chủ trương chung của ngành GD-ĐT. Thậm chí, gần cuối năm học, nhiều trường mầm non phối hợp tổ chức cho trẻ 5 tuổi đến tham gia, giao lưu trường tiểu học để trẻ biết trước, tránh bỡ ngỡ.
Từ thực tế này, cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên Trường Quốc tế TAS (Quận 2) nhận định, việc trang bị các kỹ năng trước khi vào lớp 1 cho trẻ là rất cần thiết, bổ ích, không chỉ giúp các em tự tin, độc lập trong học tập mà còn hỗ trợ nhiều cho giáo viên.
“Câu chuyện cô giáo đang giảng bài, trẻ đòi đi vệ sinh, hoặc ngồi xuống nền gạch để chơi là thường xuyên diễn ra. Có những em khóc liên tục vì lạ lớp, nhớ cha mẹ. Lúc này, giáo viên hết sức vất vả trong việc dỗ dành, ổn định tinh thần cho các em”, cô Hồng chia sẻ.
Trước xu hướng cho con đi học chữ để con “đọc thông, viết thạo”, cô Hồng cho rằng, việc dạy đọc có thể quan trọng nhưng việc dạy tập viết nên dừng lại ở dạy trẻ cách tập tô. Cũng cần lưu ý, nếu dạy tập đọc trước thì nên sử dụng các bộ sách ngoài sách giáo khoa, tránh tình trạng trẻ vào lớp 1 học lại sách sẽ dẫn đến nhàm chán, ỷ lại, chủ quan.
Đồng quan điểm, ông Lê Phương Trí, giáo viên Trường Tiểu học Đống Đa (quận 4) khuyến cáo, phụ huynh không nên cho trẻ đi học trước vì khi vào học, tất cả học sinh đều được giáo viên dạy đúng chương trình, bắt đầu từ chữ cái, ghép vần, ghép chữ… Và trước đó, ở mầm non, các bé cũng đã được làm quen bảng chữ cái, số đếm trong phạm vi 10.
Hơn nữa, chương trình giáo dục phổ thông mới sắp triển khai sẽ chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất, tư duy học sinh thay vì chú trọng học thuộc. Suy nghĩ cho con học trước để giỏi, để không thua thiệt bạn bè là không đúng.
“Quan trọng trước khi trẻ vào lớp 1 là phụ huynh nên giúp con tự tin hòa nhập môi trường mới. Từ đó, trẻ sẽ cảm nhận được được “mỗi ngày là một niềm vui”, thôi thúc động lực đến lớp học tập vì có bạn bè và cô giáo”, ông Trí nói.