| Hotline: 0983.970.780

Gửi về Thừa Thiên - Huế: "Cơn lốc" vàng tác quái

Thứ Năm 09/02/2012 , 09:50 (GMT+7)

Công ty được cấp phép khai thác vàng đã đe dọa, ép dân nghèo bán đất với giá bèo, lén lút đào vàng trong đất của dân…

Sông A Ka và đất đai ven bờ tan nát bởi việc khai thác vàng

Huyện Nam Đông, Thừa Thiên - Huế đang rất nhức nhối nạn khai thác vàng. Nhiều ngọn núi bị xới tung, lòng sông tan nát, ô nhiễm môi trường, gây mất an ninh trật tự, đẩy người dân vào bước khốn cùng. Công ty được cấp phép khai thác vàng đã đe dọa, ép dân nghèo bán đất với giá bèo, lén lút đào vàng trong đất của dân…

Ép dân bán đất

Sáu tháng trở lại đây, con sông A Ka yên bình qua địa bàn xã Hương Hữu, Thượng Long của huyện Nam Đông oằn mình bởi việc khai thác vàng. Những ngày đầu năm dù trời liên tục mưa và rét buốt nhưng việc khai thác vàng ở đây vẫn rất rầm rộ. Đi dọc sông khoảng 1,5km, chúng tôi thấy khung cảnh tan hoang như vừa bị bom đạn cày xới.

Từ trên bờ, hai chiếc máy múc cùng gần chục người của Công ty TNHH Quang Vinh (Cty Quang Vinh; trụ sở tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đang đào đãi vàng. Những chiếc máy ầm ầm vươn cái vòi khổng lồ ngoạm sâu xuống sông múc đất, nước lên đổ vào máng sàng. Máy sàng phì phạch lọc đãi vàng rồi tuồn tạp chất thẳng ra sông suối. Những đống đất đá ngổn ngang đùn lên ở từng đoạn khiến sông biến thành lô cốt.

Hơn 300 hộ dân ở các thôn 1, 2, 4 của xã Hương Hữu ngày đêm ăn ngủ không yên bởi tiếng ồn. Ông Hồ Văn T., một hộ dân bức xúc: “Khoảng đầu tháng 6/2011, có khoảng 5-6 người Trung Quốc sang đây lắp máy móc, chỉ dẫn cho người Việt Nam, được một tháng thì họ đi. Từ đó, ngày cũng như đêm, họ khai thác vàng làm ồn ào, ô nhiễm nước, sạt lở bờ sông; nhà cửa, vườn tược, đất đai của chúng tôi bị đe dọa”.

 Chỉ vào đống đất ngổn ngang bên cạnh vườn, bà Trần Thị Dơn (52 tuổi, trú thôn 4) nói: “Họ múc đất sát vào vườn nhà tui như vậy thì nguy hiểm quá. Cứ thế này mãi thì vườn tược, cây cối bị cuốn trôi xuống sông hết. Nhiều người không đồng ý bán khu đất ven sông nhưng họ vẫn lén lút khai thác vào ban đêm”.

Từ khi có khai thác vàng, tình trạng an ninh trật tự quá bất ổn. Người dân rất lo lắng khi công nhân là người lạ, người nước ngoài có mặt trong bản làng. Ông Trần Văn Thủ Đô - trưởng thôn 4 nói rằng, nhiều lúc ông và bà con thấy nhiều kim tiêm ma túy ở sông A Ka. Chủ vàng còn ép bà con bán đất với giá bèo để khai thác vàng.

Ông Đô nói: “Đã có bốn hộ dân bán đất cho chủ vàng với giá rất rẻ, tổng cộng 55 triệu đồng. Họ dọa bà con rằng nếu không nhận tiền thì đất cũng bị mất vì tỉnh đã đồng ý cho khai thác vàng. Bà con sợ quá nên đành liều nhắm mắt lên trụ sở UBND xã ký nhận tiền. Và các hộ dân đã tiêu hết số tiền này trong khi cây cối, hoa màu, đất đai đã bị mất hơn nửa năm nay”.

Tại xã Thượng Long, ông Phạm Văn Cường, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Việc khai thác vàng đã làm hàng chục m3 đất ven bờ, một ngôi mộ của dân bị sạt lở, cuốn trôi; ô nhiễm nguồn nước, gây ồn ào; các hố sâu gây nguy hiểm cho việc đi lại của người dân. Chưa thể khẳng định người làm vàng có dùng hóa chất khai thác hay không vì phải cần sự kiểm tra của Phòng TN-MT nhưng hiện nguồn thủy sản trên sông đã bị cạn kiệt. Tháng 8/2011, xã đã làm đơn gửi tỉnh, huyện đề nghị đình chỉ hoạt động khai thác vàng của Cty Quang Vinh nhưng vẫn không có kết quả”.

Lán trại của người khai thác vàng
Điều đặc biệt, việc khai thác vàng ở thượng nguồn sông A Ka đi qua xã Thượng Long đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt cũng như tưới tiêu ở các xã vùng hạ du như Hương Hữu, Hương Sơn.

Lợi bất cấp hại

Vào giữa năm 2011 đến nay, tình trạng khai thác vàng trái phép tại xã Thượng Long rất nhức nhối. Các ngành chức năng đã tiến hành truy quét, đẩy đuổi hàng trăm vàng tặc ra khỏi địa bàn. Tuy nhiên, huyện lại đề nghị tỉnh cho Cty Quang Vinh được khai thác vàng ở xã Thượng Long. Trong tờ trình ngày 18/3/2010 gửi UBND tỉnh TT - Huế, ông Ngô Văn Chiến - Chủ tịch UBND huyện Nam Đông đã đồng ý cho Cty này khai thác vàng tại hai vị trí: bản Gôn (28,8ha) và tại thôn 1, xã Thượng Long (15,4ha). Và đến tháng 5/2010, UBND tỉnh đã cấp giấy phép thăm dò, khai thác vàng cho Cty Quang Vinh với diện tích 6,8ha, thời hạn từ tháng 6/2011 đến tháng tháng 6/2013.

Theo ông Chiến, việc xin khai thác vàng của Cty Quang Vinh là phù hợp với quy hoạch, góp phần cho việc phát triển kinh tế xã hội địa phương, đáp ứng nhu cầu dân sinh và giải quyết việc làm cho lực lượng lao động tại chỗ của huyện nhà. Tuy nhiên, trên thực tế thì hoàn toàn trái ngược với những lời ông Chủ tịch huyện nói. Việc khai thác vàng đã gây nhiều tác động xấu đến môi trường, đời sống dân cư, an ninh trật tự… Lao động khai thác vàng không phải là người dân địa phương mà của Cty Quang Vinh và những người Trung Quốc.

Ông Phan Thế Xê - Trưởng phòng TN - MT Nam Đông cho biết, Phòng và các ban ngành liên quan có khảo sát, kiểm tra và tham mưu cho UBND huyện làm tờ trình gửi tỉnh. Ông Xê thừa nhận: “Việc người dân phản ánh, bức xúc Cty Quang Vinh khai thác vàng là có thật. Sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp với lực lượng công an huyện tiến hành kiểm tra tổng thể, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường”.

Với lợi thế này, Cty Quang Vinh đã tác oai tác quái, làm nhiều chuyện vượt ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Hậu quả ấy là tác động xấu đến môi trường, an ninh trật tự, thiệt hại cho người dân. Nhưng ông Xê lại cho rằng: “Tỉnh, huyện và cảnh sát môi trường tỉnh đã nhiều lần lên kiểm tra tuy nhiên vẫn chưa phát hiện ra sai sót của Cty Quang Vinh như người dân phản ảnh. Họ luôn cam kết thực hiện đúng như quy định”.

Một lần nữa, các ngành chức năng ở Thừa Thiên – Huế lại bất lực trước nạn khai thác vàng. Chỉ trong năm 2011, vàng tặc đã ‘‘khai tử’’ nhiều cánh rừng, sông suối tại các xã Lộc Sơn, Xuân Lộc (huyện Phú Lộc), xã Thượng Long (huyện Nam Đông), lòng hồ Tả Trạch (thị xã Hương Thủy)…

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm