| Hotline: 0983.970.780

Góp ý sửa Luật Đất đai

Thứ Năm 21/03/2013 , 09:56 (GMT+7)

Ngày 18/3, tại TP Cần Thơ, Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội và Tổ chức Oxfam tổ chức hội thảo “Xem xét, bình luận báo cáo tổng hợp kết quả tham vấn ý kiến nhân dân và góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi”.

Ngày 18/3, tại TP Cần Thơ, Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội và Tổ chức Oxfam tổ chức hội thảo “Xem xét, bình luận báo cáo tổng hợp kết quả tham vấn ý kiến nhân dân và góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi”. Tham dự có Viện trưởng Đinh Xuân Thảo, Đại diện Oxfam Bert Maeten và nhiều lãnh đạo địa phương vùng ĐBSCL, Đông Nam bộ tham dự.

Mở đầu cuộc hội thảo, là trình bày kết quả tham vấn cộng đồng tại các tỉnh Yên Bái, Quảng Bình, Hòa Bình, Long An, do Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội và Oxfam thực hiện từ tháng 11/2012 đến tháng 2/2013.

Với mục đích, lắng nghe tiếng nói của người nông dân và chuyển đến các nhà quản lý để có chính sách thích hợp, tránh gây ra bất ổn xã hội; những câu chuyện cụ thể của người nông dân đã có nhiều gợi mở để thảo luận góp ý sửa đổi Luật Đất đai.


Ông Vũ Văn Định, Phó Chủ tịch UBND phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình): “Định giá đất bồi thường hiện nay không khoa học tí nào”

Chuyện quy hoạch sử dụng đất

Ông Nguyễn Văn Chiến ở tổ dân phố 2B, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (Văn Chấn, Yên Bái) kể nỗi khổ về quy hoạch một thao trường bắn ngay tại địa phương. Quy hoạch năm 2003, diện tích 200 ha, đến nay mới thu hồi khoảng 100 ha theo kiểu da báo, đặc biệt mới lấy đất ở hai quả đồi, còn nhà ông Chiến nằm giữa hai quả đồi cũng trong quy hoạch nhưng chưa đền bù di dời.

“Mỗi năm, ít nhất một lần tập bắn, gia đình tôi phải dậy từ 5 giờ sáng để đưa con cái di tản, đồng thời nhốt trâu, bò, lợn gà lại. Thường 12 giờ mới xong, nhưng gia đình tôi cũng chưa được về ngay vì còn phải chờ kiểm tra còn sót thuốc nổ, đạn chưa nổ hay không. Súng lớn đặt ở quả đồi bên này, bắn sang quả đồi bên kia, mỗi lần bắn là tường nhà tôi rung chuyển muốn sập”, ông Chiến than thở.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến ở Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Luật Đất đai 2003 quy định nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là “dân chủ, công khai” nhưng thiếu “định lượng” nên vi phạm xảy ra phổ biến. Theo ông, Luật sửa đổi cần quy định cụ thể “định lượng” thực hiện dân chủ, công khai trong quy hoạch, sử dụng đất và nếu vi phạm, có thể xử lý hình sự.

Chuyện về chế độ sử dụng đất

Ông Hồ Đài, Trưởng bản Khe Cát, xã Trường Sơn (Quảng Ninh, Quảng Bình) nói: “Xã không thiếu đất nhưng bà con lại thiếu đất vì phần lớn đất là của lâm trường”. Ông Hồ Văn Kiều ở bản Khe Cát, than thở: “Người Vân Kiều từ lâu sống ở rừng, nhờ rừng nuôi. Nay rừng có đó mà cũng như không vì bà con không sản xuất được”. Xã Trường Sơn có diện tích tự nhiên hơn 77.427 ha nhưng các lâm trường quản lý 96,4%, dân bản chỉ quản lý 1,3%.

Cuối năm 2012, UBND xã đề nghị giao đất cho dân sản xuất, UBND tỉnh ra quyết định thu hồi của lâm trường hơn 2.100 ha để giao cho dân. Nhưng trong đó, chỉ 15% có thể sản xuất, còn lại núi dốc, không có đường đi nên không thể sản xuất.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến nói, dự thảo Luật sửa đổi chưa đề cập đến trách nhiệm của các lâm trường trong quản lý sử dụng đất là thiếu sót. Ông Huỳnh Văn Tiếp, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ, nhận xét, các lâm trường và nông trường chủ yếu nhận đất được Nhà nước giao để đi cho thuê lại với nông dân.

Chuyện định giá đất

Ông Vũ Văn Định, Phó Chủ tịch UBND phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), chia sẻ: “Nông dân sống nhờ vào đất, chỉ tính sơ bộ một mét vuông trồng rau, mỗi năm thu 10 lứa được 30 mớ, bán được ít nhất 150.000 đồng. Đó là chưa kể giá trị sản xuất trong nhiều năm. Vậy mà áp giá chỉ có 55.000 đ/m2 là không khoa học tí nào”.

Giá bồi hoàn đất ở xã còn bất hợp lý hơn. Ông Dũng ở xóm Cộng 2, xã Quy Hậu (Tân Lạc, Hoà Bình), kể: “Khi tôi nộp đơn xin sổ đỏ cho khu vườn, phải trả tiền thuế cho 55.000 đ/m2, nhưng nhà nước bồi thường có 36.000 đ/m2, quá rẻ”.

Ông Huỳnh Văn Tiếp, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ, kiến nghị, Luật sửa đổi nên quy định đa sở hữu đất, khi thu hồi áp dụng hình thức trưng mua, trưng thu. Chuyên gia Oxfam nói thêm “nếu có đầu tư, Nhà nước nên mua trước và đấu thầu lại cho các doanh nghiệp”.

Chuyện tái định cư

“Nhà nước không phải là chủ sở hữu đất đai mà chỉ là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai. Trong khi đó, người bị thu hồi đất lại thuộc về phạm trù “toàn dân là chủ sở hữu đất đai” lại bị người đại diện cho mình (Nhà nước) thu hồi đất vì mục đích kinh tế”, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến.

Ông Nguyễn Văn Nguyên ở khu phố 9, thị trấn Mộc Hoá (Mộc Hoá, Long An) kể, năm 2000, UBND huyện xây dựng một tuyến dân cư, vận động ông giao 3.000 m2 đất với giá 5.000 đ/m2 để được ưu tiên mua một lô trên đất cũ. Ông vui vẻ giao đất nhưng 5 năm sau, chưa có nền mà chỉ niêm yết một lô rộng 64 m2, giá 54 triệu đồng, ở nơi khác đất cũ.

“Ngày 5/6/2012, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện gửi thông báo, một lô đất 108,8 triệu đồng, tức là giá 1,7 triệu đồng/m2. Chúng tôi đang khiếu nại, yêu cầu UBND huyện giữ lời hứa”, ông Nguyên nói.

Nhiều chuyên gia và đại biểu dự hội thảo phát biểu, việc quản lý đất đai phải được điều chỉnh bằng luật, hạn chế các văn bản dưới luật. Theo đó, Luật Đất đai sửa đổi “phải quy định cụ thể về nghĩa vụ và các chế tài mà nhà đầu tư phải chịu nếu như không thực hiện đúng cam kết, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân”.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Những công trình vá 'lỗ hổng' hệ thống thủy lợi bờ Nam Sông Hậu

Đồng bào bờ Nam Sông Hậu mong chờ âu thuyền Rạch Mọp vận hành ngăn mặn vào cuối 2024, cùng với những công trình đã được đầu tư để khép kín hệ thống thủy lợi.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hiệu trưởng bắt học sinh đi lao động nếu không dự hội trại có thu phí

THỪA THIÊN - HUẾ Yêu cầu học sinh phải đi lao động nếu không dự hội trại là chưa khoa học, không phù hợp với mục tiêu của hoạt động giáo dục, dễ nảy sinh suy nghĩ nhạy cảm.

Bình luận mới nhất