| Hotline: 0983.970.780

GS Đặng Hữu - người chăm làm những việc ích nước, lợi dân

Chủ Nhật 17/02/2013 , 08:30 (GMT+7)

Tên tuổi ông không nổi lên như cồn trên đài, báo, mặc dù suốt mấy chục năm qua, ông đã lặng lẽ làm không ít việc ích nước, lợi dân…

Tên tuổi ông không nổi lên như cồn trên đài, báo, mặc dù suốt mấy chục năm qua, ông đã lặng lẽ làm không ít việc ích nước, lợi dân… 

Cuối năm 1972, ngay trong những ngày và đêm pháo đài bay B-52 của Mỹ ném bom dữ dội nhằm hủy diệt Hà Nội, lãnh đạo ta đã lo cho thời hậu chiến, lập quy hoạch tái thiết miền nam.

TS Đặng Hữu tham gia Đoàn cán bộ liên ngành, lặng lẽ lên đường vào nam. Đến vùng Trà Mi, Quảng Nam, ông gặp Tướng Chu Huy Mân và Bí thư liên khu ủy Võ Chí Công, hỏi ý kiến về quy hoạch giao thông liên khu V sau giải phóng.

Rời Quảng Nam, tạt sang Lào, đi dọc dòng Mekong, rẽ vào vùng Kon Tum, Plây Cu, ông tìm gặp Tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh quân khu Tây Nguyên, cũng để hỏi ý kiến về mạng lưới đường sá trong tương lai trên cao nguyên Trung phần. Những chiến trường này thời ấy còn ở thế “cài răng lược”, sống chêt chỉ cách nhau gang tấc.

Trở về Hà Nội dăm tháng, lấy xe đạp dăm lần đèo vợ dạo quanh Hồ Gươm, tạt vào ăn que kem Tràng Tiền, cái bánh xu kem Bô-đê-ga, ông lại lặng lẽ khoác ba-lô quay vào đường Trường Sơn. Lần này, ông được đích thân Tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh Binh đoàn 559, mời vào. Vị Tư lệnh đề nghị ông giúp khảo sát, thiết kế tuyến Trường Sơn Đông, bởi vì, khi mùa mưa tới, vào khoảng tháng 10 dương lịch, trên tuyến đường này, ta không đi được nữa, nước cuốn trôi cả xe lẫn người! Lũ dâng, vài ba ngày xe không qua lại được. Ngay cả xe Zil ba cầu của “tiểu đội xe không kính” trong thơ Phạm Tiến Duật cũng đành phải dừng bánh!

TS Đặng Hữu phải vạch ra chi tiết phương án nổ mìn, mở đường qua núi đá. Cho đến lúc ấy, do không có đường rộng cho ô-tô chạy, nên mấy o thanh niên xung phong, trọ trẹ giọng miền trung “mô tê răng rứa” rất dễ thương, cứ phải gùi trên vai từng can xăng nặng, vất vả quá! Miền nam thiếu xăng, thiếu súng đạn thì làm sao mở được cuộc Tổng Tiến công vào mùa xuân năm tới?

Ra Hà Nội chưa bao lâu, nghe tin giải phóng Xuân Lộc, ông nhận lệnh tham gia Ban Quân quản các trường đại học miền nam mới giải phóng. Một lần nữa chia tay vợ con, ông đáp máy bay vào Phan Rang, xin xe Tỉnh uỷ Ninh Thuận, phóng thẳng vào Sài Gòn. Đến Biên Hoà, ngủ lại một đêm, sáng hôm sau, 1-5-1975, ông có mặt tại Dinh Độc Lập, gặp Tướng Trần Văn Trà, nhận nhiệm vụ cùng TS Huỳnh Văn Hoàng đến tiếp quản Viện đại học Thủ Đức, rồi Trường đại học Kỹ thuật Phú Thọ trong Chợ Lớn. Đến ngày 19-5, thì có thêm TS Trần Hồng Quân, TS Huỳnh Xuân Đình và nhiều cán bộ giảng dạy khác tới.

Miền nam giải phóng, TS Đặng Hữu được cử làm Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Nhưng, chỉ hơn một năm sau, ông được điều ra Hà Nội, giữ chức Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Thế là một phen dọn nhà ra bắc!

Từ năm 1981 đến năm 2001, trong 20 năm liền, GS Đặng Hữu được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng. Về mặt Nhà nước, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Sau đó, ông chuyển sang làm Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương Đảng.

Những năm 1995-2003, ông tham gia xây dựng đường Hồ Chí Minh,  con đường huyết mạch thứ hai nối liền bắc - nam, từ khảo sát, thiết kế đến thi công, giám sát, nghiệm thu; cũng như các công trình giao thông hiện đại khác ở nước ta  như đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài, quốc lộ 5, cải tạo quốc lộ 1 từ Lạng Sơn đến Cà Mau, v.v. 

Làm đường dây 500 kV 

Năm 1992, miền nam và miền trung lâm vào tình trạng thiếu điện nghiêm trọng. TP Hồ Chí Minh phải luân phiên cắt điện từng quận các ngày trong tuần, dân kêu oai oái! Trong khi đó, ở miền bắc, về cơ bản, thừa điện. Trước tình hình ấy, có hai phương án giải quyết: hoặc bán điện thừa cho Trung Quốc, hoặc xây dựng đường dây siêu cao áp truyền tải điện năng dư thừa từ miền bắc vào miền trung và miền nam.

Xét nhiều yếu tố về kỹ thuật, chính trị, an ninh năng lượng, Chính phủ ta chọn phương án 2, với cấp điện áp 500 kV. Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi, thì đường dây 500kV bắc -nam mạch 1 có tổng chiều dài 1.487 km gồm có 3.437 cột điện tháp sắt, đi qua 14 tỉnh, thành phố, với 7 lần vượt sông lớn và 17 lần vượt quốc lộ.       

Đây là đường dây 500 kV dài nhất thế giới. Hơn nữa, ở nước ta chưa từng có tiền lệ, thiều chuyên gia giỏi về lĩnh vực này. Thời hạn thi công lại quá ngắn, chỉ trong hai năm. Khi đưa ra thảo luận tại Quốc hội, xuất hiện những ý kiến không tán thành, cho là phiêu lưu, duy ý chí, phí phạm tiền bạc của dân!

Không chỉ dư luận trong nước, mà cả nước ngoài cũng không thuận lợi. Đã có một số bài báo ở Thái-lan đặt câu hỏi: Tại sao Việt Nam lại mạo hiểm như thế?


Giáo sư Đặng Hữu đi kiểm tra chất lượng công trình

Trước tình hình dư luận bất lợi, Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất băn khoăn. Thủ tướng hỏi ý kiến GS Đặng Hữu, một vị bộ trưởng và cũng là chuyên gia đầu ngành xây dựng. GS Hữu trả lời dứt khoát: Nếu Chính phủ quyết tâm và tạo điều kiện thuận lợi, lại có sự giúp đỡ quốc tế, thì anh em cán bộ khoa học. kỹ thuật và công nhân ta chắc chắn làm được. Ông quả quyết: Cho dù đường dây 500kV là một việc làm quá sức đối với đội ngũ của ta, nhưng ta vẫn làm được, cũng như, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô trước kia, ta đã xây dựng thành công Nhà máy Thủy điện Hòa Bình và nhiều công trình lớn khác.

Cảm thấy vững lòng hơn, Thủ tướng liền giao cho GS Đặng Hữu trọng trách theo dõi sát sao công trình này, coi đây là công trình trọng điểm quốc gia số một, giám sát chặt chẽ ngay từ khâu thiết kế cho đến khi khánh thành. Ông được quyền điều các chuyên gia giỏi từ khắp nước về giúp Bộ Điện lực.

Là một người hành động, ngay sau đó, Thủ tướng mời GS Đặng Hữu  đi thăm Australia. Phía bạn cho máy bay chở ông đi khảo sát đường dây 500 kV dài 800 km đang vận hành an toàn ở nước họ.

Công trình được Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công phần đường dây vào ngày 5-4-1992 tại các vị trí móng số 54, 852, 2702 và khởi công phần trạm biến áp vào ngày 21-1-1993 tại trạm biến áp Phú Lâm, TP Hồ Chí Minh.

Đến tháng 4-1994, cơ bản công trình được xây dựng hoàn tất, với khối lượng công việc khổng lồ chưa từng thấy: lắp dựng 3.437 cột tháp sắt; căng 1.487 km dây dẫn (mỗi pha 4 dây) và dây chống sét (2 dây, trong đó 1 dây có mang cáp quang); xây dựng 19 chốt vận hành đường dây; đổ 280.000 m3 bê-tông móng với 23.000 tấn cốt thép; 60.000 tấn cột điện, 23.000 tấn dây dẫn, 930 tấn dây chống sét; 6.300 tấn sứ cách điện, v.v.

Trong công trình lịch sử đó, GS Đặng Hữu gánh trách nhiệm nặng nề và có đóng góp vẻ vang. Cho nên, thật khó diễn tả hết niềm vui của ông trong giây phút đóng cầu giao nối mạng nam - bắc tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia bên bờ Hồ Gươm, nhìn sang Tháp Rùa. Đó là vào lúc 1 giờ khuya. Ông và nhiều người đã khóc! Và rồi cùng nhau mở nút sâm-banh.

Tổng chi phí đầu tư cho công trình là 5.488,39 tỷ đồng, bằng nguồn vốn trong nước, thấp hơn 1% so với dự toán. Công trình đã được khấu hao toàn bộ giá trị xây dựng và quyết toán vào năm 2000.

Sau đó, ta đã tự xây dựng đường dây 500 kV bắc - nam mạch 2, không cần sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài. 

Kết nối Việt Nam với thế giới 

Những năm 1992-1993, Internet bùng nổ trên thế giới. GS Đặng Hữu có ngay tài khoản và mật khẩu để vào Internet qua điện thoại đường dài kết nối với Hong Kong.

Ông cũng là người giúp Chính phủ ta soạn thảo và ban hành Nghị quyết 49-CP ngày 4-8-1993 về công nghệ thông tin, và, sau đó, chủ trì việc xây dựng Chương trình Quốc gia về công nghệ thông tin, rồi làm Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình ấy, cùng với các thành viên khác như GS, TSKH Phan Đình Diệu, Thiếu tướng - GS Nguyễn Đình Ngọc, TS Chu Hảo, TS Mai Liêm Trực, v.v.

Về những ngày đầu khó khăn, GS Đặng Hữu kể:

“Tháng 9-1996, khi tôi đã chuyển về làm Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương Đảng nhưng vẫn còn kiêm chức Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Nhân một chuyến đi công tác cùng Tổng Bí thư Đỗ Mười và Uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Đức Bình, tôi mở máy tính xách tay, nối điện thoại đường dài đến Hong Kong để hai đồng chí lướt qua một số trang web trên Internet. Tôi thấy Tổng Bí thư có vẻ yên tâm, bởi vì, trước đó, đồng chí thường hỏi tôi về cái lợi và cái hại của Internet.

Sau đó, tôi cùng đồng chí Nguyễn Đức Bình đến Trung tâm Internet tại Bưu điện Bờ Hồ, Hà Nội để xem việc kiểm soát Internet như thế nào. Sau chuyến thăm đó, đồng chí ấy đã viết báo cáo lên Bộ Chính trị rằng nước ta kết nối Internet được.

Năm 1997, Bộ Chính trị kết luận cho phép kết nối Internet với thế giới nhưng phải có biện pháp kiểm soát. Sau kết luận của Bộ Chính trị, số người truy cập Internet ở ta tăng rất nhanh. Lúc bấy giờ mới bộc lộ nhiều hạn chế như giá cả cao, tốc độ chậm. Bắt đầu xuất hiện nhiều đánh giá trái ngược nhau đối với Internet, nhất là khi xảy ra sự cố Y2K.

Những anh em tâm huyết lại gặp tôi, bày tỏ nỗi bức xúc: Cần có định hướng chiến lược, quan điểm, nhận thức rõ ràng, có chính sách, chủ trương từ Bộ Chính trị. Việc chuẩn bị cho Bộ Chính trị ra Chỉ thị về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trở nên cần kíp. Và đấy chính là công việc của Ban Khoa giáo trung ương mà lúc đó tôi là Trưởng ban.” 

Được tặng Giải thưởng ASOCIO 

Tháng 4-1994, Văn phòng Thủ tướng nước ta nhận được một yêu cầu từ Văn phòng Thủ tướng Thụy Điển về việc thiết lập một hệ thống email để Thủ tướng Carl Bildt có thể trao đổi công việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trước đó, Thủ tướng Carl Bildt và Tổng thống Mỹ Bill Clinton là những nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện trao đổi công việc qua email. Ngài Carl Bildt có nhã ý muốn mời một vị nguyên thủ của một nước thuộc Thế giới Thứ ba cùng áp dụng cách làm việc ấy, và lời mời được chuyển tới ngài Võ Văn Kiệt. GS Đặng Hữu giới thiệu với Văn phòng Thủ tướng nước ta nhóm nghiên cứu của GS, TSKH Bạch Hưng Khang, viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, và cộng sự là kỹ sư điện tử Trần Bá Thái.

Xách theo chiếc laptop gọn nhẹ, KS Thái cùng vài đồng nghiệp đến lắp đặt email cho Thủ tướng ta chỉ trong 30 phút, với địa chỉ vvk@badinh.ac.vn. Thế là, gần hai thập niên về trước, Võ Văn Kiệt và Carl Bildt đã trở thành cặp nguyên thủ quốc gia thứ hai trên thế giới trao đổi công việc qua Internet.

Tạp chí Asiaweek bầu chọn ba “người hùng kỹ thuật số” (Digital Hero) ở châu Á. Đó là: Sugata Mitra (Ấn Độ), Trần Bá Thái (Việt Nam) và Enkhbat (Mông Cổ).

Năm 2003, GS Đặng Hữu được Tổ chức Công nghiệp tính toán châu Á - châu Đại dương (Asian - Oceanian Computing Industry Organization/ ASOCIO) tặng Giải thưởng ASOCIO, giải thưởng dành tặng những người đóng góp nhiều nhất cho công nghệ thông tin. GS Đặng Hữu là người Việt Nam đầu tiên được tặng giải thưởng ấy.

Là Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình trọng điểm quốc gia, ông theo dõi sát sao ngay từ khâu thiết kế cho đến khi khánh thành nhiều công trình lớn như: cầu hai dây văng Mỹ Thuận trên sông Tiền, cầu hai dây văng Cần Thơ trên sông Hậu, cầu một dây văng Bãi Cháy, Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Nhà máy A-pa-tít Lào Cai, Nhà máy thủy điện Trị An, Nhà máy thủy điện Sơn La, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Nhà máy điện Phú Mỹ, hầm Hải Vân, v.v.

Ông được Nhà nước ta tặng Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất, và nhiều loại huân chương, huy chương khác.

Năm 1994, ông được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Vận tải Liên Xô (nay là Viện Hàn lâm Vận tải LB Nga).

Sau đó, Trường đại học Quốc gia Giao thông - Vận tải Moskva, nơi Đặng Hữu từng làm nghiên cứu sinh, tặng ông bằng Tiến sĩ khoa học danh dự và bằng Giáo sư danh dự.

Cũng vào năm 1994, Trường đại học Giao thông tây- nam Trung Quốc ở Thành Đô (tiền thân là Học viện Đường sắt Đường Sơn, nơi Đặng Hữu từng theo học thời sinh viên) tặng ông bằng Giáo sư danh dự.

Năm 1999, Tổng thống Brazil tặng ông Huân chương Chữ Thập Lớn Rio-Branco vì đã có công đối với nền khoa học của nước này.

Năm 2000, Tổng thống LB Nga tặng ông Huân chương Hữu nghị. Trước đó, năm 1982, Tổng thống Tiệp Khắc (nay là CH Czech và CH Slovakia) tặng ông Huân chương Hữu nghị.

Giờ đây, đã ngoại bát tuần, ông vẫn được tin cậy mời làm chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường đại học Quốc tế Bắc Hà, một đại học tư, do những người tâm huyết với công cuộc chấn hưng giáo dục nước nhà đứng ra thành lập, không nhằm mục tiêu lợi nhuận…

Xem thêm
Vợ NSND Công Lý phẫn nộ khi chồng bị tung tin đồn xấu

Vợ nghệ sĩ Công Lý đã vô cùng bức xúc và phải lên tiếng làm rõ trước thông tin giả đang được lan truyền trên mạng thời gian gần đây.

Nhận định Wolves vs Arsenal: Pháo thủ trút giận?

Trận đấu giữa Wolves vs Arsenal trong khuôn khổ vòng 34 Premier League sẽ diễn ra vào lúc 20h30 ngày 20/4/2024 trên sân vận động Molineaux. 

U23 Việt Nam thắng 2-0 U23 Malaysia, cầm chắc tấm vé vào tứ kết

Thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn đã giành chiến thắng 2-0 trước U23 Malaysia, chúng ta nắm chắc ngôi đầu và tràn trề cơ hội vượt qua vòng bảng.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm