| Hotline: 0983.970.780

GMP các NM thuốc thú y - Không thể trốn chạy mãi

Thứ Hai 08/11/2010 , 09:51 (GMT+7)

Vấn đề gia hạn hay không gia hạn thời điểm áp dụng GMP các NM thuốc thú y (31/12 tới đây) đang được các DNSX thuốc thú y nóng lòng chờ đợi...

Vấn đề gia hạn hay không gia hạn thời điểm áp dụng GMP các NM thuốc thú y (31/12 tới đây) đang được các DNSX thuốc thú y nóng lòng chờ đợi. NNVN đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Thị Ngọc Trinh, Phó TGĐ Cty TNHH Thuốc thú y- thủy sản Minh Dũng.

Bà đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc “GMP hóa” các NM thuốc thú y ở Việt Nam? Có người cho rằng, với trình độ chăn nuôi còn thấp như ở nước ta thì chưa cần thiết phải sử dụng thuốc đạt tiêu chuẩn GMP cho vật nuôi.

Trước hết, việc thực hiện chuẩn mực GMP cho các NM thuốc thú y ở Việt Nam là việc cần phải thực hiện. Nếu cho rằng trình độ chăn nuôi nước ta còn thấp, thì việc thực hiện chuẩn mực GMP lại càng cần thiết hơn. GMP là chuẩn mực thực hành tốt sản xuất thuốc, là thước đo cho chất lượng sản phẩm giúp người chăn nuôi sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả trong phòng và điều trị bệnh, giúp ngành chăn nuôi Việt Nam khống chế dịch bệnh tốt.

Có người cho rằng đòi hỏi “GMP hóa” các NM thuốc thú y là quá sức với các doanh nghiệp Việt Nam. Bà đồng ý với ý kiến này không?

Việc “GMP hóa” có tầm quan trọng rất lớn không chỉ đối với người chăn nuôi và ngành chăn nuôi, mà còn là điều tất yếu của các DN thuốc thú y Việt Nam trên con đường đi lên SX hàng hoá lớn. Bởi đó là nguyên tắc, là nền tảng của chất lượng, thương hiệu và uy tín của DN thuốc thú y. Dù là “dược người” hay “dược thú y”, đều ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp lên sức khỏe của cộng đồng xã hội.

Thực tế cho thấy, ngành chăn nuôi Việt Nam đã và đang trải qua nhiều giai đoạn dịch bệnh phức tạp, mà một trong những nguyên nhân đó là do chất lượng các sản phẩm sử dụng trong ngành thú y không đảm bảo chất lượng.

Còn nói "GMP hoá" các NM thuốc có quá sức không? Nói thế không đúng. Hoặc đây là kiểu trốn chạy GMP. Theo tôi vấn đề ở đây là có quyết tâm làm GMP hay không mà thôi. 

Đến giờ này nước ta đã có bao nhiêu NM đạt GMP rồi?

Tính đến thời điểm này, nước ta đã 4- 5 DN đạt được tiêu chuẩn GMP từ vài năm trước và gần 20 DN khác đang tiến hành thực hiện tiêu chuẩn GMP. Trong đó, bao gồm cả các DN liên doanh và DN có vốn đầu tư trong nước. Với số DN này thì thừa sức cung ứng đủ lượng thuốc thú y cho gia súc gia cầm. Điều này cho thấy, thực hiện theo tiêu chuẩn GMP không phải là quá sức đối với các DN Việt Nam, nếu DN quyết tâm làm.

Lộ trình thực hiện GMP đã được dời đi dời lại nhiều lần gây bức xúc không chỉ cho các DN đã đạt GMP và cho các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp. Theo bà, lần di dời này (đến 31/12/2010) có cần tiếp tục dời lại thêm nữa hay không? Rất nhiều doanh nghiệp thuốc thú y đã quá chán nản trước việc thay đổi lộ trình “GMP hóa” các nhà máy thuốc thú y. Còn ý kiến của bà thì sao?

Lộ trình thực hiện GMP đối với ngành thuốc thú y đã được di dời nhiều lần, từ năm 2005 đến nay, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Điều này đã dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà máy đạt GMP và các nhà máy không đạt GMP. Có rất nhiều luồng dư luận trái ngược nhau về lộ trình thực hiện GMP. Trên thực tế, lộ trình đã được thay đổi nhiều lần và được “giãn” ra đến 6 năm, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn “kêu” là không kịp thực hiện do chưa triển khai.

Tại sao trong những lần thay đổi trước, các doanh nghiệp không hề phản ánh về lộ trình ngay tại thời điểm quyết định di dời, mà luôn đợi gần tới giờ “G”, khi nước đến chân mới nhảy? Theo tôi, càng di dời, các doanh nghiệp càng ỷ lại và “án binh” nằm chờ quyết định. Đây là một bài toán nan giải không chỉ của riêng ngành sản xuất thuốc thú y.

Chúng ta phải tự hỏi, tại sao nhà nước đã quyết định bắt buộc tất cả người dân phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông vào ngày 1/1/2008, đã có rất nhiều dư luận đúng và sai, nhưng việc thực hiện đã không được di dời, và cho đến nay việc làm rất cần thiết, đúng đắn này đã trở thành một quyết định sáng suốt ở cấp cao nhất được người dân hết sức hưởng ứng. Tại sao nhà nước phải mạnh tay áp dụng nghị định 34 để lập lại trật tự an toàn giao thông? Nếu những vấn đề lớn của đất nước mà cũng cứ "du di" như lộ trình GMP thì sẽ ra sao nhỉ? Còn đâu là luật pháp.

Trở lại với ngành thuốc thú y, lộ trình áp dụng GMP không phải “làm cái rụp” mà nó đã được xác định cho từng loại mặt hàng, vào các khoảng thời gian khác nhau. Đã 6 năm trôi qua, thời gian đó không hề ngắn để các doanh nghiệp có đủ nguồn nhân lực và tài lực để thực hiện GMP. Tại sao có những doanh nghiệp hình thành từ năm 2000, nay đã có GMP, trong khi nhiều doanh nghiệp “lão làng” trong ngành đã hoạt động lâu trước đó vẫn không thể thực hiện GMP. Bà có thể lý giải điều này?

Mỗi sân chơi, đều có quy luật riêng của nó. Chúng ta không thể nói, tôi muốn tham gia…nhưng tôi không đủ điều kiện. Tôi chỉ muốn nói như vậy thôi.

Nhiều người lo sợ, nếu buộc “GMP hóa” sớm các nhà máy thuốc thú y, sẽ tạo ra sự mất cân đối trong cung – cầu thuốc thú y cho người chăn nuôi. Theo bà, thì số lượng các nhà máy đã đạt GMP hiện nay có đủ sức cung ứng thuốc thú y cho nhu cầu trong nước? Liệu có sự thiếu hụt thuốc thú y không, nếu bắt tay thực hiện đúng lộ trình GMP từ 31/12 tới đây?

Từ xưa, ông bà ta đã có câu “Không cô thì chợ vẫn đông. Cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui”. Việc buộc “GMP hóa” các NM thuốc vào thời điểm này không hề sớm, khi các doanh nghiệp nước ngoài muốn vào Việt Nam đã phải có GMP, các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu đi nước ngoài cũng phải có GMP. Nếu bắt tay thực hiện lộ trình GMP theo đúng tiến độ, tức ngày 31/12 tới đây, chỉ các sản phẩm thuốc tiêm mới buộc phải có GMP để lưu hành trên thị trường, trong khi các loại mặt hàng khác (như thuốc bột, thuốc uống, thuốc sát trùng…) vẫn còn thời gian để thực hiện GMP trong 1-2 năm tới. Cơ chế của Bộ NN- PTNT như thế là quá mở, quá thông thoáng và cũng là cách để cứu các DN nhỏ chưa làm được GMP ngay. Các DN phải hiểu và ủng hộ Bộ chứ.

Và như tôi đã nói ở trên sản lượng thuốc thú y xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam (đã đạt GMP) là rất lớn. Giá trị mỗi đơn hàng có thể tương đương với sức tiêu thụ của cả một khu vực nước ta trong một năm. Điều này chứng tỏ rằng, sẽ không có sự mất cân bằng trong cung-cầu thuốc thú y (thuốc tiêm) cho ngành chăn nuôi Việt Nam.

Theo tôi, chúng ta phải tiếp xúc với chính người chăn nuôi, tầng lớp mà nhiều người nghĩ rằng là thấp kém, chúng ta mới hiểu được nỗi khổ của họ, mới biết rằng chúng ta cần phải làm gì và phải làm như thế nào! Đừng nghĩ rằng họ không quan trọng, bởi dân là gốc, người chăn nuôi là nền tảng của ngành chăn nuôi. Ngành thuốc thú y có tốt lên cũng chỉ để phục vụ cho người chăn nuôi. (Bà Vũ Thị Ngọc Trinh)
Quan trọng hơn nữa, đây là một ngành có tiềm năng phát triển lớn, sẽ không thể gói gọn trong “sự khống chế” của chỉ vài doanh nghiệp. Một nguyên tắc rõ ràng là chỉ cạnh tranh công bằng thì mới phát triển bền vững. Chúng tôi, những người đã làm GMP rồi có thể khẳng định rằng, không thể có sự độc quyền nào trong cung ứng thuốc thú y sau khi thực hiện GMP. Chúng ta đừng nên tưởng tượng ra những điều không có thật.

Có thông tin cho rằng, trước giờ G (31/12) tới đây, nhiều doanh nhiệp chưa đạt GMP đang tranh thủ bán tháo thuốc để thu hồi vốn, kể cả thuốc kém chất lượng? Bà có nhận được thông tin nào về vấn đề này không? Nếu tình trạng trên xảy ra trên diện rộng sẽ gây hậu quả như thế nào với người chăn nuôi?

Từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, tôi được biết hiện nay trên thị trường thuốc thú y đang rất “bát nháo”. Nhiều DN chưa đạt GMP, đang trong tình thế “không biết có nên tiếp tục hay không”, chỉ vì lợi ích trước mắt đã tranh thủ bán tháo thuốc thú y để thu hồi vốn trước, bất chấp những hậu quả mà người chăn nuôi phải gánh chịu. Với chiết khấu cao đến bất ngờ, khuyến mãi cực lớn, các đại lý đã vô tình tiếp tay để đưa các sản phẩm kém chất lượng vào thị trường trong khi dịch bệnh đang xảy ra trên diện rộng.

Đau lòng lắm, khi tôi nghe được nhiều cuộc điện thoại từ chính người chăn nuôi từ khắp nơi trên đất nước gọi về Cty Minh Dũng. Có khi họ chỉ nuôi vài con heo, nhưng là nguồn thu nhập chính của cả gia đình. Khi heo mắc bệnh, họ cả tin vào lời các đại lý mua những sản phẩm thuốc thú y với giá rẻ bất ngờ, cuối cùng thì mất tiền mất tật mang. Vậy từ việc này anh có thể tự suy xét cái tâm của các DN nhỏ. Họ nói là đóng cửa các DN nhỏ thì các NM đã làm GMP sinh ra độc quyền chèn ép người chăn nuôi. Chúng tôi chưa chèn ép ai thì họ đã tung các sản phẩm kém chất lượng ra bán làm hại bà con nông dân. Chúng ta có thể nói gì về điều này?

Xin cảm ơn bà!

Xem thêm
Phân bón Văn Điển đến với nông dân đất mũi Cà Mau

Vượt khoảng cách địa lý xa xôi, Thương hiệu Phân bón Văn Điển từ Thủ đô Hà Nội đã đến với bà con nông dân vùng đất mũi Cà Mau.

Thuốc trừ sâu, trừ nhện King Spider 93SC

King Spider 93 SC là hỗn  hợp của hoạt chất: Spirodiclofen 75 g/kg + Emamectin benzoate 18g/kg, là thuốc trừ sâu ăn lá và chích hút đặc biệt rất công hiệu trừ nhện các loại.

Bộ đôi Advance và Advance Pro: Định nghĩa mới về độ đạm chuẩn cho tôm

Advance và Advance Pro là bộ đôi thức ăn hàng ngày từ Grobest Việt Nam, giúp người nuôi đối phó với tình hình giá tôm giảm mạnh và chi phí nuôi tăng cao hiện nay.

Bình luận mới nhất