| Hotline: 0983.970.780

Giúp dân làm giàu

Thứ Ba 17/06/2014 , 08:15 (GMT+7)

Bên cạnh đầu tư xây dựng điện, đường, trường, trạm, cả hệ thống chính trị xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã vào cuộc giúp dân phát triển kinh tế, từng bước hoàn thành tiêu chí thu nhập.

Hoằng Ngọc là xã thuần thuần nông với 1.250/1.700 hộ dân SXNN trên diện tích 313 ha. Những năm 2010 trở về trước, điều kiện SX như hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng, chính sách kích cầu ở địa phương này gần như là con số không dẫn đến thu nhập của nông dân bấp bênh.

Rất nhiều người trong độ tuổi lao động vì thiếu công ăn việc làm phải Nam tiến để tìm kế sinh nhai ở các khu công nghiệp.

Sau khi rà soát, xác định lợi thế của địa phương, tháng 11/2011 Hoằng Ngọc bắt tay làm NTM, trong đó chú trọng đầu tư phát triển SX, nâng cao thu nhập cho người dân. Các chính sách kích cầu như đẩy mạnh SXNN hàng hóa; hỗ trợ giống lạc thu đông; SX dưa bao tử, ngô ngọt; đưa cơ giới hóa đồng bộ vào SX lúa… cũng lần lượt được ban hành.

Kể từ đó hàng trăm hộ dân xây dựng thành công trang trại, gia trại chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần so với trước đây.

Ông Hắc Ngọc Giáo, thôn 4, là một trong những hộ dân tiên phong làm trang trại  ở Hoằng Ngọc. Mô hình chăn nuôi kết hợp cá - lúa - vịt, ngan, gà của ông đã manh nha từ hàng chục năm trước, nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn, quỹ đất hạn chế nên mô hình chỉ nằm ở quy mô gia trại.

Thời điểm cả nước phát động phong trào xây dựng NTM, Hoằng Ngọc dồn diền đổi thửa, tích tụ ruộng đất và tạo điều kiện cấp đất cho hộ ông Giáo. Sau khi có quỹ đất trong tay, bằng nguồn vốn tự có và vay mượn thêm anh em, ông Giáo nâng quy mô từ gia trại lên trang trại với 4 sào lúa; 6 sào ao nuôi cá; 1 nghìn con vịt đẻ, 100 con gà, 200 con ngan; 1 lò ấp trứng công suất 3 vạn quả… Bình quân thu nhập mỗi năm đạt trên 500 triệu đồng/năm.

Ông Giáo nói: “Xã, thôn đã tạo mọi điều kiện giúp gia đình tôi mở rộng quy mô. Nếu không có Chương trình NTM chắc còn lâu nữa Hoằng Ngọc mới dồn điền đổi thửa, như vậy thì trang trại của tôi cũng khó mà được như ngày hôm nay”.

Tính đến nay Hoằng Ngọc đã hoàn thành 17/19 tiêu chí NTM với tổng nguồn vốn được huy động trên 108 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh, huyện, xã gần 77 tỷ đồng; nhân dân đóng góp và con em xa quê hỗ trợ gần 12 tỷ; vốn lồng ghép các chương trình, dự án 35 tỷ đồng. Hoằng Ngọc phấn đấu cuối năm 2014 sẽ đạt chuẩn NTM.

Từ mô hình của gia đình, ông Giáo không quản ngại vất vả chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh; đầu tư con giống, thức ăn giúp đỡ hàng chục hộ dân trong và ngoài thôn cùng phát triển kinh tế trang trại, gia trại.

"Nhà nào chưa có tiền mua con giống tôi cho nợ, thiếu thức ăn tôi cho vay, nếu cần hỗ trợ về phòng dịch tôi sẵn sàng giúp đỡ. Bởi tôi nghĩ họ cũng giống như tôi, ngày xưa tập tành học nghề rất cần kinh nghiệm từ những người đi trước”, ông Giáo chia sẻ.

Còn với bà Lê Thị Kiên, thôn 2, để có tiền đóng góp làm NTM hầu như ngày nào bà cũng ở ngoài ruộng ớt, ruộng dưa. Cũng đúng thôi, 1 sào dưa bao tử cộng 1 sào ớt vụ nào cũng mang lại cho bà thu nhập ít nhất 20 triệu đồng, trong khi đó làm lúa quanh năm bà cũng chỉ lãi được trên dưới triệu bạc.

Bà nói: “Trước đây tôi làm 2 vụ lúa, 1 vụ màu/năm nhưng sau khi xã đưa giống cây trồng mới, hiệu quả kinh tế cao như dưa bao tử, ớt xuất khẩu vào SX và hỗ trợ giống thì tôi chuyển đổi làm 1 vụ lúa, 2 vụ màu/năm. Kết quả thu nhập trên đơn vị canh tác tính sơ sơ đã tăng từ 36 triệu lên gần 200 triệu đồng/ha”.

09-56-55_nh2
Việc đưa cây dưa bao tử vào SX đã góp phần giúp nông dân Hoằng Ngọc xóa đói, giảm nghèo bền vững

Được biết, sau 3 năm xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người của xã tăng từ 11,4 triệu (2011) lên trên 18 triệu đồng/năm (2013); tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 15,09% (2011) xuống 4,66% (2013); giá trị SX trên đơn vị canh tác tăng từ 50 lên 100 triệu đồng/ha…

Hiệu quả tích cực mà bà Kiên nói phần nào khẳng định công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ và các chính sách kích cầu của Hoằng Ngọc đã đi đúng định hướng.

Ông Hắc Xuân Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết, ngay từ những ngày đầu triển khai Chương trình xây dựng NTM, Hoằng Ngọc đã xác định phát triển nông nghiệp bền vững là nhiệm vụ then chốt. Phải làm cho dân no, dân giàu thì các tiêu chí khác mới có nguồn lực để thực hiện.

Từ định hướng đó, xã tập trung dồn diền đổi thửa, quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung; đầu tư hạ tầng SXNN; hỗ trợ mua máy gặt, máy cấy (5-10 triệu đồng/cái); đồng thời, kêu gọi DN, tìm kiếm đầu ra cho các cây trồng có giá trị…

“Hơn 10 ha quy hoạch chăn nuôi gia trại, trang trại; hàng chục ha lúa áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đã giảm 1/3 chi phí đầu vào, tăng năng suất lên 10% hay SX lạc che phủ ni lon tăng 20kg/sào… Tất cả những đổi thay đó nếu không có Chương trình xây dựng NTM thì Hoằng Ngọc không thể làm được”, ông Thọ nhấn mạnh.

Có thể nói, việc ban hành các chính sách kích cầu đúng đối tượng, đúng thời điểm đã, đang và sẽ là cái “cần câu” giúp nông dân Hoằng Ngọc phát triển nông nghiệp bền vững đúng như tinh thần Nghị quyết “tam nông” đề ra.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất