| Hotline: 0983.970.780

Gương dũng cảm của một gia đình đại tư bản

Thứ Tư 15/11/2017 , 07:50 (GMT+7)

Trong nhật ký của mình, ngày 26/12/1946, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến viết: “Nghe tin vợ chồng Đỗ Đình Thiện đương còn ở lại chiến đấu tại phố mình và đường ra rất khó khăn và nguy hiểm. Gương dũng cảm của một gia đình đại tư bản”.

Tinh thần quả cảm của hai vợ chồng

Trước đó một tuần, chiều ngày 19/12/1946, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ghé qua 54 Hàng Gai lần cuối để đón ông bà Thiện đi sơ tán. Song hai vợ chồng vị Phó chủ tịch (ông Thiện) và Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính (bà Điền) khu Hoàn Kiếm, Hà Nội đã quyết ở lại tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Cả bốn người con còn nhỏ (lớn nhất 13 tuổi, bé nhất 5 tuổi) được sơ tán về Vân Đình (Ứng Hòa, Hà Đông - nay là Hà Nội) ở nhờ nhà một người bạn là ông bà Quách Văn Thinh.

23627457-800151153504547-1365295930-o101610154
Ông Đỗ Đình Thiện - đứng đầu tiên, bên phải - tham dự Hội nghị Ngân hàng trưởng Việt Bắc (1952)

Sau 10 ngày đêm tham gia chiến đấu, có liên lạc vào đón, ông bà Thiện đã tổ chức đưa 300 cán bộ và nhân dân rút khỏi Hà Nội, qua đường bãi sông Hồng, gầm cầu Long Biên ra vùng tự do. Cuộc rút lui này đầy gian nan nguy hiểm. Ông bà Thiện đã nói nhỏ với nhau khi gặp tình huống cam go: “Trong hai người, phải cố sống ít nhất một để nuôi con!”.

Về tới Vân Đình sau cuộc rút lui an toàn, ông Thiện được giao nhiệm vụ thu mua thóc để dự trữ cho Quốc phòng, còn bà Điền nhận nhiệm vụ thu mua vàng của đồng bào tản cư để vừa giúp đỡ đồng bào, vừa tích lũy cho Nhà nước. Ít ngày sau, họ lên đến chiến khu Việt Bắc trước thềm năm mới 1947 (dương lịch).

Từ sau tai nạn ô tô ở Pháp, ông Đỗ Đình Thiện (1904 - 1972) thường bị chóng mặt. Có lần đang tăng gia trồng rau ngoài ruộng ở chiến khu, ông hoa mày chóng mặt, phải ôm lấy cột hàng rào để khỏi bị ngã. Vì vậy, ông xin nghỉ công tác từ 1953.
Trở về Thủ đô (1954), ông Đỗ Đình Thiện được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ông tích cực hoạt động cho đến những ngày cuối đời.

Nhật ký ngày đầu tiên của năm 1947, Bộ trưởng Lê Văn Hiến viết: “Vợ chồng anh Đỗ Đình Thiện về được đêm hôm qua 10 giờ. Những lo hai ông bà không lọt được tay người Pháp… Vợ chồng Thiện vẫn còn khỏe. Gặp chị Thiện chẳng có gì lạ! Tinh thần quả cảm của hai vợ chồng ấy cũng đáng khen”.
 

Vị khách đặc biệt

Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ II (2/1951) tiếp đến là Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt (3/1951), tổ chức tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Nhà ông bà Đỗ Đình Thiện ở thôn Phúc Linh, xã Vinh Quang, cách nơi tổ chức Đại hội không đầy 1 km. Những ngày này, không khí sôi nổi, nhộn nhịp từ Đại hội “tràn sang” cả nhà ông bà Thiện. Các ông Nguyễn Lương Bằng, Vũ Đình Huỳnh, Bùi Lâm, Phạm Ngọc Thạch là chỗ quen biết từ lâu. Còn các ông Ung Văn Khiêm, Dương Bạch Mai, Hà Huy Giáp, Phan Trọng Tuệ… từ miền Nam mới ra. Cũng trong những ngày này, gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện đã may mắn nhiều lần được gặp lại Chủ tịch Hồ Chí Minh.

GS.TSKH Đỗ Long Vân, nguyên Viện trưởng Viện Toán học, con trai ông bà Đỗ Đình Thiện kể với người viết bài này những đêm Bác đã nghỉ lại tại gia đình để hôm sau đi công tác sớm. Hoặc có lần Bác đến đón các cháu “con nhà Thiện, con nhà Hiền” sang chỗ Đại hội xem phim, chụp ảnh cùng…

Một buổi tối Bác sang thăm gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện, để đón các cháu (Đỗ Thanh Liên, Đỗ Kim Anh, Đỗ Thiên Hương, Đỗ Long Vân) sang xem phim thì gặp trạm gác vào khu vực Đại hội. Anh bộ đội người dân tộc thiểu số đứng gác, thấy có ông già đi tới liền chặn lại hỏi giấy tờ. Hôm đấy, Bác không mang giấy tờ theo. Anh này liền giữ cả mấy bác cháu lại, không cho vào. Bác vui vẻ đứng đợi và nói chuyện với các cháu, rồi gửi lời nhắn vào với Ban tổ chức. Lát sau, Ban tổ chức vội cho người ra đón Bác cùng các cháu vào. Có người đã trách người lính gác, những anh này thản nhiên trả lời: Cứ tưởng là ông già địa phương nào đó dẫn các cháu đi chơi.

Một tối Bác nghỉ lại nhà ông bà Đỗ Đình Thiện để hôm sau đi sớm. Quanh bếp lửa nhà sàn, cùng với Bác và gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện, còn có một số vị khách khác. Bác nói đại ý: Bác muốn viết thư chào và xin lỗi các đại biểu dự Hội nghị vì không dự được hết Hội nghị, chú nào có giấy bút thì viết hộ Bác.

Mọi người “tiến cử” ông Trần Văn Giàu - Giám đốc Nha Tuyên truyền (Bộ Quốc gia Giáo dục), được xem là “văn hay chữ tốt” nhất ở đấy. Ông Giàu lấy ra một tờ giấy trắng. Bác bắt đầu đọc. “Giáo sư đỏ” họ Trần đặt bút vào giữa trang giấy, chuẩn bị viết. Bác bỗng dừng lại hỏi: “Chú làm gì thế?”. Ông Trần Văn Giàu và mọi người chợt hiểu ra rằng Bác không muốn cho viết từ giữa trang giấy, mà phải viết từ đầu trang cho tiết kiệm. Nguyên Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Nam Bộ cười ngượng nghịu, đoạn làm theo ý Bác.

Còn một kỷ niệm vui vẻ khác cũng được GS.TSKH Đỗ Long Vân kể. Đó là có hôm Bác Hồ sang gia đình rồi ngủ lại. Bác muốn ngủ gần bếp lửa, chứ không vào ngủ trong màn. Sợ đêm xuống nhiều muỗi, ông Thiện mời Bác vào ngủ trong màn nhưng Bác vẫn từ chối. Ông Thiện liền kiên quyết: “Nếu Bác không vào trong màn ngủ để tránh muỗi, chúng tôi sẽ khiêng Bác vào”. Thấy thái độ ráo riết của ông Thiện, Bác Hồ phải chấp thuận đề nghị này.

Giám đốc nhà máy không nhận lương

Tại chiến khu Việt Bắc, ông Đỗ Đình Thiện được ông Nguyễn Lương Bằng mời làm Giám đốc trưởng Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo (1948-1950), với bí danh Hai Chi. Trong thời gian đó, ông Thiện tình nguyện làm việc không nhận lương để “dễ điều hành” công việc. Khi Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được thành lập, ông còn làm Trưởng phòng Quỹ cơ quan này… Còn bà Trịnh Thị Điền ban đầu được giao giữ kho tiền và tài liệu của Đảng, sau làm Thủ quỹ của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.

 

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất