| Hotline: 0983.970.780

Gò Quao biết phát huy thế mạnh

Thứ Sáu 16/12/2016 , 08:40 (GMT+7)

Gò Quao là huyện điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Kiên Giang.

14-44-02_1-ke-chong-st-lo-pht-trien-h-tng-gio-thong-nhm-tien-toi-xy-dung-huyen-ntm-o-go-quo
Kè chống sạt lở, phát triển hạ tầng giao thông nhằm tiến tới xây dựng huyện NTM ở Gò Quao
 

Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện này đang nỗ lực phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp để về đích sớm hơn kế hoạch, chậm nhất là đến năm 2019.
 

Tiềm năng lớn, lợi thế nhiều

Huyện Gò Quao nằm giáp ranh giữa 2 vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Kiên Giang là Tây Sông Hậu và U Minh Thượng, điều kiện tự nhiên rất tốt, vừa có vùng ngọt hóa thuận lợi cho trồng lúa, kinh tế vườn và chăn nuôi gia súc, gia cầm, vừa có vùng mặn lợ phát triển lúa - tôm.

Trong đó, các xã có thế mạnh về phát triển cây lúa, xây dựng cánh đồng lớn như Vĩnh Tuy, Vĩnh Thắng, Vĩnh Hòa Hưng Bắc...; kinh tế vườn mà tiêu biểu là mô hình trồng tiêu trên đất phèn ở xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, cây khóm Queen ở các xã Vĩnh Thắng, Vĩnh Phước A; phát triển chăn nuôi heo, gà ở xã Vĩnh Phước B; vùng mặn lợ lý tưởng cho phát triển mô hình lúa - tôm thuộc các xã Vĩnh Thắng, Vĩnh Tuy.

Đây là những địa phương có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, được huyện Gò Quao quan tâm, đầu tư phát triển để nâng cao thu nhập, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM ở các xã, tiến tới sớm hoàn thành mục tiêu huyện NTM.

Ông Ngô Hen, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Gò Quao cho biết: “Trong năm 2016, UBND huyện đã phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh triển khai các văn bản và chương trình phát triển sản xuất cho 5 xã Vĩnh Tuy, Vĩnh Thắng, Vĩnh Phước B, Vĩnh Phước A, Vĩnh Hòa Hưng Bắc nhằm hướng các địa phương phát triển đúng hướng và hiệu quả.

Đây là chương trình được ưu tiên nhằm giúp các xã sớm đạt các tiêu chí về phát triển sản xuất (tiêu chí 10), giảm tỷ lệ hộ nghèo (tiêu chí 11), nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên (tiêu chí 12) và tổ chức phát triển sản xuất (tiêu chí 13). Với mục tiêu là cư dân xã NTM phải có thu nhập và mức sống cao hẳn so với trước khi đạt chuẩn”.

Thời gian qua, Gò Quao chú trọng phát triển kinh tế tập thể ở các xã điểm về xây dựng NTM của huyện. Riêng từ đầu năm đến nay, huyện đã thành lập thêm 3 hợp tác xã nông nghiệp gồm Chiến Thắng (xã Vĩnh Tuy), Tiên Tiến (xã Thủy Liễu) Tân Tiến (xã Thới Quản) và lập mới 4 tổ hợp tác.

14-44-02_2-xy-dung-cnh-dong-lon-sn-xut-lu-o-go-quo-giup-gim-chi-phi-tng-loi-nhun-cho-b-con-nong-dn
Xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa ở Gò Quao giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho bà con
 

Qua đó, nâng tổng số hợp tác xã trong huyện lên 16 đơn vị và 284 tổ hợp tác. Như vậy, đến nay 10/10 xã trên địa bàn huyện đều đạt tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất (tiêu chí số 13).

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp chủ động phối hợp với các xã triển khai các mô phát triển sản xuất bằng nguồn vốn sự nghiệp năm 2016 như chăn nuôi heo, nuôi gà an toàn sinh học, nuôi lươn... Qua đó đã góp phần nâng cao thu nhập. Hiện đã có 9/10 xã đạt tiêu chí thu nhập, chỉ còn xã Thới Quản là mới đạt mức 27 triệu/người/năm, so với mức quy định tối thiểu là 29 triệu.

Bên cạnh cây lúa, chăn nuôi, kinh tế vườn, Gò Quao còn có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tôm nuôi nước lợ. Trong đó, có 2 mô hình được nông dân phát triển mạnh là lúa - tôm (luân canh vụ lúa, vụ tôm) và khóm - tôm (trên liếp trồng khóm, dưới mưng nuôi tôm).

Năng suất mô hình lúa - tôm trung bình đạt 214 kg/ha và khóm - tôm đạt 46 kg/ha, sản lượng tôm nuôi toàn huyện năm 2016 ước đạt khoảng 1.400 tấn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
 

Tiếp tục tăng tốc về đích

Trưởng phòng NN-PTNT Gò Quao Lê Hữu Toàn cho biết, xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020 sẽ khó khăn hơn do tiêu chuẩn của các tiêu chí được nâng lên mức cao hơn. Cụ thể như tiêu chí hộ nghèo, nếu so với tiêu chí năm 2015, huyện chỉ còn 1 xã chưa đạt là Thủy Liễu chưa đạt (tỷ lệ 9,05%).

Tuy nhiên, qua bình xét hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới (đa chiều) thì tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm tới 11,75%. Trong đó, xã thấp nhất cũng ở mức 9,18% (xã Vĩnh Hòa Hưng Nam); còn xã cao nhất lên đến 15,71% (xã Thủy Liễu). Nếu đánh giá theo tiêu chí hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều như hiện nay thì toàn huyện chưa có xã nào đạt.

“Để giúp các hộ thoát nghèo bền vững, UBND huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn xây dựng kế hoạch hướng dẫn Ban chỉ đạo giảm nghèo các xã thực hiện công tác đối thoại, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và định hướng, phân nhóm đối tượng để có hướng tiếp cận, giúp đỡ từng hộ.

Tổ chức vận động hộ nghèo tham gia học nghề, vay vốn sản xuất, kinh doanh, vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, giúp họ vươn lên thoát nghèo”, ông Toàn nêu giải pháp.

Với những cách làm thiết thực và hiệu quả, đến nay huyện Gò Quao đã có 3 xã được công nhận đạt chuẩn NTM gồm Định Hòa (xã điểm của Trung ương), Định An và Vĩnh Hòa Hưng Nam.

Cuối năm 2016, huyện có thêm 2 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí là Vĩnh Phước A và Vĩnh Tuy, đang chờ hội đồng thẩm định của tỉnh xem xét. Các xã còn lại đang phấn đầu hoàn thành theo kế hoạch phân kỳ từng năm.

Đối với các xã đã đạt chuẩn NTM cần phải tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí,nhất là các tiêu chí đã đạt nhưng còn thấp. Còn các xã chưa đạt phải tập trung chỉ đạo, đảm bảo thực hiện đạt từng tiêu chí theo lộ trình đăng ký đã đề ra.

Thủ trưởng các ngành và thành viên Ban chỉ đạo huyện hướng dẫn các xã triển khai các nội dung của 19 tiêu chí NTM thuộc ngành mình phụ trách, lồng ghép, triển khai các đề án, dự án, kế hoạch của ngành vào chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để cán bộ đảng viên, hội viên và quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa trong thực hiện mục tiêu NTM. Nhất là phát huy vai trò kiểm tra, giám sát việc thực hiện các công trình xây dựng, đảm bảo chất lượng và phát huy hiệu quả, góp phần cùng địa phương xây dựng NTM.

"Yêu cầu các Đảng ủy xã coi Chương trình MTQG về xây dựng NTM là một chương trình lớn, cần thực hiện lâu dài, bền bỉ và phải lồng ghép vào chương trình công tác của đơn vị để thực hiện”, ông Ngô Hen - Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo.

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tiềm năng sản phẩm OCOP

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát huy tiềm năng của các sản phẩm OCOP.