| Hotline: 0983.970.780

Hà Giang cần cơ chế đặc thù

Thứ Tư 04/04/2012 , 10:50 (GMT+7)

NNVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND kiêm Phó Trưởng Ban thường trực BCĐ Chương trình xây dựng NTM tỉnh Hà Giang.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến

Nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân từ chủ trương xây dựng NTM, Hà Giang đã ban hành 8 đề án, phương án dành cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. NNVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND kiêm Phó Trưởng Ban thường trực BCĐ Chương trình xây dựng NTM tỉnh Hà Giang.

 

8 ĐÒN BẨY

Xin ông cho biết cụ thể 8 đề án, phương án tỉnh Hà Giang dành cho khu vực nông nghiệp, nông thôn?

Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ban hành nhấn mạnh tới 15 chương trình trọng tâm, trong đó riêng lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn có 8 nội dung. Năm 2011, toàn bộ 8 đề án, phương án của tỉnh đã được phê duyệt và bước vào tổ chức thực hiện như: Đề án giải quyết chất đốt cho đồng bào 4 huyện vùng cao; Đề án phát triển cây đậu tương hàng hoá tập trung; Đề án quy tụ các hộ sống rải rác ở các sườn núi cao, vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới về sống tập trung gắn xây dựng NTM; Đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn thâm canh; Đề án phát triển cây dược liệu; Đề án thực hiện điểm một số nội dung xây dựng NTM; Phương án trồng cây cảnh quan gắn du lịch công viên địa chất toàn cầu; Phương án phát triển cây vụ Đông theo hình thức luân canh và bố trí lại nguồn vốn đầu tư.

Với các đề án, phương án trên, chúng tôi chú trọng vào chuyển đổi bộ giống để nâng cao năng suất, tiến tới SX hàng hoá. Trước tiên, năm nay tỉnh tập trung giải quyết khâu tăng vụ 3 với huyện vùng thấp và vụ 2 với huyện vùng cao, tùy theo nhu cầu từng địa phương tỉnh sẽ hỗ trợ tiền, giống, kỹ thuật. Như cây đậu tương là một ví dụ, diện tích của Hà Giang xấp xỉ 20.000 ha, thuộc tốp đầu cả nước, nhưng năng suất hiện vẫn thấp, bình quân 1,1 tấn/ha.

Đề án phát triển cây đậu tương của Hà Giang mục đích chính là đưa năng suất cây đậu tương lên 1,6 tấn để tiến tới SX hàng hoá, từ đó nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Sau khi các đề án, phương án được ban hành, ngoài việc chỉ đạo thường xuyên theo quý của UBND tỉnh, trong năm 2012 Tỉnh uỷ Hà Giang đã có văn bản yêu cầu các huyện, thành uỷ phải có kế hoạch triển khai cụ thể chi tiết và lộ trình rõ ràng. 

Năng suất cây đậu tương tại Hà Giang đã tăng lên đáng kể

Hà Giang hiện vẫn là tỉnh thuộc diện nghèo nhất cả nước, vậy địa phương lấy nguồn lực và kinh phí ở đâu để thực hiện thành công 8 đề án này?

"Về lâu dài, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về làm điểm xây dựng NTM, tỉnh Hà Giang đã xây dựng Đề án để thực hiện và sẽ báo cáo, đề xuất với TƯ trong thời gian tới cho Hà Giang một cơ chế đặc thù. Hà Giang mong muốn được phép lồng ghép tổng thể các chương trình mục tiêu vào các xã NTM nhằm tạo sự bứt phá về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa cho các địa phương này. Đặc biệt, tỉnh rất mong muốn xin được cơ chế cho vay trước bằng nguyên vật liệu và trả dần qua các năm", Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến.

Ngoài nguồn lực của các Chương trình, dự án được Trung ương hỗ trợ đã và đang triển khai trên địa bàn như: Hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình 135/TTg, Nghị quyết 30a thì Tỉnh Hà Giang triển khai chính sách vốn vay Ngân hàng thông qua hỗ trợ lãi suất, tập trung bố trí từ nguồn sự nghiệp Nông nghiệp, sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học, đồng thời, tỉnh huy động mọi nguồn vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp tham gia liên kết đầu tư sự tham gia của người dân và bố trí nguồn vốn từ Ngân sách Hà Giang dành riêng để thực hiện các Đề án, phương án.

ĐỪNG MẤT THỜI GIAN "SOI" BỘ TIÊU CHÍ

Tỉnh Hà Giang có chủ trương rất hay là đã hỗ trợ 11.000 tấn xi măng cho các huyện. Vậy sắp tới chủ trương hỗ trợ xi măng có tiếp tục được tỉnh duy trì không thưa ông?

Năm 2011 là năm đầu tiên Hà Giang triển khai chương trình hỗ trợ xi măng phục vụ Chương trình xây dựng NTM với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, mặc dù khối lượng hỗ trợ cho các huyện, thành phố không nhiều (bình quân mỗi huyện 1.000 tấn) nhưng kết quả đạt được là rất lớn, tạo ra sự chủ động cho người dân và phong trào rộng khắp.

Những công trình trước đây Nhà nước đầu tư đều phải thực hiện đền bù cho người dân khi liên quan đến thu hồi đất, vừa mất thời gian, kinh phí thậm chí còn gây khiếu kiện nếu không làm chặt chẽ, khi hoàn thành ý thức quản lý, sử dụng của người dân không cao.

Tuy nhiên, đối với những hạng mục công trình xây dựng NTM thì sự ủng hộ và tham gia của người dân rất chủ động tích cực, đặc biệt là tham gia đóng góp ngày công, hiến đất làm các công trình công cộng có tác dụng lớn trong quá trình sử dụng sau này vì người dân được tham gia, được đóng góp tạo ra sản phẩm đó. Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện cụ thể (từ cung ứng, tiếp nhận đến thực hiện) về hỗ trợ xi măng năm 2011, tỉnh tiếp tục thực hiện hỗ trợ khoảng 30.000 tấn xi măng trong năm 2012.

Là thành viên thường trực BCĐ Chương trình xây dựng NTM tỉnh Hà Giang, đã bao giờ ông cảm thấy băn khoăn lo lắng về bộ 19 tiêu chí?

Lúc đầu tỉnh cũng có nhiều ý kiến lo lắng, băn khoăn. Tuy nhiên, Hà Giang quyết tâm làm theo bộ 19 tiêu chí NTM hiện tại. Ngoài ra, tỉnh còn bổ sung thêm 10 nội dung, tiêu chí như: Không còn hộ dân sống rải rác trên các triền núi cao và vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét; Không sinh con thứ 3, không tảo hôn; Mỗi hộ SX nông nghiệp nếu không sử dụng cơ giới hoá phải có 2, 3 con trâu, bò trở lên…

Bản thân tôi cho rằng, Chương trình NTM đến thời điểm hiện tại đã trúng và đúng tâm tư nguyện vọng của người dân. Cái nghèo tuy chưa qua, nhưng đời sống đồng bào đã khá hơn nên phải chú ý đầu tư vào cơ sở vật chất ngay từ hộ gia đình và đó là mục tiêu mà bộ 19 tiêu chí hướng tới. Theo tôi, không nóng vội thay đổi 19 tiêu chí vì có thể phù hợp phía Bắc nhưng phía Nam lại không, ngay trong tỉnh Hà Giang có tiêu chí huyện vùng thấp hợp song huyện vùng cao lại không.

Bây giờ không nên mất thời gian loay hoay “soi sét” bộ tiêu chí NTM bởi nó trúng và đúng ở phạm vi cả nước nhưng không phải chỗ nào cũng phù hợp, ta cứ làm đã còn những chỗ không đạt được tiêu chí ta tính lại sau. Ví dụ, trên vùng cao để có diện tích đất làm nhà văn hoá, sân thể thao theo đúng tiêu chuẩn thì rất khó, cho nên chúng ta không vội vàng đánh giá về 19 tiêu chí này mà trước hết hãy làm đi đã, làm rồi sau đó điều chỉnh cũng chưa muộn.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.