| Hotline: 0983.970.780

Golan - cao nguyên nóng bỏng

Chủ Nhật 21/04/2019 , 13:10 (GMT+7)

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan, hành động ngay lập tức bị nhiều nước lên tiếng phản đối. Hãy cùng tìm hiểu vì sao vùng đất Golan có vai trò quan trọng và nhạy cảm với thời tiết chính trị khu vực và thế giới.

10-15-14_1
Bản đồ cao nguyên Golan (Britanica.com)

Trên Twitter ngày 21/3, ông Trump viết: “Sau 52 năm, đã đến lúc Mỹ công nhận hoàn toàn chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan, vùng đất có tầm quan trọng đặc biệt về an ninh và chiến lược của Nhà nước Israel và ổn định của khu vực”. Sau đó ít ngày, với sự có mặt của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, tổng thống Mỹ tuyên bố cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Israel.

Trước khi tìm hiểu vì sao ông Trump nói như vậy, hãy điểm qua những diễn biến chính trong lịch sử cao nguyên Golan.

Đây là một vùng đất đồi nhìn xuống thung lũng sông Jordan. Theo tài liệu của Từ điển Bách khoa Anh, khu vực này từng thuộc Syria cho đến năm 1967, khi Israel dùng vũ lực chiếm đóng và đến tháng 12/1981, Israel đơn phương sáp nhập phần cao nguyên Golan họ chiếm đóng vào lãnh thổ của mình, việc không được quốc tế công nhận.

Về mặt địa lý, cao nguyên Golan được sông Jordan bao bọc, ở phía tây có biển hồ Galilee, núi Hermon phía bắc, sông Wadi Al- Ruqqād  phía đông và sông Yarmūk ở phía nam.

Tuy nhiên, về mặt chính trị, cao nguyên Golan bị chia tách: Israel nắm giữ gần như toàn phần cao nguyên Golan trừ một dải đất hẹp ở phía đông, sau thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Syria vào tháng 6/1967. Cao nguyên Golan trải dài 71 km theo hướng bắc - nam, rộng 43km từ đông sang tây ở nơi rộng nhất.

10-15-14_4
Phong cảnh cao nguyên (Times of Israel)

Vùng đất này có hình một con thuyền, diện tích khoảng 1.150km2. Diện tích canh tác nông nghiệp thuận lợi hơn nằm ở phía nam.

Năm 1894, ông chủ ngân hàng người Pháp gốc Do Thái Baron Edmond de Rothschild mua một khoảnh đất lớn trên cao nguyên Golan để cho người Do Thái định cư. Tiếp bước ông là các nhóm người gốc Do Thái ở Mỹ, Canada và châu Âu. Tuy nhiên, cộng đồng này vấp phải sự thù địch của người Ả rập trong khu vực và những ngăn cản về mặt luật pháp của đế chế Ottoman (khởi phát từ các bộ lạc Thổ Nhĩ Kỳ và trở thành một đế chế hùng mạnh trong khu vực trong thế kỷ 15 và 16, tồn tại mãi cho đến năm 1922, khi nó bị Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ thay thế). Theo luật pháp Ottoman, những người không phải bản địa không được định cư tại khu vực này.
 

Cao nguyên không bình yên

Một số tài liệu cho biết, sau Thế chiến thứ nhất, cao nguyên Golan được Pháp ủy nhiệm cho Syria quản lý và năm 1941 chuyển giao hẳn cho Syria, khi ấy đã được độc lập. Ngày 29/11/1947, Liên Hiệp Quốc thông qua phương án phân chia lãnh thổ ủy trị Palestine thành hai nhà nước, một của người Ả Rập và một của người Do Thái, trong khi khu vực Jerusalem nằm dưới quyền quản lý của Liên Hiệp Quốc dưới dạng một chính thể quốc tế.

Ngày 14/5/1948, một thủ lĩnh Do Thái là David Ben-Gurion tuyên bố "thành lập một nhà nước Do Thái tại “vùng đất Israel”, được biết đến với tên gọi Nhà nước Israel. Biên giới của nhà nước mới không được xác định trong tuyên bố.

10-15-14_2
Cờ Israel trên xác một chiếc xe tăng tại phần đất do Israel chiếm giữ, xa xa là biên giới và một thị trấn ở Syria (ABS&CBN)

Sau cuộc chiến Israel Ả rập (1948-1949), Syria củng cố sự kiểm soát của họ đối với bờ phía tây của cao nguyên Golan. Một số thường dân Israel đã bị pháo binh Syria hoặc các tay súng giết chết. Việc đồng áng, nuôi cá bị ảnh hưởng, và trong nhiều thời điểm không thể tiếp tục.

Trong hai ngày cuối cùng (9 và 10/6/1967) của Cuộc chiến Sáu ngày, lực lượng vũ trang Israel, sau khi đánh bại quân Ai Cập và Jordan, chuyển sự chú ý qua Syria. Dưới sự yểm trợ của Không quân Israel, công binh Israel đã xây dựng đường nối lên cao nguyên Golan, trong khi bộ binh, xe thiết giáp tấn công phía trước. Người Syria đầu hàng và hầu hết người gốc Ả rập rút khỏi cao nguyên. Chính phủ Syria đề nghị ngừng bắn. Cao nguyên Golan được đặt trong vòng kiểm soát của quân đội Israel. 5 làng với đa số người Druze nói tiếng Ả rập vẫn ở lại và được trao quyền công dân Israel, cho dù hầu hết từ chối và vẫn giữ quốc tịch Syria. Cuối những năm 1970, gần 30 khu định cư của người Do Thái được thiết lập trên cao nguyên Golan, và đến năm 1981, Israel đơn phương sáp nhập hẳn Golan vào lãnh thổ của mình.

Cần phải nhắc tới một thỏa thuận giữa Israel và Syria, ký sau cuộc chiến Yom Kippur. Cuộc chiến diễn ra từ 6-26/10/1973 khi liên minh các quốc gia Ả Rập dẫn đầu bởi Ai Cập và Syria chống lại Israel. Cuộc chiến khởi phát khi quân Ai Cập và Syria bất ngờ đồng loạt tấn công Israel trong ngày lễ Yom Kippur, ngày lễ sám hối thiêng liêng của người Do thái. Ai Cập và Syria vượt qua phòng tuyến ngưng bắn tại bán đảo Sinai và Cao nguyên Golan, bị Israel chiếm năm 1967 trong Cuộc chiến Sáu ngày.

Quân Ai Cập và Syria chiến thắng trong vòng 5 ngày đầu, sau đó tình hình xoay chuyển theo hướng có lợi cho Israel. Tới tuần thứ hai, quân Syria bị đánh bật khỏi Cao nguyên Golan. Tại Sinai, quân Israel đánh vào chỗ nối tiếp hai đạo quân Ai Cập, vượt kênh đào Suez (là tuyến ngưng bắn trước đó), đe dọa cô lập Quân đoàn 3 Ai Cập, trước khi lệnh ngưng bắn của Liên Hiệp Quốc có hiệu lực.

Sau cuộc chiến, một thỏa thuận giữa Israel và Syria thiết lập một vùng đệm trên cao nguyên Golan, được Liên Hiệp Quốc giám sát. Các cuộc đàm phán giữa Syria và Israel lâu lâu lại diễn ra, cho đến khi ngưng trệ vào năm 2000 khi Syria yêu cầu Israel rút hoàn toàn khỏi cao nguyên Golan.

10-15-14_3
Một người lính Israel trên cao nguyên Golan (Boston Globe)

Trong khi đó, người Druze bao năm im lặng bỗng chốc trở nên quyết liệt hơn về “thân phận” của mình trong giai đoạn 10 năm đổ lại đây. Nhiều người viết đơn trở thành công dân chính thức của Israel, số còn lại bắt đầu xuống đường bày tỏ sự trung thành với Syria.

Chưa rõ ý đồ thực sự của ông Trump khi công nhận quyền chủ quyền của Israel với Golan, nhưng theo chuyên gia, việc này sẽ không khiến ai ở khu vực Trung đông cảm thấy quá sốc, cho dù một số quốc gia đã ngay lập tức lên tiếng phản đối. “Người Palestine không có niềm tin vào chính sách của ông Trump và tuyên bố mới nhất của ông ta về cao nguyên Golan không làm ai ngạc nhiên cả”, nhà báo Mỹ gốc Palestine Ramzy Baroud nói với tạp chí National Interest.

(Kiến thức gia đình số 16)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Bình luận mới nhất