Già làng cất tiếng hú.
Tiếng hú của ông vang xa qua chín dãy nhà dài.
Tiếng hú của ông vang đến tận dãy Chưmomray khiến con nai quên ăn.
Tiếng hú của ông vang đến tận dãy Konkakinh khiến con dúi quên đào hang để ở.
Tiếng hú của ông vang đến tận núi cao, sông sâu, gọi về đây Thần Núi Thần Rừng Thần Sông Thần Suối...
Những ghè rượu được nắp, cần rượu vút cong như mái nhà Rông.
Những vòng xoang mở rộng, đến bất tận.
Mùa Lễ Hội Tây Nguyên là đây.
Mùa "Ăn năm uống tháng" của người Tây Nguyên là đây.
Tây Nguyên - Mùa Tháng Ba!
Lễ cúng cầu mưa |
I. "Chảo lửa" Tây Nguyên
Cách đây gần ba mươi năm, tôi khoác ba lô lên Tây Nguyên, làm báo.
Ngày đó, huyện Ayun Pa - bây giờ được chia ra là thị xã Ayun Pa, huyện Ia Pa và huyện Phú Thiện - còn được gọi là "chảo lửa". Chảo lửa Ayun Pa lúc đó, một đầu bị chắn bởi đèo Chư Sê, đầu kia là đèo Tô Na. Nằm giữa hai con đèo, Ayun Pa (đường 7 huyền thoại tháng 3/1975, bây giờ là quốc lộ 25 từ Gia Lai đi Tuy Hòa, Phú Yên) là thung lũng bị "thắt cổ chai" bởi hai đầu.
Nóng.
Thiếu nước.
Gọi là "chảo lửa".
Người J'rai làm lúa rẫy. Năm được, năm mất - bên hai dòng sông Ayun huyền thoại.
Giữa thập niên chín mươi của thế kỷ trước, công trình đại thủy nông Ayun Hạ khởi công.
Thủy lợi Ayun Hạ là công trình thủy nông lớn nhất ở Tây Nguyên thời đó, và cho đến tận bây giờ. Ayun Hạ có năng lực tưới cho 13.500ha của Ayun Pa (bây giờ là một thị xã và hai huyện).
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, người Nam Định, người Thái Bình... đi xây dựng kinh tế mới, vào đây. Sốt rét rừng, fulro, xa quê... đã làm không ít người bỏ về quê cũ.
Ai còn bám trụ ở lại, bây giờ là tỷ phú. Họ mang những kinh nghiệm làm lúa nước tự ngàn đời của những người nông dân thuộc châu thổ sông Hồng, sông Thái Bình đến đây, bày dạy cho người J'rai vốn chỉ quen làm lúa rẫy, chọc trỉa và... giao cho Yàng (Trời). Giờ, người J'rai ở đây làm lúa nước không hề kém người Kinh.
Công trình đại thủy nông Ayun Hạ khánh thành. "Chảo lửa" Ayun Pa hạ nhiệt. Chằng chịt những con kênh đưa nước về khắp các thung xa lũng gần của Ayun Pa. Nước đi đến đâu, lúa mọc đến đấy. Một thời, người J'rai ở đây không cần tuyển giống, cứ thế vãi hạt lúa xuống. Lúa tốt bời bời. Lúa theo chân người J'rai đến tận chân nhà sàn. Cái đói tự ngàn đời theo đó, cũng rời xa chân cầu thang của đồng bào.
II. Chuẩn bị
Giờ, thung lũng Ayun Pa, thung lũng Phú Thiện không còn là "chảo lửa" nữa, bởi nước từ công trình thủy lợi Ayun Hạ đã tưới mát cánh đồng 13.500ha nơi đây. Từ ngày có công trình thủy lợi, thung lũng như hồi sinh hẳn. Những cánh đồng tít tắp mới trông cứ ngỡ như ở đồng bằng. Mùa này, bà con nơi đây bắt đầu thu hoạch lúa. Đồng lúa trải dài, vàng ươm đến tận đường chân trời. Tôi đã từng viết bài về những cánh đồng lúa nơi đây. Tôi gọi nơi đây là thung lũng vàng trên cao nguyên xanh.
Giờ, thung lũng vàng không còn thiếu nước nữa, nhưng Lễ cúng cầu mưa của người J'rai ở đây vẫn tồn tại, vẫn diễn ra hàng năm vào đúng ngày ba mươi tháng tư. Bởi, lễ cúng cầu mưa đã trở thành một phong tục, một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng độc đáo của người dân nơi đây.
Tôi uống hớp rượu ghè đầu tiên của người Tây Nguyên vào năm 1982, và nghiện, đến tận bây giờ. Nhớ hồi còn bé, nhà ở gần làng đồng bào, hễ đêm nào nghe tiếng cồng chiêng trong làng là tôi lại lén ngồi dậy, vù một mạch vào làng, la cà uống rượu ghè, và xem họ triển khai các nghi thức cúng tế. Người Tây Nguyên có rất nhiều lễ tế, lễ tế nào cũng mang một ý nghĩa vô cùng nhân văn. Tuy nhiên, tôi thích cái lễ cầu mưa của người J'rai ở vùng Ayun Pa - Phú Thiện - Krông Pa. Thích, bởi nghi lễ này nó gắn liền với đời sống sản xuất và sinh hoạt của người bản địa - trong cái bối cảnh sáu tháng mùa khô như vắt kiệt đến giọt nước cuối cùng của "chảo lửa" tự ngàn đời nay.
Lễ cúng cầu mưa được tổ chức đúng vào ngày 30/4 hàng năm, khoảng tháng ba âm lịch. Lúc này, lúa đã thu hoạch chất đầy trong kho, rượu ghè được các phụ nữ vào rừng hái lá về làm men để ủ cũng đã thơm lừng. Đây là thời gian rảnh rỗi nhất trong năm. Đây cũng là thời điểm nắng nóng nhất trong năm ở vùng "chảo lửa" một thời này. Vậy nên, đồng bào tổ chức Lễ cũng cầu mưa - một tín ngưỡng nông nghiệp gắn bó mật thiết với đời sống và sản xuất của họ.
Tôi đã có dịp dự lễ cũng cầu mưa ở làng Rbai (xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, Gia Lai). Trước khi diễn ra lễ chính, nhất thiết phải qua 3 nghi lễ nhỏ, gồm cúng xua đuổi tà ma, dịch gia súc gia cầm quanh làng; cúng bến nước tại sông Ayun, và cúng làng.
Sau đó là vào lễ chính.
Chuẩn bị cho lễ cúng cầu mưa |
Ngay từ sáng sớm, già trẻ gái trai đã tập trung đông đủ tại địa điểm tổ chức lễ cúng, chờ già làng giao việc. Già làng Rbai - ông K'sor Net là một trong những người minh triết nhất của làng. Ông phân việc với nụ cười rạng rỡ, với ánh nhìn trìu mến. Nhưng trong cái "rạng rỡ" và "trìu mến" ấy là cả một sự gửi gắm, tin cậy. Vậy nên, tất cả đều nghe theo ông răm rắp.
Đàn ông lớn tuổi thì đi chặt tre, vót và trang trí thành cái trụ - nơi đặt vật cúng tế thần linh và các Pơ-tao Apui (Vua Lửa) bất tử. Những ghè rượu ngon nhất, thơm nhất được dân làng cõng đến, những trai làng dùng dây rừng buộc những ghè rượu ấy thật chắc vào dãy cột.
Để cúng cầu mưa, không thể thiếu 7 ghè rượu đặc biệt, mà nước ủ rượu được lấy từ dòng sông Ayun. 7 ghè rượu này được đặc biệt dâng lên thần thánh. Theo như già làng K'sor Nét thì: "Bảy ghè rượu này tượng trưng cho bảy người đầu tiên lập ra ngôi làng Rbai này đấy!".
Dưới chân nhà sàn, rất đông trai làng gái bản thịt lợn, chia thành những xâu nhỏ để chia đều cho các nóc nhà (hộ) trong làng. Phụ nữ lớn tuổi thì vừa làm, vừa bày dạy cho các cô gái làm những món ăn truyền thống của dân tộc mình...
Tiếng cười nói, trò chuyện rôm rả, theo những con sóng loang xa trên mặt sông...
III. "Gọi mưa"
Khi mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, công tác chuẩn bị đã xong, cũng là lúc thời khắc linh thiêng đã đến. Già làng cất tiếng hú, khoảng 330 hộ của hai làng Rbai A và Rbai B ngay lập tức tập trung đông đủ. Thầy cúng K'sor Klol (67 tuổi, người làng Rbai B) đứng nghiêm trang trước trụ đặt lễ vật, thành kính đọc lời khấn, đại ý: Mong thần linh chứng giám ban cho mưa xuống để dân làng có mùa màng tốt tươi, có sức khỏe, tránh bệnh tật...
Người đàn ông phụ việc cho thầy cúng cắm cần rượu vào ghè rượu cúng, thầy cúng rót nước vào ghè - loại nước tinh khiết được lấy ở giữa dòng Ayun. Vừa cúng, thầy cúng vừa lấy gạo đựng sẵn trong cái bát to vãi ra chiếu cúng, để mời các vị thần linh về dự lễ. Sau đó là ba lần ném thịt về phía trước, cứ mỗi lần ném là một lần thầy cúng lại thành khẩn đọc một điều xin thần linh ban phát cho dân làng.
Già làng trực tiếp rót rượu chuẩn bị cho lễ hội |
Cuối cùng, thầy cúng rót rượu, bỏ thịt vào một cái bát bằng đồng, đến đổ vào ngôi mộ của các Pơ-tao đã chết, cầu xin các Pơ-tao phù hộ cho những lời khấn sớm thành hiện thực, Yàng sẽ sớm ban mưa cho dân làng...
Thầy cúng từ mộ của các Pơ-tao quay lại nơi cúng. Giờ là lúc những ghè rượu được mở nắp. Những ghè rượu ma mỵ, được những phụ nữ vào tận rừng sâu, hái thứ lá gì đó về ủ chung với bột gạo, hay bột ngô, bột kê, ủ trên những chiếc nong phủ kín lá chuối trong ba ngày ba đêm. Sau đó, cũng chính người phụ nữ "đánh thức" men dậy và "giao nhiệm vụ":
Này men hãy khiến
cho nôn tại ghè
cho ỉa tại chỗ
đàn ông cởi khố
đàn bà tụt váy...
Trai tráng trong làng đi chân trần, đến mỗi ghè uống một hớp, tất cả các ghè, không sót ghè nào.
Những vòng người nắm tay nhau mở rộng đến vô tận.
Điệu xoang lơi lả.
Cần rượu vút cong.
Ánh lửa bập bùng đến thâu đêm.
Ai say, ai mệt thì lăn ra đất nằm ngủ. Ngủ dậy, khỏe rồi thì lại uống, lại trò chuyện...
Ngày 8/6/2015, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch chính thức công nhận Lễ cúng "cầu mưa" của người J'rai là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Theo đó, nghi lễ này được chính quyền địa phương hỗ trợ nhiệt tình, nhằm lưu giữ, bảo tồn một nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đẹp của đồng bào J'rai nơi đây. |