| Hotline: 0983.970.780

Giúp việc gia đình chuyên nghiệp

Thứ Hai 07/03/2011 , 10:18 (GMT+7)

Khi mới ra đời, từ “Ôsin” mang một ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc nhưng nay đã bị biến tướng xấu đi...

Giúp việc gia đình là một nghề phát triển khá nhanh ở nước ta vài năm trở lại đây. Trong khi pháp luật lao động Việt Nam hiện hành chưa có quy định cụ thể về quản lý lao động người giúp việc thì thực tế, ngoài xã hội những mô hình đào tạo, cung cấp người giúp việc chuyên nghiệp với quy mô lớn đã ra đời. Vậy, mô hình giúp việc cao cấp này có gì khác so với giúp việc bình thường?

Giúp việc không phải là “Ôsin”?

“Ôsin” là một tiếng lóng được dùng phổ biến nhằm ám chỉ những người làm nghề giúp việc gia đình ở Việt Nam. Khi mới ra đời, từ “Ôsin” mang một ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc nhưng nay đã bị biến tướng xấu đi. Cuộc sống thay đổi, giúp việc gia đình giờ trở thành nghề quan trọng không thể thiếu của xã hội hiện đại. Rất nhiều ý kiến cho rằng, từ “Ôsin” không nên dùng để chỉ người giúp việc nữa...

Tôi đi tìm người giúp việc

Trong vai gia đình đang cần tìm người giúp việc, tôi có mặt tại trụ sở Cty Perfect Việt có trụ sở tại Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) và được Trưởng phòng Quản lý người giúp việc của Cty, chị Nguyễn Quỳnh Anh chia sẻ chân thành rằng: Phần đa học viên Cty Perfect Việt tuyển dụng là phụ nữ trung tuổi ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa như: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình... Theo chị Quỳnh Anh, ở các vùng nông thôn hiện nay, người dân vẫn rất mặc cảm với nghề giúp việc, đặc biệt áp lực từ phía gia đình các chị em nên chị yêu cầu tôi phải gọi là người giúp việc mà không được gọi “Ôsin”.

Thực tế trong quá trình đào tạo của mình, Cty Perfect Việt bị mất không ít lao động do người giúp việc “sáng nắng chiều mưa” do mặc cảm với nghề. Có trường hợp một chị học viên tên Hà ở huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) làm việc rất chăm chỉ khéo léo có trách nhiệm được gia chủ quý mến. Thế nhưng, chỉ sau một lần về thăm quê, chị không quay trở lại làm việc nữa. Phía Cty gọi điện hỏi thăm thì chị gượng gạo trả lời rằng chồng chị cấm không cho đi làm “Ôsin” nữa vì xấu hổ với làng xóm làng giềng.

Ai cũng biết, “Ôsin” là tên gọi một bộ phim truyền hình rất ăn khách của Nhật Bản được trình chiếu tại Việt Nam vào năm 1992. Bộ phim xoay quanh nhân vật có tên là Ôsin nửa quãng đời đầu làm nghề giúp việc, về sau trở thành người giàu có, thành đạt. Vậy là từ đó người Việt mình gọi những người làm nghề giúp việc là “Ôsin”. Chuyện đơn giản vậy thôi nhưng dư âm của nó gần 20 năm sau vẫn gây ra không ít phiền toái cho bản thân người giúp việc cũng như các đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực tiềm năng này. Vốn dĩ, bản chất từ “Ôsin” là một sự cảm thông của bà con mình với nhân vật trong phim đã phải trải qua quãng đời làm giúp việc cực khổ. Nhưng không hiểu nguyên nhân vì sao mà hiện nay, từ “Ôsin” lại có ý coi thường, miệt thị những người làm nghề này.

Trên đây, chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp mà các Cty đào tạo người giúp việc gặp phải do người dân nông thôn dị ứng với từ “Ôsin”. Chị Hoàng Thị Dung, Giám đốc Cty TNHH TDC cho hay, khi về các địa phương tuyển dụng học viên chị vẫn thấy cán bộ xã bây giờ nói oang oang trên loa phóng thanh rằng có Cty này, DN nọ về tuyển “Ôsin” và mời bà con ai có nhu cầu đền đăng ký. Nhiều chị em dù muốn đi kiếm tiền về lo cho gia đình nhưng do xấu hổ nên đành bỏ qua.

Rút kinh nghiệm từ những lần tuyển dụng sau, Cty căn dặn cán bộ tuyên truyền phải gọi là nghề giúp việc gia đình không được gọi là “Ôsin”, phía gia chủ thuê người giúp việc cũng vậy. Kết quả đạt được khá bất ngờ, bà con đăng ký tham gia học khá đông và bớt mặc cảm với nghề hơn.

Phải thay đổi tư duy

"Hầu hết những người làm nghề giúp việc ở Việt Nam khi được hỏi đều chia sẻ gọi họ là gì cũng được, nhưng nếu được gọi là người giúp việc vẫn thấy dễ chịu hơn là bị gọi là “Ôsin” nên nếu ai đang có thuê người giúp việc thì không nên gọi họ là “Ôsin”- Chị Quỳnh Anh, Cty  Perfect Việt lưu ý.
Có một thực tế chung hiện nay các cơ quan quản lý người giúp việc đều than vãn là thái độ làm việc của chị em xuất phát từ nông thôn đều thất thường và thiếu tính chuyên nghiệp. Khi đăng ký tham gia, đa số chị em đều nghĩ đây là một công việc vô cùng dễ dàng chỉ cần biết nấu cơm, rửa bát, lau dọn nhà... là có thể trở thành người giúp việc gia đình.

Có mặt tại phòng thực hành của Cty Perfect Việt và chứng kiến một buổi thực hành của hai người giúp việc, chúng tôi nhiều phen phải ôm bụng cười vì sự ngây ngô của chị em khi học lau nhà. Chốc chốc lại có một chị hỏi tại sao nhà sạch như thế này rồi còn phải lau làm gì? Lau mạnh hay lau nhẹ, lau trước hay lau sau... Với họ nhà cửa chỉ cần không có rác, không có mùi đã là sạch lắm rồi nên việc thay đổi khái niệm thế nào mới là sạch với họ mất khá nhiều công sức và thời gian.

Nhưng theo chị Hoàng Thị Dung, Giám đốc Cty TNHH TDC cũng như các công ty đào tạo người giúp việc khác thì họ sợ nhất ở người lao động nông thôn là tính “thất thường”. “Có chị đăng ký vào công ty chỉ để thử xem làm người giúp việc như thế nào. Người khác lại tranh thủ lúc nông nhàn đi làm giúp việc một vài tháng kiếm vài triệu đồng về tiêu đến vụ mùa lại về quê cấy, gặt. Có chị tính hay giận hờn vô cớ, chỉ cần gia chủ to tiếng một tý là đòi bỏ về không làm nữa... Chính sự thiếu chuyên nghiệp này đang gây khó khăn cho phía đơn vị quản lý cũng như phía gia chủ”.

Chính vì vậy, giúp việc gia đình là một công việc tuy dễ nhưng mà lại khó. Dễ với những ai xác định được đây là một nghề chính đáng để gắn bó lâu dài cũng như tư tưởng người thân họ được thông. Nhưng khó với những ai nghĩ đây chỉ là việc làm thời vụ cũng như vấp phải “mặc cảm” từ gia đình.

Xem thêm
Sản xuất tôm giống nước lợ đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi

NINH THUẬN Năm 2023, cả nước có 2.270 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống, sản lượng đạt 153 tỷ con, đáp ứng đủ cho nhu cầu thả nuôi của người dân.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.