| Hotline: 0983.970.780

Giúp nông dân ra biển lớn

Thứ Sáu 03/01/2014 , 08:56 (GMT+7)

TP.HCM vừa phê duyệt đề án đưa nông dân đi học hỏi kinh nghiệm SX nông nghiệp ở nước ngoài giai đoạn 2013 - 2018. NNVN đã có buổi trao đổi với ông Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, đơn vị được giao chủ trì đề án quanh chủ trương rất có ý nghĩa này.

TP.HCM vừa phê duyệt đề án đưa nông dân đi học hỏi kinh nghiệm SX nông nghiệp ở nước ngoài giai đoạn 2013 - 2018. NNVN đã có buổi trao đổi với ông Trần Trường Sơn (ảnh), Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, đơn vị được giao chủ trì đề án quanh chủ trương rất có ý nghĩa này.

Thưa ông, trước đây TP.HCM đã từng đưa nông dân đi học hỏi kinh nghiệm SX nông nghiệp ở nước ngoài?

Đây là lần thứ hai TP.HCM triển khai một đề án đưa nông dân "xuất ngoại". Trước đó, từ 2006 - 2010, TP đã thực hiện đề án đưa nông dân đi học ở Thái Lan, Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan, với tổng cộng 117 người tham gia. Trong đó có 28 người là cán bộ hội nông dân, cán bộ quản lý và 89 người là nông dân. Trong lần đi trước, nông dân đã được đi tham quan, học các mô hình hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, rau an toàn, bò sữa ...

Là thành phố công nghiệp lớn nhất nước, nông nghiệp chỉ chiếm một tỷ trọng khá nhỏ trong GDP. Vì sao TP.HCM lại đầu tư cho nông dân đi học hỏi ở nước ngoài?

Tuy nông nghiệp chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong GDP của TP, nhưng vẫn có tới 12 quận, huyện đang SX nông nghiệp, với trên 90 ngàn hộ tham gia. Vì thế, TP rất quan tâm tới việc phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống cho nông dân, xây dựng nông thôn mới.

Để đạt được mục tiêu đó, TP đang xây dựng nền nông nghiệp đô thị, đẩy mạnh mô hình kinh tế tập thể, trang trại. Nhằm giúp cho nông dân hiểu thế nào là nông nghiệp đô thị, làm sao để chuyển từ SX truyền thống sang SX hàng hóa, TP quyết định đưa nông dân đi học hỏi ở nước ngoài. 

Đây là cơ hội để họ có điều kiện được mắt thấy, tai nghe SX nông nghiệp đô thị, SX nông nghiệp hàng hóa ở các nước. Qua đó, nông dân sẽ vỡ lẽ ra được SX hàng hóa trong nền nông nghiệp đô thị là như thế nào, những cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao thì phải tính toán đầu tư ra sao… 

Được đi tham quan các mô hình nông nghiệp nước ngoài, cũng là điều kiện tốt để nông dân mình gặp gỡ, giao lưu trực tiếp với nông dân các nước. Qua đó vừa học hỏi kinh nghiệm SX của người ta, vừa so sánh lợi thế cũng như hạn chế của nông dân mình với nông dân ở những nước đó.

Bên cạnh đó, TP đang đẩy mạnh hình thức SX HTX, trang trại, để nông dân tham gia vào SX lớn. Nhưng hiện nay phần lớn nông dân vẫn e ngại mô hình HTX vì họ vẫn còn ám ảnh bởi HTX kiểu cũ. Bởi vậy, cho nông dân ra nước ngoài để họ thấy mô hình HTX ở các nước là như thế nào, cũng như thấy được tầm quan trọng của liên kết 4 nhà trong tiêu thụ nông sản. 

Một mục tiêu quan trọng nữa của chương trình này là giúp cho cán bộ quản lý nông nghiệp, nông dân được tìm hiểu về chính sách, cơ chế phát triển nông nghiệp ở các nước. Vì nếu chỉ đi để học hỏi kinh nghiệm SX, canh tác, kỹ thuật của người ta thì sẽ không ăn thua, bởi chắc chắn người ta sẽ giấu. Nhưng những cơ chế, chính sách thì họ sẵn sàng chia sẻ với mình.

Những nông dân đã được đưa đi học hỏi ở nước ngoài trong khuôn khổ của đề án trước, đã có tiến bộ gì về nhận thức, hành động?

Nhìn chung, sau khi được đi học, bà con rất phấn khởi, có nhận thức tốt hơn về nông nghiệp đô thị, SX nông sản theo hướng hàng hóa. Nhiều người ngay sau khi trở về đã mạnh dạn mở rộng quy mô SX, làm được những việc đã ấp ủ trong nhiều năm trước đó. 

Như ông Trần Văn Xê, chủ một vườn lan ở xã Xuân Thới Sơn (Hóc Môn), sau khi đi học hỏi về đã mở rộng diện tích trồng lan và nhất là đã đầu tư xây dựng phòng cấy mô để chủ động sản xuất giống lan, nhân giống nhiều loại lan mới.

Ông Minh Tân (xã Tân Phú Trung, Củ Chi) sau khi đi học ở Đài Loan đã nghiên cứu, lai tạo, nhân giống thành công giống cúc Đài Loan. Mấy vụ Tết vừa rồi, giống cúc này bán rất chạy ở thị trường TP.HCM. Hay ông Nguyễn Văn Ký, sau khi đi học hỏi ở nước ngoài về cũng đã xây dựng thành công mô hình gây nuôi động vật hoang dã kết hợp với du lịch sinh thái ...

Nhận thức của nông dân về liên kết, về mô hình HTX trong SX và tiêu thụ nông sản cũng có sự thay đổi tích cực sau khi được tận mắt chứng kiến cách làm ăn của những HTX ở nước ngoài. Bởi những HTX đó đều là HTX đích thực, làm ăn rất bài bản và rất có hiệu quả. 

Chẳng hạn khi bắt đầu SX, họ đã tính trước được sẽ tiêu thụ sản phẩm ra sao, ở đâu. Hay có những HTX thuê cả kỹ sư để tư vấn kỹ thuật canh tác, phòng chống dịch bệnh… thuê luật sư giúp cho việc soạn thảo các hợp đồng kinh tế được chặt chẽ, đúng luật.

Đi học hỏi ở nước ngoài, cán bộ quản lý và nông dân cũng đã có cơ hội tốt để so sánh lợi thế giữa nông dân TP.HCM với nông dân các nước, vùng lãnh thổ đó. Về mặt điều kiện tự nhiên để SX nông nghiệp, rõ ràng điều kiện tự nhiên ở ta là tốt. 


Tham quan thực tế mô hình tại Viện lúa IRRI

Về trình độ canh tác của nông dân, nông dân VN không thua kém, thậm chí có những chỗ nhỉnh hơn. Nhưng về quy mô SX, mức độ liên kết trong SX và tiêu thụ nông sản, rõ ràng nông dân mình thua xa họ. Nông dân ở các nước cũng hơn nông dân VN trong việc chọn thời cơ, tập trung nguồn lực để SX. Về mặt chính sách, cơ chế phát triển nông nghiệp, từ các chuyến đi, các cán bộ và nông dân TP.HCM đã nhận ra rằng so với Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan, nước ta cũng có nhiều chính sách, nhưng mức độ tiếp cận với các chính sách của nông dân lại còn hạn chế. 

Tại những buổi hội thảo trong khuôn khổ chương trình này, chính các cán bộ quản lý, nông dân tham gia các đoàn đi học hỏi ở nước ngoài đã cùng bàn luận, trao đổi nhiều hơn về mặt chính sách, qua đó cùng đề xuất lên TP những chính sách phát triển nông nghiệp phù hợp và thực tế hơn.

Trong đề án đưa nông dân đi học hỏi ở nước ngoài giai đoạn 2013 - 2018, TP đặt ra những mục tiêu nào? Có điểm gì khác với lần đi trước?

Trong đề án này, TP tập trung chủ yếu cho các nội dung trọng tâm như xây dựng Nông thôn mới hiệu quả; mô hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, quản lý trang trại với quy mô lớn, hiệu quả; hoạt động xúc tiến thương mại, gắn kết SX nông nghiệp với tiêu thụ sản phẩm từ công tác SX, sơ chế, bảo quản đến thiết kế bao bì, logo, nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; học tập kinh nghiệm, chính sách xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; học tập, ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp; công tác sơ chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào SX các loại cây, con như hoa - cây kiểng, cá cảnh, rau an toàn, bò sữa, cá sấu ...

Để đạt được những mục tiêu trên, ngoài Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan là những nước, vùng lãnh thổ đã đưa nông dân đi lần trước và lần này đi lại, TP sẽ đưa nông dân đi học hỏi ở một số nước khác như Singapore, Malaysia và Hàn Quốc. Đây là một nét mới so với lần đi trước. 
Ở Singapore và Malaysia, nông dân sẽ tham quan mô hình nuôi cá cảnh công nghệ cao và nuôi chim yến (nuôi, sơ chế và đóng gói tổ yến); tham quan chợ mua bán cá cảnh. 

Tại Singapore sẽ tham quan thêm dịch vụ cá cảnh, rau quả an toàn thông qua chợ, siêu thị. Ở Hàn Quốc, nông dân sẽ được tham quan, học hỏi mô hình xây dựng và phát triển nông thôn mới, học tập kinh nghiệm SX nông nghiệp công nghệ cao cho các loại rau an toàn, nấm ăn, cây dược liệu. Còn ở Thái Lan, sẽ chú trọng vào kinh nghiệm SX rau, hoa - cây kiểng, bò sữa, nuôi tôm với quy mô HTX, trang trại; học tập mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp.

Ở Trung Quốc, dự kiến sẽ đi các tỉnh Hải Nam và Quảng Tây. Các tỉnh này có thời tiết, khí hậu tương đồng với TP.HCM, tạo điều kiện cho việc học tập, áp dụng SX vào địa bàn TP; tham quan, học tập kinh nghiệm SX hoa kiểng, rau an toàn, chăn nuôi theo quy mô lớn với mô hình HTX, trang trại. Ở Đài Loan, sẽ tham quan, học tập kinh nghiệm SX rau, bò sữa, thủy sản; học tập cách hiện đại hóa trong SX rau an toàn và hoa lan.

Nông dân đi học nước ngoài sẽ được tuyển chọn ra sao? Họ được miễn phí toàn bộ hay phải góp một phần kinh phí?

Hội Nông dân sẽ thành lập hội đồng bình chọn với sự tham gia của các sở, ngành liên quan như Sở NN-PTNT, Sở Tài chính... Trên danh sách những nông dân do các quận, huyện có SX nông nghiệp đề cử lên, hội đồng bình chọn sẽ tuyển chọn ra những nông dân có đủ khả năng học hỏi được kinh nghiệm từ nông dân nước ngoài. 

Những nông dân được chọn đi không chỉ biết làm ăn mà còn phải có khả năng ăn nói, diễn đạt, nếu biết thêm một chút ngoại ngữ thì càng tốt. Bởi sau khi được đi học hỏi ở nước ngoài, họ không chỉ đem những điều đã học về áp dụng vào SX nông nghiệp của gia đình họ, mà còn là những tuyên truyền viên rất có hiệu quả trong việc xây dựng nền nông nghiệp đô thị, xây dựng nông thôn mới ...

Ở lần đưa nông dân đi học nước ngoài theo đề án trước, ngân sách TP chịu 50% kinh phí cho mỗi người đi, 50% còn lại nông dân đóng góp. Còn trong đề án này, ngân sách của TP sẽ chi 75%, nông dân chỉ phải góp 25%.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất