| Hotline: 0983.970.780

Góc khuất sân gôn: Chơi thật và chơi giả

Thứ Hai 31/10/2011 , 08:59 (GMT+7)

Chơi thật

Đức là một doanh nhân mê thể thao. Môn nào Đức đã chơi thì cũng đều hết mình và chơi tốt. Thời sinh viên, anh là tay vợt giỏi ở các môn bóng bàn, cầu lông. Khi đi làm, có tiền chơi tennis, Đức nhanh chóng trở thành tay vợt quen mặt ở hầu hết những sân tennis hàng đầu của thành phố. Khi phong trào chơi gôn rộ lên, Đức cũng ngay lập tức thửa ngay bộ gậy và tập tành ra sân với bạn bè, là những doanh nhân sinh hoạt trong CLB Golf Saigon.

Đức bảo, người có năng khiếu thời gian tập chơi phải mất 2-3 tháng, còn bình thường thì phải 4-5 tháng mới có thể bước ra sân thi đấu. Tiền tập được tính theo tiền banh, tối thiểu một lần tập là 50 banh với giá khoảng 100 ngàn đồng. Ngoài ra tiền trả công cho HLV. Với huấn luyện viên Việt Nam, người chơi phải đóng khoảng 20 đô la, còn nếu HLV người nước ngoài thì phải từ 40-50 đô la cho một buổi tập với một vòng lượt18 lỗ.

Vì bận quản lý nhà máy chế biến thủy sản ở Sa Đéc, không có thời gian đi học đánh gôn bài bản như bạn bè, sau vài lần đi tập, Đức mua sách về tranh thủ nghiên cứu để thứ bảy, chủ nhật về Sài Gòn đi đánh gôn với bạn bè. Anh cứ nhìn cách bạn bè đánh rồi rút kinh nghiệm mà tự tiến bộ dần lên. Tiền vào sân mỗi nơi mỗi khác nhưng thường khoảng 1 triệu đồng.

Để thu hút gôn thủ vào một số ngày vắng khách, mỗi sân có một ngày khuyến mãi giảm giá vào sân. Chẳng hạn sân gôn Thủ Đức khuyến mãi giảm giá vào ngày thứ tư, sân gôn Sông Bé lại giảm giá vào ngày thứ hai. Các CLB chơi gôn lớn, mỗi khi đăng ký cho thành viên của mình cùng đến chơi với số lượng đông thì được sân gôn giảm giá 30%. Với những gôn thủ nghiện gôn, sân golf có bán thẻ thành viên. Khi đã là thành viên có nghĩa bạn là cổ đông của sân gôn đó. Mỗi khi đến chơi gôn, thành viên sẽ không phải nghĩ đến tiền thuê sân mà chỉ phải lo tiền bo cho người phục vụ (caddie), tiền ăn uống và tiền… cá độ.

Khi đã bước vào sân gôn rồi, thì niềm ham mê gôn ngày càng tăng theo năm tháng. Đức bảo, gôn là bộ môn thể thao có nhiều điều thú vị khiến gôn thủ “đến hẹn lại lên” không thể bỏ. Cuộc đi bộ theo vòng lỗ không chỉ nâng cao sức dẻo dai cho người chơi chứ không gây cho golfer mất sức nhanh như tennis. Không khí của sân cỏ, rừng cây khiến người chơi luôn cảm thấy mình đang được sống trong không gian trong lành để rèn luyện sức khỏe. Và trên hết, việc tính toán làm sao đánh banh vào tất cả các lỗ với thời gian và số gậy ít nhất là một thử thách khiến niềm đam mê chiến thắng thôi thúc các các gôn thủ không ngừng.

Một bộ gậy có 13 cây để điều chỉnh các cú đánh tính theo khoảng cách, mỗi gôn thủ amateur tự biết sở trường, sở đoản của mình thích hợp loại gậy nào mà tính toán cho đường banh của mình. Phần lớn gôn thủ Việt Nam thích hợp với loại gậy số 7 (50). Những ai có thể sử dụng tốt tất cả các loại gậy thì nhanh chóng trở thành gôn thủ đáng gờm trên sân cỏ.

Để kích thích sự đua tranh, không có cuộc chơi gôn nào không có cá độ. Mỗi phần cá độ được gọi là hợp đồng. Hợp đồng đơn giản nhất là tính toàn bộ vòng lượt 18 lỗ, gôn thủ tốn bao nhiêu thời gian và bao nhiêu gậy. Ai dùng ít gậy nhất là chiến thắng. Nhưng vì vòng lượt quá dài, người ta tách mỗi hợp đồng ra làm 3 hợp đồng chính, cứ 9 lỗ được tính 1 hợp đồng, sau đó tổng của 2 hợp đồng này lại được tính thêm thành hợp đồng thứ 3 và là kết quả của hợp đồng chính. Cách tính chẻ nhỏ hợp đồng này tạo không khí chơi vui hơn bởi gôn thủ hy vọng có cơ hội gỡ hòa hợp đồng cá độ nhiều hơn.

Một trận đấu có tối đa 4 gôn thủ. Cá độ với từng đối thủ thì một vòng lượt tính ra với mỗi gôn thủ có 3 hợp đồng. Trong từng hợp đồng đó, lại chia ra các hợp đồng nhỏ. Mức tiền cá độ cho mỗi hợp đồng được tính tùy nhóm, có nhóm chỉ chơi 100-500 ngàn/hợp đồng nhưng cũng có những hợp đồng trị giá từ chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Và chơi giả

Cá độ như trên, chỉ mang tính vui vẻ giữa các gôn thủ - doanh nhân với nhau. Cá độ giữa gôn thủ - doanh nhân với gôn thủ - quan chức mới là điều đáng nói đến. Theo tiết lộ của ông Q., một chủ thầu xây dựng ở TP HCM, có những doanh nhân chơi gôn thường xuyên, nhờ đó đã luyện tay nghề chơi gôn đến mức cao. Thế nhưng, khi cá độ với một quan chức nào đó, lại thường bị thua một cách khá dễ dàng, dù quan chức đó, ai cũng biết là trình độ chơi gôn chỉ ở mức làng nhàng.

Ông Q. bảo, ra sân gôn, thấy một doanh nhân đang chơi gôn với một quan chức nào đó, cứ để ý kỹ là có thể phát hiện ra họ đang cá độ thật hay cá độ giả. Nếu doanh nhân là tay gôn khá mà lại thường xuyên đánh trượt trong vòng lượt ấy và không có vẻ gì buồn rầu về việc đánh thua của mình và gương mặt cứ nhẹ nhàng thoải mái lúc chung chi cho quan chức là có thể hiểu cuộc chơi đó không đơn thuần là thể thao. Mới đây, nhiều dân chơi gôn ở Sài Gòn xì xào chuyện ông T., chủ một doanh nghiệp và là một tay gôn cứng cựa, đã thua độ trên sân gôn trước một quan chức cao cấp ở Bộ C, với số tiền 14 triệu đồng.

Cũng ngay trong buổi sáng hôm đó, dù đáng gôn chỉ ở mức bình thường, nhưng nhờ “thắng độ” trước một số doanh nhân, mà vị quan chức đó đã ung dung bỏ túi tới 36 triệu đồng. Về kiểu chung chi này, các gôn thủ - doanh nhân ở Sài Gòn thường làm một cách kín đáo hơn để qua mặt những người đang hiện diện trên sân. Còn các gôn thủ - doanh nhân Hà Nội hay Đà Nẵng, thường sẵn sàng “thua” một cách lộ liễu mà chẳng cần phải quan tâm tới những cái nhìn đầy vẻ ngờ vực, dò xét, hay những nụ cười đầy ẩn ý từ những người khác trên sân gôn.

Cũng theo ông Q., không những được doanh nghiệp sẵn sàng “thua độ”, một số quan chức, cán bộ còn được doanh nghiệp tặng thẻ chơi gôn, mà thẻ có mệnh giá thấp nhất cũng phải là 5.000 USD, tặng gậy chơi gôn loại đắt tiền … Có những quan chức, cán bộ thường được một doanh nghiệp nào đó mời đi chơi gôn mà toàn bộ chi phí đều do doanh nghiệp chi trả. Còn những gì ở sau những “cho”, “tặng” ấy, thì chỉ người tặng và người nhận mới biết với nhau mà thôi.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.